Translate

Chủ Nhật, 10 tháng 3, 2013

THẾ NÀO LÀ RƯỢU COGNAC - I


Tiếng Mỹ gọi là Brandy, tiếng Pháp gọi là Cognac. Cognac là một loại rượu mạnh tại Pháp, vang danh thiên hạ, như bên Tàu có rượu Ngũ gia Bì và Mai Quế Lộ. Chính rượu Mai Quế Lộ này mà tướng Quan Công chém rớt đầu Nhan Lương Văn Xú vào một mùa đông tuyết rời miền cực Bắc nước Tàu.

Brandy là một loại rượu được cất từ rượu chát mà ra, Cognac cũng vậy, họ dùng champagne cất ra. Xứ nào cũng có Brandy, nhưng Brandy là Brandy còn Cognac là Cognac. Cognac tên một làng của Pháp chuyên môn cất chế ra rượu mạnh tên làng nổi danh thành ra tên riêng luôn. Như ta có Bát Tràng nghĩa là đồ gốm Bát Tràng (nay tại Hà Nội). Cognac nằm ở miền Nam nước Pháp, rộng khoảng 250 ngàn acres (Acre = mẫu Anh = 0,4 hectare = 4000m²).


Bên ngoài là biển Atlantic, còn trong thì có dòng sông Charente. Cognac chỉ là một tỉnh lỵ nhỏ nằm trong 3 tỉnh lớn: Angoumois, Saintonge và Aunis. Trong thời gian bị trị bởi La Mã, thì những tỉnh lỵ này ngoài sự làm rượu nho họ còn làm muối biển rất ngon, cung cấp cho toàn vùng Châu Âu. La Mã có tiền nhiều nhờ những công nghệ này. Riêng con sông lớn Charente là nơi ghe xuồng tấp nập mua bán, xuôi ngược Bắc Nam. Nếu không nhờ một lái buôn, người Hòa Lan gốc Đức, tên là Den Helkenwijk thì chúng ta sẽ không có loại Cognac ngon mà uống đâu. Ông lái rượu này chuyên mua rượu Pháp chở bằng ghe xuồng sang Hòa Lan, ngày kia ông tính toán thấy càng chở càng lỗ vốn, thùng tônô rượu chát quá cồng kềnh, khiêng vác tốn nhiều tiền công sức. Chẳng lẽ dẹp nghề của ông cha mình để lại? Mà rượu chát đỏ hay trắng toàn là nước là nước rất nhiều, tại sao mình không làm cách nào ít nước để dễ chuyên chở, rồi về đến bển thì pha thêm nước vào tiện lợi đôi bề. Nghĩ là làm, ông nhờ một lò rượu tìm cách chưng rượu chát dùm ông. Dĩ nhiên chủ lò nghĩ trong bụng: bộ cha này khùng sao đây? Nhưng cũng nghe lời, đem thùng rượu chát đỏ mà chưng cách thủy.

Tiếng Hòa Lan gọi là Brandewijin (nghĩa là burned-wine = đốt rượu) Thành thử ngày nay thế giới xài danh từ Brandy thì không lấy gì làm lạ.

Đun nóng đến một nhiệt độ vừa đến 173° F (tương đương 78.3 độ C) thì rượu chát bốc thành ethyl-alcohol. Hơi nóng được đông lạnh lại thành một chất rượu mạnh, chính ông lái rượu và chủ lò cất rượu uống ly rượu đầu tiên thì té chỏng gọng, ngủ khò nguyên đêm. Thức dậy cả hai lấy làm hoan hỉ vô cùng. Nhưng muốn trở thành Brandy thì phải chưng cất thêm một lần nữa, uống vài ly rồi thì khà vào lò, lò phựt lửa thì thành công.

Còn Brandy tại California thì độ mạnh của rượu lấy ra được 85% alcohol. Tại Pháp người ta dùng loại cân rượu tên là Gay-Lussac, độ ghi là 40 độ G.L nghĩa là chứa 40 % alcohol. Còn những xứ thuộc ảnh hưởng của Anh Quốc (Great Britain) thì người ta dùng danh từ Proof, nhưng qua đến Mỹ thì Proof được hiểu theo nghĩa khác rồi. Nói thì hơi kỳ cục, bên Anh Quốc họ dùng chữ Proof nghĩa là rượu mạnh đến độ nào đó, được pha thêm chút thuốc diêm sinh (loại dùng trong thuốc súng, gốc là Sulfur) Dĩ nhiên khi pha loại thuốc súng đó vào rượu thì xin đừng uống nghen, uống vào chết ráng chịu. Mà họ tính đúng cân lượng của họ rồi bật diêm lên, hỗn hợp đó nổ cái ùm... Đó là proof của Anh Quốc đấy. Và 100 British Proof có nghĩa là chứa đến 57.1% alcohol. Còn qua Mỹ thì Proof họ nhồi lên gấp 2 lần. Vídụ như độ rượu bên Pháp người ta ghi là 40 G.L thì tại Anh Quốc người ta ghi là 70 proof British, còn qua bên Mỹ thì người ta ghi là 80 proof U.S.A. Proof hay không proof dân nhậu không cần, mà chỉ cần uống vào một cái là thấy lửa cháy rần rần trong người, thêm một miếng mồi nhậu, rồi thêm một ly nữa... thì cho dù ngày mai sa địa ngục ta cũng không sợ, phải không?

 
Brandy khi cất xong thì chỉ có một chất lỏng trắng trong, có vị cay vị say. Nhưng nhờ dân Cognac cất loại này trong một thùng tônô (tonneau) thì ra màu vàng nâu sẫm. Thùng tônô  này chứa được khoảng 350 lít (157 gallons). Bên Pháp nhờ một loại cây đặc biệt là cây sồi mọc ở rừng Limousin Forest (hướng Bắc trên núi của vùng Cognac). Loại cây này rất cao lớn, thớ gỗ rất mịn không rỉ nước, nhiều chất tannin (chất đăng đắng của cây). Chính chất này tạo hương vị của Cognac mà không nơi nào trên thế giới làm được. Muốn dùng cây này phải lựa cây thọ đến 100 tuổi sắp lên cây mới sử dụng được, trước đó cây còn non, thì hương rượu vị cognac cũng còn non tay luôn. Khi cây Limousine Oak này hạ xuống thì phải có thợ chuyên đóng thùng tônô bắt tay vào việc mới được. Họ cưa ra từng miếng dọc dài hình chữ nhựt, chất ra ngoài sân có chút bóng mát, vì quá nắng cây sẽ nứt rạn ra. Để chừng khoảng 3 năm mưa nắng thì xài được rồi, từ đó họ mới đóng thùng tônô để bán cho lò rượu. Hãng đóng thùng fût nổi tiếng tại làng Taransaud thường mở lớp dạy học trò chuyên môn đóng thùng rượu mà làm sinh kế. Học khoảng trên 4 năm thì hạ sơn được rồi. Khi bạn ghé đến lò rượu Cognac thì đừng quên ghé đến làng Taransaud này.

Nhiều lò rượu danh tửu như Camus hay Delamain thường thích chứa rượu trong thùng tônô cũ mua lại, vì sẽ làm mùi rượu thơm hơn thùng mới toanh.


Mỗi loại Cognac làm ra cho một mùa nho, thường thường người ta chứa trong một hầm sâu, gọi là Chais. Lý do sâu dưới đất thì không khí không bị thay đổi nhiều như trên mặt đất, càng sâu càng tốt, dưới sâu thì không khí oxygen không nhiều, không làm cho rượu chua, như vậy mới tốt cho rượu. Rồi người ta đóng số, và năm cất dưới hầm. Rồi chờ vài chục năm thì khui hầm ra bán, mỗi hầm rượu bán ra thì con cháu 3 đời ăn không hết số tiền lời đó. Cho dù thùng kín đến mấy, không một giọt nào chảy ra được, nhưng khi khui ra thì rượu đã mất từ 3 đến 4 % trong lượng thể tích, mà chủ lò thường nhún vai gọi là phần của Thiên Thần giữ cữa "à la part des anges". Như vậy toàn tỉnh Cognac hàng năm Thiên Thần đã nhậu mất lên đến khoảng 15 triệu chai lít. Xuống những hầm rượu sâu thấy vách tường đá có những lớp rêu đen nghịt bởi nấm fungus (khoa học gọi là: Torula compniacencis fungus). Đó là bằng chứng rượu được thiên nhiên thời gian nhúng tay vào. Khoảng 5 năm đầu tiên trong thùng tônô chất tannin của cây sồi tác dụng với chất acid của cognac rượu, rồi giảm lần lần theo thời gian. Sau 5 năm nữa thì màu vàng nhạt sẽ biến thành màu vàng hổ phách, thì vị chi rượu đã 10 tuổi rồi. Nhưng không phải để quá lâu, nếu để quá lâu thì coi chừng Thiên Thần nhậu sạch bách chỉ còn thùng không mà thôi. Nhưng tại sao chai rượu Cognac lại ghi 50 năm tuổi thọ? Là vì họ chờ đến năm thứ 10 thì họ khui thùng tônô rồi sớt ra chai cất vào chỗ khác.

CÁCH MUA RƯỢU VÀ ĐÁNH GIÁ RƯỢU BIẾU :



Danh hạng rượu:




[*]3 Stars (***) (đôi khi ghi là V.S) là loại rượu trẻ non tay nhất. Nhưng được tiêu thụ nhiều nhất, đem lợi nhuận nhiều nhất, vì giá phổ thông cho dân ghiền, bạn bè nhiều đếm không hết thì nên mua loại này mà mời tụi nó lại nhậu. Tụi nó cũng vui rồi. Tuổi rượu từ 3 đến 5 tuổi.


[*]V.S.O.P (Very Special Old Pale): Có người cho là Very Special Old Product gọi như vậy không đúng sách vở. Mà cũng không phải chữ Pale là mặt xanh lè của những tay ghiền rượu khi đụng thứ quá mắt tiền, mua thì hết tiền mà không mua thì lại tiếc. Pale đây là màu lợt của màu rượu thứ hảo hạng. Uống vào thấy khoái cả cần cổ. Nó ngọt như mía lùi vậy. Dân có treo cờ sau lưng "Nam hảo tửu như kỳ hữu ... phong" rất khoái bợ chai này về nhà mà ... ngó ngày lẫn đêm. Tuồi già của nó từ 7 tuổi đến 10 tuổi đời.


[*]Napoleon: là loại Hoàng đế, Ngài Ngự của những lò làm rượu. Chủ lò nâng niu loại này nhất. Đây là con gà quý dùng để cáp độ với chư hầu ngoại bang đây . Được khen thua cũng là loại này. Danh từ Napoleon thật sự không ăn nhậu gì đến tên của Hoàng Đế Pháp đâu. Hoàng Đế Pháp Napoleon là dân đau bao tử mà, không thấy ông lúc nào cũng thọt tay vào rờ bao tử hay sao? Dân đau bao tử làm sao nhậu được? Chữ Napoleon dược in long trọng kế cần cổ chai rượu. Còn những loại rượu nào mà in nguyên cái hình Hoàng Đế Napoleon đầu đội nón vành như nón cối vậy thì là thứ giả, họ in hình Napoleon để cho "dân ngu khu đen" đem về hù vợ con mà thôi. Chớ gặp tay nhậu 6, 7 sao cần cổ rồi sau ót nó cười chạy không kịp. In hình là trật sách vỡ rồi. Thật sự có nhiều lò rượu không thèm dùng chữ Napoleon làm chi mà họ xài danh từ Cordon Blue cũng đủ bảnh rồi.


[*]Cordon Blue : tương tự như chữ Napoleon vậy. Lò Martell hay Bras d’Or của lò Hennessy hay lò Monnet chọn chữ Anniversary nghe lạ tai hơn. Đặc biệt lò Poli Gnac xài danh từ nghe ứa gan cho "dân ngu khu đen" là "Reserve Prince Hubert". Dân nhậu thường hỏi nhau là: "Hubert" là ông nào vậy? Vua xứ nào vậy cà? Bộ nó biết uống rượu. Còn mình chỉ biết uống sữa bò hay sao? Mua hết đem về cho nó biết tay mình.


[*]Extra, hay Extra Vieiille hay Grande Reserve: Đây mới là thứ quý của trần gian hoa lệ. Nhiều người nghe nói đến chứ chưa thấy bao giờ huống chi được rờ nó. Kẻ viết bài này nghe đâu đây có vài người trên trần gian này có được mà thôi, hình như họ chết chôn theo nó rồi không chừng. Tuổi già của nó sơ sơ là 45 tuổi sắp lên. Nghe đồn tín đồ hảo tửu phải đến thánh địa mỗi năm vài lần để chủ lò quen mặt rồi mới chui xuống hầm đem lên bán cho tín đồ làm phước. Dĩ nhiên tín đồ thỉnh nó đem về thì nghèo gần chết luôn. Rồi mua về loại rượu cực quý trần gian này để đem vào tủ kính trưng nó một cách trịnh trọng. Mỗi lần ăn cơm xong, chạy lên ngó nó rồi mới chịu đi ngủ ngon. Để rồi vào một đêm tối trời nào đó thằng con cưng độc nhất trong nhà chạy dởn như ma đuổi, chạy đến tủ kính... đổ một cái ầm chai rượu thờ bể theo thì tín đồ ghiền rượu đó kể như từ rày về sau gặp rượu nào ngon cách mấy uống vào cũng như nước ốc luộc vậy. Đúng là Thần Kinh thương nhớ mà mang bệnh tâm thần luôn.


Nhằm bảo vệ thanh danh nước Pháp về rượu Cognac không bị những con buôn lưu manh làm mất mặt danh tửu, nên nước Pháp năm 1921 ra một luật lệ rất nghiêm khắc trừng phạt nặng những chủ lò mất lương tâm pha chế rượu tầm bậy tầm bạ. Không được phép pha thêm chất caramen (nước đường thắng màu vàng nâu) vào rượu để nhìn tưởng rượu lâu tuổi, khi khui hầm rượu không được quyền sửa đổi năm sanh tháng đẻ của rượu, nghĩa là không được tráo giấy khai sanh.

Khi vào chai dán nhãn thì phải đúng tuổi tác của rượu, nếu gian lận thì bị mất môn bài vĩnh viễn. Nhưng từ trước tới nay những danh tửu của những lò vang danh thiên hạ chưa bao giờ làm chuyện này, vì họ quá giàu rồi, nhiều khi họ không muốn bán rượu ngon của họ nữa mà nhượng lại cho bạn bè hay những đại danh nhân nước Pháp mà thôi.

Tại Anh Quốc người ta thường uống rượu trung bình (như 3 sao chẳng hạn, 3 stars) họ pha thêm soda cho bớt tốn rượu, đó là loại V.S khoảng 3 tuổi thâm niên. Còn loại V.S.O.P chỉ cần một ly rất nhỏ là đủ hương vị thơm ngon của đất trời tụ vào, chất ấm của lửa, chất lạnh của hầm sâu, thâm niên công vụ vài chục năm làm cho rượu không còn vẻ loắt choắc con nít như V.S nữa. Chất này không thể dùng ly cối hay tô đá được. Loại ly cối hay tô đá là dành cho tụi "lông nách một nạm, trà tàu một hơi", loại phó thường dân uống trà kiểu ngưu ẩm (ngưu ẩm là uống ồng ộc như trâu rừng vậy). Loại rượu này chỉ được rót trong cái ly chân dài có bụng nhỏ như trứng ngỗng vậy. Nhờ sức ấm của lòng bàn tay sốc sốc rượu vài lần trong ly, rồi vừa chiêu một ngụm nhỏ và hít một hơi nhẹ của mùi rượu vào phổi   để thấm vào tứ chi. Còn rượu chảy vào trong ruột ấm thấm vào đầu mình tay chân.
Dân Mỹ mặc dầu mua rượu nhiều nhất của Pháp, nhưng vẫn không được Pháp trọng vọng, thử nhìn hình quảng cáo từ bên Mỹ về rượu ngon của Pháp thì biết. Một tay chủ ngân hàng bụng bự sói đầu, tay cầm ly rượu to bự Cognac V.S.O.P còn tay kia cầm điếu xì gà bằng bắp vế gà lôi, như vậy giống như anh chàng Al Capone rồi còn gì? Rượu ta làm cực khổ hết sức, dành để cho Công, Hầu, Bá, Tử, Nam chứ đâu để cho dân ăn cướp mà dòng họ tên Don Corleon, Maraconi uống xong rồi đi ăn cướp? Mất uy hết rồi còn gì?

Bạn còn nhớ vào năm 1960 Pháp và Mỹ có một trận giặc mà sử sách gọi là "Chicken War" (gọi là gà mái chiến tranh). Chiến tranh xong rồi thì biết bao nhiêu dân nhậu bỏ mạng vì nó? Gà Mỹ rất rẻ và to con được nhập ào ào vào Pháp tuy thịt không ngon nhưng dân nghèo rất no bụng. Nhìn thử con gà Pháp thì biết nhỏ con, gọn ghẽ (poule de luxe). Còn nhìn con gà Mỹ thấy mất hứng liền, to con sồ xề mà du côn nữa. Nhưng nhờ rẻ quá, gà Mỹ đánh bại gà Pháp.

Chợ nào cũng thấy gà Mỹ bày bán rần rần, quá rẻ. Nông dân nuôi gà Pháp biểu tình phản đối gà Mỹ làm cho trại họ thua lỗ sặc gạch. Chính phủ Pháp liền nhúng tay vào, đánh thuế gấp đôi gà ngoại nhập. Mỹ thua lấy làm nóng mũi liền đánh vào rượu Pháp nên Trâu Bò hút nhau... dân nhậu chết ngắt, không rượu, không gà, không bia, chết sướng hơn...

© http://vietsciences.free.fr  http://vietsciences.net  Sagant Phan 
Còn tiếp...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét