Tượng Hộ Pháp Thiện, Ác
Là hai pho được đặt đăng đối hai bên
ngay cổng vào của hai bên toà Tiền đường gồm: tượng Hộ Pháp Khuyến Thiện
bên phải chùa và tượng Hộ Pháp Trừng Ác bên trái chùa. Các pho tượng
này thường được mô tả là những võ tướng to lớn, mình mặc áo giáp trụ,
đầu đội mũ Kim Khôi.
Tượng ông Trừng Ác thường dữ tợn mặt
đỏ gay, mắt trợn ngược, một tay chống lên mình con sư tử, một tay cầm
chuỳ hoặc đao giơ lên như biểu lộ ngăn chặn cái ác chúng sinh bỏ lại ở
ngoài cổng chùa khi bước vào không gian thanh tịnh. Tượng ông Khuyến
Thiện cũng có dạng trang phục như ông Trừng Ác, nhưng khuôn mặt hiền
lành, da trắng, một tay chống lên lưng con sư tử, một tay nâng viên ngọc
quý tượng trưng cho tâm Phật của chúng sinh.
Đối với các tượng Khuyến Thiện, Trừng
Ác này, trong việc thể hiện trang phục của các pho tượng cũng có khác
biệt. Cũng vẫn là giáp trụ, trên đó có các mặt hổ phù trấn ở bả vai, ở
đai lưng, phần hộ tâm, nhưng trên tượng ông Thiện những hình ảnh này
cũng hiền lành, còn trên tượng ông Ác các nét chạm khắc thường nhấn mạnh
đến nét dữ dằn. Một số tượng Hộ Pháp Thiện Ác có tạc thêm con báo đen
hoặc con rồng phụ trợ cho ý nghĩa chế ngự được tâm ác thú và có được
thiện tâm thiện tính khi bước qua cổng chùa.
Tượng Đức Ông
Là pho tượng mô tả một vị quan văn mặt
đỏ, đội mũ cánh chuồn, ngồi theo thế hiền toạ hai chân song song. Các
ban thờ Đức Ông và Thánh Tăng xuất hiện trong điện Phật của người Việt
khá muộn khoảng sau thế kỷ 19. Hai bên Đức Ông có hai vị là Già Lam và
Chân Tể. Đức Ông là ngài Cấp Cô Độc, là vị trưởng giả giàu có nhưng đầy
từ tâm.
Ngài nghe Phật giảng đạo mà giác ngộ,
đã bỏ tiền của mua vườn của thái tử Kỳ Đà dâng cho Phật. Ông được Thích
Ca tán thán và cho cai quản tất cả mọi cảnh chùa trên thế gian. Vì thế
bàn thờ của ngài thường đặt bên trái nơi các khách hành hương sẽ đến lễ
trước khi vào lễ Phật.
Trong các ngôi chùa Việt, ban thờ Đức
Ông còn gọi là ban Thập Bát Long Thần, trong sách cúng Phật Đại Khoa có
lời thỉnh Thập Bát Long Thần Già Lam Chân Tể, chính là thỉnh Đức Chúa
Ông. Trong đó Già Lam là một biệt danh. Tiếng Hán Già Lam có nghĩa là
chủng viện Phật giáo, nên danh Già Lam là người trông coi chùa.
Hai pho tượng hai bên Đức Ông cũng
được gọi là tượng Già Lam và Chân Tể. Hai vị này có nhiệm vụ ghi chép
các việc diễn ra trong chùa nên tay các vị này cầm bút, cẩm sổ. Hai vị
này thường được tạc theo lối vắt chân chữ ngũ, đội mũ cánh chuồn, trang
phục kiểu quan văn. Cũng có khi hai pho tượng ở hai bên Đức Ông thể hiện
một nhân vật quan văn, một nhân vật quan võ. Điển hình là ban thờ Đức
Ông chùa Bút Tháp, thế kỷ 19.
Tượng Thánh Hiền
Là pho tượng đặt trong ban thờ đối xứng với ban thờ Đức Ông ở bên phải toà Tiền Đường.
Tượng Thánh Hiền
là vị đội mũ Tỳ lư thất Phật, một tay trong tư thế thuyết pháp một tay
trong lòng đùi hoặc cầm chén nước. Tượng mặc áo thụng nâu, hoặc vàng.
Hai bên tượng Thánh Hiền có Diệm Nhiên đại sĩ và Tiêu Diện đại sĩ. Diệm
Nhiên đại sĩ là tượng mặt đỏ mũ đầu mâu, đây là vị thống lĩnh 12 loại cô
hồn. Còn tượng Tiêu Diện đại sĩ là tượng mặt xanh hoặc mặt đen, hai
khoé miệng có hai đốm lửa.
Hai vị này được xem là hai quỷ vương
giúp sức cho Anan trong việc chẩn tế, bố thí cho các cô hồn chúng sinh. Ở
các ngôi chùa miền Nam, Tiêu Diện đại sĩ còn được thờ một ban riêng bởi
chức năng trên. Thánh Hiền trong Phật giáo Việt chính là đức Anan, một
trong những đại đệ tử của đức Phật và là người đấu tranh ủng hộ để phái
nữ đi tu. Do đó ông cũng là người rất được sùng kính trong các ngôi
chùa.
Ở một số chùa tượng Thánh Hiền chính
là tượng mô tả Đường Huyền Trang, hai bên là hai đại đệ tử Tôn Ngộ Không
và Sa Tăng. Bộ tượng này có ở chùa Kim Liên (Hồ Tây, Hà Nội) và chùa
Bộc (đường Chùa Bộc, Hà Nội).