Translate

Thứ Sáu, 15 tháng 8, 2014

NGHỆ SỸ ĐOÀN CHUẨN




“Bản chất của Đoàn Chuẩn là một nghệ sĩ đa tình. Vì thế khó trách cha tôi tội quá đào hoa. Thú ăn chơi của ông bây giờ hiếm người bì kịp” - nghệ sĩ guitar Hawaii Đoàn Đính đồng thời là Tổng thư ký Liên đoàn Billiard - Snooker Hà Nội khắc họa chân dung cha mình qua kỷ niệm. Tài tử Ngọc Bảo, người được coi là hát nhạc Đoàn Chuẩn quyến rũ nhất, người cùng thời với cha tôi thừa nhận: “Tôi là tay chơi có hạng đất Bắc Kỳ, nhưng còn thua xa người lịch lãm, hào hoa Đoàn Chuẩn”.
Posted Image


  Ông bà Đoàn Chuẩn và cô con gái đầu lòng.
Ảnh: Đ.Đ.
   Đổi ôtô lấy một cây đàn Cha tôi là con nhà tư sản đứng đầu hãng nước mắm Vạn Vân, một trong năm đặc sản của Hà Nội bấy giờ, nổi tiếng giàu có khắp đất Bắc. Thú ăn chơi của ông bây giờ hiếm người bì kịp. Nhà ông nội tôi có 6 chiếc ôtô để thay đổi. Ngày ấy, cả Việt Nam có hai chiếc Cadillac, cha tôi có một cái. Ông một ngày thay mấy bộ quần áo, giày đi khoảng chục đôi. Cuối tuần ông thường phóng ôtô về bãi biển đẹp nhất Hải Phòng để tắm. Trong khi tất cả các nhà tư sản để xe trên đường rồi đi bộ, thì cha tôi phi thẳng xuống bãi và thuê ô dù che xe. Bóng ô dù bao nhiêu tính diện tích trả tiền bấy nhiêu. Ăn uống của ông cũng rất cầu kỳ: Tôm vừa đánh ở biển lên, trong vòng 15 phút phải bóc nõn, quấn mỡ kho. Trong nhà, ông thuê thợ xây một phòng riêng thả đầy bóng bay lên trần, quả nào xì hơi bắt người nhà đi mua thả bù làm phòng tiếp bạn bè. Khách đến thoải mái uống rượu ngoại, ăn hoa quả. Ngay cả việc tán gái của ông cũng ngông bậc nhất. Thời trai trẻ, cha tôi phải lòng một người đẹp có tiếng nhưng nàng đang được một anh chàng thế lực đeo đuổi. Ông nhờ thám tử theo dõi và biết được ngày anh chàng kia đến rủ người đẹp đi ngắm cảnh. Sáng hôm đó, khi tình địch vừa đánh xe ra trước cửa nhà, hai tài xế được cha tôi thuê từ trước lái hai chiếc ôtô nhanh chóng đỗ chặn hai đầu, rồi khóa xe nhanh chân biến ra xa. Sau khi vào nhà lấy đồ, anh chàng thế lực quay ra chiếc xe để lái đi đón nàng, thì ôi thôi, ôtô không nhúc nhích được. Đúng lúc đó, cha tôi mới lái chiếc xe riêng hạng sang đàng hoàng đến đón người đẹp đi chơi. Tiêu tiền như nước là thế nhưng đầu óc ông thi sĩ lắm, chỉ dành cho việc viết nhạc chứ không dành cho việc kiếm tiền. Việc quản lý gia sản giao hết cho vợ. Tính tôi cũng giống cha, chơi ngông. Cha tôi từng đổi một chiếc ôtô lấy một cây đàn guitar Hawaii, còn tôi khi đi Mỹ đã bỏ ra 25 nghìn USD mua cây guitar Hawaii. Số tiền đủ để mua một chiếc ôtô trong khi bản thân tôi đi chiếc Dream mà nếu treo thêm một chiếc mũ bảo hiểm ở đầu xe sẽ có người đến trả 10 nghìn đồng để ra Bờ Hồ.
 
Posted Image

Về già, gia cảnh sa sút nhưng vợ chồng Đoàn Chuẩn vẫn rất êm ấm thuận hòa.
Ảnh: Đ.Đ.
 Mỗi bài hát là một mối tình Ngoài chuyện tình đậm chất quý tộc trên, cha tôi còn là nhân vật chính của một thiên tình sử lãng mạn. Hồi trẻ, ông thương thầm nhớ vụng một bóng hồng. Nhưng với chất công tử hào hoa bậc nhất, Đoàn Chuẩn không trực tiếp đến ngỏ lời, mà bày tỏ niềm yêu của mình bằng một bí kíp có một không hai. Hằng sáng, ông thuê người mua một bông hồng đỏ, mang đến nhà thiếu nữ đó tặng mà tuyệt đối không tiết lộ danh tính. Suốt gần 3 năm, khi bông hoa hồng thứ 1.000 được tặng, thì ông mới hiện ra trên ngưỡng cửa. Ấy thế nhưng khi cha phải lòng mẹ tôi thì chẳng tốn cánh hoa và cuộc đón đưa nào. Mẹ tôi tên Xuyên, bằng tuổi và học cùng lớp cha tôi, đẹp nền nã và hay mặc áo dài tím. Bà là con gia đình gia giáo, bà ngoại tôi thường bán nụ vối trước cửa. Một hôm, có người đàn bà sang trọng đi xích lô đến cửa nhà ngoại mua nụ vối. Khác với mọi người chỉ mua một cân, vài lạng, bà ấy mua cả một xe. Mấy hôm sau, bà quay trở lại mang theo đồ ăn hỏi cho con trai. Bà ngoại mới ớ ra rằng, người đàn bà bữa trước đến mua nụ vối thực chất là để thăm dò gia cảnh cô gái sẽ trở thành vợ của người thừa kế hãng nước mắm Vạn Vân nổi tiếng. Mẹ tôi ngồi nghe lỏm người lớn nói chuyện với nhau mới biết người muốn cưới mình là anh bạn cùng lớp kín tiếng. Thế là sau khi ăn hỏi, cha mẹ tôi mới chính thức hẹn hò và trở thành vợ chồng năm 18 tuổi. Cha tôi rất yêu mẹ nên bà cũng thường xuất hiện trong các sáng tác của ông với hình ảnh tà áo tím. Ai cũng biết bài hát Đường về Việt Bắc là Đoàn Chuẩn sáng tác dành tặng vợ với câu “Chiều nào áo tím nhiều quá lòng thấy nhớ người” khi lên thăm hai mẹ con ở chiến khu Việt Bắc. Khi ấy, ông đạp xe đạp, giữa đường vào nghỉ nhờ ở nhà một người dân tộc. Ăn xong bữa cơm thấy người ta thích cái xe đạp quá, cha tôi bèn tặng lại họ, ba lô cũng vất đi đâu rồi vác mỗi cây đàn đi tìm. Gặp vợ con, ông mừng mừng tủi tủi viết luôn bài Đường về Việt Bắc. Còn một bài nữa cũng có hình bóng mẹ tôi nhưng ít người để ý là Gửi người em gái miền Nam với hình ảnh: “Cành hoa tim tím bé xinh xinh đón xuân về”. Tuy yêu vợ nhưng bản chất của Đoàn Chuẩn là một nghệ sĩ đa tình. Vì thế khó trách cha tôi tội quá đào hoa. May mắn mẹ tôi là người đàn bà tinh tế, hết lòng vì chồng con. Sinh thời mẹ tôi từng nói: “Ông lãng mạn, đa tình lắm. Có vậy ông mới viết được bài hát hay thế. Ông muốn ngang thì ngang, muốn dọc thì dọc, tôi chiều ông hết. Bổn phận của tôi là chăm chồng, nuôi con, lúc nào cũng an phận chịu đựng. Ông không biết đến sinh kế, gia đình, con cái... Đời ông phóng khoáng. Nghe nhạc ông lúc nào tôi cũng ngạc nhiên - sao ông tài thế? Mỗi bài hát là một mối tình đi qua đời ông”. Chính nhờ sự bao dung ấy của mẹ mà gia đình tôi được giữ trọn vẹn. Cha tôi yêu mẹ và sống với mẹ cả đời, nhưng chỉ viết cho bà hai bài hát, trong khi ông yêu một ca sĩ nổi danh xinh đẹp Hà thành lúc đó tên là Thanh Hằng và viết đến 6 bài hát tặng nàng. Mẹ tôi hay chuyện đang ở Hải Phòng lập tức đi ôtô lên Hà Nội. Ai cũng tưởng sẽ có cuộc đánh ghen lớn, nào ngờ mẹ tôi nhẹ nhàng đến gặp cô ấy hỏi: “Chị hỏi thật em, em có yêu anh Đoàn Chuẩn không?”. Thanh Hằng trả lời rằng có. Bà nói tiếp: “Em trót yêu anh Đoàn Chuẩn nhà chị thì em cố yêu nốt ba đứa con của anh ấy nhé”. Thế là Thanh Hằng tỉnh mộng trả mẹ tôi tất cả thư từ của hai người và xé những bài hát cha tôi tặng. Vì thế sau này cha tôi mới viết tác phẩm Bài ca bị xé. Ngày nhỏ, tôi chưa bao giờ trách cha mình vì đa tình vì nghĩ biết đâu sau này mình cũng giống cha mình như thế. Cha tôi yêu mỗi cô sáng tác được một bài hát, chứ tôi yêu 10 cô cũng chẳng viết được bài nào.
Posted Image


  Nghệ sĩ guitar Hawaii Đoàn Đính - con trai nhạc sĩ Đoàn Chuẩn xúc động khi kể lại những câu chuyện về cha.
 Ảnh: Ngọc Trần.
 Ân hận vì không nối nghiệp cha Tôi thấy cha tôi là người tuyệt vời. Tôi yêu cha nên kể cả tật xấu tôi cũng muốn theo. Tật xấu của cha tôi là thích ăn ngon, thích các cô gái đẹp, hơi nóng nảy nhưng thường những người thiên hướng nghệ thuật mạnh thì ít khi giữ được cảm xúc bình tĩnh. Ông mê đàn Hawaii hơn mọi thứ trên đời. Ông mua những đĩa nhạc Hawai về nghe và quyết tâm sẽ đánh hay hơn đĩa. Có những đêm ông thức trắng nghe những bản nhạc trên đài và chép lại bằng cách tốc ký theo số, rồi sáng hôm sau mới chuyển qua nốt nhạc. Có lần cha tôi đến nhờ ông Lam Chấn - người Hoa dạy Guitar Hawaii xin theo học, ông Lam Chấn mới nói là anh đánh thử đàn cho thầy nghe. Sau khi cha tôi dạo thử một bản, ông Lam Chấn bảo: “Thế này thì thầy chẳng dạy được trò nữa, trò đánh hay hơn thầy rồi”. Cha tôi học ông được 5-7 buổi thì đành nghỉ. Cha tôi có tất cả 6 người con, hai gái, bốn trai nhưng không bao giờ biết chúng tôi học lớp mấy, trường nào, thầy cô nào giảng dạy. Tuy thế ông rất quan tâm đến việc đào tạo âm nhạc cho chúng tôi. Có lần tôi học không được ông nhốt tôi vào phòng bắt đàn liên tục trong 6-7 tiếng bao giờ kỳ được thì thôi. Tôi giống cha ở tâm hồn khoáng đạt của những người chơi guitar Hawaii, nhưng không thể sáng tác được như cha. Đời con tôi thì chỉ chơi billiard. Tôi cho rằng bố tôi sẽ buồn lắm. Đó vẫn là điều ân hận của tôi vì con cháu không nối được nghiệp cha ông mình.
Posted Image


 MC, nhà phê bình âm nhạc Thụy Kha và Đoàn Liêm, con trai Đoàn Chuẩn.
 Trong khi Đoàn Liêm thành thật cho biết, ông cũng không được cha mình tiết lộ huyền sử Đoàn Chuẩn - Từ Linh, thì Thụy Kha - người được xem là bạn vong niên những năm cuối đời của người nhạc sĩ vẫn tự coi mình là "tay mơ trong âm nhạc" - đã vén bức màn bí ẩn bao năm nay. "Có những câu chuyện nghệ sĩ không chia sẻ với cả người thân nhưng lại chia sẻ với bạn bè trong giới. Có lần tôi hỏi Đoàn Chuẩn về Từ Linh, ông chỉ: Nhà hắn ở bên kia kìa. Chỗ đầu cửa Nam. Tên thật của hắn là Tư, tính hắn lì nên mọi người gọi hắn là Tư Lì, sau tôi đổi sang Từ Linh nghe có vẻ lãng mạn hơn. Có vẻ để tên Đoàn Chuẩn - Từ Linh nghe ăn khách hơn hẳn để tên Đoàn Chuẩn" - Thụy Kha kể. Ông cũng kể lại câu chuyện khá xúc động về tình bạn tri kỷ kiểu Bá Nha - Tử kỳ này: "Năm 1988, nhạc sĩ Huy Du khi ấy là Tổng thư ký hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức đêm nhạc "Đoàn Chuẩn, 65 năm mùa lá rụng", sau khi đêm nhạc kết thúc, mấy anh em chúc tôi đi uống rượu chúc mừng ông, Đoàn Chuẩn đã bật khóc nói rằng, tiếc là Tư Lì không còn mà chứng kiến. Từ Linh mất trước đó một năm".

Nguồn : http://vnexpress.net...

http://bbqt.com/forum/index.php?/topic/7619-nh%E1%BB%AFng-m%E1%BB%91i-tinh-trong-nh%E1%BA%A1c-doan-chu%E1%BA%A9n /

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét