Translate

Thứ Ba, 30 tháng 4, 2013

THƯA ÔNG AN CHI: MÀY NGÀI LÀ HÀNG NỘI

Hà văn Thùy

Chuyện xưa rồi, thấy bài tranh biện của Giáo sư Nguyễn Huệ Chi với ông An Chi quanh việc “Nguyễn Du lấy chữ mày ngài từ đâu? Rồi nga mi hay ngọa tàm mi,”(1) có điều bất cập, kẻ viết bài này xía vô với bài “Lịch sử bị nhìn lộn ngược – thưa lại cùng Giáo sư Nguyễn Huệ Chi.” (2)  Bài viết lúc đầu đưa lên mạng, sau đó in trong sách Góp với văn đàn (NXB Văn học, 2007). Sáu năm rồi, tưởng câu chuyện qua đi và ai cũng có được nhận thức của mình. Không dè tới nay ông An Chi khới lại chuyện cũ bằng bài Lời phúc đáp muộn màng kính gửi GS Nguyễn Huệ Chi (3). Một bạn đọc gửi cho bài này và đề nghị tôi viết bài tranh  luân. Tôi thưa lại là “cũng có điều để nói.”
                                                                    *
Trước hết, xin miễn bàn về chuyện Nguyễn Du mượn nga mi hay ngọa tàm mi, nội dung chính cuộc tranh biện giữa hai học giả vì đó chỉ là chuyện vô bổ vẽ rắn thêm chân, lại nặng mùi vọng ngoại. Nguyễn Du chẳng mượn ai cả mà chỉ dùng của nhà sẵn có trong dân gian Việt.

Ở đây xin chỉ bàn về câu cuối cùng trong bài, mà nếu không có nó, tôi không buộc phải lên tiếng. Câu đó như sau:

“Ta chỉ cần biết rằng đây là trường hợp Nguyễn Du sao phỏng từ danh ngữ nga mi của tiếng Hán, mà trong thứ tiếng này thì đây là một cách diễn đạt nhằm nói lên vể đẹp của đôi lông mày. Nói rạch ròi ra, mày ngài chỉ là một lối nói ngoại nhập…”

Trong bài “Lịch sử bị nhìn lộn ngược…”, tôi viết đại ý rằng: Nguyễn Du muợn chữ mày ngài không phải từ Tam quốc chí mà từ ca dao, tục ngữ của bà nội, hậu duệ những người trồng dâu chăn tằm vạn năm trước, từng mang rìu đá rồi giống kê, giống lúa, giống gà giống chó cùng nghề tằm tơ lên xây dựng kinh tế nông nghiệp trên đất Việt cổ mà bây giờ là Trung Hoa. Chính những người nông dân Việt này đã sáng tạo ra chữ mày ngài rồi đưa lên phía bắc. Tôi cũng thưa với Giáo sư đáng kính là khi ông cho rằng nghề tằm tơ từ Trung Hoa nhập vào Việt Nam là đã nhìn lịch sử lộn ngược! Có lẽ lúc đầu quá bất ngờ với những lời nghịch nhĩ ấy, nhưng chắc bây giờ Giáo sư sẽ tin sau khi đọc chuyên luận Tiếng Việt chủ thể tạo nên ngôn ngữ Hán trong cuốn Hành trình tìm lại cội nguồn, tôi gửi tặng.

Chắc rằng ông An Chi cũng đọc bài viết đó của tôi, nhưng vì chẳng thèm chấp với kẻ không học hàm học vị nên ông vẫn giữ ý vàng ý ngọc của mình.

Ở đây, một lần nữa, tôi khẳng định mày ngài là sản phẩm Việt, 100% Made in Vietnam! 

                                                 *

Dăm bảy năm trước, như hầu hết dân An Nam khác, tôi cũng tin theo các vị Nguyễn Văn Tố, Trần Trọng Kim, Nguyễn Tài Cẩn rằng, tiếng Việt mượn tới 70% từ tiếng Hán. Nhưng rồi tình cờ được đọc tài liệu của vị giáo sư người Mỹ gốc Hoa cho biết, bằng công nghệ di truyền, nhóm nghiên cứu do ông lãnh đạo đã khám phá rằng, 70000 năm trước, người tiền sử từ châu Phi đã theo bờ biển Ấn Độ tới Việt Nam. Tại Việt Nam họ gặp gỡ nhau, tăng nhân số, di cư ra các hải đảo Đông Nam Á, châu Úc, Ấn Độ rồi lên Trung Hoa…Vốn là nhà sinh học bỏ nghề, tôi chớp ngay thông tin vô cùng quý giá này và tập trung nghiên cứu tiền sử dân tộc theo hướng mới. Với hơn trăm bài viết và ba cuốn sách: Tìm lại cội nguồn văn hóa Việt (2007), Hành trình tìm lại cội nguồn (2008) vả Tìm cội nguồn qua di truyền học (2011), tôi đã phục dựng lâu đài nguy nga, kỳ vĩ của cội nguồn cùng văn hóa Việt suốt trong 70000 năm qua, bị vùi lấp, chiếm đoạt và đánh tráo. Trong đó, tôi đưa ra ý tưởng quan trọng: Tiếng Việt là chủ thể tạo nên ngôn ngữ Trung Hoa. Tôi rất mong các vị thức giả trong, ngoài nước có ý kiến phê bình để có dịp học hỏi thêm. Tôi cũng gửi thư tới các vị Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học và Viện Nghiên cứu Hán Nôm thưa rằng, xin các vị xem xét, nếu điều tôi nói là đúng thì các vị ủng hộ và công bố rộng rãi cho dân bớt u mê theo những dẫn dắt lầm lạc lúc trước, còn nếu tôi sai, cũng xin được phê bình rồi để dân bớt ngộ nhận, hoang mang. Nhưng rất tiếc là thư của tôi rơi vào khoảng không im lặng!

Đáng mừng là hai năm trước, anh Đỗ Thành, một “người Việt gốc Hoa” đang sống ở Hoa Kỳ gửi thư cho tôi. Anh hoàn toàn ủng hộ ý tưởng “Tiếng Việt chủ thể tạo nên ngôn ngữ Trung Hoa” đồng thời cung cấp những bài viết cực kỳ quý giá như Phát hiện lại Việt nhân ca, Phục nguyên Duy giáp lệnh của Việt vương Câu Tiễn, Đi tìm Nguồn gốc chữ Nôm… và cung cấp hàng ngàn dẫn chứng lấy từ giáp cốt văn, kim văn, từ sách Thuyết văn giải tự của Hứa Thận, so sánh với tiếng Việt Triều Châu, Quảng Đông, Việt Nam cho thấy, tiếng và chữ Trung Hoa được sinh tạo từ tiếng và chữ Việt!

Thí dụ:
Bàn cổ (盘古 - bù quỏ) chẳng phải là ông Bàn Cổ nào hết mà chỉ là quả bầu tiếng Việt bị đọc trại đi. Chẳng hề có thôn Trữ La nào cả mà cái làng quê cùa Tây Thi chỉ là thôn Trái, thôn Tả bị đọc trại. Phục Hy (Pù Hí) là quả bí. Phải chăng Phục Hy vốn là người Việt có tên Bí? Càn Khôn 乾坤 nguyên là “cành  khoanh” tiếng Việt với ký hiệu cành (dương), khoanh 0 (âm). Ngày nay người Triều Châu, Quảng Đông vẫn nói cành, khoanh…
Chữ bôn trong sách Thuyết văn giải tự:
 也。从言番聲。《商書》曰:王譒告之.  補過切 
Boa - dã. Tùng ngôn bàn thanh. (Thương t) viết: “Vương bôn cáo chi”. Bổ qua thiết, là “Bổ-ua=bua”.
Bua là phiên âm do người đời sau soạn lại. Nguyên văn của “Thuyết văn” là “ngôn-bàn thanh 言番聲”= Bôn.
Ngày nay người Triều Châu vẫn gọi bàn chân là kha-bóa (Kha là kng/cẳng, Boa là bôn/bàn, bàn tay, bàn chân).
Từ nguyên văntùng ngôn bàn thanh” của Thuyết văn thì chúng ta biết được ở thời Cổ đại đọc là “Bôn, Bồn, Bàn”, đến thời Trung Cổ, người ta “biên soạn” lại Thuyết văn thì thêm vào “Bổ qua thiết = Bua = Boa” phù hợp với “kha-boa (bàn chân), của tiếng Triều Châu. Xét trong giáp cốt văn thì có dạng chữ tượng hình bàn chân thú có móng vuốt.  Đến nay chỉ trong tiếng Việt Nam giữ được âm bàn. Điều này cho thấy âm bàn từ gốc Việt Nam đi lên phía Bắc. Sau này các nho gia từ từ đọc thành  “Phiên” hay “Phồn”, và được gọi là âm Hán Việt.
Về chữ mày ngài: 蛾眉
- Chữ mày/ mi: Theo quy luật biến âm Việt thì B biến âm thành "M": "rầu buồn" có trước "sầu muộn". Tiếng Mân Việt /Triều Châu còn giữ nguyên âm B của chữ mày là lông đã xếp - "bày" thành hàng trên con mắt, là "mắt bày-目眉”.Âm Hán Việt là mục mi目眉."
- Chữ Nga : con ngài, tiếng Bắc Kinh là “ở”, Quảng Đông đọc là “ngò”, Triều Châu đọc là “ngo, ngó”. Như vậy, bày/ mày ngài (Việt Nam)  à bày/ mày ngo/ ngò (Triều Châu, Quảng Đông) à nga mi (Hán Việt).

Từ đó rút ra qúa trình hình thành tiếng Hoa như sau: tiếng Việt ở Việt Nam được chuyển lên Nam Dương Tử. Người Việt ở đây chuyển hóa thành thổ ngữ Triều Châu, Quảng Đông… Người Hoa học tiếng của dân Sở, Việt (Triều Châu, Quảng Đông) và nói trại theo giọng phía Bắc. Do mỗi tộc mỗi vùng nói khác nhau nên thành đa tạp. Thời Xuân Thu, nhà Chu chủ trương học theo tiếng của phương Nam vì đó là ngôn ngữ thanh nhã chuẩn mực, nên gọi là nhã ngữ. Khi thống nhất văn tự, nhà Tần dùng nhã ngữ làm quốc ngữ. Tới thời Đường, ngôn ngữ Trung Hoa chuyển hóa thành cách đọc Hán Việt. Người Mãn Thanh cai trị Trung Quốc đã cải biến theo cách đọc của người Mãn thành tiếng Bắc Kinh ngày nay. Người phương Tây gọi là Mandarin do xuất xứ từ chữ Man-da (Mãn đại).
Đến nay nhiều từ trong sách Thuyết văn giải tự của Hứa Thận không thể đọc được theo âm Mandarin nhưng lại dễ dàng đọc theo tiếng Triều Châu, Quảng Đông nhưng đúng nhất là khi đọc theo tiếng Việt Nam vì trong tiếng Việt còn giữ nhiều tiếng Việt cổ.

Có thể nói rằng, năm 2006, khi đề xuất Tiếng Việt chủ thể tạo nên ngôn ngữ Trung Hoa, tôi chỉ đưa ra cái khung, cái sườn. Nhờ anh bạn “Chệt” đắp da thịt, nó đã trở thành cơ thể đầy sức sống.

Hình như tôi với ông An Chi có cái duyên văn tự?!
Lần đầu buộc lòng phải tranh biện với ông khi thấy trên tạp chí Kiến thức ngày nay ông giảng sai về bài thơ Trần tình của Nguyễn Trãi (4). Lần thứ hai chẳng đặng đừng khi trước ý kiến cho rằng những địa danh có tên “Kẻ” ở đất Phú Thọ là những từ Việt cổ, ông phản bác thẳng thừng rồi hể hả la lớn: “Đó tất cả là Hán, 100% made in China!” Lần thứ ba là nga mi ngoại nhập!

Có lần Giáo sư Cao Xuân Hạo kể: “Ông Vượng (Trần Quốc) nói với tôi rằng, biết Huệ Thiên nói bậy mà không có cách nào phản bác ông ta được!” Đúng là ở thế kỷ trước, khi mà chủ nghĩa Hoa tâm thống trị, hiểu biết về cội nguồn và văn hóa dân tộc còn mù mờ, việc bài bác ông An Chi là điều bất khả. Nhưng nay tình hình đã khác. Khoa học (trong đó có những học giả người Hoa) phát hiện rằng, người tiền sử đặt chân đầu tiên lên đất liền Đông Á là tại Việt Nam, người từ Việt Nam mang rìu đá, giống kê, giống lúa, giống gà, giống chó đi lên xây dựng nền văn minh nông nghiệp rực rỡ trên đất Trung Hoa… thì những kiến thức đó của ông An Chi bị khoa học bỏ qua. Cho đến nay vẫn còn bám vào những sai lầm đảo điên lộn đít lên đầu như vậy quả là đáng trách. Không chỉ phản khoa học mà còn có tội dẫn lớp trẻ lạc đường, kìm giữ người Việt trong vòng ngu muội!
Vì sao ông An Chi cố trì bám kiến thức không chỉ sai lầm mà còn xúc phạm dân tộc như vậy? Không nghĩ ông là “tay sai” hay “ăn phải bả” của ai nhưng quả tình tôi không hiểu nổi, vì lẽ gì mà ông nhiệt thành bênh thiên triều đến thế?!  

Mới đây, trong bài Phải chăng Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn thấy ngọn mà không biết gốc, (5) tôi buộc phải viết: “Bằng những nghiên cứu của mình, giáo sư Nguyễn Tài Cẩn góp phần củng cố và truyền bá quan niệm “dĩ Hoa vi trung” của học giả thời thực dân, tiếp tay cho vụ xả độc làm ô nhiễm văn hóa mà rồi đây dân tộc phải bỏ không ít công sức tẩy rửa!” Tiếc rằng, là người thiên cổ, Giáo sư Cẩn không còn dịp sửa chữa sai lầm. Mong ông An Chi sớm nhận ra điều này để khi nhắm mắt xuôi tay khỏi phải ân hận!

Nghiên cứu Hán Nôm hôm nay không còn là cái việc chân không tới đất cật chẳng đến trời, là tra những cuốn Từ Hải, Khang Hy lớn nhất để tìm nghĩa chữ tác chữ tộ. Thực tế cho thấy những cuốn từ điển tiếng Hoa vĩ đại nhất cũng chỉ là bã, là biến thái của tiếng Việt từ vạn năm trước! Công việc bây giờ là đem ngôn ngữ của dân gian Triều Châu, Quảng Đông, Vân Nam, Đài Loan, Việt Nam… đối chiếu với những cuốn từ điển Việt cổ xưa nhất là giáp cốt văn, kim văn, Thuyết văn giải tự, tìm lại tiếng việt cội nguồn để làm ra cuốn Bách Việt đại từ điển. Từ công cụ chuẩn mực này đọc lại những cổ thư Trung Hoa khác, giống như anh dạy lái xe Đỗ Thành ở Sacramento giải mã Việt nhân ca, Duy giáp lệnh của Việt vương Câu Tiễn, món nợ văn hóa mà hai ngàn năm nay bao văn nhân tài tử phương Đông không trả nổi!
Trung Thu năm Tân Mão

Tham  khảo:
1. Nguyễn Huệ Chi. Đôi điều thưa lại cùng ông An Chi. Talawas, 2006
2. An Chi. Lời phúc đáp muộn màng kính gửi GS Nguyễn Huệ Chi
 http://nhavantphcm.com.vn/doc-duong-van-hoc/an-chi-phuc-dap-nguyen-hue-chi.htm
3. Hà Văn Thùy. Lịch sử bị nhìn lộn ngược - Thưa chuyện cùng Giáo sư nguyễn Huệ Chi. http://www.vanchuongviet.org/vietnamese/tulieu_tacpham.asp?TPID=4169&LOAIID=17&TGID=711
4. Hà Văn Thùy. Bàn lại với ông Huệ Thiên về hai câu thơ Nguyễn Trãi. Góp với văn đàn. NXB Văn học, 2007.
5. Hà Văn Thùy. Phải chăng Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn thấy ngọn mà không biết gốc.
http://www.khoahoc.net/baivo/havanthuy/260811-nguyentaicanthayngonchuathaygoc.htm


Hà văn Thùy

http://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=16701

Thứ Năm, 25 tháng 4, 2013

DẤU ẤN VĂN HÓA VIỆT TRONG KINH THI

Hà văn Thùy

Kinh Thi là tuyển tập những bài dân ca và ca dao đẹp nhất, hay nhất xuất hiện trong khoảng thời gian từ thế kỷ thứ VI TCN trở về trước trên lưu vực Hoàng Hà và Dương Tử. Theo Tư Mã Thiên viết trong Sử ký thì ban đầu có tới 3000 bài, Khổng tử san định đã bỏ đi 9 phần 10, chỉ giữ lại có 311 bài. Ðấy là tác phẩm văn học cổ điển có ảnh hưởng sâu rộng đến tâm hồn và trí tuệ phương Ðông, quan trọng đến mức Khổng tử nói bất học thi vô dĩ ngôn! (Không học Thi biết gì mà nói). Thời nhà Tần nó cũng bị đốt nhưng sau đó được khôi phục và xếp vào Ngũ kinh.

Hàng nghìn năm nay, kinh Thi mặc nhiên được coi như sản phẩm đặc hữu của Hán tộc, không có ai nghi ngờ hay bàn cãi. Vì vậy, ba chục năm trước, khi học giả Lương Kim Ðịnh cho rằng Kinh Thi là quyển kinh điển của Việt tộc (1) đã gây nên sự phản ứng của không ít người. Dễ hiểu thôi, thay đổi một thói quen từng hằn vào cân não hàng nghìn năm đâu phải là việc một sớm một chiều!   
     
Ðiều dễ nhận ra là kinh Thi đã bị Hán nho rối Tống nho đánh tráo một cách trơ trẽn: Những sáng tác dân gian sinh ra nơi ruộng lúa nương dâu bị biến thành sản phẩm cung đình, một thứ văn chương xu phụ chuyên ca tụng ông vua này ông vua khác cùng bà hậu phi nào đó! Chính ở đây, tầng lớp Hán nho đã ăn cắp tác quyền của dân gian trao cho vương triều. Ðiều này dễ thấy. Còn cách đánh tráo, ăn cắp tác quyền khác tinh vi hơn thì khó nhận ra. Khó về học thuật và càng khó hơn trong tâm lý: đứng trước nền văn hóa khổng lồ của người láng giềng phương bắc, chúng ta cảm thấy mình nhỏ bé đi, đến mức chỉ còn là cậu học trò ngu ngơ trước ông thầy vĩ đại! Tâm lý ấy khiến chúng ta hèn đi, không dám nghĩ đến cái điều bị coi là hoang tưởng thậm chí phạm thượng: kinh Thi là quyển kinh điển của Việt tộc!

Ðể phân định điều này, ta phải xét từ cội nguồn: Tìm về lịch sử hình thành kinh Thi. 
Vào thập niên 70 của thế kỷ trước tồn tại 2 giả thuyết về cội nguồn dân tộc Việt. Một cho rằng, tổ tiên người Việt từ cao nguyên Thiên Sơn di cư vào đất Trung Hoa sau đó bị người Hán chèn ép nên tràn xuống Việt Nam tiêu diệt người bản địa, lập ra nước Văn Lang. Giả thuyết thứ hai cho rằng tổ tiên người Việt đã từ Mã Lai đi lên.
   
Ngày nay, với những thành tựu mới nhất của di truyền học, lần đầu tiên chúng ta có bản viết chính xác về tiền sử Đông Á: Người hiện đại Homo Sapiens đã từ châu Phi lên Trung Đông rồi từ đây theo bờ biển Nam Á đến Việt Nam khoảng 60-70000 năm trước. Dừng lại đây trong khoảng 10.000 năm, hai đại chủng Mongoloid và Australoid hoà huyết tạo ra những chủng lai. Những chủng người này sinh sôi nảy nở lan khắp lục địa, hải đảo Đông Nam Á rồi sang châu Úc. Khoảng 40.000 năm trước, khi băng hà tan, người từ Đông Nam Á đi lên phía bắc, chiếm lĩnh lục địa Trung Hoa rồi sau đó vượt qua eo Bering tới châu Mỹ.
  
Cho đến thiên niên kỷ thứ IV TCN, người Đông Nam Á mà sau này sử sách gọi là Bách Việt sống khắp duyên hải Đông Á với nhân số chiếm khoảng 54% nhân loại. Trong đó người Lạc Việt có khoảng 15-20% và giữ vai trò lãnh đạo về xã hội và ngôn ngữ. Người Bách Việt Đông Nam Á kiến tạo nền văn minh nông nghiệp tiến bộ nhất thế giới: Nghề trồng lúa phát triển với giống lúa được tuyển chọn tốt, biết cày bằng trâu bò, đắp bờ giữ nước. Nghề chăn nuôi gia súc trở thành nghề sản xuất chính, biết nuôi tằm dệt lụa. Nghề đúc đồng ra đời. Khoa thiên văn quan sát tượng trời tượng đất dự báo thời tiết ở trình độ cao. Kiến thức âm dương ngũ hành, dịch số được tích luỹ. Từ kết nút để ghi nhớ đã có chữ Khoa đẩu. Là cộng đồng nông nghiệp nên sinh hoạt văn hoá phát triển với ca dao, dân ca, đồng dao, nhạc múa, trái gái luyến ái tự nhiên theo tục dã hợp…
  
Cũng trong khoảng thời gian trên, có phần chắc là muộn hơn, một số nhóm người Mongoloid từ Đông Nam Á đi lên miền đồng cỏ phía Tây Bắc Trung Hoa, sinh sống bằng du mục, tách biệt với khối dân cư còn lại.
  
Khoảng 2600 năm TCN, những bộ lạc du mục thiểu số này vượt Hoàng Hà chiếm đất của dân Bách Việt nông nghiệp, lập ra thời đại Hoàng Đế. (2)
  
Tuy chiến thắng về quân sự nhưng do số người ít và văn hoá kém phát triển nên kẻ chiến thắng bị đồng hoá cả về di truyền cả về văn hoá. Người Mongoloid vốn có nước da sáng hơn người Australod lại sống ở phía bắc từ lâu nên nước da càng trắng hơn. Vì vậy kẻ thống trị gọi người bản địa là lê dân – dân đen - để phân biệt.
 
Vào đất Bách Việt, người Hán Mông Cổ choáng ngợp trước số dân đông đúc và  kinh tế sung túc nên lập tức bỏ nghề du mục, chuyển sang làm quan, làm công nghiệp, nhà buôn - những công việc đặc quyền của kẻ thống trị.
 
Không lâu sau, chỉ một vài trăm năm, toàn bộ người Hán Mông Cổ xuống Trung Nguyên bị hoà huyết với dân đen bản địa thành chủng người mới, khoa học gọi là Mongoloid phương Nam hay nhóm loại hình Đông Nam Á. Trong quá trình hoà huyết  thì văn hoá cũng hoà đồng: Trước hết là tiếng nói. Lớp con lai dùng trộn trạo từ vựng của bố của mẹ. Với thời gian, hai hệ tiếng nói bổ sung cho nhau, hoà vào nhau tạo nên tiếng nói chung phong phú của lớp dân mới. Tuy nhiên, tiếng nói của một vùng, một quốc gia bao giờ cũng theo cách nói của trung tâm, của thủ đô. Người Hán Mông tập trung ở đô thị nên trong khi học thêm từ vựng Việt thì họ cố giữ cách nói-văn phạm truyền thống  Hán. Dần dần toàn bộ dân cư chuyển sang dùng cách nói thống nhất như các đô thị, kết quả là trong giao tiếp cùng nói theo cách của người Hán. Đồng thời trong quá trình chung sống, các phong tục tập quán của hai tộc người ban đầu cũng hoà vào nhau.
 
Người Hán Mông Cổ bỏ vật tổ truyền thống của mình là con cọp trắng để chuyển sang thờ vật tổ của dân bách Việt là con cá sấu được thần hoá thành con rồng. Người Hán Mông Cổ cũng nhận những ông tổ xa xưa của người Việt là Toại Nhân, Phục Hy, Thần Nông làm tổ của mình (3). Điều này không có gì sai trái mà hợp lý vì do hoà huyết nên về huyết thống, những thế hệ người Hán từ sau Hoàng Đế như Đế Cốc, Đế Chí đều là con cháu của Thần Nông. Họ có toàn quyền nhận tổ tiên cũng như văn hoá nông nghiệp làm của mình, bình đẳng với những người Bách Việt mới thuộc chủng Mongoloid phương Nam.
  
Từ lịch sử đó, chúng ta thử tìm hiểu hoàn cảnh ra đời của kinh Thi.
  
Từ thời vua Vũ nhà Hạ (2205-1783 TCN), các nước chư hầu dâng cống vật cho thiên tử thì trong phương vật, có cả những câu ca của dân quê nơi thôn dã. Thiên tử xem những câu ca ấy để hiểu thuần phong mỹ tục trong thiên hạ, để đánh giá sự cai trị của vua chư hầu. Cái lễ cống tồn tại dài dài mãi sau này nhưng việc cống những câu ca nơi thôn cùng xóm vắng chỉ tồn tại đến thời nhà Chu (1134-247 TCN).

Nhưng thử hỏi thiên hạ Trung Hoa thời Xuân Thu là ai? Lúc này đã 2000 năm qua đi từ trận Trác Lộc Hoàng Đế chiến Si Vưu. Trong cương thổ nhà Chu rộng khoảng 115.000 km2 với 15 tiểu quốc, hai chủng tộc chính ban đầu là Hán Mông Cổ và Bách Việt đã hoà huyết thành chủng mới Mongoloid phương Nam. Cùng với máu huyết, giữa người Việt và người Hán cũng có sự hoà đồng về văn hoá. Trong cộng đồng Hán tộc mới này, lực lượng đông đảo nhất là lê dân, là dân đen tức những người gốc Tam Miêu. Chính do số đông áp đảo, chính xuất phát từ nền văn hoá cao hơn nên những người gốc Bách Việt giữ vai trò chủ đạo trong nền văn hoá.
 
Đặc điểm nổi bật của dân Miêu Việt là sống hồn nhiên vui vẻ, ưa ca múa, khá thoải mái trong chuyện luyến ái gái trai. Kinh Thư ghi nhận, khi vì bất bình mà người Miêu Việt nổi dậy, dẹp không được, vua Thuấn phải sai ông Quỳ dùng ca múa phủ dụ mới yên. Từ kinh nghiệm trên, các ông vua hiền thời cổ ở Trung Quốc đã phần nào dựa vào những lời ca cất lên nơi thôn cùng xóm vắng mà biết nguyện vọng của dân để kịp thời điều chỉnh chính sách của mình. Chính những lời ca dân dã ấy được thu thập lưu giữ trong tàng thư của nhà vua. Và từ những thư tịch trong cung vua nhà Chu, Khổng tử (551- 479 TCN) đã đem ra san định thành kinh Thi.
 
Những nguyên nhân trên đã tạo nên tinh thần nông nghiệp Việt tộc bàng bạc trong kinh Thi ngay từ bài đầu tiên và quan trọng nhất: Quan thư.
            Quan quan thư cưu

            Tại hà tri châu

             Yểu điệu thục nữ
             Quân tử hảo cầu.
Bài ca là hình ảnh một bãi nổi trên sông với những loài chim nước cặp đôi cùng người trai người gái tình tự phản ánh cuộc sống hồn nhiên của dân cư nông nghiệp miền sông nước. Hảo cầu là từ đa nghĩa. Tản Ðà dịch là tốt đôi vợ chồng nhưng theo Kim Ðịnh, một bản Latinh lại dịch là giao cấu (copulary). Dịch như vậy mới phản ánh đúng cái thần câu ca: quan hệ tính giao tự nhiên như vậy chỉ có ở văn hóa phồn thực của Viêm Việt nông nghiệp. Dịch như Tản Ðà là dịch theo quan điểm thanh giáo mà Hán nho rồi Tống nho áp đặt để xuyên tạc kinh Thi.
    
Một bài khác cũng mang cái phong vị trữ tình như vậy, bài Hán Quảng :
          Trên bờ sông Hán ai ơi,

          Có cô con gái khó ai mơ màng

          Mênh mông sông Hán sông Giang
          Lặn sang chẳng được, bè sang khó lòng.

Sông Hán là chi lưu của sông Dương Tử, miền đất châu Kinh, châu Dương, châu Hoài... địa bàn cư trú lâu đời của người Bách Việt, một bằng chứng cho thấy người Việt là chủ nhân những câu ca trên. Một bài khác Thảo trùng: người con gái lên núi hái rau, nhìn thấy châu chấu theo nhau bay nhảy liền mong tưởng đến chồng trở về: Diệc ký kiến chỉ, diệc ký cấu chỉ, ngã tâm đắc di.
Tản Ðà dịch: bao giờ cho thấy mặt chàng,
                      Cho ta vui vẻ nở nang tấm lòng.
Dịch vậy là quá khéo, bởi chữ cấu có nghĩa là giao hoan. Nở nang tấm lòng vừa có nghĩa vui mừng lại có nghĩa thai nghén sinh nở!
       Bài Dã hữu tử huân (con nai chết trên đồng) có câu:
            Có cô con gái xuân tình,
            Cậu giai tốt đẹp dỗ dành muốn ve
cũng là bằng chứng của lối sống phồn thực Viêm Việt. Cuộc sống phồn thực luyến ái tự nhiên là đặc điểm của văn hóa Việt tộc. Ta thấy điều này trong sinh hoạt hội mùa xuân: đến hội xuân, tất cả trai gái làng này đến hát đối với trai gái làng bên cạnh (là hai bộ lạc). Trai chưa vợ gái chưa chồng xem mặt nhau rồi chọn lựa trong lúc hát hò. Tan đám hát, họ chia nhau từng đôi, tặng nhau kỷ vật rồi dẫn nhau vào những lùm cây bãi cỏ giao hoan, gọi là dã hợp. Không ai chê bai ngăn cản việc này. Những đứa trẻ sinh ra trong cuộc hôn phối tự nhiên ấy là điềm may. Chỉ khi các thánh hiền phương Bắc xuất hiện mới coi là xướng ca vô loại, chê dâm bôn, ra sức cấm đoán rồi vỗ ngực ca ngợi công việc ấy của mình là cải hóa phong tục của man di! Nếu trong cuộc đời thực, Hán nho, Tống nho tiếp tay cho vương triều phong kiến xóa bỏ văn hóa Việt tộc thì trên phương diện chữ nghĩa, họ cũng một mặt ăn cắp tác quyền những dân ca và ca dao Việt trao cho vua chúa, mặt khác chú giải Thi theo hướng có lợi cho vương triều, cổ xúy chủ nghĩa thanh giáo. Kim Ðịnh phát hiện ra mưu đồ này nhưng có lẽ ông đã quá lời khi nói: "Có thể xẩy ra những cuộc tráo trộn do chính Viêm tộc làm ra: nó ở tại đem vào những bài ca của dân gian một ít lời để lái một bài thơ phương Nam ra vẻ của phương Bắc, hoặc để nguyên cả một bài hay một chuỗi bài như Châu Nam, Thiệu Nam mà đặt vào vùng núi Kỳ ở Thiểm Tây để cho người phương Bắc dễ chấp nhận." (VLTN 135) Có lẽ không phải vậy. Người dân quê hồn hậu không nghĩ rằng những câu ca nơi đồng nội của mình sẽ thành kinh điển nên phải tự sửa mình đi cho vừa khẩu vị kẻ xâm chiếm thống trị. Họ chỉ tự nhiên nhi nhiên hát lên lời hát của lòng mình mà vì nó hay nên vương triều không thể bỏ phải lượm lặt đem về. Nhưng rồi việc biên tập, nhuận sắc, chú giải diễn ra, nội dung nhiều bài thay đổi đồng thời tác quyền bị chuyển cho người khác. Việc làm này của Hán nho là có ý thức. Tuy nhiên, cái việc vụng trộm ấy cũng không hoàn toàn vô tang mà đã để lại dấu vết. Không những không thể xóa hết tinh thần Viêm Việt bàng bạc trong khắp tập kinh mà ở nhiều bài còn lộ rõ dấu vết trong cách đặt câu, trong cú pháp. Ta biết, so với tiếng Việt, cú pháp chữ Hán nói ngược: Việt nói trong lòng là trung tâm thì Hán nói tâm trung. Nhưng trong kinh Thi, có hiện tượng rất lạ là nhiều câu vẫn giữ cấu trúc ngữ pháp Việt:
          Túc túc thỏ ta, thi vu trung lâm
         (Thỏ ta: Lưới thỏ mà căng giữa rừng.)
Ðúng ra giữa rừng viết theo cú pháp chữ Hán phải là lâm trung mà ở đây lại là trung lâm. Hay
        Hước lãng tiếu ngạo, trung tâm thị niệu
      (Chung phong: Cũng là bỡn cợt mà thôi,
        chỉ thêm đau ruột cho người xót thương).
 Có thể kể ra nhiều nữa:
  - Hồ vi hồ trung lộ (Thức vi: trong sương)
  - Trung tâm rạng rạng (Nhị tử thừa chu: trong lòng áy náy )
  - Trung tâm hữu vi (Cốc phong: trong lòng băn khoăn)
  - Di vu trung cốc (Cát đàm: trong hang)
  - Trung tâm dao dao (thử ly: trong lòng nao nao)
  - Tại bỉ trung hà (Bách châu: giữa dòng sông)
  - Trung cấu chi ngôn (Tường hữu từ: lời nói trong buồng kín )
     Những "hòn sạn" chữ nghĩa kia nói lên điều gì? Phải chăng là sự vô tình? Phải chăng là những người biên tập, san định, chú giải vì "dốt" nên không thấy cái "sai" ấy? Mấy nghìn năm nay chưa ai giải thích điều này. Trong bài Dẫn nhập in ở đầu cuốn kinh Thi, ông Trần Văn Chánh nhận xét: "Trong kinh Thi, chữ "trung" (ở trong, ở giữa) thường đặt sau danh từ, thay vì ngược lại, so với văn ngôn các đời Hán, Ðường... về sau."(4) Ông cho rằng đó là một trong những nguyên tắc, những mô hình cấu trúc cần nhận biết khi đọc Thi. Ðiều này đã hẳn nhưng nó cũng gợi lên thắc mắc: vì sao lại có hiện tượng khác thường đó? Và vì sao qua hàng nghìn năm phấn đấu xa đồng quỹ, thư đồng văn, qua biết bao lần nhuận sắc, chú giải, những đại nho của muôn đời không sửa chữa, không lượm đi những "hạt sạn"? Ðúng là chữ nghĩa thời kinh Thi chưa ổn định và có khác thời Hán thời Ðường. Nhưng thử hỏi, nguyên nhân của sự không ổn định ấy là gì? Theo thiển ý, ở chính trong lịch sử hình thành ngôn ngữ Trung Hoa. Ngôn ngữ thời kinh Thi nằm trên đường chuyển hóa từ cách nói của người Việt sang cách nói của người Hán. Cách nói của người Hán cuối cùng đã thắng nhưng trong ca dao, dân ca vẫn tồn tại cách nói Việt phản ánh tư duy Việt. Khi ca dao dân ca của người Việt được đưa vào kinh điển, người san định tuy đã nhuận sắc sửa đổi nhưng không thể sửa chữa tất cả vì buộc phải tôn trọng vần điệu của thơ. Trong 2700 bài thơ bị loại bỏ, ai biết có bao nhiêu bài của Việt tộc? Những bài còn lại là những bài không thể bỏ. Những cấu trúc ngữ pháp không bình thường trong các bài đó cũng là không thể sửa đổi! Cái không thể sửa đổi đã trở thành những "hòn sạn" trong ngôn ngữ của Thi. Nhưng chính những "hòn sạn" tưởng như ngẫu nhiên này lại là những hóa thạch ngôn ngữ chứng minh về sự đóng góp của tiếng Việt vào kinh Thi, vào ngôn ngữ Trung Hoa! Không chỉ trong Thi, cách nói Việt này cũng để lại dấu ấn trong một số tên gọi: Nữ Oa, Thần Nông, Ðế Nghiêu, Ðế Thuấn, Ðế Chí rồi Ðế Minh, Ðế Lai... Cách nói đó không thể phủ nhận được là cách nói Việt. Có lẽ cũng do những nguyên nhân lịch sử bất khả kháng mà người ta không thể sửa thành Nông Thần, Nghiêu đế... theo cách nói của người Hán!

Nói như ông Kim Ðịnh Kinh thi là quyển kinh điển của Việt tộc e rằng quá lời. Bởi lẽ không hiểu những bài bị loại bỏ ra sao, còn căn cứ vào những bài hiện có, ta thấy trong đó nhiều bài mang đặc tính chung của con người, cái chất uy-manh chả của riêng ai, thật khó tách bạch. Trong đó bên cạnh những bài đậm sắc thái Việt lại có những bài mang tố chất Hán tộc như bài Thạc nhân:
        Người đâu dong dỏng như ai,
        Trong mặc áo gấm phủ ngoài áo lương.
        Ấy người con gái họ Khương,
       Em ông thái tử cưới sang vua Vệ hầu.
       Còn như bề giượng là đâu?
       Có Ðàm công với Hình hầu hai vua.
Từ phục sức đến nhân thân cho thấy đó là người đàn bà quý tộc. Nhân vật này không phải đối tượng của văn chương dân gian. Nhiều khả năng đây là sản phẩm của nhà thơ cung đình nào đó mượn phong cách dân gian làm thơ phục vụ vương quyền. Không phải trong tầng lớp vương giả không có người Việt nhưng người đàn bà này đích thực là người Hán:
        Tay ai như cái cỏ gianh non,
        Da như mỡ đọng, cổ như con nhậy dài,
        Hạt bầu thời như thể răng ai,
        Ðầu trăn mà lại mày ngài thêm xinh...
Tay, da, đầu có thể là cái đẹp chung của người Hán người Việt nhưng rõ ràng, cái răng: hạt bầu như thể... cũng như đầu trăn (Tản Đà giảng con trăn như con ve mà bé) là vẻ đẹp theo chuẩn mực thẩm mỹ Hán tộc. Thời ấy, vẻ đẹp của người Việt là nhuộm răng đen, xăm mình. Trong Sở từ, đau vì thân phận dòng Việt của mình, Khuất Nguyên than: răng đen mình trổ dọc ngang!
  
Nhưng điều thú vị là, ngay ở đây cũng hiển lộ yếu tố văn hoá Việt: mày ngài! Trồng dâu nuôi tằm là bản nghệ của dân nông nghiệp phương Nam. Do chăm chút con tằm từ ăn một ăn hai đến ra né, chọn giống, cho ngài đẻ… mà người nuôi tằm nhận ra vẻ đẹp kỳ diệu của cặp râu con ngài. Sự so sánh tuyệt vời nảy sinh: râu con ngài được ví với lông mày con gái. Thành ngữ mày ngài ra đời! Đấy là sản phẩm của văn hoá nông nghiệp Bách Việt.
 
Khi đưa nghề tằm tang từ Văn hoá Hoà Bình lên Trung Nguyên, người Việt cũng đưa luôn thành ngữ mày ngài lên quê hương mới. Thành ngữ này, cũng như những từ vựng khác, nhập tịch ngôn ngữ Trung Hoa rồi một cách vô thức phát lộ trong câu ca dao mang nhiều sắc thái Hoa tộc nhất. Điều này là ví dụ tuyệt vời chứng tỏ sự đóng góp của văn hoá Bách Việt vào văn hoá Trung Hoa.
   
Như vậy, có lẽ sẽ công bằng hơn khi nói rằng, kinh Thi là đứa con lai giữa hai nền văn hóa Hán và Việt mà trong đó phần hồn phần cốt là văn hóa của Bách Việt nông nghiệp.

Sài Gòn 6-2006
Sách tham khảo:
 1.Kim Đinh. Việt lý tố nguyên. An Tiêm Sài Gòn 1970 tr. 125
 2. Hà Văn Thuỳ. Tìm lại cội nguồn tổ tiên cội nguồn văn hoá. Talawas.org
 3. Ts Nguyễn Thị Thanh - Việt Nam trung tâm nông nghiệp lúa nước và công nghiệp đá xưa nhất thế giới– Vietcatholic 30.9. 2001.
 4. Kinh Thi NXB Thành phố Hồ Chí Minh 1992 tr.XXXII
Hà văn Thùy

http://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=4435

Thứ Bảy, 20 tháng 4, 2013

VIỆT MƯỢN HÁN HAY HÁN MƯỢN VIỆT


Hà văn Thùy

Nhiều năm nay ông Huệ Thiên giữ chân chủ xị mục Chuyện Đông chuyện Tây của tạp chí Kiến thức ngày nay. Công bằng mà nói, ông có giúp cho độc giả những phút thư giãn bổ ích khi biết thêm những điển tích, những chữ nghĩa cổ. Người đọc nhận ra rằng, ông chịu tra cứu, phần nhiều nói có sách mách có chứng. Tuy nhiên, trong một số bài viết của ông có những kiến giải chưa thỏa đáng. Những kiến giải đó xuất hiện trên tạp chí, trên nhật trình, nguyệt trình là chuyện thoảng qua nhưng khi tập hợp lại thành sách NHỮNG TIẾNG TRỐNG QUA CỬA CÁC NHÀ SẤM* gây không ít ngộ nhận. Điều khiến chúng tôi băn khoăn là ông có cái nhìn thiên lệch trước một số hiện tượng tế nhị trong ngôn ngữ Việt. Chúng tôi có vài điều xin thưa lại.
 
Trong bài Về những địa danh "thuần Việt" thời Hùng Vương, trang 145, khi bài bác quan điểm cho rằng, yếu tố "Kẻ" và những địa danh đi liền sau nó như "Mẩy", "Cót", "Vòng"… (thành những "Kẻ Mẩy", "Kẻ Cót", "Kẻ Vòng") là những tên Nôm làm thành một "hệ thống tên xã thôn hoàn toàn khớp với cương vực nước Văn Lang được ghi lại trong truyền thuyết dựng nước," ông "đã chứng minh rằng "kẻ" là một từ Việt gốc Hán bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ (giới) mà âm Hán Việt thông dụng hiện đại là giới, âm Hán Việt hiện đại ít thông dụng hơn là giái, còn âm chính thống gọi là cái." Và "những cái gọi là tên Nôm hoặc "thuần Việt" như Mẩy, Cót, Vòng… chẳng qua chỉ là âm xưa của những chữ Hán nay đã được đọc theo âm Hán việt hiện đại mà thôi(!)"
  
Đọc những dòng trên hẳn không ít người phải than "hỡi ôi" cho tiếng Việt, cho dân tộc Việt! Một dân tộc có 70% tiếng nói vay từ tiếng Hán mà đến một vài chữ hiếm hoi tưởng như đăc sản, đăc hữu cũng là đi mượn nốt! Dù không biết ông nói đúng hay sai nhưng chí ít cũng thêm một chút đau lòng! Một dân tộc vay mượn tới chừng đó trong ngôn ngữ thì nếu có bị nô lệ cũng đáng đời!
  
Để minh chứng cho ý tưởng của mình, ông bắt đầu từ tên Mơ, một tên gọi phổ biến ở vùng Hà Nội: "đó rõ ràng là một từ việt gốc Hán có liên quan đến chữ/từ mai. Đó dứt khoát không phải là một yếu tố Nôm, thuần Việt hoặc Việt cổ và đây tất nhiên không phải là trường hợp duy nhất." Và ông dẫn ra hàng loạt trường hợp khác: Núc là âm xưa của Canh Nậu; Vài, của Ngọc Nhị; Gượm, của Cần Kiệm; Noi, của Cổ Nhuế; Núc, của Dị Nậu; Vòng, của Dịch Vọng; Gạch, của Ô Cách... Trong những căp tương ứng trên đây, tiếng đầu (Núc, Vài, Gượm…) là âm xưa, còn tiếng sau  (Nậu, Nhị, Kiệm...) là âm nay của cùng một chữ Hán trong những địa danh hữu quan và sự tương ứng đó là hoàn toàn nhất quán trong các địa danh chỉ nhiều địa phương khác nhau, thậm chí rất xa nhau: "Núc không chỉ là Canh Nậu, Dị Nậu Hà Nội mà còn là của Dị Nâu vùng Tam Đảo. Gạch không chỉ là Ô Cách ngoại thành Hà Nội mà còn là âm xưa của Bình Cách thuộc Đông Quan Thái Bình..." Từ đó ông kết luận: "Sự tương ứng nhất quán đến cao độ trên đây là một chỗ dựa chắc chắn để khẳng định rằng những cặp từ đang xét chỉ là âm xưa và âm nay của những chữ Hán hữu quan. Nếu là phiên âm thì, dù âm gốc có là một, từ địa phương này sang địa phương khác, kết quả phiên âm thế nào cũng có sai biệt, và có khi khác nhau rất xa."
   
Để củng cố cho lập luận của mình, ông Huệ Thiên dẫn Nguyễn Tài Cẩn, nhà ngôn ngữ hàng đầu: "Hiện ta có từ mơ là dạng cổ Hán Việt ứng với cách đọc Hán Việt mai. Mai là kết quả của cả một quá trình diễn biến *ơj>oj>aj. Mơ là dạng vay mượn vào lúc âm cuối -j chưa xuất hiện trong tiếng Hán; theo giới Hán ngữ học,  mơ phải được vay trong khoảng 1500 trở về trước. Mà trong thời cổ đại đó thì - cũng theo sự phục nguyên của giới Hán ngữ học- từ mai đang có vần mở là *(ơ ); vần *(ơ) này không chỉ có mặt trong thời Đông Hán, Tây Hán mà còn lên đến tận thời Kinh Thi"(tr.147)
  
Không có nhiều tri thức ngôn ngữ học lịch sử nhưng chúng tôi được biết thế này: đứa trẻ sinh ra, cha mẹ đặt tên cho nó. Mảnh đất khai phá xong thì chính người chặt cây đào gốc đặt tên cho nó bằng ngôn ngữ của mình. Sài Gòn là một tên gốc Phù Nam, Cần Thơ, Sóc Trăng là tên gốc Khmer. Những năm 1830, khi làm Địa bạ Nam Kỳ, nhiều quan chức triều Nguyễn đã phải cùng với hương chức vất vả phiên âm chữ Hán cho biết bao thửa ruộng cánh đồng từ lâu mang tên Nôm! Lập luận như ông Huệ Thiên thì phải chăng hàng vạn năm trước, đất Việt cổ không có tên vì chưa mượn được chữ Hán để đặt?!
  
Chúng tôi cũng xin mạn phép nghi ngờ ý kiến của Gs Nguyễn Tài Cẩn bởi lập luận của ông dựa trên sự phục nguyên của giới Hán ngữ học. Theo logic đơn giản: phục nguyên một chữ Hán hiện đại là việc xác định gốc gác cổ xưa của nó và từ đó tìm ra mối liên hệ với những ngữ gần gũi. Vậy, việc phục nguyên ở đây sao lại đưa tới kết luận một chiều là chỉ có Việt mượn Hán chứ không phải ngược lại? Phải chăng vì nước Hán to, người Hán đông, văn hóa Hán bự nên chỉ cho mà không nhận?
  
Mặt khác, trong ý kiến của giáo sư Cẩn có nói: từ mai đang có vần mở là (ơ ); vần (ơ) này không chỉ có mặt trong thời Đông Hán, Tây Hán mà còn lên đến tận thời kinh Thi. Theo thiển ý, thời kinh Thi là một thời gian khó xác định. Nếu là ở thời điểm hình thành kinh Thi thì chí ít là vào thời Đế Nghiêu khoảng 4500 năm trước. Còn ở thời điểm Khổng tử san định Thi thì cách nay 2500 năm. Ý kiến của giáo sư gợi rằng việc vay mượn có từ thời đó. Nếu vậy, thử hỏi cái sự vay mượn này diễn ra như thế nào? Phải chăng 4500 năm trước, một ông Việt nào đó đi du lịch lên tới tận bờ sông Hoàng Hà, thấy có chữ mai hay quá liền mượn về xài nhưng rồi sợ bị kiện vì vi phạm bản quyền nên nói trại đi thành mơ? Cố nhiên không phải vậy! Ý kiến của giáo sư Cẩn là một phát hiện khoa học chứng tỏ sự kiện là: ít nhất từ thời kinh Thi đã có sự sống chung đụng giữa người Hán và người Việt nên nảy sinh việc trao đổi ngôn ngữ. Chỉ có điều không phải Việt mượn của Hán mà Hán mượn của Việt: từ mơ tiếng Việt đã chuyển thành từ mai tiếng Tàu! Nhận định này là có cơ sở.
   
Nhà địa lý kiêm toán học Buckminster Fuller cho rằng, có thể tìm ra nguồn gốc các nền văn minh căn cứ vào tỷ lệ thuận giữa trình độ văn hóa, di dân và mật độ nhân số. Từ lý thuyết đó, ông lập bản đồ Dymaxion World Maps (Bản đồ động thái thế giới). Từ bản đồ của mình, B.Fuller đưa ra giả thuyết: vào thiên niên kỷ IV-III TCN, duyên hải Đông và Đông Nam Á chỉ chiếm 5% diện tích thế giới nhưng có tới 54% nhân loại đang sống. 54% nhân loại ở đây chính là những tộc người Bách Việt từ Đông Nam Á lên khai thác lục địa Trung Hoa và các đảo ngoài khơi. Trong cộng đồng Bách Việt này thì người Lạc Việt giữ vai trò chủ đạo về xã hội và ngôn ngữ. Dựa vào sự tính toán của B. Fuller, người ra suy ra, vào thời đó, người Lạc Việt có thể chiếm 15-20% nhân số thế giới. (Vũ Hữu San. Vịnh Bắc Việt. Tripod.com). Trong công trình khảo cứu Tiếng nói và chữ viết của người Việt cổ, luật sư Cung Đình Thanh dẫn lại lịch sử nghiên cứu tiếng Việt và đưa ra kết luận mới nhất của giới ngôn ngữ học: vào khoảng thiên niên kỷ IV TCN, ngôn ngữ Môn-Khmer của người Việt giữ vai trò lãnh đạo vùng Đông và Đông Nam Á cả về xã hội cả về ngôn ngữ (Joseph Needham & Edwin George Pulleyblank trong The Origins 1983- Dẫn theo Cung Đình Thanh. Dactrung. Net.)
    
Trong khi đó người Hán nói ngôn ngữ Sino-Tibétan (Hán-Tạng) chỉ là nhóm thiểu số sống du mục trên vùng đồng cỏ Thiểm Tây, Cam Túc, trình độ văn hóa thấp, không có chữ viết. Khoảng 2800 TCN, người Hán vượt sông Hoàng Hà chiếm đất của người Việt. Một bộ phận Bách Việt chạy xuống phía Nam, tụ lại ở vùng Ngũ Lĩnh. Phần lớn (khoảng 70%) người Bách Việt ở lại sống cùng quân chiếm đóng. Người bách Việt do số dân đông áp đảo và văn hóa cao đã đồng hóa kẻ thực dân cả về huyết thống cả về văn hóa. Cùng với việc tiếp nhận kinh Thi, kinh Dịch của người Việt, người Hán đã tiếp thu tiếng Việt vào trong vốn từ vựng nghèo nàn của mình. Chính lúc này mơ của Việt chuyển thành mai của Tàu. G.s Vũ Thế Ngọc trong bài viết rất thuyết phục Ý nghĩa quốc hiệu Lạc Việt (Việt Nam gia phả 20/01/2005) cho biết, khi tra từ điển tiếng Hán cổ của Karlgren, ông gặp cả ba chữ "lạc" (bộ Mã, bộ Truy, bộ Thủy) đều được đọc là lak (nay người Bắc Kinh đọc là Lo), chính là ký âm của từ "lạc" có nghĩa là nước trong tiếng Việt. Phải chăng chữ "kẻ" của người Việt bên sông Hoàng Hà biến dần thành "cái" rồi " giới" của tiếng Hán, trong khi tại quê hương nó bên bờ sông Hồng, chữ "kẻ" còn được lưu giữ trong một số địa danh hoặc chuyển thành chữ "cổ" như Kẻ Lũ chuyển thành Cổ Loa? Nếu đúng vậy thì có nghĩa là các nhà phục nguyên Hán ngữ đã đi theo biển chỉ đường lộn ngược, biến quả thành nhân!
 
Bị người Hán đuổi tiếp, người Việt từ Ngũ Lĩnh trở về Việt Nam góp phần xây dựng nước Văn Lang. Chính những người Việt trở lại mái nhà xưa này đã mang về những yếu tố ngôn ngữ từng để lại bên sông Hoàng Hà: cả từ vựng, cả những địa danh. Điều này cắt nghĩa vì sao bên ta có nhiều địa danh giống bên Tàu. Chính là do ông bà ta đặt cho vùng đất mình mới khai phá những cái tên thân thuộc phải bỏ lại ở phía Bắc. Đó cũng là điều trả lời cho thắc mắc của ông Huệ Thiên: vì sao có sự phiên âm thống nhất một số địa danh trên địa bàn rộng.
     
Trong cuốn sách của mình, tác giả Huệ Thiên còn nhiều bài viết: Chung quanh từ nguyên của từ "gạo", Chữ "vằn" liền với chữ "văn" một vần, những bài về tên các con giáp trong thập nhị chi... Ở đó, cũng theo cách tư duy trên, ông có vẻ hào hứng cho tất cả là Hán, là của Tàu, là "trăm phần trăm made in China"! Không có điều kiện bàn từng trường hợp cụ thể, chúng tôi chỉ xin nói rằng, ông đã quá tin vào sách Tàu nên sai lạc, trái ngược với thực tế lịch sử diễn ra từ bờ sông Hoàng Hà đến sông Hồng sông Mã.
   
Thực tế lịch sử này từ lâu bị khuất lấp, và chúng ta được dạy rằng: Người Việt là đám Tàu lai bị người Tàu xua đuổi trôi dạt xuống, tiêu diệt người bản địa, lập nên nước Việt. Văn hóa Việt là thứ văn hóa Tàu dần dần được bản địa hóa!  Chúng ta cứ hồn nhiên tin thế cho tới 30 năm trước mới có một người Việt là học giả Kim Định dám nghi ngờ tín điều trên, đòi lại kinh Thi, kinh Dịch, kinh Thư... cho người Việt. Tiếp đó là nhiều học giả khác như  Gs Lê Văn Sửu với "Nguyên lý thời sinh học cổ Đông phương" và "Học thuyết âm dương ngũ hành", Gs Bùi Văn Nguyên "Kinh Dịch Phục Hy" rồi Nguyễn Tiến Lãng "Kinh Dịch- sản phẩm sáng tạo của người Việt"… cùng chung ý hướng trên.
   
Sự hồn nhiên của tác giả Huệ Thiên chẳng những dội gáo nước lạnh vào tâm huyết của những người cố công quẫy đạp ngược thời gian tìm lại cội nguồn mà còn gây ngộ nhận cho người đọc, nhất là bạn trẻ, những người có lúc thích thú theo dõi chuyện Đông chuyện Tây của ông.
  
Nói rằng ngôn ngữ Hán đã mượn nhiều từ vựng tiếng Việt không phải chuyện hoang tưởng mà là dựa vào tiến trình lịch sử dài lâu của người Việt. Chí ít, người Việt đã sống 40.000 năm từ lưu vực sông Hoàng Hà tới sông Dương tử. Một ngôn ngữ lớn từng giữ vai trò lãnh đạo cộng đồng Bách Việt đông đảo chiếm đến 54% nhân loại bỗng dưng biến mất không để lại dấu tích gì sao? Vậy nó đi đâu? Tiếng Việt từ trước thời Hoàng đế đã được ghi bằng chữ Khoa đẩu, chữ Hỏa tự. Ban đầu người Hán cũng dùng chữ hình nòng nọc của người Việt để chép kinh Thư dấu trong vách nhà của Khổng tử. Khi phát minh ra chữ vuông, người Hán đã dùng chữ vuông ký tự tiếng Việt rồi đương nhiên coi là chữ Hán. Ngày nay nhìn những chữ Hán cổ nhất, chúng ta vẫn còn thấy trên đó dấu ấn của hình nòng nọc! Người Việt không giữ được đất đai, không giữ được chữ hình nòng nọc nên để mất luôn chữ viết của mình! Tiếp thu vốn từ vựng phong phú của người Việt nhưng vì giữ vai trò lãnh đạo xã hội nên người Hán áp đặt người Việt nói theo cách nói của người Hán. Như vậy, cùng với việc người Việt hòa tan vào cộng đồng Hán tộc thì tiếng Việt cũng hòa vào ngôn ngữ  Hán, trong một cơ cấu ngữ pháp mới. Quá trình này diễn ra âm thầm hàng nghìn năm tiền sử. Và gần nghìn năm trước, được người Hán điển chế thành những bộ từ điển vĩ đại. Sang thế kỷ XX, khiếp nhược trước số dân Trung Hoa đông đúc, trước văn hóa Trung Hoa khổng lồ, ngay người giầu trí tưởng tượng nhất cũng không dám nghĩ rằng cội nguồn nền văn hóa ấy là của người Việt; nên các nhà phục nguyên Hán ngữ khi so sánh chữ Việt Latinh non trẻ trong các bộ từ điển của A. De Rhode, của Tabert với những đại từ điển Trung Hoa, cứ thản nhiên thấy chữ nào có trong từ điển Tàu thì cho là gốc Hán, cho là Việt mượn Hán!
   
Nhưng dù được che giấu kỹ thế nào, ta vẫn có thể tìm thấy trong Hán ngữ những từ thuần Việt như Nữ Oa, Thần Nông, Đế Nghiêu, Đế Thuấn, Đế Cốc... Tại sao lại không là Oa Nữ, Nông Thần, Nghiêu Đế...? Lẽ giản đơn: họ là những nhân vật lịch sử người Việt hay do người Việt tôn xưng đặt tên, không thể sửa đổi. Và trong kinh Thi cũng bắt gặp khá nhiều trường hợp in dấu ấn cách nói của người Việt:
        -  Hồ vi trung lộ. (Thức vi: trong sương)
        - Trung tâm rạng rạng. (Nhị tử thừa chu: trong lòng áy náy)
        - Trung tâm hữu vi. (Cốc phong: trong lòng băn khoăn)
        - Di vu trung cốc. (Cát đàm: trong hang)
(Trong Kinh thi do Tản Đà dịch tôi đếm được hơn chục trường hợp tương tự)
  
Tại sao hàng nghìn năm thực hiện nghiêm cẩn xa đồng quỹ thư đồng văn mà trong quyển kinh quan trọng bậc nhất của văn hóa Trung Hoa vẫn giữ cách nói của người Việt trung lộ, trung tâm, trung cốc?  Vì sao không chuyển sang cách nói của người Hán lộ trung, tâm trung, cốc trung…?  Đấy chính là những hóa thạch ngôn ngữ  mách bảo cho người biết nghe điều thầm kín: những câu ca của người Miêu Việt !
   
Thiết tưởng, ông Huệ Thiên với sở học sở đọc của mình, nếu không hồn nhiên tận tín những sách của thày Tàu mà tìm đọc giữa những hàng chữ  Hán có thể sẽ cống hiến những phát hiện quý giá.
                                                                                       
  * NXB Trẻ 2004

Hà văn Thùy

http://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=3080

Thứ Hai, 15 tháng 4, 2013

ĐỀN VƯỜN







Ảnh: Quốc Việt
Phố Pháo Đài Láng, xưa, thuộc đất trại Yên Lãng, tổng Hạ, huyện Vĩnh Thuận, sau thuộc huyện Thanh Trì, đầu những năm 40 được sát nhập vào huyện Từ Liêm. Xã Yên Lãng (Kẻ Láng) có 3 thôn: Láng Thượng, Láng Trung, Láng Hạ. Trước, phố này thuộc thôn Láng Trung. Nay, chia thành 2 phường Láng Thượng và Láng Hạ thuộc quận Đống Đa. Phố Pháo Đài Láng nằm trên đất phường Láng Thượng.
Phố dài 600 mét, hình cánh cung, bắt đầu từ đường Nguyễn Chí Thanh, chỗ giao với đường Huỳnh Thúc Kháng đi qua khu di tích Pháo đài Láng đến đường Láng ở cạnh số nhà 778. Pháo đài Láng do Pháp xây dựng vào năm 1940, trên 5 mẫu ruộng ở làng Láng Trung. Trong pháo đài đặt 4 khẩu pháo 75 ly, có đài chỉ huy, hầm trú ẩn, hầm để đạn, hai khẩu đại liên và nhiều súng trường.

Cách mạng tháng Tám thành công, Pháo đài Láng về tay quân đội nhân dân Việt Nam. Các chiến sĩ bộ đội và tự vệ xã Yên Lãng ở Pháo đài Láng đã nhanh chóng làm chủ kỹ, chiến thuật, chuyển pháo cao xạ thành pháo mặt đất để sẵn sàng bắn vào quân Pháp. Cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Pháo đài Láng được vinh dự nổ những phát đạn đầu tiên vào các trại lính Pháp ở nội thành (19/12/1946), mở màn cuộc kháng chiến của quân dân ta. Ngay sau đó, Pháo đài đã lập chiến công vang rộn bằng việc bắn rơi máy bay địch vào ngày 21/12/1946. Đây là lần đầu tiên máy bay Pháp bị bộ đội ta bắn tan xác trên bầu trời Hà Nội. Bộ đội Pháo đài Láng đã cùng quân dân Hà Nội giam chân địch trong nội thành. Trong những ngày này, tự vệ và nhân dân xã Yên Lãng đã tích cực ủng hộ, hỗ trợ bộ đội Pháo đài Láng chiến đấu.

Ghi nhận những chiến công dũng cảm, kiên cường của quân và dân nơi đây, người ta đặt tên con phố dẫn vào pháo đài mang tên phố Pháo Đài Láng. Pháo đài Láng sau này trở thành di tích lịch sử cách mạng, một điểm tham quan du lịch ngay ở trong nội thành và được xếp hạng quốc gia vào năm 1993.

Khu di tích Pháo đài Láng ngày nay, phần góc sân phía bên phải vẫn còn lưu giữ một khẩu pháo lớn. Mũi pháo lúc nào cũng hướng lên trời, luôn ở tư thế sẵn sàng chiến đấu. Đây là 1 trong 2 khẩu pháo còn lại, là chứng tích cho sự mở đầu của quân và dân Hà Nội "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" để bảo vệ Thủ đô yêu dấu. Bên trong khu di tích còn có nhà trưng bày lưu giữ nhiều hiện vật quý như: mô hình Hà Nội xưa, danh sách cán bộ, chiến sỹ Đại đội Pháo binh Thủ đô tham gia chiến đấu bảo vệ Hà Nội trong những ngày đầu kháng chiến, bằng công nhận Pháo đài là di tích lịch sử - văn hóa và nhiều kỉ vật, tranh ảnh, tư liệu lịch sử của quân và dân pháo đài. Đặc biệt, nơi đây còn lưu giữ quả bom ba càng và 5 đạn pháo cao xạ 75 mm, một mã tấu là vũ khí của tự vệ và bộ đội pháo đài sử dụng trong những ngày toàn quốc kháng chiến bảo vệ Thủ đô.

Đây là những kỉ vật lịch sử được lưu giữ để giới thiệu với khách tham quan, là những chứng tích lịch sử để nhắc nhở thế hệ sau luôn ghi nhớ công lao của thế hệ cha anh đi trước.

Cùng với khu di tích Pháo đài, trên phố Pháo Đài Láng còn có một di tích cần được bảo vệ và gìn giữ đó là khu đền Vườn. Sở dĩ gọi là đền Vườn vì ngôi đền này trước kia thuộc xóm Vườn, thôn Láng Trung. Ngôi đền thờ đức Linh Lang Đại Vương. Ông là Thái tử thứ 4 đời vua Lý Thánh Tông (1032-1072), mẹ là cung phi thứ 9, quê ở Đồng Đoàn xã Bồng Lai, Đan Phượng, trấn Sơn Tây (nay thuộc Hà Nội). Ngài có nhiều công lao đánh đuổi giặc Tống ở thế kỉ XI. Khi ngài hóa, được nhà vua sắc phong Linh Lang Đại Vương Thượng Đẳng Phúc Thần. Theo người xưa kể lại, đền trước là ngôi nhà ngói ba gian. Sau nhiều lần trùng tu, khôi phục nay đã khá khang trang. Đối diện với số nhà 153 là cửa vào của ngôi đền. Đền được xây bằng chất liệu bê tông giả gỗ, mặt quay ra phía Nhà Văn hóa Láng Trung. Trước đền có một giếng nhỏ, gọi là giếng mắt rồng. Phía bên trái ngôi đền là miếu 2 bà (Hồng Hoa công chúa và Bạch Hoa công chúa). Hàng năm, cứ vào mồng 9, 10 tháng giêng lại diễn ra lễ hội truyền thống. Các hoạt động chính của lễ hội là: lễ tế thần, lễ dâng hương của các cụ ông ngoài ra còn tổ chức biểu diễn văn nghệ (hát chèo, hát cải lương...). Ngoài lễ hội truyền thống được tổ chức hàng năm, ngày 1-4 còn tổ chức lễ vào hè gọi là lễ Tam sinh (lễ vật gồm: thủ lợn, ngan trắng và gà), đến ngày 1-7 lại tổ chức lễ ra hè. Những ngày này không chỉ thu hút dân trong phố mà còn thu hút rất đông khách thập phương đến đây dâng hương, lễ tạ tỏ lòng thành kính. Nay, diện mạo của phố Pháo Đài Láng đã có nhiều đổi thay. Tuy nhiên, bên cạnh nếp sống hiện đại, nhiều nét văn hóa truyền thống vẫn được người dân gìn giữ và phát triển.
Nguồn tin: Theo Thăng Long Hà Nội
http://1000namthanglong.com.vn/show.asp?cat=090&item=1817