Thời nay, không phải vô cớ mà giới đồng bóng định danh khái niệm
“đồng đua” nhằm chỉ hiện tượng đua đòi háo danh trong tín ngưỡng Tứ phủ,
cốt để khoe mẽ thể hiện bản thân mình. Những vấn hầu tốn kém bạc tỷ
linh đình là một trong những biểu hiện sống động của những chân đồng
dạng này. Gần đây, không hiếm những chân đồng vì mục đích quảng bá nhân
thân trong giới bản hội, sẵn lòng bỏ tiền thuê cả một nhóm làm phim lên
tận những danh thắng thiên nhiên vùng núi cao. Ở đó, họ tổ chức ghi hình
bản thân trong phục trang hầu đồng, thể hiện cảnh các “cô, cậu”, các
“chầu thượng ngàn” hay các “quan”, ông “hoàng” rong chơi, du ngoạn vãng
cảnh sao cho giống với chuyện thần tiên trong huyền tích các vị thánh.
Mỗi đợt như vậy, bầu đoàn thê tử các chân đồng dắt díu nhau trình diễn
không khác gì một đoàn làm phim chuyên nghiệp. Sau đó, các trích đoạn
được đem về lồng ghép vào những trường đoạn phim quay toàn bộ vấn hầu
của họ, những mong các DVD lên đồng sẽ tăng thêm phần hấp dẫn, bắt mắt.
Xem ra trong xã hội thời nay, mối quan hệ cung cầu mang tính thương mại
giữa thủ nhang đồng đền, cung văn và chân đồng ngày càng trở nên phức
tạp hơn. Thị trường các dịch vụ đi kèm cũng vận hành khá sôi động. Thôi
thì đủ mọi hiện tượng tốt xấu phát sinh tha hồ nở rộ, được phản ánh rộng
rãi trên khắp các mặt báo, như dịch vụ cho thuê quần áo hầu, thuê người
hầu dâng, múa phụ họa, làm đồ mã, viết sớ, quay phim, chụp ảnh... Thời
xưa, bắc ghế hầu thánh vốn là sinh hoạt tín ngưỡng chủ yếu giành cho
giới tiểu thương hay những người giàu. Còn thời nay, như đã nói, trong
phong trào phục hưng rầm rộ, thành phần các chân đồng ngày càng mở rộng
với đủ mọi đối tượng thành phần gia nhập. Bởi vậy, những hiện tượng
khuynh gia bại sản, tan cửa nát nhà... vì đua nhau hầu đồng là một hệ
quả tất yếu, đã được phản ánh nhiều trên báo chí. Nhớ lại thời kỳ đầu
thế kỷ 20, ở Hà Nội cũng có những chân đồng phải lần lượt bán sạch gia
sản để lo việc hầu thánh. Câu chuyện khá bi thảm với việc chân đồng tự
tử, kết thúc cuộc đời tín ngưỡng mê đắm. Ở đây, có người lý giải rằng
chân đồng tìm đến cái chết do phá sản. Nhưng với trường tự kỷ của một
tín đồ tâm linh cực đoan, cũng có người coi đó là sự “tự giải thoát” để
về miền vĩnh hằng theo hầu Mẫu Tứ phủ! Nhưng dù bằng cách nào thì đó vẫn
thực sự là một bài học đắt giá, đáng cho người đời nay phải suy ngẫm!
Với bản chất tín ngưỡng đa thần mang đậm tính thương mại, hệ thống
các đền phủ thời nay đua nhau trùng tu, sửa sang đắp điếm, sơn son thiếp
vàng, trang hoàng lộng lẫy.., cốt sao bắt mắt giới con nhang đệ tử cũng
như thu hút khách thập phương về hành lễ. Có thể chính điều này phần
nào khởi nguồn cho phong trào trùng tu bừa bãi, phô trương quá mức, đến
độ thay đổi toàn bộ cảnh quan di tích, bất chấp Quy chế bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh của Nhà nước.
Điều đáng nói là ở các cơ sở tín ngưỡng Phật giáo, phong trào tân trang
chùa chiền trong nhiều năm gần đây cũng trở nên xô bồ. Cái tâm lý to
hơn, mới hơn, đẹp hơn, cầu kỳ hơn... của phong trào xây cất đắp điếm bên
ngoài cũng lan cả vào nơi cửa thiền. Nào là những chùa cao tầng với
những vật liệu mới lạ, đắt tiền, nào là tượng Phật lớn nhất, vườn tượng
lớn nhất, bảo tháp cao nhất, những sư tử Tàu, sư tử Pháp, đèn đá Nhật
Bản, đèn lồng đủ loại... thi nhau nở rộ khiến những nhà quản lý di tích
trở nên bất lực. Những hiện tượng “diêm dúa hóa” di tích đó đã từng được
phản ánh trên báo chí, và cũng từng gặp phải phản ứng quyết liệt của
chính những chủ nhân nơi thờ tự. Đây thực sự được xem như một vấn nạn
với giới bảo tồn văn hóa, như một thách thức mới mang tính... thời đại!
Đáng chú ý, bên cạnh việc phối thờ Mẫu trong đình, chùa, ở chiều ngược
lại, cũng có ngôi đình đã làm thêm những chỗ thờ Phật ngoài sân giời,
cổng đình hay gốc đa đầu làng, bất chấp nghịch lý “Thánh hơn Phật”. Có
lẽ ban quản lý mong muốn tạo được diện mạo hoành tráng tối đa với nhiều
ban bệ đặt lễ hơn cho khách thập phương chăng? Âu đó cũng là sự biểu
hiện bản chất hỗn dung tín ngưỡng nói chung của người Việt. Có điều thời
nay, xem ra sự hỗn dung đã trở nên một “nồi lẩu tâm linh” pha trộn,
phát sinh, biến tướng đủ mọi kiểu dạng, ngày càng đi theo chiều hướng
không mấy tốt đẹp.3-Đôi điều kiến giải...
Nhìn suốt chiều dài lịch sử, từ tín ngưỡng đa thần bản địa, người Việt dần chuyển sang đa nguyên tôn giáo tín ngưỡng. Sẽ thấy trong sự tích hợp đa tâm linh, truyền thống hỗn dung của người Việt được xem như một đặc điểm cơ bản. Ở đây, sự pha trộn đan xen có lẽ chủ yếu dựa trên nguyên tắc dung hợp thực dụng, bất luận các hệ thống giáo lý, triết thuyết, quan niệm của những tôn giáo, tín ngưỡng có mâu thuẫn với nhau như thế nào. Liệu truyền thống đó có phải sự biểu hiện một phần tính cách dân tộc Việt? Tạm thời, hãy coi đó là sự hồn nhiên tín ngưỡng người Việt. Một sự “hồn nhiên” tiếp nối từ truyền thống xưa của ông cha. Trải theo thời gian với quá trình hỗn dung tiếp biến, pha trộn và lai tạp, thế giới tín ngưỡng người Việt giờ đây đã trở nên như một mớ bòng bong hỗn độn, chằng chịt các mối quan hệ đầy mâu thuẫn giữa cõi dương gian và thế giới âm ty địa phủ...
Trong lịch sử loài người, nói chung tôn giáo tín ngưỡng
trước hết là những sáng tạo tinh thần, xác định những hệ tư tưởng, đạo
đức trong sự hình dung, tưởng tưởng về một thế giới siêu hình chi phối
đời sống trần gian. Sẽ thấy bất cứ hình thái nào, vì là sáng tạo của con
người nên tất chịu ảnh hưởng bởi bối cảnh lịch sử- xã hội, không gian
văn hóa và đặc biệt mặt bằng tri thức cộng đồng đã sinh ra nó. Ví như hệ
thống “thiên đình- cõi trời” tưởng tượng mà tín ngưỡng người Việt
“ngưỡng vọng” trên thực tế là sự mô phỏng nguyên mẫu bộ máy hành chính
triều đình phong kiến, gắn bó hữu cơ với hệ tôn giáo du nhập từ Trung
Quốc. Nói cách khác, đó cũng chính là sự giới hạn trí tưởng tượng của
con người khi sáng tạo ra thế giới siêu hình nói chung. Ở thời kỳ khoa
học chưa phát triển, mọi kiến giải về vũ trụ, về thế giới của các tôn
giáo tín ngưỡng như cõi trời, thiên đình, thiên đàng, Tây phương cực
lạc, cõi âm ty, địa phủ, địa ngục, hỏa ngục, thủy cung... đều tỏ ra “hợp
lý” với niềm tin tâm linh duy ý chí. Những câu chuyện lịch sử về việc
tòa án giáo hội Thiên chúa xử tử những nhà khoa học dám chứng minh ngược
với học thuyết của mình là những ví dụ điển hình. Dường như khoa học
càng phát triển bao nhiêu, mọi giá trị siêu hình cổ xưa sẽ càng bị triệt
tiêu bấy nhiêu bởi sự lỗi thời của nó. Thời nay, khi khoa học đã xác
định ngôi nhà chung loài người trong trái đất tròn xoay quanh mặt
trời.., có lẽ các tôn giáo tín ngưỡng cũng buộc phải xét lại “vũ trụ
quan, thế giới quan” của riêng mình, vốn ra đời trong trí tưởng tượng từ
thời xa xưa.
Trong sự sáng tạo các thánh thần của thế giới siêu hình,
không hiếm những trường hợp mà nhân vật thờ phụng trên thực tế vốn là
những sáng tạo văn học, nhưng về sau được “hiển thánh hóa” trong sự lan
tỏa của tâm thức dân gian. Chuyện biến hư thành thực, biến cái siêu hình
thành hữu hình, âu đó cũng là bản chất của thế giới tâm linh nói chung.
Ví dụ tác phẩm Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân, trải theo thời gian, những
Đường Tăng, Tôn Ngộ Không, Chư Bát Giới... trong tác phẩm rút cục đã
được “hiện thực hóa” một phần trong đời sống tâm linh người Việt. Cụ
thể, có những lưu phái đạo phù thủy ở miền Trung đã mặc nhiên đưa Tôn
Ngộ Không trở thành một trong những vị thánh trên hệ thống điện thần của
mình để thờ phụng. Ngày nay, không hiếm ngôi chùa Việt tiếp tục đưa
những hình ảnh của Tây Du Ký vào các bức chạm khắc mới, như một sự tiếp
tục thừa nhận “tính thiêng” các nhân vật của Ngô Thừa Ân. Thậm chí trong
lần tổ chức dùng chuyên cơ rước “xá lị” Phật về Việt Nam, một vị đại
đức đã chính thức tuyên bố rằng: “Đây quả là điều kỳ diệu, xưa ĐườngTăng mất sáu năm để đến được đất Phật, nay các vị thực hiện điều đó chỉ trong vài giờ đồng hồ bằng cả một chuyến bay riêng". Chưa
biết những viên xá lị đó liệu có phải là đồ thật hay không nhưng câu
chuyện đã phản ánh một niềm tin chân thành- sự tâm linh hóa những nhân
vật văn học điển hình Trung Quốc. Đứng trên góc độ sáng tạo tâm linh, sẽ
còn vô vàn những ví dụ phản ánh sự hồn nhiên của loài người trong việc
xây dựng, bồi đắp hệ thống tôn giáo tín ngưỡng nói chung.
Một chuyện khác, nếu như ở Việt Nam, Nhật Bản và Trung
Quốc, Quan Thế Âm Bồ Tát được xác định là vị Phật bà thì ở Tây Tạng,
ngài lại là... Phật ông, được tôn vinh như quốc tổ (cha đẻ) của người
Tây Tạng. Cho đến ngày nay, nhiều cao tăng Tây Tạng vẫn được xem là hiện
thân của Quán Thế Âm, trong đó có vị Gyalwang Drukpa vừa sang thăm Việt
Nam năm 2011. Ở đây, không biết giới chư tăng Phật tử Việt Nam lúc chắp
tay vái ngài Gyalwang Drukpa sẽ nghĩ gì so với việc hành lễ trước tượng
Quan Thế Âm Bồ Tát trong Tam bảo, ngoài sân chùa? Rồi không biết sự
“hiện thân” của đức Phật (ông/bà) ở đây liệu có giống với sự hóa thân
tưởng tượng kiểu các chân đồng Tứ phủ? Tham vấn một số tín đồ Phật tử,
được giải thích rằng đức Quan Thế Âm Bồ Tát là một cái gì đó rất to lớn,
có thể hóa thân thiên hình vạn trạng, không có gì mâu thuẫn(!) Có lẽ
trong tín ngưỡng tôn giáo nói chung, niềm tin là một động lực
mạnh mẽ đủ để biến hư thành thực, không thành có, phi lý thành có lý.
Thế nên mọi sự đều có thể dễ dàng chấp nhận nếu như thuận với ý thức chủ
quan của niềm tin tâm linh. Xin được nhắc lại, một thế giới ảo được
“hiện thực hóa” bởi niềm tin hồn nhiên của con người vốn là căn cốt của
tôn giáo tín ngưỡng. Ở đây, cuộc vật lộn giữa tin/không tin cùng cái tâm
lý bán tín bán nghi dường như luôn đồng hành suốt chiều dài lịch sử
loài người. Tôn giáo, tín ngưỡng dù có mâu thuẫn và đối kháng như thế
nào nhưng vẫn song song tồn tại với đầy đủ vẻ hợp lý và bất hợp lý của
chính nó. Anh tin điều anh chọn, tôi tin điều tôi biết, cuộc sống tự do
tín ngưỡng cũng giống như nghệ thuật vậy, sao cũng được, miễn là thỏa
mãn được nhu cầu thụ hưởng tinh thần. Tín ngưỡng tôn giáo suy cho cùng
cũng giống như phong tục, mọi hành vi thường lặp lại như thói quen lâu
đời, bất luận sự hợp lý đến đâu.
Từ bao đời nay, các giá trị tâm linh không chỉ mê hoặc
người nghèo, mù chữ thất học mà còn xâm nhập mạnh mẽ các tầng lớp thượng
lưu, tri thức, quan chức... Điều đó là một minh chứng về sức mạnh nghìn
đời của tôn giáo, tín ngưỡng. Nhớ lại nhận định nổi tiếng của Các Mác
coi tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân. Sẽ thấy ở góc độ tâm lý, tín ngưỡng tôn giáo rõ ràng đem lại một sức mạnh niềm tin lớn lao cho con người. Xét cho cùng, chỗ dựa tinh thần là
một chân lý vững chắc đủ để các hình thái tín ngưỡng tôn giáo có thể
trường tồn cùng với lịch sử nhân loại. Có thể nói, dù đối tượng của niềm
tin là những giá trị ảo nhưng trên thực tế đã mang lại cho con người
nhiều giá trị tinh thần không thể phủ nhận. Đó là chưa kể về bản chất,
mỗi tôn giáo lớn trên thế giới đều có giá trị như một hệ triết thuyết,
hệ đạo đức lớn, hướng con người tới một niềm tin vào cuộc sống tươi đẹp.
Sự xoa dịu nỗi đau trần thế, niềm tin vào sự trở che của đấng tối
cao... rõ ràng tạo nên một tiềm thức dạng trường ám thị, kích thích con
người gia tăng sức mạnh tinh thần. Từ đó có thể phát huy tối đa sức mạnh
nội tại trong cuộc mưu sinh nhọc nhằn ở một thế giới hỗn độn với biết
bao sự bấp bênh, trắc trở. Điều này tỏ ra hợp lý khi nhận định xã hội
càng bất ổn định bao nhiêu, con người lại gia tăng nhu cầu tâm linh tín
ngưỡng bấy nhiêu. Bởi vậy, lịch sử tôn giáo tín ngưỡng mọi thời đại phần
nào như tấm gương phản ánh tâm thế con người trong mọi thời đại. Thế sự
thăng trầm lúc thịnh lúc suy, niềm tin con người dường như không thoát
khỏi những ràng buộc tâm linh, vốn đã có từ ngàn xưa. Nó giống như một
nỗi sợ hãi nguyên thủy trường tồn ám ảnh, khiến con người dễ mất khả
năng tự tin, buộc phải tìm chỗ bấu víu ở tôn giáo tín ngưỡng.
Cũng cần phải thấy rằng, thuốc phiện có thể giảm đau, kích
thích sự thăng hoa hứng khởi nhưng đồng thời nó cũng là chất gây nghiện
không dễ gì từ bỏ khi đã đắm đuối trong trường ảo giác. Trong niềm tin
tôn giáo tín ngưỡng, sự sùng bái những cá nhân thánh thần (hoặc con
người được thần thánh hóa), suy tôn ngưỡng vọng những điều siêu thực,
tưởng tượng... khiến con người dễ bị rơi vào tình trạng thái quá, cực
đoan, duy ý chí với thế giới siêu hình. Theo đó, họ dễ bất chấp những
quy luật tự nhiên hay xã hội, khó chấp nhận những ý kiến trái chiều mang
tính phản biện, thường quy cho là sự báng bổ thánh thần. Hiểu điều đó,
mới thông cảm được cho mọi hiện tượng bất bình thường ở đời sống tâm
linh nói chung. Ở đây, khoảng cách giữa đức tin cao cả vào thế giới vô
hình cũng như sự mê muội, cuồng tín ở những điều dị đoan không tưởng có
lẽ cũng chỉ trong gang tấc, dễ bị đánh lận con đen. Đây chính là tính 2
mặt của tôn giáo tín ngưỡng nói chung, khiến cho nó trở nên rất dễ bị
lợi dụng. Trong lịch sử, việc các thế lực tăng lữ mượn tôn giáo tín
ngưỡng như một phương tiện để thỏa mãn lợi ích riêng, từ những tham vọng
chính trị cho đến những dục vọng thấp hèn là điều đã được minh chứng.
Điều này lý giải cho mọi sự xung đột tôn giáo, tàn sát đẫm máu lẫn nhau
trên thế giới. Đáng chú ý, cuộc chiến không chỉ xảy ra giữa các tôn giáo
với nhau mà còn ở cả nội bộ một tôn giáo, khi có sự chia tách thành các
giáo phái khác nhau. Thử hỏi với bản chất cao đẹp của hệ đức tin, tại
sao người ta có thể hành xử mâu thuẫn với chính giáo lý, đạo đức của tôn
giáo mà họ phụng thờ? Tại sao có những kẻ tu hành lại có thể ngang
nhiên buôn thần bán thánh để mưu cầu vật chất, trục lợi cá nhân hay thậm
chí kích động nổi loạn gây hấn chính trị trong xã hội? Nếu hiểu được
nhận định vĩ đại của Các Mác, sẽ không mấy khó khăn để tìm câu trả lời.
Vài kiến giải như
vậy để có thể thấu hiểu thêm truyền thống hỗn dung tôn giáo tín ngưỡng
của người Việt. Một mặt, sự tích hợp pha trộn, dung hòa tâm linh phần
nào giảm thiểu những xung đột tôn giáo tín ngưỡng không đáng có. Mặt
khác, sẽ thấy trong bản chất “thuốc phiện tinh thần”, “nồi lẩu” tôn giáo
tín ngưỡng thời nay tựa hồ như một dạng “ma túy tổng hợp” bất công
thức, in đậm tính thực dụng nguyên thủy từ ngàn xưa, tất sẽ gây nên
những hệ lụy tương ứng. Hiện nay khắp nơi đua nhau phục dựng lễ hội, kể
cả những hành vi mà đa số người thời nay khó chấp nhận. Ví như việc chém
đứt đôi con lợn hiến sinh rồi tranh nhau bôi máu vào tiền, dẫm đạp
tranh giành vật phẩm lộc thánh... hay những cổ tục cho phép, tôn vinh
hành vi đả thương “mang tính thiêng” như sự đề cao “tinh thần thượng
võ”, bất luận gây đổ máu... Trong Hội Gióng năm 2011, khi hành lễ đã có
người bị chấn thương sọ não phải đưa đi cấp cứu. Vấn đề đặt ra ở đây là
nếu tước bỏ tục đả thương, hẳn những “chủ thể văn hóa” sẽ khó chấp nhận
vì bị coi là... mất thiêng! Hiện nay, cái cảm giác kinh hoàng sẽ là điều
không thể tránh khỏi khi quan sát toàn cảnh đời sống tâm linh tín
ngưỡng mỗi mùa lễ hội. Đây là bài toán quá khó cho các nhà quản lý. Lâu
nay chúng ta thường kêu gọi hãy trả lại các lễ hội về cho người dân- tức
những chủ thể văn hóa. Thế nhưng cũng đến lúc cần xác định rõ,
với hiện trạng “tín ngưỡng trí” như hiện nay, dù người dân địa phương
hay chính quyền đứng ra tổ chức thì cũng đến vậy mà thôi. Chả nhẽ người
dân tổ chức thì các lễ hội sẽ trở nên tốt đẹp, nhân văn và không còn
hiện tượng tiêu cực nữa hay sao? Thật khó mà tin vào điều đó! Chưa kể
đến việc khái niệm chủ thể văn hóa ở đây nhiều khi còn không
phân biệt nổi. Như hành vi bày bán thịt chó giả nai... ngồn ngộn công
khai ở chùa Hương, đó là ý đồ của chủ thể tín ngưỡng nơi cửa thiền hay
là của người dân Hương Sơn? Cũng như việc thu tiền cúng sao giải hạn,
bán phiếu công đức, bán sớ... cùng nhiều dịch vụ tâm linh khác ở các
ngôi chùa lớn, liệu có phải do chính quyền địa phương quy định hay là
chủ đích của những nhà sư trụ trì? Vấn đề này bàn đến nhạy cảm lắm bởi
sự đòi hỏi một cuộc chấn hưng có tính toàn bộ ở hệ thống các cơ sở tín
ngưỡng công cộng. Về mặt quản lý nhà nước, có khá nhiều việc nan giải để
lập lại công bằng xã hội. Ví như việc kiểm soát các nguồn thu siêu lợi
nhuận ở các cơ sở tín ngưỡng như chùa chiền, đền phủ cũng như việc xử lý
nguồn thu nhập cá nhân của các loại thủ nhang, thầy cúng, thầy bói,
thầy phù thủy, thầy địa lý, cô hồn, đồng cốt... Đây là bài toán mà chắc
hẳn các nhà quản lý còn phải “bó tay” lâu dài. Bởi có một thời chúng ta
đã cấm mà không xong. Nhưng giờ đây nếu quy hoạch, đánh thuế thu nhập
thì có nghĩa Nhà nước mặc nhiên công nhận buôn thần bán thánh cùng các
dịch vụ tâm linh như một ngành nghề chính thức trong danh mục. Còn nếu
không kiểm soát nổi, coi như chúng ta tiếp tục chấp nhận thả nổi hàng
loạt nghề thu nhập bất hợp pháp, làm giàu trên sự mê hoặc, lợi dụng niềm
tin, thuộc tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân.
Xem ra, trước mắt cần nhanh chóng xây dựng một chương trình giáo dục văn
hóa tâm linh có hệ thống trên các phương tiện truyền thông với sự góp
mặt của các nhà chuyên môn, mới mong tìm được lối thoát!
4-Vĩ thanh...
Thay cho lời kết, xin thuật lại những gì mà học giả Phan Kế
Bính đã mô tả về đời sống tâm linh người Việt giai đoạn cuối thế kỷ 19-
đầu thế kỷ 20 trong tác phẩm Việt Nam phong tục. Bàn về đời sống tín ngưỡng nơi cửa thiền, ông viết “Hiện
bây giờ Phật giáo ở nước ta cũng đã suy. Tuy lưu truyền đã lâu, làng
nào cũng có chùa thờ Phật, dân gian vẫn còn cúng bái sùng phụng, nhưng
chẳng qua là bọn ngu phu, ngu phụ theo thói quen mà cúng vái chớ kỳ thật
không mấy người là mộ đạo. Trừ ra mấy kẻ bực đời đi tu, còn phần nhiều
là bọn ăn bơ làm biếng, trốn chúa lộn chồng, mượn cửa Bồ đề mà nương
thân. Còn bọn hạ lưu xã hội, mê tín sự báo ứng, thì toàn là bọn ngu
xuẩn, thấy na-mô thì cũng na-mô, thấy sám hối thì cũng sám hối, còn hiểu
gì là đạo Như Lai nữa. Huống chi lại còn nhiều kẻ tính tình rất hung
bạo mà cũng mượn cửa thiền để làm nơi trú ẩn. Tiếng là đi tu, mình mặc
áo cà sa, đầu đội nón tu lư, tay lần tràng hạt, mặt giả dạng từ bi, mà
bụng dạ thì như rắn rết, nào rượu ngon, nào gái đẹp, nào thịt chó hầm
hoa sen, nào thịt lợn viên nhỏ làm thuốc đau bụng, nào quần áo xà ích.
Na mô một bồ dao găm, hổ mang hổ lửa, sự ấy mới lại ghê gớm nữa”[1].
Mô tả hội các vãi già (Hội chư bà), vốn là những Phật tử gắn bó thường
nhật với mọi ngôi chùa, Phan Kế Bính đã chua xót than rằng “các vãi có khi kính nhà sư hơn cha mẹ sinh ra”[2], “động
nói là nam mô, động đi đâu là lạy chín phương trời, mười phương chư
Phật. Có người già cả yếu đuối cũng cố bò lê đến cửa chùa khấn la khấn
liệt, lạy lấy lạy để, ấy thực là một điều mê tín của đàn bà ta, mà không
ích gì cho đến mình cả… Song điều đó chẳng nên trách gì các bà già, chỉ
vì nữ giới nước ta không có học thức mà thôi, mà đàn bà không có học
thức, cũng bởi cách giáo dục chưa rộng vậy”[3]. Về bói toán, ông nhận định “nước ta tin việc quỷ thần, cho nên cũng theo cách Tàu mà chuộng việc bói toán”[4]. Với các lực lượng thầy cúng, phù thủy Đạo giáo, Phan Kế Bính không ngần ngại khẳng định “bọn
này thì cũng chẳng qua theo thể thức cũ, bùa bèn ấn quyết, trừ ma trừ
quỷ, dùng cách ấy để làm nghề kiếm ăn trong vòng hạ lưu xã hội, chớ kỳ
thực thì không biết tôn chỉ Đạo giáo là gì…”[5]. Về đạo phủ thủy dân tộc, Phan Kế Bính nhận định “phù
thủy là một thuật huyền ảo, xưa nay không có ích gì cho việc đời… Còn
như các thầy phù thủy chẳng qua mượn tiếng thần thánh, làm bộ tay ấn tay
quyết, trừ quỷ trừ ma, lừa kẻ ngu đần để làm nghề kiếm ăn”[6]. Riêng với các thanh đồng chuyên sát quỷ trừ tà chữa bệnh, ông cho rằng “trừ
tà chữa bệnh là một việc rất vô lý, chẳng qua là kẻ ngu xuẩn bày đặt ra
mối dị đoan, mà lừa dối những bọn vô tri vô thức, để làm nghề kiếm ăn
mà thôi”[7]. Khái quát toàn bộ sinh hoạt đồng cốt phù thủy, ông kết luận “Than
ôi, đạo phù thủy cùng là đạo đồng cốt còn thịnh hành ngày nào thì dân
trí còn ngu xuẩn ngày ấy. Bao giờ trong nước tuyệt hẳn được cái mối ấy
thì mới có cơ khôn ngoan cả được”[8]. Một thế kỷ đã trôi qua, song bức tranh toàn cảnh đó hẳn đáng để người đời nay so sánh, chiêm nghiệm và suy ngẫm lắm!
(Nguồn: siphubacha.multiply.com)
Sưu tầm từ: http://vnmusic.com.vn/p2218-lan-man-ve-truyen-thong-hon-dung-tin-nguong-cua-nguoi-viet-2.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét