Khi nội công đã tu luyện tới
mức thượng thừa, lão võ sư Trần Công bảo, tất cả các vật dụng ở xung
quanh, với ông đều có thể là một loại ám khí kinh hồn. Dùng một chiếc lá
cứng, một hòn sỏi, một mẩu que... ông vẫn có thể hạ gục đối thủ chỉ
trong chớp mắt.
Theo học chủ nhân của bí kíp Gồng trà kha
Tuy thiên hạ vô song về độc chiêu ám
khí nhưng theo lão võ sư Trần Công, trong suốt cuộc đời bôn tẩu giang
hồ, ông chỉ duy nhất sử dụng chúng một lần khi giao chiến. Ông bảo, ám
khí đã phóng ra là tàn khốc, là gây sát thương cho đối thủ, nên tuyệt
đối không được dùng khi chưa thấy thực sự cần thiết.
Lần phải vận đến tuyệt chiêu của mình
đã diễn ra cách đây lâu lắm rồi, ông cũng không còn nhớ rõ đích xác vào
năm nào nữa. Khi ấy, ông mới từ biệt Mao sư phụ trở về Việt Nam, lên
khu Nghĩa Đô, bái danh sư Lại Phú Dương, cũng một sư phụ rất giỏi về võ
Tàu làm thầy để tiếp tục rèn thêm kĩ năng chiến đấu cho mình.
Nói thêm về võ sư Lại Phú Dương, theo
lão võ sư Trần Công, thì trước cách mạng, danh tiếng của cụ Lại đã nổi
như cồn, đặc biệt với tuyệt chiêu Gồng trà kha. Lão võ sư Trần Công kể,
có lần ngay gần chợ Bưởi, với tuyệt chiêu trên, cụ Lại đã để cho mọi
người thẳng tay dùng dao chém vào người mà da thịt không hề xây xát, hệt
như người ta dùng thanh gỗ mà nện vào bị bông.
Cụ Lại theo cách mạng. Một lần, tại
nhà người bạn của mình, Lại sư phụ bị giặc Pháp vây hãm. Chạy vọt lên
tầng thượng của toà nhà cao 3 tầng nhưng quân giặc vẫn rầm rập đuổi
theo. Trong cơn khốn quẫn, tài trí và sức mạnh phi thường của cụ đã vô
cùng hữu dụng.
Thấy trên lầu có chiếc cối đá nặng
đến cả trăm cân, phía dưới, bên nhà hàng xóm lại có chiếc ao rộng, cụ
liền bê luôn chiếc cối ấy mà ném sang ao. Thấy tiếng động mạnh, tưởng cụ
đã liều mình nhảy xuống ao, hòng tìm đường thoát, quân Pháp liền xì xồ
hô nhau quay xuống, vây kín khắp bờ ao, chờ “con mồi” nổi lên để... bắt.
Đánh lạc hướng kẻ thù, Lại sư phụ đã ung dung tìm đường thoát thân.
Cơ hội hiếm hoi dùng tuyệt kỹ
Lão võ sư Trần Công kể, ngày ấy, bởi
nhớ lời dặn của Mao sư phụ nên ông đã giấu biệt không cho cụ Lại biết
khả năng võ công của mình. Theo học cụ Lại được chừng một năm, một đêm,
cụ dựng ngược ông dậy nói là đi đánh nhau. Tưởng thầy mình nói chơi, hoá
ra đúng là đi đánh nhau thật.
Đối thủ của hai thầy trò là đảng cướp
hung hãn ở khu chùa Thầy, cứ đêm đến chúng kéo nhau về khu ven Hà Nội
ngang nhiên cướp bóc. Mỗi lần “ra quân” chúng thường gửi tối hậu thư cho
gia chủ, thông báo luôn ngày giờ và những thứ... cần cướp. Nhận được
thông báo ấy, nếu khổ chủ không kiếm đủ những thứ trên, hay cố tình tẩu
tán tài sản thì chúng sẽ xuống tay vô cùng tàn bạo.
Đêm đó, địa chỉ mà chúng định mò tới
là một gia đình ở ngay trong làng Nghè, nơi võ sư Lại Phú Dương sinh
sống. Hoảng hốt, không biết cầu cứu ai, khổ chủ bèn tìm tới cụ Lại,
những mong vì lòng trượng nghĩa mà lão võ sư ra tay cứu giúp.
Bất bình với toán cướp đã lâu, cụ Lại
đã gật đầu ưng thuận. Trước lúc lên đường, cụ Lại nói với đệ tử mình:
“Binh khí cho con tự chọn, nên nhớ đây là toán cướp giết người không gớm
tay!”. Lão võ sư Trần Công kể, nghe sư phụ mình nói thế, ông... mừng
lắm, bởi toán cướp càng hung dữ bao nhiêu thì ông càng “có điều kiện” để
thử nghiệm võ công của mình, thứ mà ông còn thấy thiếu vì từ trước tới
giờ, ngoài mấy trận đánh võ đài toàn thắng ra, ông chưa bao giờ có cơ
hội để dụng võ ngoài đời.
Đường phi tiêu thần sầu quỷ khốc
Khoác đôi song hổ vĩ côn vào tay, ra
cửa, như sực nhớ ra điều gì, ông quay lại cầm thêm nắm đũa sắt, món ám
khí mà ông tập luyện đã lâu. Đến nơi, bởi chưa đến giờ như đã hẹn nên
toán cướp kia chưa xuất đầu lộ diện. Thấy hai thầy trò, gia chủ mừng
quýnh nhưng vẫn có phần e ngại. Có lẽ, họ sợ hai thầy trò không phải là
đối thủ của toán cướp tàn bạo kia.
Vẻ ái ngại, lo lắng ấy càng trầm
trọng hơn khi vào đến nhà, cụ Lại sai cậu học trò miệng còn hôi sữa của
mình ra cửa đứng canh, còn cụ thì cứ ngồi ung dung uống trà.
Đứng gác chưa mỏi chân thì phía đầu
làng, đèn đuốc đã sáng rực. Quân ăn cướp đến. Thấy ầm ĩ, mấy nhà bên
cạnh vội vàng tắt đèn, đóng cửa đánh rầm. Đạp cổng, ập vào sân, chúng
hùng hổ quát mắng tựa như đang ở chỗ không người.
“Bọn kia đi đâu?” - đứng ngoài cửa,
dù đã lấy hơi để dương oai, nhưng giọng quát bọn cướp của ông là cái
giọng trẻ con, nghe rất đỗi buồn cười. “Á, thằng này láo! Các ông đi ăn
cướp chứ còn đi đâu! Khôn hồn thì cút để các ông vào!” - một tên trong
đám sừng sộ.
“Thích vào à? Thích vào thì cứ chui qua đây mà vào!” - chỉ tay xuống dưới háng mình, ông khiêu khích.
“Chúng mày đâu, lôi thằng nhãi nhép
này ra tẩm dầu đốt cho tao!” - không chịu được màn khiêu khích ấy, tên
tướng cướp đùng đùng nổi giận, quát nạt đám lâu la.
Tiếng quát như sư tử hống ấy chưa
dứt, một tên tiên phong đã vác binh khí lao lên tưởng sẽ ăn tươi nuốt
sống cậu nhóc thư sinh mang gan cóc tía. Thế nhưng, vừa tiến lên được
vài bước, hắn bỗng rú lên rồi ôm chân qụy xuống. Một chiếc đũa sắt từ
tay cậu thiếu niên phóng ra đã cắm phập vào đầu gối, khiến hắn không thể
lê bước.
Thấy thuộc hạ bị dính đòn quá nhanh,
tên tướng cướp đã giật mình lùi lại. Sợ mất mặt với đám đàn em, hắn lại
rống lên đồng thời tuốt kiếm chực xông lên. Nhưng, cũng chỉ trong chớp
mắt, một chiếc đũa nữa được “thằng nhóc láo toét” phóng ra. Lần này,
chiếc tiêu đi một đường kinh hãi hơn, sượt qua mặt, xuyên qua vành tai
của tên trùm sỏ. Vừa thoảng nghe tiếng gió rít bên tai, đã thấy máu rơi
xuống vai áo lạnh toát, mặt cắt không còn giọt máu, quá kinh hãi, tên
tướng cướp thối lui mấy bước rồi chẳng kịp hô đám lâu la, hắn co cẳng
chạy.
Ngồi trong nhà, thấy “kỹ nghệ” lạ
lùng ấy của ông, cụ Lại lấy làm ngạc nhiên lắm. Hỏi ai dậy, ông chỉ cười
trừ nói rằng cái đó là ông tự mày mò, rồi năng luyện tập mà thành.
Từ lần bị dính đòn thảm khốc đó, toán
cướp bỗng bặt vô âm tín. Người dân ven đô ai cũng mừng như vừa trải qua
một kiếp nạn kinh hoàng.
Một mình vào hang cọp dữ
Sau đó chừng gần một tháng, ông nhận
được một lá thư do một người lạ mặt chuyển đến. Người viết lá thư ấy
chính là tên tướng cướp đã dính đòn của ông tháng trước. Hắn mời ông về
đại bản doanh của hắn ở gần chùa Thầy để dự một bữa cơm giao hảo. Nhận
bức thư ấy, nghĩ không đi không được, nên ông đã viết thư trả lời, hứa
sẽ đến như đã hẹn. Theo yêu cầu của tên tướng cướp, ông đi một mình và
tuyệt nhiên không mang binh khí gì, đặc biệt là những que đũa sắt, thứ
mà bọn chúng đã được một lần... “nếm mùi đau khổ”.
Lão võ sư Trần Công kể, đợt ấy, không
muốn cụ Lại và gia đình lo lắng, ông đã giấu nhẹm chuyện mình được mời
vào “hang cọp”. Hôm đó, đúng hẹn, ông cứ một mình chạy bộ vào chùa Thầy
cùng chiếc khăn mặt vắt vai.
Gần đến nơi, qua mương nước, ông
nhúng ướt chiếc khăn mặt và nghĩ, nếu trúng gian kế, bị phục kích thì đó
cũng là một vũ khí có sức công phá kinh hồn, có thể đánh bại cả chục
tên lưu manh trong vòng vài phút.
Sào huyệt của đảng cướp nằm trong một
ngôi nhà kiên cố. Nhác thấy bóng ông, tên đầu lĩnh với vết thương trên
tai còn chưa lành, vội vàng ùa ra vồn vã, xun xoe: “Cậu đến rồi à? Mời
cậu vào trong! Biết hôm nay thế nào cậu cũng đến nên tôi đã triệu tập
tất cả anh em đến đây để đón tiếp đấy!”.
Vừa ngoắc tay mời, hắn vừa gỡ chiếc
khăn trên vai rồi đẩy ông vào gian nhà trong, nơi đã đặt sẵn mâm cỗ với ê
hề rượu thịt. Bị đẩy vào góc trong, tì lưng vào tường, ông hơi nghi
ngại vì tư thế ngồi đó, nếu bị chúng dùng bàn ép chặt vào trong mà tấn
công trực diện thì sẽ vô cùng nguy khốn.
Tuy thế, ông vẫn vui vẻ ngồi vào nơi
mà tên đầu lĩnh đã định sẵn cho mình và hai tay thì luôn đặt trên mặt
bàn để nếu có biến, ngay lập tức những chiếc thìa, đũa trong tầm với sẽ
giúp ông chống trả.
Song thật lạ lùng, khi tất cả đều đã
yên vị, tên đầu lĩnh bỗng đẩy ghế, quỳ thụp xuống rồi khẩn khoản: “Cám
ơn cậu đã đến với chúng tôi! Thưa cậu, từ hôm ở làng Nghè về đến giờ,
chúng tôi đã không còn đi cướp nữa! Cảm ơn cậu hôm đó đã nương tay!”.
Nói vừa dứt câu, hắn tu ực bát rượu như vừa để cảm ơn, vừa để chuộc lỗi.
Cuộc rượu cứ thế kéo dài mấy tiếng đồng hồ, ai lấy đều say nghiêng
ngả...
Kiếp lãng du và một lần chết hụt
Ông là người thích lãng du, phiêu
bạt. Ông bảo, giờ có tuổi, ông mới chịu xếp chân ở yên một chỗ chứ khi
trước, đời ông là những chuyến đi. Bởi yêu thích cảnh tự do tự tại, ông
đã từng bỏ phố xá, ngược lên biên giới ở đến cả chục năm.
Đến đâu, ông cũng truyền dậy võ công hay bốc thuốc giúp mọi người nên luôn được đối đãi như thượng khách.
Ông kể, hồi ở Lào Cai, khi giặc phỉ
hoạt động mạnh, với những độc chiêu võ thuật của mình, ông đã được mời
dậy võ cho rất nhiều đơn vị tham gia tiễu phỉ.
Ở Lào Cai chán, ông lại vòng vào
Quảng Trị, nơi bom đạn đang thời khốc liệt. Tại đây, ông lại được mời
huấn luyện võ thuật cho các đơn vị đặc công. Ông tâm niệm, người luyện
võ thì phải nay đây mai đó, có vậy thì mới trau dồi được vốn liếng võ
thuật của mình. Nhưng cũng vì thế mà trong một chuyến phiêu bồng, ông đã
suýt bỏ mạng.
Năm 1960, ông và một số võ sư nổi
tiếng khác về Ninh Bình để phát động phong trào học võ và dạy võ cho dân
quân tự vệ tại Phát Diệm. Để dập tắt phong trào trên, gián điệp đã dùng
thủ đoạn thâm độc là hạ sát các võ sư, đặc biệt là ông, người được quần
chúng vô cùng yêu mến.
Chúng bỏ độc vào nồi canh tại nhà ăn
tập thể. Vì thế, vừa buông đũa, gần 100 võ sư cùng các môn sinh bỗng
thấy ruột mình quặn thắt, sau đó lịm đi. Biết là bị kẻ gian hạ độc, ông
bình tĩnh ngồi xuống, vận khí bế huyệt để chất độc không thể ngấm nhanh
chóng vào cơ thể mình.
Sau khi giúp đỡ các nhân viên y tế
đưa mọi người ra Bệnh viện huyện chạy chữa, ông bắt đầu thấy mình choáng
váng. Chất độc đã bắt đầu ngấm. Khi bác sĩ đưa ông lên giường bệnh,
trong cơn đau đớn, vật vã, để giải toả, ông đã bẻ gãy cả... hai chiếc
chân giường.
Nhờ các bác sĩ cứu chữa tận tình, cùng với một thể trạng khoẻ mạnh vốn có, sự nguy kịch cũng dần qua.
Phát công chữa bệnh cứu người
Từ ngày thôi làm Chủ tịch Hội đồng cố
vấn cao cấp của Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Hà Nội, Huyền Công Đạo
Trần Công đã lui vào sống đời ẩn dật.
Tuy thế, hầu như ngày nào ông cũng có
khách. Đó là những người vì mến mộ ông mà cố gắng tìm đến để thỉnh giáo
võ công. Đó là những bệnh nhân không may gặp chứng nan y, từ khắp mọi
nơi, nghe dân tình mách bảo mà lặn lội tìm về, những mong nhờ thành tâm
của mình mà được ông cứu chữa.
Lão võ sư Trần Công bảo, khách võ thì
ông có thể chẳng mặn mà nhưng bệnh nhân thì ông vô cùng chu đáo. Cũng
giống như Mao sư phụ, ông chữa bệnh là để cứu người chứ không bao giờ
tính chuyện nhận thù lao.
Với tuyệt chiêu dùng công lực phát
công chữa bệnh, ông đã cứu sống được nhiều người, trong số ấy, có cả
những bệnh nhân đã bị các bệnh viện lớn trả về bởi hết đường chữa chạy.
Đào Thanh Tuy
http://giaoduc.net.vn/xa-hoi/40-tin-nong/7809-cao-th-vo-vit-khut-phc-toan-cp-bng-am-khi-c-mon-.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét