Translate

Thứ Tư, 12 tháng 12, 2012

GIẢI OAN CẮT KẾT - PHẦN III





Bạ thứ 4 :
   Kệ như trên Nay có vong linh......... Xưa kia sống ở trên đời, buông thả thân, tâm, chưa từng lễ Phật, niệm kinh, bỏ phí công lao, sức lực. Tấm thân, sớm chiều vạ vật, cả ngày lười biếng dong chơi tạo nên cái tâm thái quá phụ lực. Ngày nay không chuyên cần tích cực, khi nào mới thoát khỏi oan gia. Lấy tinh tiến (tích cực) độ cho tâm lười biếng (giải đãi) để giải trừ mối oan gia phụ lực. Nam mô tinh tiến Ba La Mật, dĩ giải phụ lực oan gia chi kết nghĩa là : Thành kính tích cực siêu Việt để cửi bỏ mối kết buộc oan gia phụ lực. Nam mô giải oan kết Bồ Tát Ma Ha Tát.
  Tinh tiến là động lực thúc đẩy việc tu tập đi đến thành công. Tinh là chuyên nhất, hay dốc lòng thành, mang hết năng lực, tâm trí của mình ra hành động để đưa đến kết quả viên mãn, thành chính giác. Tiến là không lùi. Như vậy hành giả lấy tinh tiến Ba La Mật để diệt trừ sự kết buộc do lười biếng dong chơi hoặc làm lãng phí công sức của người hoặc thời gian chơi bời vô bổ của bản thân mình.
    Bạ kết thứ 5 :
    Bài kệ : Vô thủy luân hồi thiên vạn kiếp, giai do phiền não bất giải thoát. Ngã kim đoạn trừ phiền não căn. Lúc Ba La Mật vi giải kết. Nay có vong linh....... Lúc còn sống ở trên đời, cách sống đối với mọi người, lòng nghĩ thường hay tráo trở, tính nóng như lửa tới tận trời, cất bước mà bao loài bị chết, buông lòng thỏa ý làm càn. Lúc nào cũng nghĩ tới ác nhân, luôn luôn tính toan làm việc xấu : Không lấy tọa thiền, khó mà giải thoát oan khiên. Lấy thiền định độ tâm tán loạn để cửi bỏ mối oan gia phụ đả. Nam mô thiền định Ba La Mật, dĩ giải phụ đả oan gia chi kết.
    Như vậy mối oan kết này do tâm loạn động khiến cho thân hành động mù quáng mà tạo ra mối oan kết này. Phật dạy :“Tội từ tâm khởi lên thì cũng lại từ tâm mà diệt đi”. Vì vậy phải tọa thiền đề cho tâm an định, trở về nơi xuất phát, vốn thanh tịnh, lặng trong, bản nhiên tự tại thì các mối oan kết tự diệt. Bạ kết thứ 6 : Sau khi đọc bài kệ Pháp sự lại nhắc : Nay có vong linh....... Sống gửi ở cõi đời chỉ chạy theo cái thân hình như huyễn mộng. Tâm thì không có trí tuệ. Mỗi khi làm, tính lại ngu si, khởi tâm là động niệm, dựa vào thần thức mà phân biệt nọ kia. Uốn lưỡi khua môi toàn chửi mắng khinh người, rẻ của. Lại còn nhìn khinh bỉ người ta, tránh sao thoát hàm oan với họ. Nếu không nhờ đến trí tuệ Phật Pháp sáng soi, làm sao nơi u ám tối tăm được rạng tỏ. Nay trước tòa Tam Bảo nên một lòng quy mệnh. Lấy trí tuệ mà độ ngu si để giải mối oan gia phụ mạ. Nam mô Trí tuệ Ba La Mật dĩ giải phụ mạ oan gia chi kết.  Bạ kết thứ sáu, mối kết buộc là do ngu si, do tâm vọng động mà tạo nên, do thức phân biệt, do miệng chửi rủa, mắng nhiếc người mà tự kết buộc. Nay lấy trí tuệ Ba La Mật là trí tuệ xuất thế gian để độ cho ngu si. Trí tụê như ánh sáng tới thì tối tăm u ám đều hết. Người tỉnh ngộ thì hết mê mộng, oan kết tự hết. Lại một lần nữa nhắc lại bài kệ. Vô thủy luân hồi thiên vạn kiếp, giai do phiền não bất giải thoát, ngã kim đoạn trừ phiền não căn, Lục Ba La Mật vi giải kết. Nay có chúng sinh do lục căn tiếp xúc với lục trần, rồi lục thức tác động vào mà thành lục kết. Đức Phật ta mở ra pháp môn Lục độ để hàng phục lục tặc, tu lục Ba La Mật mà chứng được Lục thông. Ngưỡng mong chư Phật rủ lòng từ bi giải thoát mối oan nghiệp cho chúng sinh và thiện nam, tín nữ trong pháp hội hiện tiền, kẻ mất, người còn cùng có lòng tin sâu chắc, đồng lòng cùng nhau tụng chân kinh lục tự.
   Sau phần đọc sớ lại có lời bạt cuối cùng. Trộm nghĩ rằng : Quả Tam kỳ (quả Phật) đã tròn đầy rồi, Phật lại thị hiện như hoa ưu đàm ở đời, thân hóa ra cả nghìn loại để diễn giảng những giáo điển khó nói, lấy thí dụ tam xa để độ các loài hàm linh (loài có sự sống) trong tam giới thành tựu Tam giác Bồ Đề, chứng quả Tam không ngay đó. Thân Phật tướng đẹp lồng lộng như núi vàng Bát Nhã, Biển pháp lặng trong sáng láng tựa trăng trong Ngân hán. Cõi Tây Thiên hay miền Đông độ : Các vị Bồ Tát hay Thánh Tăng, nói Pháp về thế giới này hay về phương khác. Ứng cúng tại cõi nhân gian hay các cõi trời. Dù nghịch hành hay thuận hành đều là Phật sự. Nâng chân lên, đặt chân xuống, tất cả đều là Đạo tràng. Nay Pháp sự sắp được viên mãn, chuẩn bị trao phó điệp đại giới Bồ Đề, ở trước Bảo tòa chư Phật cấp cho chân linh, trang nghiêm tuyên đọc.
   Như vậy từ đầu tới cuối của khoa cúng không hề có một nét gì mê tín, mà tràn ngập tư tưởng Đại thừa liễu nghĩa. Khi sáu căn tiếp xúc với 6 trần cảnh, nếu khởi vọng niệm phân biện thì đó là gốc của vô minh, triền phọc (kết buộc). Và cũng chính từ sáu căn đó mà giác ngộ là thành Phật. Từ vô thủy chúng sinh theo dòng sinh diệt, bỏ tính chân như sáng suốt, chấp ngã, chấp pháp mà sinh ta phiền não sai lầm. Nên không phải căn cũng gọi là căn, không phải trần cũng gọi là trần, không phải thức cũng gọi là thức mà không biết rằng tất cả các pháp đều là Như Lai tạng tính. Nếu chính nơi căn, trần, thức ấy chúng sinh nhận rõ các pháp đều duyên nhau mà phát khởi chấp mắc thì gọi là trói buộc. Nếu không có sai khác, thì tất cả đều là tính chân như sáng suốt, là Như Lai tạng tính vốn trạm nhiên, thường trụ. Ngay chính từ chỗ mê mà hết mê, tức là giác ngộ, là cởi nút buộc, là giải thoát. Không cần tìm đâu xa ngay trong phiền não có Bồ Đề. Nên dù giải thoát hay trói buộc cũng không ngoài Như Lai tạng tính, nó cũng không hai, không khác.
    Ngày từ đầu khoa cúng Tổ đã nêu vong linh do căn, trần đối đãi mà tạo nên oan nghiệp trói buộc. Tuy chân tính không hề sai khác mà đã có trói buộc thì phải có tu hành phương tiện để cửi mở. Về lý thì có thể ngộ liền. Về sự thì phải tuần tự mà đi tới, theo thứ lớp mà cửi bỏ, tháo gỡ dần, từ lớp thô phù cho tới vi tế. Mở cả được sáu nút là hết vọng và trở về chân. Chính từ nơi sáu căn mà thành chính giác. Lấy Lục Ba La Mật để cửi bỏ các kết buộc do sáu căn tiếp xúc với sáu trần. Lấy bố thí đối trị san tham, lấy trì giới độ cho phá giới, lấy nhẫn nhục để độ cho sân hận, lấy tích cực độ cho lười biếng, lấy thiền định độ cho tâm tán loạn, lấy trí tuệ độ cho ngu si.
   Trong Kinh Lăng Nghiêm Phật dạy :“Mở nút đầu tiên là phá trừ ngã chấp, chứng được nhân không. Mở nút thứ hai là phá trừ pháp chấp, sau mới chứng được pháp không”. Kinh Lăng Nghiêm Phật học phổ thông tập 3 tr.524 Người hành Bồ Tát đạo tu tất cả mà không thấy tướng mình tu chứng đắc mà không có tướng chứng đắc (vô sở đắc).
    Ngày nay trong đất nước ta đang hội nhập kinh tế thế giới, là cơ hội tốt cho sự thu hút đầu tư cho tăng trưởng kinh tế. Nhưng mặt trái của nó cũng tác hại ghê gớm nó phá vỡ rất nhiều truyền thống văn hóa tốt đẹp, nhiều thuần phong mỹ tục bị đảo lộn, sự phân hóa giầu nghèo ngày càng cách biệt xa hơn v.v... Đứng trước những vấn nạn đó, Phật giáo với truyền thống luôn đồng hành cùng dân tộc và được sự giúp đỡ của các cơ quan chức năng của Nhà nước nhất định Phật giáo Việt Nam bằng nhiều hình thức khác nhau sẽ tuyên truyền, vận động mọi người tu học lục độ để tự mình giải oan cho mình ngay thời hiện tại đây. Hoặc là tùy theo khả năng, sức lực của mình tùy ở mỗi địa vị làm việc, công tác ai cũng làm thiện, ai cũng giúp đỡ, chia sẻ với người khác từ ý nghĩ thiện, lời nói thiện, hành động cũng thiện. Để tự trừ bỏ ba thứ tham, sân, si là gốc của khổ đau luân hồi sinh tử, sẽ tạo dựng thành một quốc độ thanh tịnh và an lạc ngay tại thế gian này. Vì theo Phật dạy :“Tâm tịnh quốc độ sẽ tịnh, tâm nhơ quốc độ sẽ nhơ”. Nếu được thành công như vậy, chính là đã phát huy và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc tốt nhất.
    Đúng như cuối khoa cúng Tổ đã dạy :“Các vị Bồ Tát, hoặc Thánh Tăng đi thuyết pháp ở nơi này hay nơi khác, thuận hành, hay nghịch hành tất cả đều là Phật sự, nâng chân lên, đặt chân xuống mỗi bước đi đều là đạo tràng”. Cho nên việc lập đàn giải oan cắt kết chỉ là phương tiện để tuyên truyền tư tưởng Phật giáo Đại thừa và dạy cho mọi người sống một cuộc sống vô ngã vị tha để diệt trừ chấp ngã, chấp pháp mà thành chính giác.

Sưu tầm từ :http://conduonghuongthuong.info/Home/index.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét