Ngoài cặp song kiếm vô địch
hùng bá trên võ đài suốt bao năm, lão võ sư huyền thoại này còn làm chủ
20 binh khí và nhiều ám khí độc môn hiếm có trên đời.
Làng võ nói về Huyền Công Đạo Trần
Công, Nguyên chủ tịch Hội đồng cố vấn tối cao của Hội võ thuật Hà Nội,
thế này: Từ thủa nhỏ, ông đã được sư phụ người Trung Hoa rèn cặp nên vũ
thuật kinh hồn, nhất là khi thi triển Song hổ vĩ côn, Tam tiết côn,
Không động kiếm, Cửu long tiên, Huyết kỳ... Lão võ sư là một cây đại
thụ, một tên tuổi lẫy lừng trong làng võ Việt, luận về võ học thì là bậc
kỳ tài, thiên hạ ít người sánh kịp... Chính bởi công phu xuất chúng nên
lão võ sư Trần Công đã nhiều lần được biểu diễn võ cho Bác Hồ xem, thậm
chí còn được Người bất ngờ vào tận nhà ân tình thăm hỏi.
Cao nhân ẩn tích
Tuy tên tuổi lẫy lừng nhưng trong số
những võ sư cao thủ mà tôi đã may mắn được gặp thì lão võ sư Trần Công
là người... khó tìm nhất. Ông mai danh ẩn tích đã hơn chục năm nay. Hỏi
nơi ở của ông, người thì bảo, đã đến nhà rất nhiều lần, nhưng chính bởi
cái sự thân thuộc ấy nên chẳng ai nhớ số nhà. Người khác thì lại nói,
bởi lão võ sư thích lang bạt giang hồ nên duyên số gặp nhau... ngoài
đường chứ nhà ở đâu thì không được biết.
Chính bởi sự quy ẩn lạ lùng ấy mà
nhiều năm nay, nhiều môn sinh mến mộ ông đã nháo nhác kiếm tìm ông khắp
nơi những mong được ông chỉ giáo, san sẻ cho ít nhiều những tinh hoa võ
thuật mà ông đã cần mẫn gom góp cả đời, mà vẫn không gặp được.
Điện thoại khắp nơi, tôi cũng kiếm
được một thông tin... mù mờ: Có người đã từng gặp lão võ sư ở gần dốc
Tam Đa, đường Hoàng Hoa Thám.
Lang thang tìm kiếm ở đó suốt mấy
ngày trời, mới hay rằng, trước đây lão võ sư từng sống ở đó, nay chuyển
nhà đi đâu thì không ai biết. Mãi sau này, may mắn được lão võ sư Phan
Dương Bình (làng võ còn gọi là Bình “bún”, môn phái Vịnh Xuân, Vovinam)
và võ sư Nguyễn Ngọc Nội (phái Vịnh Xuân) giúp đỡ, tôi mới biết được nơi
ở mới của bậc tiền bối tài danh.
Sau cuộc họp Liên đoàn Võ thuật cổ
truyền Hà Nội, hỏi các đồng đạo, võ sư Nội đã điện thoại báo rằng, lão
võ sư Trần Công ở dốc Liễu Giai, gần sân Quần Ngựa. Ra tận nơi hỏi,
nhưng lạ lùng thay, lão võ sư nổi tiếng thì không ai biết, chỉ biết một
ông già tuổi trạc 90 da dẻ hồng hào vẫn thường hay đạp xe qua lại. Đoán
rằng ông cụ khoẻ khoắn ấy đích thị là người tôi muốn gặp nên tôi đã vội
vàng tìm tới tận nhà. Cơ duyên, người như tiên như phật ấy chính là lão
võ sư.
“Chú khách” kỳ dị
Lão võ sư đón tôi trong căn phòng
chật chội, trên tường, xung quanh chiếc giường một, treo chi chít những
binh khí, nào côn, nào kiếm, thứ nào cũng bóng nhẫy mồ hôi.
Ông bảo, đó là những bảo vật kỉ niệm
của cả cuộc đời theo đuổi nghiệp võ của ông. Tuổi đã 90 nhưng lão võ sư
còn tráng kiện lắm. Nhìn ông, tuyệt nhiên không thấy dấu hiệu gì của
bệnh tật. Ông theo nghề võ từ năm lên 8 tuổi. Ông bảo, với võ thuật, ông
như có duyên tiền định.
Sinh ra ở Nam Định, thế nhưng vì đói,
mẹ ông đã cho ông vào thúng, quẩy đi khắp nơi bởi cuộc mưu sinh. Bát
cơm, manh áo đã đưa hai mẹ con ra Hà Nội, trọ ở xóm Dinh, làng Vạn Bảo
bây giờ. Hai mẹ con sống qua ngày bằng thúng ốc luộc mà mẹ ông tần tảo
đội trên đầu đi bán rong khắp phố.
Năm ông lên 8 tuổi, có chút vốn, mẹ
ông mở sạp hàng sáo ngay tại nhà. Ông tung tăng phụ giúp bà bán hàng,
khi rảnh lại cùng đám bạn cùng tuổi mải mê đánh khăng, đánh đáo ngay
trước cửa nhà.
Ông còn nhớ lắm, nhà ông khi ấy ở tận
cuối con ngõ vắng vẻ, vậy mà hầu như hôm nào cũng thấy “chú khách”
(người Trung Quốc) quẩy đôi xọt thuốc qua, rao bằng cái giọng lơ lớ: “Ai
thuốc đê!”. Mỗi lần đi qua chỗ ông và đám bạn đang chơi, chú khách lại
dừng bước, rồi cứ thế, đứng nhìn ông đăm đăm.
“Chú khách” là người tốt bụng, mặc dù
suốt ngày nhễ nhại mồ hôi với gánh thuốc trên vai, nhưng “chú” chỉ bốc
thuốc và chữa bệnh không công. Ông chưa từng thấy “chú khách” lấy tiền
của ai bao giờ.
Một trưa, trời nắng như đổ lửa, dừng
chân trước nhà ông, sau khi ngắm nhìn ông vẫn ánh mắt đăm đăm ấy, “chú
khách” bỗng quay sang mẹ ông hỏi: “Trời nắng tôi khát quá hà. Bà cho tôi
xin hớp nước cho đỡ khát à!”.
Nói vừa dứt câu, chẳng cần biết chủ
nhà đồng ý hay không, “chú khách” đã quẳng đôi sọt thuốc, chạy ào về
phía sau nhà, nơi có chum nước mà mẹ con ông vẫn dùng để thổi nấu. Thấy
vậy, mẹ ông đã hoảng hốt: “Không uống nước ở đó được đâu bác ạ! Đau bụng
chết, bác vào đây, nhà tôi có nước chè xanh!”. Vừa nói, mẹ ông vừa rót
bát nước chè khói vẫn còn nghi ngút.
“Bà tốt quá à! Thật ra, tôi vào đây
không phải để xin nước đâu à!”. “Chú khách” đáp lời mặt đầy bí ẩn. “Thế
bác không khát nước à?! Bác vào đây làm gì vậy?”. Mẹ ông hốt hoảng hỏi.
“Tôi thấy bà có đứa con tốt quá à! Tôi muốn xin nó về làm con nuôi
à?!”.
Nốt ruồi son đặc chủng
“Không! Không được đâu! Tôi có mỗi
mình nó thôi!”. Mẹ ông phản đối quyết liệt nguyện vọng của vị khách vừa
thân quen lại vừa xa lạ ấy. “Không, tôi không mang nó đi đâu đâu! Tôi
chỉ muốn nhận nó làm con nuôi để giáo nó thôi à!”.
“Giáo nó, bác định giáo nó cái gì?”.
Mẹ ông xuôi giọng. “Tôi muốn dạy võ cho nó. Dạy võ cho nó khoẻ, không bị
ai bắt nạt nữa à! Mấy lần nhìn nó, tôi biết nó là nhân tài để luyện võ
đấy à. Nó có một nốt ruồi nhỏ ở trên thái dương bên trái đấy, nốt ruồi
ấy là tốt lắm à!”.
Thấy “chú khách” nói về đặc điểm kỳ
lạ của cậu con trai mình, mẹ ông vội vàng kéo ông lại, vén mớ tóc bờm
xờm cạnh tai trái của ông lên. Bà giật mình khi biết “chú khách” nói
chẳng sai. Ông có một nốt rồi son ngay giữa thái dương bên trái, nốt
ruồi ấy bấy lâu tóc che kín, chẳng để tâm nên bà cũng không hề hay biết.
Nghĩ đây là ý trời, vả lại, bấy lâu thấy “chú khách” là người tốt bụng,
đường hoàng, nên bà đã gật đầu đồng ý.
Sau bữa ấy, “chú khách” ghé qua nhà
ông luôn. Mỗi lần đến thăm, “chú” chỉ xoa đầu, nắn tay nắn chân ông chứ
chẳng dạy võ thuật như là đã nói. Mãi vài tháng sau, khi tình cảm giữa
“chú” và mẹ con ông đã trở lên thân thiện, “chú” đã xin mẹ ông để “chú”
được đưa ông về Hàng Buồm, nơi có cửa hàng thuốc và gia đình “chú” ở.
Ngay hôm đầu tiên, “chú khách” đã gọi
các con của mình lại và bảo họ biểu diễn võ thuật cho ông xem. Nghe lời
cha, mấy đứa con lau nhau của chú khách lao vào thử tài nhau bằng những
chiêu thức võ thuật vô cùng đẹp mắt. Xem bọn họ đánh nhau, ông thích
lắm. Nhận ra vẻ thích thú của ông, “chú khách” khẽ gật đầu, ra chiều vô
cùng mãn nguyện. Bữa ấy, “chú khách” cũng vẫn chưa dạy võ cho ông mà
ngay lập tức lại đèo ông về bằng chiếc xe đạp bóng loáng.
Trên đường đi, “chú khách” đã nói với
ông rằng: “Sang Việt Nam, mục đích của ta là không phải đi bán thuốc
đâu à! Ta muốn đi tìm một đệ tử chân truyền. Tìm được con rồi, ta muốn
con chăm chỉ luyện tập theo tất cả những gì ta chỉ bảo! Con nhớ
không!”.
Hồi ấy, còn bé, nghe “chú khách” nói
thế nào thì ông chỉ biết gật đầu thế đó chứ biết gì về hoài bão của
người thầy đến từ Trung Quốc xa xôi. Sau này, khi lớn hơn một chút, ông
mới biết “chú khách”, người đã coi ông như con, suốt đêm ngày truyền thụ
cho ông những tinh hoa võ học chính là Mao Diệp Xi, giang hồ còn gọi là
Xần Xi, là đệ tử nổi danh của môn phái Không Động, một môn phái lừng
lẫy ở Trung Hoa đại lục.
Vì những biến cố của đất nước, Mao sư
phụ đã phải đem gia đình sang sinh sống ở Hà Nội. Đã nhận nhiều đệ tử,
nhưng chưa tìm được bậc kỳ tài, sợ những bí kíp võ công của môn phái mà
mình đã dày công tu luyện bị thất truyền nên Xần Xi đã phải mượn gánh
thuốc, đi triệu bước chân lang thang khắp nơi để tìm người nối nghiệp.
Bắc tiến
Từ hôm đó, chiều nào cũng vậy, Mao sư
phụ đạp xe đến tận nhà để đón ông về Hàng Buồm luyện võ. Thời gian đầu,
Mao sư phụ chỉ dạy ông mỗi hai “chiêu thức” vô cùng đơn giản ấy là xoay
bi và đẩy bóng. Đưa cho ông những viên bi sắt to như quả quýt, Mao sư
phụ bảo, cứ vê, xoay chúng trong lòng bàn tay, khi thì một, lúc thì hai,
khi nữa thì ba viên liền lúc.
“Chơi” với bi chán thì quay sang đẩy
bóng. Những quả bóng cao su rất lạ, thứ đó ông cũng không biết sư phu
mình kiếm từ đâu. Mới đầu, Mao sư phụ bảo ông phải đẩy, ép quả bóng nhỏ
nhất vào tường. Khi quả bóng đó bị lực từ tay ông đẩy, ép chặt hai mặt
vào nhau thì mới thôi.
Đẩy được hai tay thì chuyển sang dùng
một tay. Những quả bóng cứ to dần lên theo thời gian ông luyện tập. Gần
hai năm sau, khi mà đứng kẹp giữa hai bức tường, hai bên là hai quả
bóng to nhất, dùng lực, ông đẩy chúng bẹp dúm sát tường thì Mao sư phụ
mới bắt đầu dạy ông quyền cước.
Cứ thế, thời gian thấm thoắt thoi
đưa, năm ông 12 tuổi, ông đã thông thạo tất cả những chiêu thức võ thuật
mà Mao sư phụ truyền dạy. Luyện võ 10 năm mà không luyện khí thì cũng
coi như chưa từng biết võ, điều này thì những đệ tử của Không Động, môn
phái thiên về nội công rành hơn ai hết. Bởi thế, muốn rèn rũa “viên ngọc
quý” của mình được toả sáng muôn bề, Mao sư phụ đã đi đến một quyết
định quan trọng: Đưa cậu học trò cưng về Trung Quốc. Theo Mao sư phụ thì
ở quê hương ông có một nơi luyện khí công vô cùng lý tưởng, đó là đỉnh
Thái Sơn, cách nơi ở cũ của ông vài chục cây số.
Vậy là, dù không muốn phải xa đứa con
duy nhất của mình, nhưng trước sự tận tình của Mao sư phụ, mẹ ông cũng
đành gạt lệ tiễn ông đi.
Luyện nội công ở đỉnh Thái Sơn
Nhà Mao sư phụ ở huyện Tân Hội, tỉnh
Quảng Đông. Lão võ sư Trần Công bảo, đến giờ, ông vẫn còn nhớ như in
ngôi nhà số 3 phố huyện ấy. Sang đến nơi, ông mới biết mình có rất nhiều
sư ca, sư tỉ. Thấy Mao sư phụ về, họ đã lũ lượt kéo đến nhà chúc mừng.
Thấy ông lanh lẹ lại rất đỗi hồn nhiên, nói tiếng Trung Quốc thì ngô
nghê nên họ rất thích. Họ chiều chuộng ông hệt như cậu út trong nhà.
Tại đây, ông được Mao sư phụ đặt cho
một cái tên Trung Quốc: Xần Cóng. Và, cũng tại đây, ngày nào cũng vậy,
khi trời mới tờ mờ sáng, Mao sư phụ đã kéo ông dậy, rồi bằng xe đạp, đèo
ông vượt mấy chục cây số tới núi Thái Sơn. Để xe dưới chân, hai thầy
trò chạy bộ lên đỉnh núi. Nơi chân mây ấy, hai thầy trò mải miết luyện
khí công, hệt như... đôi bạn tri âm. Khi mặt trời khuất bóng, thầy trò
mới ngừng việc luyện tập, xuống núi và thầy lại đèo trò về.
Đến giờ, lão võ sư Trần Công không
thể nhớ chính xác mình đã luyện võ với Mao sư phụ ở Trung Quốc bao nhiêu
năm. Chỉ biết, khi đi ông còn là một cậu bé ngây ngô, khi trở về thì đã
là một chàng trai cường tráng, sức mạnh phi thường.
Ngày ấy, bởi nhớ thương đứa con độc
nhất, mẹ ông đã mấy lần biên thư gọi ông về. Thương mẹ, ông đành lưu
luyến tạm biệt người thầy khả kính. Trước hôm lên đường trở về Việt Nam,
trước mặt tất cả các đệ tử của mình, Mao sư phụ đã gọi ông lại mà rằng:
“Tất cả những tuyệt kỹ võ công, ta đã dạy cho con hết cả. Con phải nhớ
rằng, sau này khi ra đời, không bao giờ được dùng võ để chèn ép mọi
người. Nếu làm trái lời thì đừng bao giờ nghĩ đến ta nữa!”.
Cũng buổi ấy, Mao sư phụ đã làm một
việc khác thường, ấy là đặt cho ông pháp danh Huyền Công Đạo. Việc đặt
pháp danh đó, từ trước đến nay, Mao sư phụ chưa từng ưu ái với bất cứ đệ
tử nào...
Một que tăm, một
chiếc lá, một nhúm cát cũng có thể được Huyền Công Đạo Trần Công biến
thành “vũ khí tối thượng” để hạ gục đối phương trong nháy mắt. Đó không
phải là những điều chỉ có trong phim chưởng...
Những mũi tiêu kinh hoàng
Khi còn ở Việt Nam, ông đã được Mao
sư phụ truyền dạy rất nhiều môn ám khí độc chiêu. Ông bảo, muốn ám khí
đạt hiệu quả tốt nhất thì ngoài khả năng về nội công, đòi hỏi người sử
dụng phải tập luyện thường xuyên, kiên trì. Ngưng luyện tập thì chỉ ít
lâu, ám khí phóng ra sẽ không trúng đích như mong muốn.
Môn ám khí đầu tiên ông được sư phụ
truyền dạy là phóng tiêu. Tiêu của Mao sư phụ rất đơn giản, chỉ là những
chiếc đũa được chế từ những cây thép nhỏ, vát nhọn một đầu, sức đàn hồi
lớn. Khi cần phóng tiêu, tuỳ khoảng cách xa, gần mà người sử dụng chỉ
cần giữ cố định một đầu, vít cong đầu còn lại, dựa vào lực đàn hồi mà
bật tiêu đi. Điều quan trọng nhất khi dùng ám khí đó là độ chính xác.
Chính thế, người sử dụng phải luyện tập không ngừng.
Lão võ sư Trần Công kể, ban đầu tập
phóng tiêu, Mao sư phụ dựng cho ông một hình nhân bằng rơm rồi bắt ông
đứng cách chừng 7 - 10 m, phóng đũa sắt tới. Bước đầu là phóng sao cho
trúng được phần ngực của hình nhân; Bước sau cao hơn, đó là phóng vào
phần đầu; Tiếp đến là phóng vào phần mắt. Bài ám khí này chỉ được coi là
thành công khi người tập trong tích tắc với cả chục chiếc đũa sắt trên
tay, phóng đích xác vào phần mắt hình nhân.
Ngày còn ở bên Mao sư phụ, cũng như
sau này, dạy độc chiêu phóng tiêu cho một số đệ tử, võ sư Trần Công
thường lấy mục tiêu là những quả trứng, khi thì đặt ở khắp nơi, khi thì
rút hết ruột, treo lên để gió đẩy đưa tứ phía. Nắm đũa dắt bên hông, tả
xung hữu đột, chỉ nghe tiếng gió rít lên rất khẽ thì những chiếc đũa
nhọn hoắt đã được ông phi bách phát bách trúng vào những quả trứng.
Búng ngón tay, đối phương mù mắt
Biến thể của tiêu đũa là tăm. Những
chiếc tăm cật tre già, vót nhọn một đầu, trừ phần cật tre, với người
bình thường thì chỉ dùng để vệ sinh răng, nhưng với Huyền Công Đạo Trần
Công thì chúng là một ám khí vô cùng lợi hại, sát thương kinh hồn. Chỉ
bằng động tác búng ngón tay, trong vòng 3 - 5 thước, chiếc tăm nhọn của
ông có thể khiến đối phương mù mắt.
Thủa thanh niên, phiêu bạt giang hồ,
lúc nào trong túi áo ngực của ông cũng có những chiếc tăm ấy để phòng
thân. Chỉ có điều, chúng không làm từ tre mà được ông cần mẫn chế từ dây
tanh của lốp xe đạp. Bởi luyện tập nhiều nên giờ, trông chúng vẫn sáng
bóng, tựa như những chiếc kim mà người ta vẫn dùng để khâu giày dép.
Một loại ám khí khác mà nhiều người
vẫn thấy trong phim chuyện chưởng của Trung Quốc, ấy là cát. Ngày trước,
tập loại ám khí này, tuy chưa một lần phải sử dụng nhưng bôn tẩu giang
hồ, Huyền Công Đạo vẫn “trang bị” cho mình.
Chế loại ám khí này cũng công phu
lắm. Ban đầu là phải chọn tìm cát hạt mịn, sau đó lọc qua nước để gạt bỏ
rác bẩn và đất. Phơi khô rồi cho vào rang lẫn với muối, bột ớt, bột
tiêu... Những “hợp chất” ấy khi quyện vào nhau sẽ vo thành những viên
nhỏ xíu, tựa như hạt vừng. Lão võ sư đổ những “sản phẩm” ấy vào những lọ
nhỏ, khi ngược xuôi thì bỏ trong tay nải, để ở tư thế tiện dùng.
Tao ngộ chiến, bị vây hãm bởi đông
đối thủ, chỉ cần nhanh tay hất một lọ hỗn hợp ấy ra thì đảm bảo rằng
không kẻ nào còn nhìn thấy nổi ánh sáng mặt trời. Khi đó, nếu cảm thấy
cần phải đánh thì đánh, không cần thiết thì chỉ việc... đủng đỉnh bỏ
đi.
Sát thương kẻ thù cách 50m bằng tiêu
Một loại ám khí nữa đã đưa tên tuổi
Huyền Công Đạo nổi như cồn suốt mấy chục năm hành tẩu giang hồ ấy là
thuật thổi tiêu. Bởi là người có nội công thâm hậu, nên đường tiêu của
lão võ sư vừa đi xa, vừa vô cùng chuẩn xác.
Theo lão võ sư thì ống tiêu làm từ
trúc, từ gỗ, thậm chí từ thanh sắt rỗng ruột. Loại ám khí này tàn khốc
và nguy hiểm ở chỗ mũi tiêu được ông làm từ những cây kim mà mọi người
vẫn dùng để khâu vá hàng ngày. Đầu mũi kim, ông đánh ngạnh, khi găm vào
người đối phương chỉ tạo cảm giác hơi buốt. Tuy nhiên, sự nguy hiểm là ở
chỗ, khi đối phương rút tiêu ra, phần mũi tiêu sẽ gãy và nằm lại trong
ra thịt.
Theo Huyền Công Đạo, loại ám khí vô
cùng lợi hại này có thể gây sát thương ở khoảng cách tới 50m. Chính thế,
khi còn lãng du ở vùng cương thổ, ông vẫn dùng nó để... bắn chim. Thậm
chí, cá dưới sông, dùng loại ám khí này, ông vẫn đều đều đánh bắt.
Cuộc biểu diễn lạ lùng trong sân vận động
Có lẽ trong làng võ Việt, ông là
người may mắn được gặp Bác Hồ nhiều lần nhất. Lão võ sư kể, một sớm (năm
1961) có người đi ô tô tìm đến nhà ông, nói là ra sân Hàng Đẫy gấp, khi
đi nhớ mang theo đôi Song hổ vĩ côn. Ngạc nhiên vì lời mời lạ lùng ấy,
nhưng khi thấy phong thái của người khách lạ, linh tính mách bảo rằng đó
chẳng phải chuyện bình thường, nên chẳng suy nghĩ nhiều, ông vào nhà
xách côn đi luôn.
Gần đến nơi, vị khách mới cho ông
biết một tin bất ngờ, Bác Hồ muốn xem ông múa võ nên đã bí mật mời ông
đến. Thông tin ấy làm ông sững sờ. Ông không ngờ mình lại có được vinh
dự lớn lao đến vậy. Niềm vui sướng đó khiến trống ngực ông nện liên hồi.
Vào sân, ông đưa mắt nhìn khắp lượt, khán đài chẳng có ai, cũng chẳng
thấy Bác đâu. Người dẫn đường chỉ lên góc khán đài cao nhất. Ngước mắt
lên, ông thấy Bác cười hiền, giơ tay vẫy, ông cảm động đến suýt rơi nước
mắt.
Không để mất thời gian của Người, ông
ra sân với một suy nghĩ, sẽ tung tất cả những tuyệt kỹ công phu mà suốt
mấy chục năm trời mình rèn luyện để Bác thưởng thức. Thế nhưng, ra đến
giữa sân, có lẽ chưa bao giờ biểu diễn trước một khán giả vĩ đại đến
vậy, nên dù mấy lần xuống tấn nhưng ông vẫn thấy chân tay mình mềm nhũn.
Sau cùng, thêm một lần nữa ngước lên khán đài, thêm một lần nữa bắt gặp
nụ cười đôn hậu của Bác, ông trấn tĩnh lại.
Và, hôm ấy, với đôi Song hổ vĩ côn,
một binh khí sở trường, ông múa vun vút, để trên khán đài, những tiếng
vỗ tay của Bác và những tùy tùng cứ vang lên không ngớt.
Kết thúc buổi biểu diễn, người dẫn
đường khi trước đã từ chỗ Bác ngồi chạy xuống, đưa cho ông một chiếc
phong bì nói là Bác tặng và Người dặn rằng khi về đến nhà mới được mở ra
xem.
Ông cho chiếc phong bì đó vào túi
ngực, hướng về phía Người cúi chào và ra về. Trên đường đi, ông như thấy
túi áo mình nóng ran bởi ý nghĩ, không biết Bác tặng mình thứ gì mà bí
mật đến vậy? Về đến nhà, ông vội vàng bóc chiếc phong bì đó ra xem. Thì
ra Người tặng ông mấy vần thơ giản dị: “Thể lực đứng đầu há phải tiền.
Luyện rèn vũ thuật vẫn thường xuyên. Tiền nhiều thượng võ mua chẳng
được. Vui mạnh sống lâu khác gì tiên”.
Triết lý của người học võ
Đến giờ, ông vẫn nhớ như in câu
chuyện võ học mà ông từng may mắn được đàm đạo cùng với Bác. Sau lần
biểu diễn võ cho người xem ở sân vận động Hàng Đẫy, có lần Bác đã mời
ông vào nơi mình ở.
Tại đây, thấy Bác đang mải miết tập
quyền cước, ông buột miệng hỏi: “Dạ thưa, Bác cũng tập võ Tàu?”. Nghe
câu hỏi của ông, ngừng tập Bác quay sang từ tốn: “Sao chú lại hỏi thế?”.
“Dạ, cháu thấy bài quyền Bác đang tập có xuất xứ từ Trung Quốc”.
“Đúng, chú nói đúng rồi! Đây chính là
bài quyền bác học được của người Trung Quốc, nhưng không thể gọi là võ
Tàu được!”. “Thế gọi là võ Trung Quốc, thưa Bác!”. “Chú nói thế cũng
không phải, mà phải gọi là võ Việt Nam!”.
Câu khẳng định của Bác làm ông ngạc
nhiên, không hiểu. Thấy vẻ bối rối của ông, Bác khẽ mỉm cười, kéo ông
ngồi xuống, Người nói: “Nhà chú có ao thả cá, nhà hàng xóm của chú cũng
có ao thả cá. Một hôm, trời mưa, nước lớn, cá nhà chú tràn sang ao nhà
hàng xóm thì chú có sang đó mà nhận hay đòi lại cá nhà mình được không?
Võ cũng vậy, từ Trung Quốc chảy xuống nước ta thì phải gọi là võ ta
chứ!”. Triết lý đơn giản nhưng vô cùng chí lý của Người khiến ông suy
nghĩ.
Thấy thế, Bác liền vỗ vai, thân mật:
Chú là người giỏi võ, chú phải cố gắng làm sao để cả dân tộc ta học được
võ, có thế thì mới có sức khoẻ để bảo vệ và kiến thiết đất nước! Phong
trào học võ, rèn luyện sức khoẻ phải nở như hoa! Ông bảo, chỉ một lần
gặp ấy thôi, ông đã phục sát đất sự uyên bác của Bác Hồ, người mà ông cả
đời kính trọng, quý yêu.
Anh thợ cắt tóc và chuyến thăm bí mật của Bác Hồ
Ông từng được Bác Hồ đến thăm ông.
Chuyện đó, trong giới võ lâm, có lẽ chẳng có võ sư nào được vinh hạnh
ấy. Lão võ sư Trần Công bảo, ấy là phần thưởng cao quý nhất mà cả đời
ông không thể nào quên được.
Ngày đó, ông thuê nhà ở dốc Tam Đa,
sống bằng nghề cắt tóc. Hôm ấy, một sáng mùa Thu, đang tha thẩn trước
sân thì ông thấy một chiếc xe ô tô con đậu gần cửa nhà mình.
Cứ ngỡ đó là khách của hàng xóm nên
chẳng bận tâm, ông vẫn mải mê với những suy nghĩ riêng tư của mình. Thế
nhưng, một cái vỗ vai đã làm ông giật mình bừng tỉnh. Chưa kịp hỏi thì
ông đã bàng hoàng khi vị khách đó từ từ tháo mũ ra. “Bác!”. Thấy ông
mừng rỡ quá đỗi, “vị khách lạ” vội vàng ra dấu, ý rằng, không nên để
người khác biết sự xuất hiện của Người.
Kéo ông vào nhà, Bác hỏi: “Thế chỗ
chú luyện võ đâu?”. Câu hỏi của Bác làm ông bối rối bởi khi ấy, gia cảnh
khó khăn, ông thuê một gian nhà rất chật, chỗ ông tập võ hàng ngày cũng
là chỗ ông cắt tóc kiếm sống qua ngày. Chỗ ấy lổn nhổn những gạch đá,
khi dọn về đó ở ông vẫn chưa kịp sửa sang.
“Chú tập võ ở đây?”. Chỉ vào khu nền
nhà mấp mô đó, Bác ngạc nhiên hỏi. Không muốn Bác phải bận tâm nhiều về
hoàn cảnh của mình, ông vội vàng đáp: “Dạ, chỗ này cháu xới lên đó!
Luyện võ ở đây chân sẽ cứng cáp hơn!”. Nghe ông nói vậy, Bác gật đầu
cười: “Chú này tập chi mà lạ!”. Cứ thế, câu chuyện về nghiệp võ và đời
võ được ông và Bác đàm đạo say sưa, mãi khi phía ngoài, khách đến cắt
tóc đã đứng chờ lố nhố, Bác mới lặng lẽ ra về.
Đào Thanh Tuy
http://giaoduc.net.vn/xa-hoi/40-tin-nong/7657-cao-th-vo-vit-tuyt-k-vo-song-va-mon-qua-ca-bac-h-k-ix.html
Đào Thanh Tuy
http://giaoduc.net.vn/xa-hoi/40-tin-nong/7182-cao-th-vo-vit-qvua-am-khiq-cuc-i-tiu-ngo-giang-h.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét