Translate

Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2013

ĐÌNH TRUNG KÍNH HẠ

Hỡi cô thắt cái bao xanh
Có về Trung Kính với anh thì về
Trung Kính có quán có quê
Có sông Tô Lịch có nghề làm hương...
Câu ca dao thấm đượm chất trữ tình đưa ta đến với một vùng đất nằm bên bờ sông Tô - trôi chảy của một làng, đình Trung Kính nổi lên như một ngọn đèn dẫn dắt mọi người dân về đến quê hương. Ở nơi ấy, đã gặp dòng văn hoá vật thể và phi vật thể hoà quyện với nhau một cách nhuần nhuyễn mà hun đúc nên một tinh thần thiện tâm, một ý chí quật cường của cả vùng đất danh tiếng này.
Trung Kính vốn là vùng đất cổ có lịch sử tạo dựng lâu đời. Trung Kính trước kia là một xã riêng gồm hai thôn Trung Kính Thượng và Trung Kính Hạ. Cùng những lớp cư dân đầu tiên của phường Trung Hoà hôm nay đã có mặt ở đây từ buổi bình minh dựng nước. Nằm bên bờ hữu ngạn sông Tô, là vùng đồng bằng phì nhiêu, xưa kia có các ao hồ làm cho lượng nước điều hoà, vì vậy mà có câu ca rằng: "Sông Tô nước chảy lững lờ, anh trông đầu nọ, em chờ đầu kia". Qua nhiều thế kỷ, người dân nơi đây luôn đoàn kết khai phá và cải tạo để vùng đất này trở nên màu mỡ. Nhân dân Trung Kính lấy nông nghiệp đa canh làm nguồn sống. Ngoài ra nhân dân thôn Thượng, thôn Hạ còn có nghề cổ truyền làm tăm tre, đũa tre, hương đen, hương trầm, xạ, hương vòng ... Đã đóng góp vào nền văn hoá dân tộc, Trung Kính còn được gọi là Kính Chủ trang, một vị đứng đầu là "Thành hoàng hương chân oai linh Nộn triết danh thần", có thuần phong mỹ tục, lễ giáo uy nghiêm cùng chung nền văn hoá vùng ven sông Tô. Trung Hoà có nhiều di tích lịch sử văn hoá, hầu như thôn nào cũng có những di tích hoặc cả một quần thể di tích bao gồm đình, đền, chùa, nghè, miếu ... Trung Kính Thượng và Hạ thờ chung một thần hoàng (Nộn Công thời Hùng Vương). Bên cạnh các ngôi đình, còn có chùa làng cổ kính trang nghiêm và đình Trung Kính Hạ là một trong những di tích hiện còn bảo lưu được nhiều giá trị về lịch sử, văn hoá, kiến trúc nghệ thuật khẳng định lịch sử tạo dựng và những nét đẹp văn hoá, truyền thống của mảnh đất này. Di tích đình Trung Kính Hạ hiện thuộc tổ 8, phố Trần Duy Hưng, phường Trung Hoà. Các bản thần phả của Hộ nhi hương (xã Trung Hoà) cho biết đời Hùng Vương thứ 18, các tướng của vua Hùng như Hùng Nộn Công và Phan Tây Nhạc đã đến đóng quân ở khu vực này.
Cũng giống như các làng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ, làng Trung Kính từ xưa đã có chùa để thờ phật và có đình để thờ thành hoàng làng thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của người dân nơi đây đối với những anh hùng đã có công trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Theo cuốn ngọc phả hiện còn lưu lại tại đình do Hàn lâm viện Đông các Đại học sỹ Nguyễn Bính phụng soạn vào năm Hồng Phúc nguyên niên và được sao lại dưới triều vua Lê Hy Tông năm thứ 5, niên hiệu Long Đức thì đình Trung Kính Hạ thờ vị thành hoàng là Hùng Công Nộn - một nhân vật sống vào thời Hùng Vương thứ 18. Hùng Công Nộn đã cùng Tản Viên sơn thần ra trận chống giặc Phán giành thắng lợi, được vua Hùng Duệ vương phong cho Hùng Công chức Bảo Tước Hầu và phong cho ở xã Kính Chủ là Hộ nhi hương tức tức là làng được thờ thần, ban thưởng vàng bạc, châu báu. Khi Hùng Công Nộn qua đời vua phong ông là Quốc Vương Đại Thần, cho giúp dân Trung Kính Chủ lập miếu phụng thờ.
Thời vua Lê Đại Hành, mà đem quân đi đánh giặc, qua đền Kính Chủ làm lễ cầu đảo, thắng trận trở về vua liền phong mỹ tự cho thần là Vạn cổ phúc thần, dữ quốc đồng hưu, lại gia phong Uy Dũng đại thần. Đến thời Cao Thái Tổ hoàng đế khởi nghĩa Lam Sơn khi tiến quân đến đền Kính Chủ, mật đảo ứng nghiệm, thắng trận trở về lên ngôi hoàng đế vua gia phong thần là Linh ứng Hùng Lược. Các đời vua Thái Tông, Nhân Tông, Thánh Tông, Hiển Tông, Tuế Tông, Chiêu Tông, vua Trang Tông triều Hậu Lê đều sắc phong thờ ngài.
Hiện nay chưa tìm thấy tài liệu nào ghi chép lại một cách chính xác niên đại khởi dựng của di tích. Song căn cứ vào khối kiến trúc vật chất hiện còn và hệ thống di vật, đặc biệt là đạo sắc mang niên hiệu Cảnh Hưng thứ 28 (1767) có thể đoán định ngôi đình được khởi dựng vào khoảng thời Lê và được trùng tu nhiều lần vào thời Nguyễn.
Người Trung Kính thờ thần Hùng Công Nộn và Lê Đại Hành ở đình, coi như một trung tâm hội tụ đoàn kết cộng đồng để bảo vệ xây dựng xóm làng. Hiện nay, đình được xây theo hướng Tây trong một khuôn viên rộng thoáng. Đình có quy mô kiến trúc khang trang toạ lạc ở giữa khu trung tâm cư trú của làng. Các hạng mục kiến trúc của đình được bố cục hài hoà, đăng đối, thống nhất với nhau trong một không gian văn hoá tĩnh lặng của làng quê Việt Nam. Trước đình có ao hình bán nguyệt theo thế phong thuỷ. Tổng thể các công trình kiến trúc: Cổng đình, sân đình, nhà tả - hữu mạc, nhà tiền trung tế và hậu cung.
Nhà tiền tế ba gian hai chái, bốn hàng chân cột, mái phân thượng tam hạ tứ, đặt trên nền đất thấp. kiểu bốn mái với các đầu đao cong tạo thành hình rồng lá cách điệu, phía trước trổ ba cửa bức bàn, cửa chính kiểu thượng song hạ bản, hai cửa bên kiểu ván bưng không trang trí. Mái đình lợp ngói di, bờ nóc bờ dải đắp kiểu bờ đinh không trang trí. Chính giữa bờ nóc đắp nổi hình lưỡng long chầu nhật, bốn góc mái đắp các đầu đao cong, phía trước xây các bậc tam cấp bằng gạch, nền nhà lát gạch Bát Tràng. Bộ khung gỗ gồm 4 thức vì kết cấu kiểu "Chồng rường giá chiêng, hạ kẻ", các cột gỗ tròn làm theo kiểu “thượng thu hạ thách”. Hai gian trái tiền tế làm hệ thống kẻ có đầu mộng ăn sâu vào thân trụ trốn để đỡ mái hồi. Thân kẻ có đầu mộng ăn sâu vào thân trụ trốn, đầu kia đỡ hoành và được liên kết chặt chẽ bằng hệ thống xà thượng, xà hạ. Các gian toà tiền tế đều treo các bức cửa võng, cuốn thư, hoành phi và câu đối sơn son thếp vàng lộng lẫy. Các bức cửa võng, cuốn thư ở đây đều được chạm bong, chạm nổi, chạm thủng rất cầu kỳ, tinh xảo mang giá trị nghệ thuật cao với các đề tài như rồng chầu mặt trời, rồng lá, rồng cuốn thuỷ và các đao mác, hoa sen, vân dấu hỏi, mặt hổ phù, bầu rượu, túi thơ, tứ quý và các mô típ hoa văn truyền thống mà ta vẫn thường gặp trong các kiến trúc cổ của người Việt. Phía dưới các bức cửa võng, đều treo các đôi câu đối ca ngợi công đức của vị thành hoàng làng.
Trung tế: gồm 5 gian chia nhỏ, phía trước trổ 3 cửa kiểu bức bàn “thượng song hạ bản”, mái lợp ngói ta, bờ nóc đắp kiểu bờ đinh. Bộ khung gồm 6 thức vì kết cấu kiểu vì kèo quá giang trốn cột. Các gian tại nhà trung đình cũng treo các bức hoành phi, câu đối, cửa võng ... chạm thủng, chạm bong kênh đề tài cúc mãn khai, rồng chầu, rồng lá, văn hình học...
Hậu cung gồm 3 gian dọc, xây kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta, bộ khung gồm 4 thức vì kiểu vì kèo quá giang trụ trốn bào trơn không trang trí. Hậu cung đình đặt ngai thờ và các đồ tế lễ là nơi thâm nghiêm nhất của di tích. Nhà tả, hữu mạc: mỗi dãy 3 gian, xây theo kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta, bộ khung được làm bằng gỗ có kết cấu đơn giản kiểu vì kèo quá giang trốn cột. Các đầu bẩy được trang trí nhiều đề tài vân mây, lá lật...
Trải qua những biến động của lịch sử, tồn tại đến ngày nay, di tích đình Trung Kính Hạ đã có những đóng góp nhất định với lịch sử của quê hương Trung Kính, lịch sử của thủ đô ngàn năm tuổi và cuộc sống tinh thần của nhân dân địa phương. Hiện nay, di tích còn bảo lưu được hệ thống các di vật phong phú về thể loại và chất liệu: sắc phong thời Lê trung hưng, 17 đôi câu đối, 3 hương án, kiệu long đình, kiệu bát cống, đỉnh đồng, 5 tấm bia đá, một bia niên hiệu Vĩnh Trị (1676 - 1680), ba bia niên hiệu Bảo Đại 5 (1930) và một bia dựng năm niên hiệu ThànhThái 19 (1907) một chuông đồng đúc vào thời Nguyễn... Ngôi đình là nơi trung tâm sinh hoạt văn hoá của cộng đồng dân cư làng xã, nơi đoàn kết thôn xóm và là nơi bảo lưu những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của địa phương, giáo dục cho các thế hệ trẻ lòng yêu quê hưng đất nước, tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm của nhân dân đối với những di sản văn hoá dân tộc mà ông cha ta đã dày công xây dựng, gìn giữ cho đến hôm nay. Ngôi đình mang trên mình đầy đủ những giá trị về lịch sử, văn hoá, khoa học và kiến trúc nghệ thuật góp phần khẳng định vùng đất này có lịch sử tạo dựng lâu đời với những tên đất, tên làng đã ăn sâu vào tiềm thức của cư dân nơi đây. Cùng với các di tích: đình Trong - đình Ngoài - đền Dục Anh, đình - chùa Trung Kính Thượng, đình Hạ Yên Quyết, chùa Ngọc Quán, đình An Hoà, chùa Báo Ân ... tạo nên tuyến thăm quan các di tích lịch sử văn hoá vùng đất phía Tây kinh thành Thăng Long.
http://www.caugiay.hanoi.gov.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=446:inh-trung-kinh-h&catid=131:danh-sach-di-tich&Itemid=551

1 nhận xét:

  1. Bài viết thì dài mà chữ thì bé tý ...đọc bét cả mắt ra đâu ...cả tuần mới vui nhé Người !

    Trả lờiXóa