Translate

Chủ Nhật, 15 tháng 6, 2014

QUAN NIỆM VỀ PHONG THỦY VÀ MỘ TÁNG CỦA NGƯỜI XƯA - 3


Ứng dụng thuyết phong thủy, sử dụng các thủ pháp chuyên môn, các nhà phong thủy có thể phát hiện và điều chỉnh những khu đất có nhiều sinh khí để mai táng hoặc để xây dựng các công trình kiến trúc như nhà ở, cung điện, thành trấn, thôn lạc.
(Ảnh chỉ mang tính minh họa)
Đến đây một câu hỏi nữa được đặt ra là tại sao việc chọn đất có sinh khí để mai táng tổ tiên lại có thể đem phúc lộc cho con cháu, tức là “táng tiên” lại có thể “ấm hậu”.
Trong trước tác “Táng thư”, Quách Phác đã nêu luận điểm: “Khí cảm như ứng, quỷ phúc cập nhân”, có nghĩa là những vật đồng chất với nhau có quan hệ cảm ứng lẫn nhau.
“Quỷ” mà Quách Phác viết trong “Táng thư” là cha mẹ hoặc tổ tiên sau khi đã chết. Thuyết phong thủy quan niệm chết là về với đất, về với “đại mẫu” để chuẩn bị cho giai đoạn tái sinh kiếp sau.Vậy “quỷ” chính là tổ tiên, là cha mẹ đã chết, còn “nhân” là những con cháu đang sống, là di thể của cha mẹ để lại.
Vì vậy, tổ tiên, cha mẹ và hậu duệ con cháu là đồng khí, là một chất. Chúng có quan hệ cảm ứng với nhau. Cho nên “quỷ phúc cập nhân” nghĩa là tổ tiên mang lại phúc ấm cho con cháu.
Trong sách “Táng thư”, Quách Phác còn giải thích thêm: “Thi dĩ đồng sơn tây băng, linh chung đồng ứng, mộc hoa vu xuân, lật nha vi thất”. Có nghĩa là mỏ đồng ở phía Tây bị sụt lở thì chuông thiêng ở phía Đông cũng ứng theo (chuông tự kêu). Mùa xuân cây nở hoa thì quả ở trong phòng cũng nảy chồi.
Như vậy, ý của Quách Phác nói: Chuông đồng và mỏ đồng cùng một khí chất, cây và quả cùng một khí chất. Mặc dù, chúng để ở nơi cách biệt nhau nhưng vẫn có quan hệ cảm ứng theo lẽ tự nhiên của tạo hóa. Vì thế tổ tiên, cha mẹ tuy đã chết nhưng vẫn có thể phù hộ cho con cháu, hậu duệ của mình.
Quách Phác đã lấy một sự kiện đời Hán để chứng minh cho quan hệ cảm ứng: Có một quả chuông treo ở lầu Vi Ưởng tại kinh đô Tràng An, một hôm bỗng nhiên quả chuông tự kêu “ô ông…ô ông”. Các đại thần hôm ấy vô cùng kinh sợ, cho đó là điềm xấu.
Đông Phương Sóc là người có trí tuệ siêu quần thời bấy giờ, đứng lên tâu rằng: “Nhất định lúc này đã có núi đồng khoáng sụt lở”. Mấy ngày sau, quả nhiên có tin từ miền biên cảnh phía Tây xứ Thục báo cáo về triều đình rằng ở đó núi đồng khoáng đã lở vào ngày giờ ấy.
Triều đình đem đối chiếu lại thì đúng vào lúc chuông đồng ở cung Vi Ưởng phát ra tiếng kêu. Hán Vũ đế kinh ngạc hỏi vì sao Đông Phương Sóc biết được như vậy? Đông Phương Sóc đáp: “Đồng đúc chuông lấy từ mỏ đồng trên núi, khí của chúng cảm ứng nhau mà phát ra tiếng kêu, giống như thân thể người ta là do cha mẹ sinh ra vậy”. Hán Vũ đế than rằng: “Vật còn như vậy, huống chi người ta”.
Như vậy, từ thời xưa thuyết phong thủy hướng dẫn cho con người tìm huyệt đạo cát địa (phúc địa) để mai táng tổ tiên, cha mẹ hoặc làm nhà ở, dựng cung điện, thành quách… Điều này đã có tác động đến đời sống của con người và trở thành một bộ phận văn hoá phương Đông nói chung và văn hóa Việt Nam nói riêng.
(Theo Lyhocdongphuong)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét