Translate

Chủ Nhật, 5 tháng 5, 2013

CỔ LƯƠNG TỪ


Đền Cổ Lương ở số nhà 28 phố Nguyễn Siêu, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đền Cổ Lương thờ công chúa Liễu Hạnh hay Mẫu Liễu. Liễu Hạnh là vị nữ thần được thờ phổ biến trong nhiều kiến trúc tôn giáo truyền thống. Sự tích của Liễu Hạnh được lưu truyền rộng rãi ở nhiều vùng quê trong nước, đặc biệt ở vùng Bắc bo. Mặc dù sự xuất hiện của nhân vật vào thời Lê Trịnh, song bà chúa Liễu là một trong “Tứ bất tử” của thần điện Việt Nam. Di tích thờ bà chúa Liễu thường là ở các đền phủ, đặc biệt phổ biến trong điện mẫu các chùa.
Trong đền Cổ Lương hiện nay còn lưu giữ các tư liệu chữ Hán: văn bia, hoành phi, câu đối, sắc phong. Sách “Trích văn lục”, “Truyền kỳ tân phả” và “Vân cát thần nữ” cho biết: công chúa Liễu Hạnh là con gái vua cha Ngọc Hoàng, tính tình ngang bướng, phóng túng không chịu theo khuôn phép nhà trời. Vì đánh vỡ chén ngọc, nàng bị vua cha giáng xuống trần, đầu thai vào nhà Lê Thái Công (ở xã Vân Cát, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Hà) mang tên Giáng Tiên.
Khi lớn lên Giáng Tiên làm con nuôi một vị Hữu quan họ Trần, được học hành đầy đủ nên có tài văn chương, đàn sáo. Năm 16 tuổi, nàng lấy chồng là Đào Lang, con vị Hữu quan ở làng. Vợ chồng ăn ở với nhau được 5 năm thì nàng hết hạn đầy, vào ngày 3 tháng 3 (Âm lịch), không bị bệnh tật mà mất, để lại cho chồng hai đứa con: 1 trai, 1 gái.
Giáng Tiên về trời nhưng lòng trần chưa dứt, công chúa lại được vua cha cho xuống trần và đổi tên là Liễu Hạnh. Lần này với phép biến hoá huyền diệu, nàng gặp lại chồng con và bố mẹ nhưng sau đó lại bỏ đi. Với tính cách phóng túng, tung tích vô định, lúc làm bà già chống gậy, lúc làm cô gái thổi sáo, nàng đi khắp đất nước. Ở Lạng Sơn, nàng làm thơ ghẹo sư Đại Việt từ Trung Hoa trở về, ở Hồ Tây làm cô gái bán rượu, ngâm vịnh, dự tiệc cùng danh nhân Phùng Khắc Khoan. Sau đó, công chúa Liễu Hạnh vào Nghệ An, hiện thân là một phụ nữ trần gian, kết duyên với người học trò, hàng ngày làm thơ xướng hoạ, cùng chồng sau sinh được con trai, ở với chồng con được mấy năm, lại trở về trời.
Sau 3 năm ở thiên đình, vì nhớ cõi trần nên công chúa xin Ngọc Hoàng cho xuống trần một lần nữa, lần này bà mang theo hai tiên nữ là Quỳnh Hoa và Quế Hoa. Họ trú ngụ ở phố Cát (Thanh Hoá) dạy dân cày cấy xây dựng cuộc sống. Ở đây, người thường hiển linh: người lành được hưởng phúc, kẻ ác bị tai nạn, vì thế nhân dân đã lập đền thờ bà. Nhưng nhà vua không tin (lúc đó là đời vua Huyền Tông), cho là yêu quái, đã xuống chiếu huỷ đền. Bà chúa Liễu đã gây thiên tai, bệnh tật giết hại nhiều người để ra oai trả thù, nên nhà vua phải cho sửa lại đền và hàng năm cử quan đến tế lễ. Để trả ơn vua, bà chúa đã dùng phép thần thông giúp vua Lê đánh thắng Chiêm Thành, nên nhà được nhà vua ban tặng sắc phong là “Liễu Hạnh công chúa”, đến thời Nguyễn lại được suy tôn là “Mẫu nghi thiên hạ”.
Qua quá trình tồn tại trong lịch sử, Liễu Hạnh được tôn vinh trong tín ngưỡng dân gian cuối thời Trung cổ là “Tứ bất tử”, bởi vì một mặt Liễu Hanh tượng trưng cho tinh thần phóng túng tự do. Mặt khác, trong tâm thức dân gian, bà chúa có thể ban phúc cho mọi người.
Hiện tại, trong đền Cổ Lương lưu giữ các hoành phi, câu đối, ca ngợi công đức của Mẫu Liễu Hạnh. Bức hoành phi ghi: “ Thao thuỷ khôn tinh” (Đức kiên trung như nước sông Thao).
            Đôi câu đối
                        Tây Hồ dạ nguyệt quy tiên hạc.
                        Sùng dĩnh xuân hoa ám khải vân.
            Nghĩa là
                        Mẫu giáng xuống ở Sò Sơn
                        Đêm ngự ở Tây Hồ như tiên nữ.
Kiến trúc của ngôi đền hiện nay khá khang trang, sạch đẹp, quay hướng nam, gồm có cổng nhỏ, sân hẹp tiền tế và hậu cung. Kiến trúc đền Cổ Lương hiện còn lưu lại là kiến trúc nghệ thuật mang phong cách triều Nguyễn. Nội thất gồm 3 gian tiền tế và một hậu cung kiểu kiến trúc đơn giản: bộ khung bằng gỗ lim còn khá tốt; các đồ thờ cúng cùng các di vật còn khá đầy đủ, được bảo quản tốt. Phía cổng còn một cây bàng to, cành lá xum xuê làm tôn thêm phần cổ kính của di tích, đồng thời đó cũng là điểm dễ nhận ra nhất của di tích này.
Trong đền hiện tại lưu giữ nhiều hiện vật  có giá trị: 2 sắc phong Liễu Hạnh công chúa:
+ Sắc thứ nhất : có niên đại Duy Tân thứ 5 (8/6/1911)
+ Sắc thứ hai : Khải Định cửu niên thất nguyệt nhị thập ngũ nhật (năm Khải Định thứ 9).

+Các Sắc phong này hiện nay đã bị thất lạc( Theo TS Chu Xuân Giao)
Một quả chuông đồng to: “ Cổ Lương chung ký” (Bài ký trên chuông đồng Cổ Lương) được đúc vào nên hiệu Thiện Trị thứ 3 (1843).
Bài ký trên chuông ghi mục đích, ý nghĩa của việc đúc chuông để lại cho muôn đời sau, ghi tên những người đóng góp công đức để tu sửa đền và đúc chuông.
Trong đền còn bốn tấm bia đá thời Nguyễn. Bia “Cổ Lương hương đình ký” được làm ngày lành Tự Đức thứ 3 (1879) do tiến sỹ Vũ Nhị, hiệu Đông Hầu Đốc học Hà Nội biên soạn. Nguyễn Mặc Khanh viết bia ghi việc tu sửa đền: Trước đây lợp giang đơn sơ, nay dân làng sửa sang lại, cao ráo, sáng sủa, tô vẽ sơn son, thờ thần uy nghi, dân cư yên vui làm ăn là nhờ công đức của thần.
Bốn bức hoành phi gỗ, 6 câu đối nội dung ca ngợi công đức của Mẫu Liễu Hạnh.
Hai bắc cuốn thư gỗ, 3 ngai thờ, 18 pho tượng và đáng chú ý hơn cả là pho tượng lớn đặt trong khám thính tại gian chính giữa hậu cung: tượng mặc áo đỏ, khuôn mặt phúc hậu.
Ngoài ra còn một số đồ thờ khác: lọ hoa, cây nến, bát hương sứ, đồng, bộ bát bửu.
Với kiến trúc còn nguyên vẹn cùng cảnh quan bên ngoài khá đẹp, đền Cổ Lương nằm ngay rong khu phố cổ Hà Nội sẽ là điểm dừng chân lý thú cho khách tham quan trong và ngoài nước khi đến với thủ đô Hà Nội.

http://www.hoankiem.vn/city_info/anzeige/news/aktuelles/show.cfm?region_id=70&keyword=&masterid=2404&id=2589

2 nhận xét:

  1. Sắc phong không còn giữ được anh Việt à. Cái đền này, em đang viết đây.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chào Giao, lâu lắm không gặp, hôm nào rảnh cà phê nhé

      Xóa