Translate

Thứ Tư, 10 tháng 4, 2013

CHỮ NÔM PHẢN ÁNH NGỮ ÂM ĐỊA PHƯƠNG TRONG THIÊN NAM NGỮ LỤC

TB


Thuật ngữ ngôn ngữ học gọi chung tiếng nói của địa phương là phương ngữ. ở nước ta, có thể phân chia thành ba phương ngữ lớn: phương ngữ Bắc, phương ngữ Trung và phương ngữ Nam(1). Trong từng vùng như vậy lại có những sắc thái ngôn ngữ riêng. Sự khác nhau giữa tiếng nói các địa phương thường được thể hiện ở những đặc trưng về ngữ âm, từ vựng và ngữ pháp, nhưng chủ yếu vẫn là trên bình diện ngữ âm(2). Điều này cũng đã được phản ánh vào chữ Nôm - một thứ chữ viết cổ xưa ghi âm tiếng nói của người Việt. Chúng ta có thể tìm thấy nhiều dẫn chứng khi đi sâu vào các văn bản Nôm, nhất là các văn bản thơ ca cổ tích. Hiện nay, có thể coi Thiên Nam ngữ lục (TNNL) là một tác phẩm văn vần bằng chữ Nôm dài nhất mà ta còn bảo lưu được. TNNL ra đời vào khoảng cuối thế kỷ XVII và giá trị của nó đã được giới nghiên cứu khẳng định. Trong quá trình phiên âm, chú giải văn bản này(3) chúng tôi còn nhận thấy có những trường hợp muốn đọc và hiểu TNNL một cách chính xác trong một số trường hợp thì không thể không quan tâm đến vấn đề ngữ âm địa phương thể hiện trong văn bản. Vấn đề này được thể hiện ở những nội dung như sau:
1. Không phân biệt /L/ - /N/. Ví dụ:
- Dùng chữ  “nên” (Nôm) để ghi âm “lên”, dùng  “năm” (Nôm) để ghi “lăm” trong khá nhiều trường hợp:
Trẻ từ lên chín lên mười (4a, d6)
Trẻ lên bảy tám mới cho học hành (73b, d9)
Tuổi vừa lên bốn mặt nhìn vẻ vang (77a, d2)
Long Cán tuổi tuần lên ba (89b, d8)
Âu Cơ là hiệu tuổi ngoài mười lăm (3a, d3)
Mười lăm bộ lạc thửa chưng cõi bờ (4a, d6)
Mười lăm bộ lạc dương xưa (12b, d2)
Mười lăm bộ lạc sứ quân (54b, d4)
Mười tám năm trị, tuổi đầy năm lăm (78a, d1)
...
Trái lại, TNNL dùng chữ 蓮 “lên” (Nôm) để ghi “nên” trong những câu:
Tre già măng mọc để hòng gây nên (74b, d5)
Đông cung thái tử lập nên (86a, d2)
Dụ Tông vô tự triều đình lập nên (111a, d1)
Thăm tìm đế thất lập nên (125a, d6)...
Tuy nhiên, cũng có trường hợp ghi đúng, như dùng chữ 戼 “nên” trong câu:
Cửa nhà căn bản lập nên,

Tốt phúc còn bền sinh được đôi trai. (90a, d7) Cách ghi tương tự như trên còn có thể tìm thấy trong Việt sử diễn âm(4), một tác phẩm cùng thể loại diễn ca lịch sử ra đời từ thời Mạc, trong câu:
Thuở Hoàng thái tử Vệ vương,
Mới lên bảy tuổi khôn đương việc triều (16b, d3).
Trong sách Chỉ nam ngọc âm(5) cũng thấy dùng chữ 年 “niên” để ghi “lên” trong những câu:
Tiểu nhi con mọn tuổi còn lên ba (7b, d7).
Hậu tử là lên hột cơm (15a, d8)
...
Hoặc như trường hợp chữ 了 “nếu”, thông thường ghi bằng chữ 裊 “niểu”, nhưng trong nhiều trường hợp lại được viết thành (khẩu + liễu). Ví dụ:
Nếu mà khinh rẻ mẹ cha,

Áo xiêm thì cũng thành ra thú cầm
(Thi văn tạp lục,
tr. 20b) “Nếu nhà chùa bỏ không cúng kỵ thì tôi có quyền lấy lại số ruộng đó”.
(Bia ký kỵ chùa Thạch Trì, xã Trung Hưng, thị xã Sơn Tây) “Dẫu là một cảnh thiên tạo địa thiết rất tinh xảo, nhưng nếu không có đức Từ lão tổ(6) tu luyện thoát hóa ở đó thì còn ai biết tới cho đến ngày nay”.
(Sài Sơn thi lục, tr.85b) Những thí dụ như trên chứng tỏ những cách phát âm /L/ thành /N/ và ngược lại đã để lại dấu vết trong TNNL và trong các văn bản Nôm nói chung. Điều đó cho thấy người viết chữ Nôm đã phản ánh đúng âm đọc của địa phương mình. Tuy nhiên, hiện tượng này cũng chỉ xảy ra cách đây chưa thật lâu, chứng cớ là trong Từ điển Việt - Bồ - La của giáo sĩ Alexandre De Rhodes xuất bản tại Rôm năm 1651 đã có l, n và cách đọc của nó được mô tả đúng như hiện nay, chỉ trừ một vài trường hợp đối với l như “lăn” còn là mlăn, “lể” (trong lể gai) còn là mlể, “lồi” còn là mlồi. Lên đến thời An Nam dịch ngữ(7) (khoảng thế kỷ XV, XVI), người đời Minh đã dùng chữ Hán có l để phiên âm 45 từ Việt đọc với l . Còn n cũng đã được ghi nhận qua việc phiên âm 16 từ Việt bằng những chữ Hán hồi đó có âm -n(8). Qua đó có thể thấy rằng chữ Nôm phản ánh những cách phát âm như trên có lẽ chỉ xuất hiện vào khoảng sau thế kỷ XVII.
2. Không phân biệt /T/-/CH/ (quốc ngữ ghi là tr, ch). Ví dụ:
- Dùng 徵 “trưng” (vời đến, trưng cầu) để ghi “chưng”(từ biểu thị thời gian diễn ra sự việc được nói đến: thuở, đương, trong) ở những câu:
Đế vương chưng dấy trời đà giáng sinh (59a, d1)
Chưng khi khốn ở Nguyên quân (102b, d4)
Chưng khi ác thú xông càn (106a, da3)...
Hoặc trong Việt sử diễn âm:
Có người ở nước thánh nhân,
Ở chưng nước Lỗ, nghiệp văn nhà dòng (6a, d5) - Dùng  “triều” (triều đình, triều đại) để ghi “chầu”, “chiều” trong những câu:
Tôn nàng làm chủ xem chầu Việt bang (2b, d6).
Mưa xuân hoa mọc chiều xuân (5b, d2)...
Sở dĩ có những cách ghi như trên, vì ở đây không có sự không phân biệt giữa hai phụ âm tắc đầu lưỡi và mặt lưỡi tr /t/ và ch /c/, chúng đều thành /c/. Hiện nay, khá nhiều nơi ở Bắc bộ phát âm những từ như “trăng sáng” thành “chăng sáng”, “đánh trống” thành “”đánh chống”, “trẻ con” thành “chẻ con”... Nói một cách khác, phụ âm tr/t/ chỉ còn tồn tại trong ý thức của người nói và được phân biệt trên chữ viết với phụ âm ch/c/ mà thôi. Tuy nhiên, trong cách mô tả của Từ điển Việt-Bồ-La đã cho thấy ở thế kỷ XVII ch/c/ là một âm tắc xát. Còn tr/t/ là một âm quặt lưỡi cũng đã có mặt nhưng nó còn đang tồn tại song song với bl, tl (bl, tl ở thuần Việt, tr ở Hán Việt) chứng tỏ nó đang ở trong quá trình chuyển hóa thành âm này. Đến khoảng cuối thế kỷ XVII thì /bl/ và /tl/ chuyển dần sang tr và gi. Dấu vết của sự chuyển biến này để lại trong tiếng Việt khá rõ, nhất là trong cách dùng chữ Hán phiên âm các tên Nôm như Từ Liêm (tlèm-trèm), Phù Lưu blầu- trầu, giầu)... /BL/ lại theo phương ngôn mà có thể chuyển thành tr hoặc gi, còn /tl/ thì chuyển thành tr hoặc l. Ví dụ: blời > trời, giời, blo > tro, gio, blai > trai, giai, blả > trả, giả, tlái > trái, lái, tlâu > trâu, tlíu tlo > líu lo, tlúc tlắc > lúc lắc(9) . Như vậy thì quá trình tr, ch nhập một cũng chỉ có thể diễn ra ít nhất vào khoảng sau thế kỷ XVII.
3. Không phân biệt S - X. Ví dụ:
- Dùng  “xướng” (xướng ca) để ghi “sướng” (sung sướng):
Chơi lâu sướng dạ càn đua,
Bộ Lĩnh ngồi hoà bảo chúng rằng bay. (60b, d2) - Dùng  “sĩ” (làm quan) để ghi “xảy” (bỗng, chợt, lỡ) trong những câu:
Nam tuần xảy gặp một người thiếu niên (1a, d7)
Kề triều xảy thấy một người (7b, d4)
Đi xa lo nữa xảy chân (71b, d5)
Xảy chân chẳng chấp, xảy lời chẳng chi (92a, d8)...
Những cách ghi như trên cũng chứng tỏ không còn sự đối lập trong cách phát âm giữa S - X nữa, chúng nhập làm một thành /s/ (quốc ngữ ghi: x). Nhưng trong Từ điển Việt - Bồ - La, S đã có mặt với tư cách là một âm riêng biệt, cách phát âm được mô tả là một âm xát quặt lưỡi như thường thấy ở miền Trung và miền Nam, còn X cũng có cách phát âm gần giống như hiện nay(10). Điều đó cho thấy hiện tượng nêu trên cũng chỉ xảy ra trong khoảng mấy thế kỷ gần đây.
4. Không phân biệt R - /z/ (quốc ngữ ghi là d, gi). Ví dụ:
- Dùng  “dụng” (dùng) để ghi “rùng” trong câu:
Vua nghe thấy nói rùng mình,
Nể nang lão tướng công danh đã nhiều (103a, d2) - Dùng  “dữ” (cùng với) để ghi “giữ” trong câu:
Rao nhau gìn giữ tứ thành,
Bảo nàng Trắc Nhị mọi tình cho hay. (25b,d8) - Dùng  “giả” (hiền giả, học giả) để ghi “dã” trong câu:
Cờ bay chấp chới dường sao,
Can qua trắng dã, đòng đao biếc lè. (17b, d1) Có thể tìm thấy những ví dụ tương tự như:
- Dùng  “du” (dầu) ghi “giầu” (trầu) trong câu”:
Ba đồng một mớ giầu cay,
Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không.
(Lý hạng ca dao, tr.10a) - Dùng  “dã” (trợ từ cuối câu) để ghi “giã” trong câu:
Em về giã gạo ba trăng,
Để anh gánh nước Cao Bằng về ngâm.
(Lý hạng ca dao, tr.99a) Những ví dụ nêu trên cho thấy ở đây r cùng với d, gi đều phát âm như nhau thành /z/. Những từ có r tuyệt đại đa số đều là những từ thuần Việt. Ở Từ điển Việt - Bồ – La, r đã có cách đọc thống nhất, đó là một âm đầu lưỡi, hơi quặt và hơi rung, còn d được coi như một âm hoàn toàn độc lập, khu biệt với những âm khác. Cũng theo như sự mô tả của Alexandre De Rhodes, những từ hiện nay viết với gi như giời (trời), giầu (trầu), gianh (tranh) ở thời điểm đó đang còn là bl. Quá trình bl > gi đã có mầm mống từ thế kỷ XVII, chứng cứ là trong quyển từ điển này đã ghi cả blả, blả ơn (ở mục B) và giả, giả ơn (ở mục Gi). Hiện nay về mặt phát âm, ở miền Bắc không có một âm đặc biệt nào dành riêng cho r. Nhìn chung thì cả ba âm r, gi, r đều đã nhập làm một thành /z/, chỉ trừ một vài từ phiên âm kiểu như ra-đi-ô, ra-đa thì cách phát âm r có rung mới được phục hồi(11). Kết quả điều tra ngôn ngữ học cũng cho biết chỉ có một vài địa phương ở phía bắc Bình Trị Thiên là còn phát âm phân biệt d, gi mà thôi(12). Ở Nam bộ, hiện tượng phát âm không phân biệt d, gi cũng đã được phản ánh trong các văn bản Nôm, kể cả những tác giả lớn như Nguyễn Đình Chiểu(13). Theo GS Nguyễn Tài Cẩn thì sự phát âm không phân biệt giữa r và d, gi cũng là kết quả của những sự diễn biến mới chỉ xảy ra vài ba thế kỷ trở lại đây(14).
Như vậy, ở TNNL hầu như đã thể hiện được những đặc trưng về mặt ngữ âm của một số vùng thuộc phương ngữ Bắc bộ. Chữ Nôm là một thứ chữ ghi âm nên sự thể hiện những cách phát âm địa phương là một vấn đề tồn tại khách quan trong văn bản. Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình cứ liệu mà ta hiện biết thì những hiện tượng vừa nêu trên cũng chỉ xảy ra cách đây chưa thật lâu khi đã có sự xóa mờ gianh giới đối lập giữa các âm uốn lưỡi và âm không uốn lưỡi tương ứng l-n, tr-ch, s-x, r-d, gi tại một số vùng địa phương ở miền Bắc, khoảng sau thế kỷ XVII. Những Chữ Nôm phản ánh những cách phát âm địa phương như trên tồn tại ở TNNL cũng là điều dễ hiểu, bởi đây là tác phẩm ra đời vào thời Lê nhưng văn bản được sao chép ra sớm nhất là vào đầu thời Nguyễn(15). Do đó trong văn bản, bên cạnh chữ Nôm thời Lê còn có cả những chữ Nôm xuất hiện sau thời kỳ sáng tác của TNNL. Những chữ Nôm thuộc loại thứ hai này rất có thể do người sao chép đời sau đưa vào tác phẩm. Có thể chúng không được thu thập vào trong bất kỳ một quyển từ điển, tự điển chữ Nôm nào, nhưng khi gặp chúng trong văn bản, người đọc cũng cần có một kiến thức nhất định về phương ngữ học thì mới có thể đọc hiểu và phiên âm một cách chính xác những trường hợp tương tự như chúng tôi vừa nêu. Cũng cần lưu ý thêm rằng, khi đi vào một tác phẩm Nôm cụ thể nào đó thì cũng nên chú ý một cách đúng mức đến vấn đề xuất xứ của văn bản. Bởi giống như con người, mỗi văn bản cũng thường có quê quán, lai lịch riêng, và việc đi sâu tìm hiểu những chữ Nôm phản ánh ngữ âm địa phương thể hiện trong đó có thể sẽ giúp ích ít nhiều cho việc phiên âm, chú giải một cách chính xác các văn bản Nôm mà chúng ta hiện có.
N.T.L
CHÚ THÍCH
1. Hoàng Thị Châu: Tiếng Việt trên các miền đất nước, Nxb. KHXH, H. 1999.
2. Trần Thị Thìn: Tiếng quê ta, Tạp chí Ngôn ngữ & Đời sống số 10-1999, tr.5.
3. Thiên Nam ngữ lục. Nguyễn Thị Lâm phiên âm, chú giải. Nxb. Văn học & Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông-Tây, 2001.
4. Việt sử diễn âm. Nguyễn Tá Nhí sưu tầm, giới thiệu, biên dịch, Nxb. Văn hóa thông tin, H. 1997.
5. Chỉ Nam ngọc âm. Trần Xuân Ngọc Lan phiên âm và chú giải, Nxb. KHXH, H. 1985.
6. Từ lão tổ: tức Từ Đạo Hạnh, nhà sư nổi tiếng thời Lý.
7. An Nam dịch ngữ. Vương Lộc giới thiệu và chú giải, Nxb. Đà Nẵng và Trung tâm từ điển học, 1995.
8. Nguyễn Tài Cẩn: Giáo trình lịch sử ngữ âm tiếng Việt. Nxb. Giáo dục, H. 1995, tr.86 và tr.108.
9. Nguyễn Ngọc San: Cơ sở ngữ văn Hán Nôm, tập 4, Nxb. Giáo dục, H. 1987, tr.267.
10. 11. Nguyễn Tài Cẩn: Giáo trình lịch sử ngữ âm tiếng Việt, sđd, tr.86, tr.108 và tr.114.
12. Nguyễn Tri Niên - Nguyễn Phan Cảnh: Sơ lược về tình hình phát âm phân biệt d và gi hiện nay. Nghiên cứu Văn học số 8-1961.
13. Nguyễn Thị Lâm: Chữ Nôm với ngữ âm địa phương Nam bộ, Tạp chí Hán Nôm số 2-1993.
14. Nguyễn Tài Cẩn: Giáo trình lịch sử ngữ âm tiếng Việt, sđd, tr.162.
15. Nguyễn Thị Lâm: "Về các văn bản Thiên Nam ngữ lục hiện còn", Tạp chí Hán Nôm số 4 - 1997./.
http://www.hannom.org.vn/web/tchn/data/0505.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét