T.T Thích Quảng Tùng:
Phật dạy :
Các vị Bồ Tát phải thiện xảo phương tiện trong việc hoằng dương chính pháp, lợi lạc quần sinh. Tức là Bồ Tát phải khéo léo vận dụng các phương pháp thích hợp để truyền bá tư tưởng giáo lý của Đức Phật. Tương truyền, khoa cúng đàn thập cúng trong đó có khoa giải oan cắt kết là do Tổ Huyền Quang, Lưỡng Quốc Trạng Nguyên soạn từ thời Trần, để thông qua việc cúng lễ, nơi tập trung đông Phật tử, dân làng và con cháu hiếu chủ mà tuyên truyền, quảng bá tư tưởng lục độ Ba La Mật của Phật giáo Đại thừa, giúp cho họ bỏ ác tu thiện.
Vậy mà một thời nó được gắn với tội mê tín . Chuyện lầm lẫn đó cũng không lạ. Bởi vì trống, phách, kèn, sáo ầm ĩ các sư pháp sự mặc áo cà sa đầu đội mũ thất Phật, tay kéo, tay dao, khai hoa, kết ấn, chạy đàn cắt những hình người rồi đốt, đọc, tụng toàn âm Hán - Việt chẳng biết ý nghĩa mô tê, nên các nhà quản lý xếp luôn vào với mê tín cho xong. Nhưng thực chất đàn cúng giải oan cắt kết là hiển giáo, lấy việc làm cụ thể để diễn đạt cho cái trừu tượng không có hình tướng, mượn lời nói để giải thích cho những chỗ cốt lõi của đạo không thể dùng lời nói mà diễn đạt được.
Về hình thức :
Dùng một tấm vải trắng dài khoảng 8 - 10m rộng 0,40m. Căng ngang trước đàn và dán lên đó các hình người có ghi Lục căn, Lục trần, Lục thức, Lục độ Ba La Mật, Thập nhị nhân duyên và một cái khiên cũng theo hình người nhưng lớn hơn treo ở tại đoạn giữa và hai đầu vải thắt lại mỗi bên ba nút. Khi cắt hết các thứ tượng trưng trên thì tấm vải được cắt tại điểm giữa thành hai đoạn.
Bạ kết đầu : Khi Pháp sự cắt kết thì cắt nhãn căn, sắc trần, nhãn thức, cắt giải phụ tài, cắt vô minh và hành trong 12 nhân duyên và cắt một chân của cái khiên và cửi ra một nút thắt ở đầu vải.
Bạ hai : Pháp sự cắt nhĩ căn, thanh trần, nhĩ thức, cắt giải, phụ mệnh, cắt thức và danh sắc trong 12 nhân duyên và một chân thứ 2 của khiên.
Bạ kết 3, 4, 5, 6 cắt các căn, trần, thức.... còn lại và mỗi bạ kết cắt xong thì cửi tháo ra một nút vải thắt buộc. Ngay trên đầu khoa cúng Tổ đã giới thiệu sơ lược về thân thế và sự nghiệp, nguyện lực của Phật cứu độ chúng sinh. “Ngưỡng bạch Đức Phật! Ngài là bậc giác ngộ tròn đầy, biết thế giới là vô thường, dủ lòng từ bi mà cứu khổ cho chúng sinh. Cho nên Ngài giáng sinh vào hoàng cung, cưỡi ngựa trắng vào núi tuyết để tu hành. Vào rừng xanh mà cắt tóc tu hành, chim khách thước làm tổ trên đầu. Con nhện giăng tơ trước mắt. Tu tịch diệt mà chứng quả chân thường, đoạn trừ trần lao mà thành chính giác. Ngài khéo dùng pháp phương tiện cảm ứng khắp cùng, cúi xin Ngài thương xót chúng sinh mà chứng minh công đức này. Hôm nay có trai chủ......... lòng tin thuần khiết hết lòng nương tựa vào khoa giáo mở đàn lục độ diễn giảng kinh văn, nhờ những lời dạy bảo giúp thêm của pháp sự. Nghĩ rằng vong linh do căn với trần đối đãi nhau khiến cho oan nghiệp trói buộc. Nay nhờ pháp môn Phật dạy để cửi bỏ những mối kết buộc cho chúng sinh. Tín chủ thành tâm thay cho chân linh tới trước Tam Bảo để giải những những phiền não từ hồi vô thủy.
Như vậy muốn cho đàn cúng giải oan cắt kết thành công, điều cơ bản là trai chủ phải thành tâm thay cho các vong linh ở trước Tam Bảo với lòng thương và chứng minh của Phật để mà giải kết. Điều quan trọng thứ hai là các vị pháp sự phải thực hành theo đúng như khoa giáo và cũng phải nhất tâm. Bởi vì lòng tin là mẹ đẻ ra mọi công đức thiện.
Tiếp theo khoa cúng nêu lên nguyên nhân vì sao mà vong linh bị kết buộc dẫn đến đau khổ trầm luân không thoát ra được và đưa ra ví dụ của Đức Phật trên Hội Lăng Nghiêm, Ngài đã lấy khăn vải kết buộc vào lại cởi bỏ ra để dạy cho đệ tử là A Nan và đại chúng rằng : “Này A Nan, khiến cho các ông nhiều kiếp sinh tử luân hồi, chỉ vì sáu căn mà làm cho các ông chứng được đạo quả Bồ Đề an vui giải thoát, cũng chỉ vì sáu căn của các ông mà thôi”.
Phật học phổ thông tập 3, tr.518
“A Nan ông xem cái khăn đã buộc sáu nút dây có thể đồng một thời mở được hết sáu nút được không?”. “A Nan trả lời :“Bạch Thế Tôn : Sáu nút tuy cùng một cái khăn, song khi buộc đã tuần tự mà buộc, thì khi mở cũng phải theo thứ lớp mà mở không thể cùng một lúc mà mở được hết”.
Phật học phổ thông tập 3, tr.524 Trong khoa viết : Kính nghe! Diệu tính vốn lặng trong, thường ở yên không có đi có đến. Ở trong chân như không thay đổi mà tùy theo điều kiện mà hiện ra là sắc hay là không (vật chất hay tinh thần). Chỉ vì trong một loáng khởi lên vọng tâm mà khuấy động biển giác vốn lặng trong làm cho tam tế chuyển ra thành nghiệp. Lục thô khởi do trí trói buộc mà bị khổ. Tướng tựa vào tính khởi mà tình sinh, trí cách ngàn trùng, tâm chạy theo vật đổi. Tướng biến dẫn đến hình thể khác ra vạn trạng, cho tới lấy nợ, trả nợ đều là theo mê vào mê. Hoặc, nghiệp, khổ gộp lại thì ác xấu tỏa ra. Căn, trần, thức gắn kết như keo sơn.
Mắt nhìn thấy sắc, nhãn thức tham đắm mà ái nhiễm lớn lên không ngừng.
Tai nghe tiếng, nhĩ thức phân biệt mà phải trái nối dài, cho đến mũi, lưỡi, thân, ý kết giao với xúc, pháp, vị, hương.
Thức dựa vào căn, căn dựa vào trần ba duyên hòa hợp. Tình sinh ái, ái sinh ham muốn, nên bị vạn kiếp luân hồi. Một ngày thành oan gia thì nhiều đời khó mà giải thoát. Cảnh trần bên ngoài khuấy động, phiền não trong tâm nhiễm trược càng tăng. Không dời cảnh trên mà không bị trầm luân và không có giải thoát.
Trong giáo pháp thanh tịnh mà tự sinh ra trói buộc. Đức Phật tại Hội Lăng Nghiêm nói rộng nghĩa Đại thừa rồi lấy chiếc khăn hoa ra buộc kết vào lại cởi nút ra vì mọi người mà giải thích về lục căn và lục kết. Cho nên nói rằng Đức Thế Tôn là bậc thày tự tại, từ chỗ không có lời nói mà mượn lời để nói. Ở trong hư không kết buộc trong cái không mà giải cái không đó. Nay nhờ sức từ bi của Phật sẽ vì chân linh mà giải kết”. Qua đoạn văn bạch trên chúng ta thấy do sáu căn tiếp xúc với sáu trần khởi lên vọng niệm phân biệt nên bị trói buộc gọi là kết. Còn bậc thánh nhân cũng từ căn trần ấy nhưng vì giác ngộ, không khởi phân biệt, không chấp thật có ngã, có pháp, nên được giải thoát thì gọi là Giải thoát.
Kinh Lăng Nghiêm Phật dạy :“Căn, trần cùng một thể, triền phược và giải thoát không hai (mê thì triền phược, ngộ thì giải thoát). Các thức hư vọng cũng như hoa đốm giữa hư không. Vì có trần cảnh, nên ở nơi căn mới khởi ra phân biệt. Vì đã có cái năng phân biệt ở nơi căn nên mới hiện ra cái tướng bị phân biệt là cảnh. Căn (kiến) và cảnh (tướng) đối đãi nhau vọng hiện, chứ không thật có (vô tính)
Phật học phổ thông tập 3, tr.518.
Còn tiếp..................
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét