Translate

Thứ Ba, 10 tháng 12, 2013

THỬ LÝ GIẢI VÀI THUỶ DANH


Sông Đà liên quan gì với Đa Nhim và Đa Mi ?

Ngoài chuyện thủy điện, thì sông Đà ở miền Bắc nước ta có liên quan gì tới sông thác Đa Nhim và Đa Mi ở miền trung về mặt thủy danh ?

Sông Đà bắt nguồn từ tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, chảy vào Việt Nam theo hướng tây bắc - đông nam ở địa phận huyện Mường Tè (Lai Châu) rồi hợp lưu với sông Hồng ở ngã ba Trung Hà, giáp giới hai huyện Ba Vì (Hà Tây) và Lâm Thao (Phú Thọ). Tổng chiều dài sông Đà khoảng 910 km, trong đó đoạn chảy trên địa phận Việt Nam dài 380km. Chính dòng nước sông Đà tạo nên năng lượng cho Thủy điện Hòa Bình - công trình thủy điện lớn nhất Đông - Nam á, được xây dựng từ năm 1975 tới năm 1991, đạt công suất 1,9 triệu kW, sản l­ợng 8 tỷ kW/năm. Vậy "Đà" nghĩa là gì ?

Có ý kiến cho rằng Đà là mầu nâu, vì nước sông ở đây xanh sẫm, trong điều kiện ánh sáng nào đấy sẽ quan sát thấy sông nh­ư có mầu nâu, thậm chí mầu đen. Trong các tài liệu địa lý học lịch sử, sông Đà còn mang một số tên gọi như sông Bờ, Đà Dương và Hắc Giang. Người Pháp dùng cụm từ Fleuve Noir (sông Đen) để chỉ sông Đà, trong khi họ gọi sông Hồng là Fleuve Rouge (sông Đỏ). Thực ra, nghĩa từ nguyên của Đà nào phải vậy !

Cư dân khu vực Nam Á xa xưa thường dùng một số từ đồng nghĩa để chỉ sông/nước, phổ biến nhất là Đa và Krông. Từ "Đa" hiện vẫn còn được bảo lưu trong ngôn ngữ của nhiều dân tộc thiểu số ở n­ước ta với những biến âm nhất định: Tiếng Mạ và Lạch là đa, tiếng Mnông là đạ, tiếng Ba Na là đắk, tiếng Ê Đê và Gia Rai là Ja/ya, tiếng Chăm là êa... Từ Đa cũng còn được đọc là Đà, tên dòng sông đang xét, theo một trong những quy luật hình thành địa danh: Biến tên gọi chung làm tên gọi riêng.

Như thế, về mặt tên gọi, chúng ta dễ dàng nhận thấy sông Đà vốn có "họ hàng" với Đa Nhim và Đa Mi, dẫu chúng cách xa nhau hàng nghìn cây số.

Đa Nhim là con sông thuộc hệ thống sông Đồng Nai, bắt nguồn từ núi Hòn Giao ở phía đông bắc tỉnh Lâm Đồng, chảy vào hồ Đơn Dương rồi đổ ra sông Đa Dung (thượng nguồn sông Đồng Nai). Nhà máy thủy điện Krông Pha, còn gọi là Thủy điện Đa Nhim, nằm ở chân đèo Ngoạn Mục thuộc tỉnh Ninh Thuận, đã sử dụng nớc sông Đa Nhim dẫn từ độ cao hơn 1.000m qua hai đường hầm thủy áp để vận hành tuốc bin, sản xuất điện năng đạt công suất 160.000 kW.

Giáp giới Ninh Thuận là tỉnh Bình Thuận cũng vừa khánh thành và bước đầu đa vào hoạt động công trình thủy điện Đa Mi ở huyện Đức Linh. Nguồn nước tạo năng lượng ở đây là ngọn thác trên sông La Ngà, nơi hợp lưu của hai con suối Đa Mi và Đa R'ngao.

Từ tố Đa trong loạt thủy danh Đa Nhim, Đa Mi, Đa R'ngao hoặc Đa Dung (còn gọi là Đak Dung), thảy đều xuất phát từ cách gọi "nước/suối/thác/sông" của cư dân cổ vùng Nam Á. Quanh địa bàn này, chúng ta còn thấy nhiều thủy danh mang từ tố Đa với những biến âm như đã dẫn, mà một trong những điểm cũng có trạm thủy điện nhỏ (công suất 750 kW) là Đạ Tẻh ở phía tây nam tỉnh Lâm Đồng.

Lần tìm mối quan hệ thủy danh với dòng sông Đà trên địa bàn rộng lớn hơn, chúng ta sẽ liên tục gặp những điều bất ngờ thú vị. Chẳng hạn sông Đà có "bà con" gì với sông Ba ở Phú Yên không ? Hẳn nhiên là có.

Sông Ba dài khoảng 300 km, bắt nguồn ở miệt giáp giới hai huyện Kon Plông (Kon Tum) và K'Bang (Gia Lai), chảy qua các tỉnh Gia Lai, Phú Yên rồi đổ ra biển Đông ở thị xã Tuy Hòa. Cái tên sông Ba hoặc sông Pha, nguyên là cách bà con người Kinh "phiên" từ tên gọi Krông pha xuất hiện trớc đó của đồng bào dân tộc thiểu số vốn cư trú ở Tây Nguyên. Đoạn hạ lưu của dòng sông này, tính từ chỗ nhận thêm nước sông Hinh ở Củng Sơn (huyện Sơn Hòa), còn có tên khác là sông Đà Rằng. Tại sao gọi là Đà Rằng nhỉ ? Đà, như­ đã biết, là biến âm của Đa nghĩa là "sông/nước". Còn Rằng biến âm bởi từ nào? Cũng một từ đồng nghĩa, là Krông.

Về hiện tượng đó, PGS, TS Trần Trí Dõi đã viết trong sách Ngôn ngữ và sự phát triển văn hóa xã hội như sau : "Sông Đà với nghĩa đà là "nước/sông", sông Đà Rằng với nghĩa Đà Rằng (vốn từ Đăkrông) cũng có nghĩa là "nước/sông"... đều là những địa danh hình thành từ con đường riêng hóa/địa danh hóa tên gọi chung ấy".

Nếu thế, rõ ràng "phả hệ" sông Đà đư­ợc phân bố khá... mênh mông. Ở mặt thủy danh, sông Đà là "thân thích" với Đa Nhim, Đa Mi, Đa R'ngao, Đa Dung, Đạ Tẻh, Đà Rằng, v.v... mà Đà Rằng có nguồn gốc bởi Đăkrông. Đây cũng chính là một tên gọi khác của dòng sông Thạch Hãn thuộc tỉnh Quảng Trị...

Sông Cái chưa hẳn đã to

Chẳng phải ngẫu nhiên mà chữ Cái là tên gọi khá phổ biến đối với nhiều dòng sông ở khắp ba miền Tổ quốc. Cuốn Sổ tay dịa danh Việt Nam do Nguyễn Dược - Trung Hải biên soạn (NXB Giáo Dục 2001) liệt kê được năm con sông đều mang tên Cái. Đó là :

1. Sông lớn trong cùng hệ thống với sông Thu Bồn ở tỉnh Quảng Nam, bắt nguồn từ vùng biên giới Việt - Lào, nối với sông Thu Bồn ở huyện Đại Lộc.

2. Sông lớn chảy trong tỉnh Bình Định, đổ ra vịnh Quy Nhơn, đoạn trung lưu là sông Hà Giao, đoạn thượng lưu là sông Đắc Cron Bung.

3. Sông lớn chảy trong tỉnh Khánh Hòa, qua thành phố Nha Trang, rồi đổ ra vũng cùng tên.

4. Sông chính chảy trong tỉnh Ninh Thuận, qua thị xã Phan Rang, rồi đổ ra vũng cùng tên.

5. Sông chính bắt nguồn từ tỉnh Lâm Đồng, chảy trong huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận, rồi đổ ra vịnh Phan Thiết.

Điểm chung dễ thấy của những sông Cái nêu trên : tất cả là sông lớn hoặc / và sông chính.

Trên thực tế, không chỉ năm con sông ấy, mà còn bao con sông khác ở Việt Nam cũng mang tên Cái. Tiêu biểu nhất là con sông dài nhất nước ta : sông Hồng, cũng được gọi là Nhị Hà, Nhĩ Hà hay sông Cái.

Bắt nguồn từ hồ Đại Lý (tức chằm Diệp Du hoặc Nhị Hải) nơi chân dãy Ngụy Sơn thuộc huyện Nhị Đô, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), sông Hồng chính thức "nhập cảnh" nước ta tại Hà Khẩu, thị xã Lào Cai. Từ đấy, sông đổ dần về xuôi, qua địa phận các tỉnh Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Tây, xuyên qua thủ đô Hà Nội, rồi chảy giữa các tỉnh Hưng Yên, Thái Bình và Hà Nam, Nam Định trước khi tuôn ra vịnh Bắc Bộ tại cửa Ba Lạt. Tổng chiều dài sông Hồng khoảng 1.160 km, trong đó phần chảy trên lãnh thổ Việt Nam xấp xỉ một nửa (556 km) : Riêng phần thuộc về nước ta, nếu chịu khó tra cứu các thư tịch cổ - như Dư địa chí của Nguyễn Trãi, Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn... - kết hợp khảo sát điền dã, sẽ thấy rằng sông Hồng tồn tại không dưới 40 tên gọi khác nhau: Lê Xá, Quy Hóa, Tây Đạo, Việt Trì, Mê Linh, Bồ Đề, Phú Lư­ơng, Thúy Ái, Thao, Tao, Đào... Đáng chú ý là tên sông Cái. Thế thì "Cái" có nghĩa gì ?

Qua các sách Đời sống con sông (1960) và Thiên nhiên Việt Nam (1977), Lê Bá Thảo khẳng định : "Sông Hồng cũng có tên gọi là sông Cái". Ông giải thích: "Cái có nghĩa là mẹ. Nhân dân ta đã ví các con sông lớn chảy qua địa phận mình ở như con sông Mẹ, còn các sông nhỏ đổ vào sông Cái gọi là sông Con". Trong tập Câu chuyện những dòng sông (1983), Võ Văn Trực cũng viết : "Sông Cái có nghĩa là sông Mẹ, của nhiều phụ lưu ríu rít đôi bên tả hữu ngạn. Riêng địa phận Hà Nội, ngoài sông Đuống, còn các sông nội địa khác hầu hết đều khởi lưu từ Nhị Hà: sông Thiếp, sông Cà Lồ, sông Cầu Bây, sông Giàng, sông Thiên Đức, sông Hòe Thị, sông Đăm, sông Nhuệ, sông Tô Lịch... ".

Có thể xem Cái là một từ thuần Việt hiện hữu từ rất xa xưa và nay vẫn còn được bảo lưu. Từ điển tiếng Việt cổ do Nguyễn Ngọc San và Đinh Văn Thiện biên soạn gần đây (NXB Văn hóa Thông tin 2001) ghi nhận nghĩa của từ Cái là Mẹ. Thí dụ : Bố Cái đại vơng - danh hiệu mà Phùng An truy tôn cho cha là vị anh hùng Phùng Hưng (thế kỷ VIII). Hay câu thơ trong "Quốc âm thi tập" của Ức Trai tiên sinh (thế kỷ XV) : Ủ ấp cùng ta làm cái con. Đến bây giờ, dân gian vẫn truyền tụng câu tục ngữ Con dại, cái mang, hoặc mấy vần ca dao :

Nàng về nuôi cái cùng con
Để anh đi trẩy nớc non Cao Bằng...

Các từ điển tiếng Việt xuất hiện vào thế kỷ 18 - 19, như Đại Nam quốc âm tự vị (1895) của Huỳnh - Tịnh Paulus Của cũng cắt nghĩa sông Cái là "sông lớn, sông mẹ", đồng thời thu thập thêm mấy nét nữa chính / giữa / cả của từ Cái. Chẳng hạn sổ cái là sổ chính, sổ lớn; cột cái là cột giữa, cột cả.

Vậy tạm kết luận : ở mỗi vùng, miền, con sông chính / sông lớn thường có tên Cái với nghĩa là Mẹ. Cùng với sông Hồng, sông Gianh, sông Sài Gòn, hoặc sông Tiền và sông Hậu cũng được cư dân địa phương gọi là sông Cái. Và để phân biệt sông Cái này với sông Cái nọ, người ta gắn thêm tên đất: sông Cái Quy Nhơn, sông Cái Nha Trang, sông Cái Phan Rang, sông Cái Phan Thiết... Lại thêm một điều thú vị khi biết rằng đây cũng chính là cách mà người Lào và Thái-lan dùng để gọi tên sông lớn : Mê-kông. Với họ, Kông là sông, Mê là mẹ.

Tuy nhiên, nếu xem xét thêm nhiều thủy danh cụ thể, chúng ta thấy kết luận vừa rút ra chưa hẳn đúng hoàn toàn với một loạt trường hợp. Chẳng hạn sông Hồng có một nhánh bên trái là sông Lô; sông này có một phụ lưu là sông Chảy mà sông Chảy có chi lưu nhỏ lại mang tên sông... Đại Cái. Ở tỉnh Kiên Giang, một con sông mang tên thoạt nghe rất mâu thuẫn: sông Cái Bé. Khắp Nam Bộ, khá nhiều kênh rạch cũng được gọi "cái": Cái Răng, Cái Khế, Cái Vồn ở Cần Thơ; Cái Nhum, Cái Ngang ở Vĩnh Long; Cái Mơn, Cái Da, Cái Mít, Cái Sơn ở Bến Tre; Cái Bè, Cái Tin ở Mỹ Tho... Rõ ràng, những "Cái" này không thể là chính, là to, là cả, là mẹ. Vậy lý giải sao đây ?

Trong công trình Lược thảo nguồn gốc địa danh Nam Bộ (NXB Văn Nghệ TP Hồ Chí Minh 1999), Bùi Đức Tịnh nêu ý kiến : "Không thể loại trừ là cái đã chuyển biến từ một tiếng Việt rất xưa, ngày nay không còn thông dụng, như kẻ (có nghĩa: xứ nơi, chỗ) chẳng hạn".

Tiếp cận từ một hư­ớng khác, đôi khi chúng ta thấy Cái vốn là một hình thức Việt hóa âm k của ngôn ngữ Môn-Khmer. Thí dụ : Cái Răng nguyên là cách phiên âm từ K'ran của ng­ười Khmer. Từ này có khi còn được dân ta đọc "cà ràng". Theo Từ điển phương ngữ Nam Bộ do Lê Văn Ái chủ biên (NXB TP Hồ Chí Minh 1994) thì cà ràng là "kiềng, bếp lò bằng đất nung".

Bình Nguyên Lộc, qua các công trình Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam (NXB Bách Bộc, Sài Gòn 1971) và Lột trần Việt ngữ (NXB Nguồn X­a, Sài Gòn 1972) từng mạnh dạn đề xuất giả thiết : Cái đây là một từ có nguồn gốc Đa Đảo, vốn dùng để chỉ nư­ớc. Nếu đúng vậy thì Cái đồng nghĩa với các từ Nậm, Rum, Đa, Krông... như chúng tôi đã đề cập ở những kỳ trước. Như thế, chỉ với một thủy danh Cái khá phổ biến, rất có khả năng người ta sẽ lần tìm thêm những mối liên quan mật thiết từ bao đời giữa ngữ hệ Nam Á (Austroasiatic), Nam Đảo (Autronesian) và Tày Thái, (Tai)...

Dòng sông ai đã đặt tên ?

Bài hát Dòng sông ai đã đặt tên ? bấy nay trở nên quen thuộc với công chúng. Đư­ợc nhạc sĩ Trần Hữu Pháp sáng tác năm 1982, bài hát bày tỏ tình cảm thương nhớ "dòng sông Hương nước êm trôi lững lờ - một cảnh đẹp gắn liền với cố đô Huế - chứ nội dung ca từ hoàn toàn chẳng giải đáp câu hỏi mà tiêu đề bài hát đặt ra. Trước đấy một năm, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường viết bút ký Ai đã đặt tên cho dòng sông ? cũng đã đề cập đến sông Hương mà đây là đoạn kết : "Có nhiều cách trả lời cho câu hỏi ấy; trong đó, tôi thích nhất một huyền thoại kể rằng vì yêu quý con sông xinh đẹp của quê hương, con người ở hai bờ đã nấu nước trăm loài hoa đổ xuống lòng sông để làn nước thơm tho mãi mãi. Tôi lĩnh hội ý nghĩa của truyền thuyết ấy như thế này : con người đã đặt tên cho dòng sông như nhà thơ chọn bút hiệu của mình, gửi gắm vào đấy tất cả ước vọng muốn đem cái Đẹp và tiếng Thơm để xây đắp văn hóa và lịch sử".

Vân Bình Tôn Thất Lương (1887-1951) có cách giải thích khác về nguồn gốc mùi thơm của dòng sông xinh đẹp : "Hương giang phát nguyên từ hai nguồn tả, hữu trạch ở miền th­ượng lưu tỉnh Thừa Thiên, quanh co gành bãi ruộng vườn, chảy qua Kinh Thành, đến cửa Thuận An rồi ra Đông Hải. Hai bên bờ tả, hữu trạch có giống Thạch xương bồ là một vị thuốc trường sanh, có mùi thơm, mọc hai bên bờ khe, nước khe lần hóa ra thơm. Hương giang (sông Thơm) bởi đó mà có danh vậy". Cách giải thích đó về sau được nhiều người hưởng ứng, chẳng hạn Nguyễn Dược - Trung Hải đã đưa vào Sổ tay địa danh Việt Nam (NXB Giáo Dục 2001, trang130) trong mục từ Hương giang.

Cũng nên ghi nhận thêm cách giải thích tên sông Hương vẫn được truyền tụng trong dân gian vùng Huế, liên quan đến sự tích chùa Thiên Mụ và việc định đô ở Phú Xuân. Vốn xưa trên đồi Hà Khê, bên tả ngạn sông Hương có chùa Thiên Mỗ, ban đêm một "bà già trời" thỉnh thoảng hiện ra phán rằng đời sau nếu có bậc quốc chúa muốn an dân giúp nước thì hãy đến đây cầu thỉnh linh khí. Năm 1601, chúa Nguyễn Hoàng tuần du đến đây, thấy hình thế núi sông hùng vĩ, lại nghe tích kể thiêng liêng, bèn cả mừng cho xây dựng lại chùa và đặt tên chính thức là Thiên Mụ tự. Sau đó, chúa may mắn gặp "bà già trời", bảo hãy đốt một nén hương (nhang) rồi đi xuôi theo bờ sông, đến đâu hương tàn thì đấy là nơi định đô vững chắc. Chúa vâng lời, tìm được địa cục Phú Xuân lập thủ phủ và cũng từ đó gọi dòng sông này là Hương giang. Thực tế thì giai đoạn 1600-1626, Nguyễn Hoàng dựng thủ phủ ở Dinh Cát (Triệu Phong, Quảng Trị). Chúa Nguyễn Phúc Nguyên kế vị, dời dinh vào Phước Yên (Quảng Điền, Thừa Thiên). Năm 1636, chúa Nguyễn Phúc Lan chuyển lỵ sở đến Kim Long bên bờ sông Hương. Năm 1687, chúa Nguyễn Phúc Thái mới dựng phủ ở Phú Xuân.

Tóm lại, cả ba cách giải thích thủy danh Hương giang vừa nêu đều mang tính giả thuyết, truyền thuyết. Một câu hỏi đặt ra : Trước kia, sông Hương từng mang những tên gì ?

Một tài liệu địa phương chí sớm nhất nước ta là tập Ô Châu cận lục do Dương Văn An biên soạn năm Quý Sửu 1553 (triều Lê - Mạc) ghi tên sông là Linh giang (khác với sông Gianh cũng được gọi là Linh giang). Năm 1776, dưới triều vua Lê Hiển Tông, nhà bác học Lê Quý Đôn vào Thuận Hóa giữ chức Hiệp trấn tham tán quân cơ và biên soạn tập Phủ biên tạp lục, đã ghi nhận các tên gọi sông Hương thời bấy giờ: Linh giang, sông Phú Xuân, sông Kim Trà.

Kim Trà vốn là tên một huyện thuộc phủ Triệu Phong, trấn Thuận Hóa, xuất hiện ít nhất là từ đời Lê sơ. Học giả Đào Duy Anh khẳng định trong sách Đất nước Việt Nam qua các đời (NXB Thuận Hóa, Huế 1996; tr.198) rằng: "Thời Lê sơ là Kim Trà; chúa Nguyễn đổi làm Hương Trà. Huyện Hương Trà bấy giờ là tương đương với đất huyện Hương Trà và một phần huyện Phong Điền tỉnh Thừa Thiên hiện nay".

Lấy tên địa phương (làng, xã, huyện, tỉnh...) để đặt tên sông ở đấy là chuyện thường thấy. Một con sông chảy qua nhiều địa phương, lắm đoạn mang tên khác nhau tùy thuộc vào tên gọi địa phương ấy. Thí dụ sông Hồng có những đoạn mang tên Mê Linh, Bạch Hạc, Việt Trì... là vì vậy. Và khi tên địa phương có sự thay đổi, tên sông cũng theo đó mà đổi thay. Như thế, tới đời chúa Nguyễn, sông Kim Trà được gọi lại là sông Hương Trà.

Thủy danh nói riêng, địa danh nói chung, trong quá trình lịch sử vẫn thường được rút gọn cho dễ đọc, dễ nhớ. Hải Phòng là sự rút gọn nhóm từ "Hải tần phòng thủ / Hải Dương thương chính quan phòng"; sau này còn được rút gọn hơn nữa trong khẩu ngữ : "Phòng". Có ý kiến cho rằng sông Bằng chính là rút gọn tên địa phương mà dòng sông chảy qua : Cao Bằng. Sông Bôi cũng thế, chính là tên huyện Kim Bôi (thuộc tỉnh Hòa Bình) gọi gọn. Nếu vậy, sông Hương Trà được rút gọn thành sông Hương là điều có thể chấp nhận.

Đến đây lại nẩy sinh một câu hỏi tiếp theo : Sự rút gọn sông Hương Trà thành sông Hương xảy ra khoảng thời gian nào ?

Xem lại thơ văn cổ, chúng ta biết vua Thiệu Trị (1807-1847) từng ngự chế bài Hương giang hiếu phiếm (Buổi chiều bơi thuyền trên sông Hương) và cho khắc vào bia dựng ở bờ sông. Tuy nhiên, đó chưa phải là tác phẩm có ghi nhận tên sông Hương sớm nhất. Không ít người phỏng đoán rằng chính thi hào Nguyễn Du (1765-1820) lần đầu tiên ghi tên sông Hương vào thi ca qua mấy vần :

Hương giang nhất phiến nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu...

Tạm dịch :

Sông Hương, trăng một mảnh
Xưa nay gợi bao sầu...

Mới đây, trò chuyện với nhạc sĩ Trần Hữu Pháp, chúng tôi nhận được một thông tin đáng chú ý : Có nhà Huế học mới tìm ra trong Đại Nam nhất thống chí (?) đoạn ghi chép chuyến tuần du trên sông Hương của vua Quang Trung. Ngang qua chùa Thiên Mụ, vua hỏi sông này tên gì, dân chúng tâu rằng trước kia sông mang tên Kim Trà, bây giờ gọi là Hương Trà. Vua bảo : Để từ nay trở đi tên sông khỏi thay đổi dù cho tên đất có đổi thay, hãy cố định là "sông Hương". Cùng đi với vua, có Ngô Thì Nhậm (1746-1803) nhân chuyện đó bèn làm mấy câu thơ :

Ngày vui vua đến với dân lương
Sông Kim Trà nay đổi sông Hương...

Sự kiện ấy, nếu có, chắc xảy ra vào năm 1792, lúc Ngô Thì Nhậm giữ chức Tổng tài Quốc sử quán tại kinh đô Phú Xuân. Tuy nhiên, Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn đời nào chép lại những tình tiết như thế. Rất có thể sự kiện được ghi trong một thư tịch khác mà hiện tại chúng tôi chưa tra cứu thấy. Phải vậy chăng ?

DƯƠNG XUÂN THƯỢNG
(theo tạp chí Tài hoa trẻ)
http://www.danangpt.vnn.vn/vanhoa/detail.php?id=75&a=76&k=123

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét