Bùi Hà
Mặc mưa nắng thời gian, chó đá kiên nhẫn đứng canh
làng, canh nhà. Sau lưng chó đá là vui buồn của cộng đồng thôn xóm, là
bếp lửa hồng êm ấm của các gia đình nối nhiều thế hệ.
Chó Đá,Đình Vĩnh Tường,Vĩnh Phúc. |
Hình ảnh đôi chó đá lặng lẽ ở cổng làng gắn liền với ký ức về quê hương, về thời thơ ấu lam lũ và trong trẻo cứ đi theo tôi trên mỗi bước trưởng thành. Cho đến một ngày, giữa Hà Nội ồn ào, vô tình trên phố, tôi bắt gặp mẹ con chó đá trước một ngôi nhà đóng cửa im lìm. Hai mẹ con chó đá đứng bên nhau buồn bã. Chó mẹ nhìn ra xa xăm như đang chờ đợi, cô đơn... “Người cảnh vệ tâm linh”
Con chó gần gũi trong cuộc sống thường nhật được người
Việt tri ân và “thiêng hóa” trong đời sống tâm linh, trở thành biểu
tượng che chở, đền đáp ước mong và niềm tin, mang lại những điều tốt
lành cho cuộc sống con người. Chó đá thường được đặt trước cổng đền,
cổng chùa, cổng làng, cổng nhà như một sự gửi gắm tin cậy và gắn bó của
con người với loài vật trung thành và linh hoạt này. Nhà khá giả ưa
thuật phong thủy dùng chó đá để thay đổi dương cơ. Dân gian thì đơn giản
và mộc mạc thờ chó đá như một thế lực đứng về phía thiện để xua điều
dữ, đuổi cái ác.
Chó là loài vật trung thành gắn bó với con người,
“khuyển mã chi tình”. Những chú chó đá cũng trung thành, kiên cường thi
gan cùng đất trời và thời gian: Một lòng thờ chúa nghìn cân nặng / Bền
vững ai lay cũng chẳng rời (Thạch khuyển - Lê Thánh Tông).
Thế giới chó đá phong phú và sinh động. Sinh động về
hình thế: ngồi, đứng, nghiêng, nằm, vểnh tai và cụp tai…; sinh động
trong những sắc độ biểu hiện tình cảm: vui, buồn, mãn nguyện, hiền hậu
và dữ tợn, thậm chí cả thân phận: giàu, nghèo, cô đơn... Cảm hứng tạo
tác trên mỗi con chó đá thường phản ánh tâm trạng, tính cách của chính
người tạo ra nó và cả người sở hữu nó.
“Nhân vật” khuyên răn con người Chuyện xưa kể rằng: Có anh học trò sắp đi thi. Hàng ngày, khi thấy anh đi học qua, chó đá ở cổng làng vẫy đuôi tỏ vẻ mừng rỡ. Anh học trò ngạc nhiên, gặng hỏi thì chó đá bảo rằng: “Khoa này thầy thi đỗ nên tôi mừng”. Biết chuyện, người cha của anh bắt đầu lên mặt hống hách với bà con, xóm giềng. Trước ngày đi thi, anh học trò đi qua chỗ cũ, nhưng không thấy chó đá vẫy đuôi mừng rỡ như trước nữa. Anh học trò thắc mắc, chó đá trả lời rằng: “Tại cha thầy sớm lên mặt với mọi người nên khóa này thầy chẳng đỗ đâu”. Sau đó, mọi việc diễn ra đúng như lời chó đá nói. Anh học trò buồn rầu đem chuyện về kể lại với cha. Người cha hối hận, từ đó lo sửa lỗi lầm. Khóa thi sau, anh học trò đi qua cổng làng, chó đá lại vẫy đuôi mừng rỡ. Quả nhiên anh học trò nọ thi đỗ, vinh quy bái tổ về làng.
Không chỉ người Việt yêu quý chó và chó đá. Người Nùng
cháo ở Lạng Sơn cũng có tục thờ chó đá. Họ chọn ngày tốt để đặt chó đá.
Ngày tết, chó đá được tắm bằng nước lá bưởi đun nóng, cổ quàng vải đỏ và
giấy hồng điều với ý nghĩa mang lại sự bình an cho gia chủ trong một
năm mới...
Cuộc sống hiện đại đã chôn vùi nhiều chú chó đá gần gũi
thân quen của làng quê Việt dưới lớp bê tông. Bây giờ trước những ngôi
nhà bề thế sang trọng, người ta thích bày những con sư tử quê tận trời
tây xa xôi. Có nhà lại đặt đôi kỳ lân đến từ phương Bắc. Chó đá buồn
rầu, thưa thớt, vắng bóng… Có người yêu chó đá, đã thu gom và tập hợp
chúng về trong các khu vườn của mình, như níu kéo những gì sắp mất đi.
http://langvietonline.vn/Lang-Pho/115191/Cho-Da%E2%80%A6-Manh-hon-que.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét