Khi tài năng đang độ chín
muồi, khi Bình Định Gia đang khởi sắc, phát triển võ đường đến hầu hết
các tỉnh phía bắc với hàng vạn môn sinh theo học thì một tai nạn giao
thông thương tâm, Trần Hưng Hiệp đã không còn nữa. Lão võ sư Trần Hưng
Quang bảo, hôm nghe tin con trai mình mất, ông chết điếng và cả mấy
tháng sau, cứ thấy mình như đi trên mây khói.
Cha con “ông Ốc” và nghiệp võ “một thời vang bóng”
Ông hệt như Lão Ngoan Đồng Chu Bá
Thông, một nhân vật võ công cái thế, tóc bạc như cước nhưng lúc nào cũng
hồn nhiên như trẻ nhỏ trong tiểu thuyết nổi tiếng Thần điêu đại hiệp
của Kim Dung. Từng nổi danh với vai Ốc trong vở tuồng kinh điển Nghêu-
Sò- Ốc- Hến, lại thêm cái vẻ hóm hỉnh ngoài đời nên ít ai có thể ngờ
rằng ông lão có vóc người nhỏ bé tuổi ngoại bát tuần ấy lại là chưởng
môn của môn phái một thời lừng danh, môn phái Bình Định Gia.
Ông là võ sư Trần Hưng Quang, giang
hồ thường gọi là Quang “Ốc”, hay còn gọi thân mật là “ông Ốc”, trong
giới võ lâm bây giờ, ông được suy tôn vào hàng trưởng lão. Những năm 90
của thế kỷ trước, đặc biệt khi người con trai Trần Hưng Hiệp tài năng
thiên bẩm của ông còn sống, võ phái Bình Định Gia là mái nhà chung của
cả vạn môn sinh đam mê quyền cước…
Lão võ sư Trần Hưng Quang là người
nghiện thuốc lá. Thuốc Thủ đô ngày ông đốt đến cả bao. Ông bảo, người
luyện võ thì phải kiêng tất cả những chất kích thích, ông cũng thế nhưng
thuốc lá thì không tài nào bỏ được. Bởi thế, ở võ đường Việt- An, (sân
trường Việt Nam- Angiêri, đường Nguyễn Quý Đức, Thanh Xuân, Hà Nội) dù
đám môn tối nào cũng rộn rã những tiếng la hét, tiếng dậm chân huỳnh
huỵch, tiếng binh khí va vào nhau loảng xoảng thì trên thềm, ông vẫn
ngồi đăm chiêu với điếu thuốc trên tay.
Tuy ngồi bất động như thiền nhưng ánh
mắt quắc thước của ông vẫn dõi theo từng động tác của đám học trò. Hễ
ai tập sai, như điện giật, ông bật dậy, hấp tấp chạy tới, lúc la hét,
khi ngọt ngào uốn nắn. Xong việc, ông lại thong thả bước lên thềm. Lại
thả hồn theo làn khói trắng.
Ông quê gốc ở Bình Định. Theo đồng
đạo võ lâm thì ông là người duy nhất đưa võ cổ truyền Bình Định bắc tiến
thành công. Nói về võ phái của mình, ông bảo, cách đây trên 200 năm, cụ
Trần Đại Chí, sáng tổ của môn phái, vốn là một võ tướng, võ công đệ
nhất, thao lược tài danh, bởi mâu thuẫn với nhà Thanh mà chạy dạt sang
đất Việt.
Theo gia phả của dòng họ thì thủa
nhỏ, cụ Chí được gia đình gửi vào Thiếu Lâm học võ. Hơn chục năm trời
theo thầy miệt mài với thập bát ban, thành thạo, cụ lai kinh những mong
đem chút tài mọn phụng giúp quốc gia, vinh danh dòng họ. Thế nhưng, Mãn
Thanh vào buổi suy tàn, bất mãn, mâu thuẫn trong việc triều chính, cụ đã
đưa cả gia quyến xuôi về phương Nam.
Nơi đầu tiên cụ đặt chân tới là đất
Thăng Long, nhưng ngày ấy, kinh kỳ hỗn loạn, chẳng thể náu thân an toàn,
cụ dạt vào Bình Định. Tại đây, duyên kỳ ngộ, cụ đã kết bạn với võ tướng
Võ Văn Dũng, một trong những tướng tài của vua Quang Trung, từng nhiều
phen vào sinh ra tử trong sự nghiệp đại phá quân Thanh.
Tri kỷ, hai người suốt ngày trà dư
tửu hậu, bàn luận chuyện võ học tinh hoa. Và, những ngày tháng ấy, hai
người đã trao đổi cho nhau tất cả những bí kíp võ công mà cả đời mình
tầm sư học được. Qua cụ Dũng, cụ Chí đã lĩnh hội được toàn bộ võ công
chân truyền của Bình Định, đồng thời, nhờ cụ mà cụ Dũng đã thông tuệ võ
học Trung Hoa.
Sau khi cụ Võ Văn Dũng qua đời, cụ
Trần Đại Chí đã nghiên cứu, chắt lọc, tổng hợp những tinh hoa của hai
nền võ thuật Trung Hoa và Việt Nam, sáng lập dòng Bình Định gia truyền
theo nguyên tắc kết hợp giữa cương, nhu, trường, đoản, hư, thực.
Đường lối của các võ phái thời ấy
thường nêu cao tính chất chiến đấu, không nặng về biểu diễn khoa trương.
Theo lão võ sư Trần Hưng Quang thì võ phái mà sáng tổ Trần Đại Chí sáng
lập suốt mấy trăm năm chỉ truyền thụ cho con cháu trong dòng họ, tuyệt
nhiên không phát lộ ra ngoài. Qua mấy đời chưởng môn (Trần Đại Chí, Trần
Đại Si, Trần Đại Xy, Trần Đại Y) đến đời ông (chưởng môn thứ 5) thì
Bình Định Gia mới thực sự là môn phái được đông đảo quần hùng biết đến.
Võ sư Quang bảo, nghiệp võ với ông
cũng hệt như… thuốc lá. Đã “dính” vào rồi thì không thể nào dứt ra cho
được. Tuổi lên 10, ông được cha mình truyền thụ võ nghệ. Ông kể, ngày
ấy, học võ gian nan lắm.
Cha ông là người nghiêm khắc, lại
thêm quan niệm, học võ là để giữ gìn gia phong nên ông phải khổ luyện
tối ngày. Đến năm 13 tuổi, với tư chất lanh lẹ, tinh tuý của phái võ gia
truyền đã được ông cơ bản lĩnh hội. Tuy không muốn để lộ khả năng võ
thuật của mình nhưng tiếng tăm về cậu bé anh hùng xuất thiếu niên ở Phú
Cát là ông vẫn ngày một vang xa.
Tiếng lành ấy kinh động đến cả phủ
quan, bởi thế, rất nhiều lần, họ triệu tập ông đến chỉ với mục đích được
thực mục sở thị ông thi triển quyền cước. Năm 14 tuổi, biết đã hết
“vốn” để dạy cho đứa con khiếu võ, cha ông bắt đầu hành trình tìm thầy
để mở rộng khả năng cho con mình.
Gần chục năm dòng, hễ thầy nào có
tiếng ở Bình Định thì cha ông đều dắt ông tới học. Chỉ một vài năm, thậm
chí vài tháng thì lại lên đường đi tìm thầy mới. Bây giờ, một trong
những giai thoại tầm sư học đạo của ông vẫn được người Bình Định truyền
tai nhau.
Ngày ấy, thầy Hà Trọng Sơn ở Phước
Sơn (Tuy Phước) có môn song kiếm thuộc loại tuyệt kỹ, mỗi khi đường kiếm
vung lên thì chẳng khác nào phượng múa rồng bay. Nhu cương hài hoà, mềm
mại nhưng sự lợi hại thì kinh hồn bạt vía. Độc chiêu ấy, dù đệ tử rất
đông, nhưng không ai lĩnh hội vẹn toàn. Theo cha, ông đến và thật ngạc
nhiên, chỉ sau ít bữa “ăn nhờ ở đậu”, ông đã “nuốt gọn” nhẹ nhàng. Thậm
chí, trong đường kiếm ông đi, có nét nhàn nhã, thảnh thơi chẳng khác gì
diều bay giữa trời quang đãng.
Thanh niên, tuy tạng người nhỏ bé,
nhưng cũng như bao người luyện võ khác ở Bình Định, ông mải mê với sở
thích đi đánh võ đài. Ông kể, thủa ấy, ở Bình Định, bất cứ làng võ nào
cũng có võ đài. Người luyện võ thường đăng đài thi thố tài năng, đấu võ
để kết bạn, để trau dồi kiến thức. Lần thượng đài nào ông cũng giành cho
mình phần thắng.
Đến giờ, người mê võ ở Bình Định hẳn chưa thể nào quên trận thư hùng kinh điển giữa ông và võ sĩ Đào Duy Hạ tại Quy Nhơn.
Trận đấu diễn ra dưới sự cổ vũ cuồng
nhiệt của cả mấy trăm người. Hai ông giao kèo đánh 3 hiệp, mỗi hiệp là 1
phút rưỡi. Trong 3 hiệp ấy, ai rớt đài trước thì là người thua cuộc.
Vào trận, tuy đã mặc khác màu áo nhưng bởi chiêu thức được tung ra quá
nhanh nên khán giả vẫn không thể phân biệt được đâu là ông Hạ, đâu là
ông Quang. Ba hiệp đấu trôi qua, cả hai võ sĩ đều thở dốc mà vẫn chưa
phân thắng phụ. Đó là trận đấu duy nhất ông gặp đối thủ ngang tài ngang
sức.
Ông theo nghiệp tuồng, cũng là một
“tài sản” gia truyền. Và, trong cuộc đời nghệ sĩ của mình, ông đã ghi
dấu ấn bởi đã đưa võ vào tuồng. Năm 1980, nghỉ hưu, ông về Hà Nội sinh
sống. Suốt mấy chục năm sống xa nhà, vào nam ra bắc, ngay chuyện đi tàu
của ông cũng có lắm giai thoại. Một lần, bởi khi ra đến nhà ga thì tàu
đã chuyển bánh.
Bế hai con nhỏ trên tay, túi khoác
trên lưng, ông cắm đầu cắm cổ đuổi theo. Khi vừa theo kịp thì cửa toa
tàu đã đóng im ỉm từ lúc nào, gọi mãi mà chẳng thấy ai mở. Quá cấp bách,
chẳng còn cách nào khác, ông đành sử dụng luôn món “Thiết đầu công” mà
mình đã khổ công rèn luyện. Cú húc như trời giáng ấy đã làm cánh cửa sắt
bật tung. Vẫn ôm con trên tay, ông vọt lên tàu một cách nhẹ nhàng.
Năm 1982, Bình Định Gia chính thức có
mặt ở Hà Nội. Ông kể, hồi ấy, buổi sơ khai, võ phái của ông ít người
biết đến. Nhưng chỉ một lần kéo đệ tử lên CLB võ thuật quận Đống Đa biểu
diễn, võ phái của ông đã làm những quan chức của Sở Thể dục- Thể thao
Hà Nội mê mệt. Và, ngay lập tức họ đã mời ông tham gia Liên đoàn Võ
thuật cổ truyền Hà Nội.
Gặp lão võ sư mấy lần, nhưng đến giờ,
trong sâu thẳm những nghĩ suy của ông, nhiều lúc tôi vẫn chưa hiểu
được. Trong con người ông, niềm vui, sự hóm hỉnh lúc nào cũng thường
trực, nhưng nỗi buồn phiền, thểu não thì cũng ở rất gần.
Nhiều môn sinh của ông kể, trong lúc
dạy học trò, thăng hoa, một mình giữa trời ông biểu diễn luôn một tiết
mục tuồng khiến mọi người cười ngặt nghẽo. Thế nhưng, có lúc, đang nói
cười tếu táo, bỗng dưng nhớ tới người con, cũng là người học trò cưng
quá cố, võ sư Trần Hưng Hiệp, ông lại nước mắt nghẹn ngào.
Mà bây giờ, khi tuổi đã về già, cái
sự tiếc thương ấy nó đến thường xuyên lắm. Bất cứ cái gì gợi cho ông nhớ
đến con mình, đều khiến ông xúc động. Võ sư Văn Thắng, Chưởng môn phái
Thăng Long võ đạo kể, một buổi đi sinh hoạt ở Liên đoàn võ thuật Hà Nội,
gặp lão võ sư, vô tình ông khoe, ông vừa tìm thấy một tấm ảnh ông chụp
chung với Hiệp.
Chỉ nghe đến đó thôi, ngay lập tức
lão võ sư lại khóc, lại ngồi thảm thiết nhớ về những kỷ niệm của con
mình. Ông có 3 người con, 2 trai một gái. Cố võ sư Trần Hưng Hiệp là thứ
hai. Với ông thì dường như Hiệp sinh ra là để học võ. Ông kể, ngay từ
tấm bé, ông đã phát hiện ra năng khiếu võ thuật thiên bẩm của cậu con
trai mình. Bởi thế, những bài quyền, thế cước ông rèn cặp, Hiệp đã lĩnh
hội rất nhanh.
Nối nghiệp cha, Hiệp cũng theo học
môn Tuồng cổ ở trường Sân khấu- Điện ảnh và dốc toàn bộ thời gian còn
lại vào việc luyện rèn võ thuật. Thời gian ấy, hễ nghe tiếng ở đâu có
thầy giỏi là ngay lập tức anh tìm đến bái sư theo học. Bởi thế, khi tuổi
mới đôi mươi, vốn liếng võ công của anh đã được võ lâm đồng đạo bái
phục, kính nể và trở thành vị võ sư trẻ tuổi nhất trong làng võ cổ
truyền. Lão võ sư Trần Hưng Quang bảo, nhờ có Hiệp mà Bình Định Gia trở
nên nổi tiếng, được đông đảo môn sinh theo học, quần hùng mến mộ.
Tuổi trẻ, võ công cái thế, nhưng tính
Hiệp điềm đạm, trầm tĩnh, sống nội tâm. Lão võ sư Trần Hưng Quang kể,
có lần, trong khu nội trú trường Sân khấu- Điện ảnh, có nhóm đầu gấu bên
ngoài vào trường quậy phá, bắt nạt sinh viên. Không muốn va chạm nhưng
cũng chẳng thể ngồi yên, Hiệp đành ra mặt.
Chọn tên có vẻ gấu nhất, anh mời vào
phòng mình nói chuyện. Thấy cậu sinh viên người nhỏ bé, mặt mũi thư
sinh, vị khách mời không những không tiếp thu những lời phải quấy mà còn
tỏ thái độ thách thức, chửi bới om xòm. Biết không thể nói suông với kẻ
không biết điều ấy, đứng phắt dậy, Hiệp bảo: “Nếu anh thích đánh nhau
thì đánh nhau với tôi! Nhưng cho tôi hỏi, chân tay anh liệu có cứng bằng
chiếc chân giường này không?”.
Hỏi chưa dứt câu, bất thình lình anh
tung chân đá quét. “Dính chưởng”, chiếc chân giường vuông thành sắc cạnh
gẫy gập làm đôi, văng ra phía cửa. Nhìn thấy cảnh ấy, “kẻ đầu gấu” mặt
cắt không ra máu, ú ớ lùi ra rồi hô lũ đàn em chuồn thẳng. Sau này, bởi
ấn tượng với võ công thâm hậu và tinh thần thượng võ ấy, gã đầu gấu đã
tìm đến anh, bái làm sư phụ, tu chí luyện rèn võ nghệ.
Cũng trong thời gian ấy, một chiều đi
học về, gặp người quen, anh được mời vào quán uống bia. Bàn bên cạnh,
mấy gã đã ngà ngà, nói năng toàn lời tục tĩu. Hết chuyện, thấy bàn bên
cạnh có cậu trai cứ ngồi im, chẳng nói chẳng rằng (anh không uống được
bia) thì lấy làm… ngứa mắt. Chúng buông lời bóng gió cợt nhả, rồi cười
hô hố với nhau.
Thấy vậy, anh quay đi, chẳng thèm để
ý. Sự phớt lờ của anh khiến chúng càng thêm tức tối, ỉ đông, chúng quay
sang gây sự. Mấy “chiến hữu” cùng bàn với anh ai cũng nóng mắt, nhưng
thấy “quân ta” yếu thế hơn nên chẳng ai dám động thủ. Trấn an các bạn,
anh đứng dậy quay sang bàn bên.
Giơ cốc bia đang uống dở lên, hướng
về phía đối phương, anh bóp mạnh. Chiếc cốc vỡ vụn, phát ra những âm
thanh sởn ga gà. Chưa dừng lại, tay phải anh tung luôn một cú thôi sơn
vào bức tường kiên cố ngay bên cạnh. Cú đấm uy lực, thấy đã gặp phải cao
thủ, biết có đông cũng đánh không lại, nhóm anh chị bàn bên bỗng im
phăng phắc. Phía bên này, sau những cú thị uy ấy, Hiệp lại chậm rãi ngồi
xuống uống bia như chẳng có chuyện gì.
Cho đến bây giờ, võ lâm đồng đạo vẫn
suy tôn Linh giác công của Trần Hưng Hiệp là thiên hạ đệ nhất, không ai
bì kịp. Biểu diễn tuyệt chiêu này đòi hỏi người võ sư phải có công lực
thượng thừa và cái tâm luôn tĩnh. Với tuyệt chiêu này, đã nhiều lần Hiệp
làm người xem thót tim vì sợ.
Lão võ sư Trần Hưng Quang kể, khi
biểu diễn Linh giác, Hiệp thường đặt quả cam, táo, hoặc một mẩu thân
chuối dài chừng gần chục cm lên đỉnh đầu người đối diện. Sau ấy, bằng
mảnh vải đen, anh bịt kín mắt mình, tay cầm kiếm sắc, từ từ tiến tới.
Mắt bịt kín, nhưng bằng giác quan, anh vẫn xác định được vị trí của mục
tiêu và vung kiếm chém tới.
Dù chém ngang, hay dọc thì đường kiếm
ngọt ngào ấy cũng chỉ phạt đôi vật thể trên đầu chứ chẳng mảy may làm
tổn thương một cọng tóc của người trợ diễn. Ngay cả lão võ sư, đã nhiều
lần xem con mình biểu diễn, nhưng lần nào ông cũng… hoảng. Ông cấm con
mình tuyệt đối không được dậy chiêu thức nguy hiểm ấy cho ai. Dặn con
vậy không phải vì ông muốn giữ độc chiêu cho gia đình mình mà vì sợ. Đám
học trò hiếu động, học chưa đến nơi đến chốn, chém phạt đầu nhau thì vô
cùng nguy khốn.
Tuy quá nổi danh với Linh giác công
nhưng sau này, mọi người đã không được thấy anh biểu diễn tuyệt chiêu
này nữa. Nguyên nhân, theo lão võ sư Trần Hưng Quang thì con ông là
người cẩn trọng, không bao giờ thích chuyện phiêu lưu hay những trò chơi
nguy hiểm. Bởi thế, một lần, diễn Linh giác bị hỏng, anh đã quyết tâm
từ bỏ sở trường này.
Lần ấy, Bình Định Gia tổ chức biểu
diễn ở Nhà văn hoá huyện Từ Liêm. Tiết mục Linh giác trứ danh của Hiệp
được toàn thể khán giả đón đợi. Lần thứ nhất, quả táo Tầu nhỏ xíu trên
đầu người trợ diễn đã bị anh chém toác đôi. Nhiều người kinh hãi không
dám nhìn nhưng cũng nhiều người ưa cảm giác mạnh, muốn anh diễn lại.
Không thể chối từ thịnh tình của người mến mộ, anh lại bịt băng đen che
mắt, lại tiếp tục diễn trò.
Thế nhưng, khi thanh kiếm sáng loáng
trong tay vừa vung lên thì anh bỗng khựng người lại, buông kiếm xuống.
Tiếp tục một lần nữa cũng vẫn vậy, thanh kiếm trên tay anh chẳng thể
lượn một đường ngọt sớt như nó vẫn thường thi triển, vẫn làm người xem
kinh hãi. Có lẽ, linh giác đã mách bảo anh rằng, trong một tâm trạng
không được thoải mái, anh không nên dụng trò nguy hiểm ấy.
Đắn đo, sau cùng, anh đã xin lỗi khán
giả và thay bằng việc đặt quả táo lên đầu người trợ diễn thì anh đặt
quả táo lên thành ghế. Nhát kiếm chí tử được tung ra. Quả táo bị chém
phạt phần dưới, tung lên rồi lăn lông lốc trên sàn nhà. Mọi người vẫn vỗ
tay dầm dập. Thế nhưng, trên mặt anh vẫn không thấy nụ cười. Chào khán
giả, anh vội vàng lùi vào phía trong.
Lão võ sư Trần Hưng Quang kể, về nhà,
con trai ông đã kể cho ông “sự kiện lạ lùng” ấy. Và, anh còn tiết lộ,
hàng đinh đóng trên thành chiếc ghế đã bị anh chém bay hết mũ. Nếu hôm
ấy, nếu là người thật thì không biết hậu quả thế nào. Vậy là, nghe theo
lời khuyên của ông, cùng với tính cẩn trọng của mình, anh đã từ bỏ môn
võ mà mình đã khổ công rèn luyện.
Khi tài năng đang độ chín muồi, khi
Bình Định Gia đang khởi sắc, phát triển võ đường đến hầu hết các tỉnh
phía bắc với hàng vạn môn sinh theo học thì một tai nạn giao thông
thương tâm, Trần Hưng Hiệp đã không còn nữa. Lão võ sư Trần Hưng Quang
bảo, hôm nghe tin con trai mình mất, ông chết điếng và cả mấy tháng sau,
cứ thấy mình như đi trên mây khói.
http://giaoduc.net.vn/xa-hoi/40-tin-nong/4919-i-tim-thien-h-nht-vo-vit-k-2-.html