- Bước vào căn nhà
nhỏ của nghệ nhân Nguyễn Đăng Hiển ở số 46 Hàng Vải (Hà Nội), người ta
dễ dàng nhận ra chủ nhân của nó là một người tinh thông Hán học và giỏi
nghề chạm khắc.
" Thiết bút thư sinh"Ông Hiểu miệt mài khắc những nét chữ như phượng múa rồng bay.. |
Ông Hiển sinh ra ở làng Vó (Lương Tài- Bắc Ninh), trong một gia đình nhà Nho. Không chỉ thế, ngay từ nhỏ, ông đã được làm quen với nghề chạm khắc truyền thống của dòng họ. Những tiếng búa, tiếng đục trở nên thân thiết và gần gũi với cậu bé Hiển như thể con nhà nông thì phải biết đi cày, cấy lúa vậy. Cha ông thấy con ham học nên đã dốc tâm sức để truyền dạy. "Tôi sinh ra khi cây bút sắt đã lấn át bút lông nhưng cụ thân sinh vẫn bắt tôi cầm bút lông chép Tam tự kinh, Tam thiện từ bé. Ban ngày cầm dùi đục học nghề đồng nhưng tối tối vẫn phải luyện bút lông. Bởi lẽ, các cụ bảo không thông Kinh thi, tỏ Kinh dịch thì coi như không có học", ông Hiển kể.
Khi cha qua đời, ông Hiển nối nghiệp cha. Nhưng sau nhiều lần theo cha đi đúc chuông khắp các đền chùa, miếu phủ, ông nhận ra rằng những chiếc chuông kia nếu có thêm những dòng chữ thánh hiền, hẳn sẽ đẹp và ý nghĩa hơn nhiều. Vậy là thêm một lần nữa, ông lân la khắp các tỉnh thành tìm thày dạy chữ Hán. Chỉ đơn thuần đúc chuông thôi thì thật đơn giản, viết chữ trên chuông mới khó, và khó hơn là viết trên đồng mà nhẹ nhàng, uyển chuyển như viết trên giấy. Nghĩ thế, ông theo học Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ, chuyên ngành Hán học. Học rồi đâm ra mê mẩn. Vậy là cái nghiệp "thiết bút thư sinh" gắn với ông từ đó.
Chỉ bởi đam mê
"Nghề khắc chuông quả là cực nhọc và cần lắm một chữ Tâm. Bên cạnh đó, người thợ phải am tường Hán học và biết nhẫn nại", ông Hiển cho hay.
Muốn vậy, người học ngay từ đầu phải am hiểu hết những nét sổ, hoành,... đến các nét "biến" và phải biết "chạm" những chữ Hán đó trên bề mặt quả chuông. Phải "chạm" làm sao mà như vẽ trên giấy, chỉ cần hơi quá tay một chút thì nét "trường hoành" sẽ đâm xuyên sang chữ khác, nét "đoản" sẽ thành nét "trường". Chính vì thế, người thợ phải tập trung cao độ, tâm hoà, khí hoà mới có thể xuất bút tràn trề khí thế được.
Thêm nữa, những nét khắc đó phải có độ nông, sâu, rộng, hẹp phù hợp để người nhìn vào thấy được cái đẹp mềm mại, uyển chuyển của cây liễu, cái rắn rỏi của cây tùng, cây bách, cái thâm thuý của chữ thánh hiền. Viết trên đồng không thể viết lại nên việc sử dụng "thiết bút", là những con dao, cái chạm phải thật sự điêu luyện, thành thục. Tâm đắc với câu nói "phi nhẫn bất thành nhân", ông Hiển bảo, chuyển thể bài minh, bài kệ từ mặt giấy lên mặt đồng của chuông là câu chuyện khổ luyện của người thợ. "Với người nóng vội, câu chuyện đó thậm chí không bao giờ kết thúc. Để giữ cho nét bút sắc mà không phô, nhát búa vừa độ, người thợ cần hội tụ khí công tốt và tinh thần vững mới có thể "viết" được chữ lên mặt chuông. Giữ cho tâm đức tốt, vững tinh thần, kiên nhẫn, đó là bí quyết của tôi", ông nói.
Cũng bởi cái nghề "thiết bút thư sinh" cần chữ Tâm nên ông Hiển chẳng ngại ngần dù cho tiền công chỉ vài nghìn đồng một chữ. Với ông Hiển, sống trên đời được làm những điều mình thích, mà cái Tâm thanh thản là đủ thấy hạnh phúc rồi. Ông tâm sự: "Mỗi ngày tôi khắc nhiều lắm là 200 chữ. Chỉ có yêu nghề mới gắn bó được lâu dài chứ để làm giàu thì không thể theo được…".
Tiếng lành đồn xa, ông Hiển đã được nhiều nơi mời đến
khắc chuông. Tính đến nay, ông đã khắc được trên 4.000 quả chuông, khánh
lớn nhỏ. Bây giờ, ở cái tuổi "thất thập cổ lai hi", ngoài công việc
khắc chuông, ông còn dạy chữ Hán. Học trò của ông, tuy nhiều người tinh
thông chữ Hán nhưng chưa ai khiến ông thật sự hài lòng vì họ không khắc
được chữ trên chuông. Ông sợ rằng, nghề sẽ mai một nếu không ai đủ chữ
Nhẫn.
BN (Nguồn: Báo KTNT)http://langvietonline.vn/Lang-Pho/119953/Gap-thiet-but-thu-sinh-dat-Ha-thanh.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét