Translate

Thứ Sáu, 15 tháng 11, 2013

TRANH DÂN GIAN HÀNG TRỐNG


149 bức tranh thuộc dòng tranh cổ quý giá của Hà Nội, thu thập trong vòng 10 năm, được nhà sưu tầm Phạm Đức Sĩ trưng bày tại Trung tâm nghệ thuật Việt, Hà Nội từ 9/9.
Cảm thấy bất an trước sự tàn lụi của một dòng tranh truyền thống Hà Nội, của nền tảng tinh thần Hà Nội ngày trước, nhiều nhà sưu tập đã âm thầm đi lùng lại những bộ tranh Hàng Trống quý giá. Phạm Đức Sĩ là một trong số đó. Từ năm 2001, anh cất công tìm lại dòng tranh niên họa Hàng Trống phục vụ nhu cầu trang trí, chúc lành chúc phúc năm mới hoặc đốt thờ cúng cho người âm, làm bùa “trấn trạch” trong nhà của người thị thành.



Bức "Lý thu vọng nguyệt".

Trong bộ sưu tập của Phạm Đức Sĩ, có hàng chục bộ tranh trang trí vẽ theo các tích truyện (Chiến quốc; Tam quốc; Hán Sở tranh hùng), tranh thờ Đạo giáo của người thiểu số đặt hàng thợ Hàng Trống chế tác (Tam Thanh - Tày Nùng; Hành say - Dao Tiền).
Ngoài ra còn rất nhiều tranh lẻ vẽ các ông Hoàng bà Mẫu để phục vụ tín ngưỡng đạo Mẫu (Ông Hoàng cưỡi cá; Ông Hoàng cưỡi lốt; Bà Chúa thượng ngàn; Bà Chúa thượng thiên…), tranh “trấn trạch” dán ở cửa và trong nhà để trừ tà ma. Và rất quý giá là những bức tranh Hàng Trống như nhật ký thời gian ghi lại cuộc sống của Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX (Hội Tây; Duyệt binh).
Tuy nhiên, trong dịp này, Phạm Đức Sĩ chỉ trưng bày một phần trong số tranh sưu tập, gồm 22 bộ tranh (83 bức) và 66 bức tranh lẻ. Bộ tranh được trưng bày phần nào làm người xem hình dung ra một nền đồ họa Hàng Trống từng rất phong phú đa dạng.





Bức "Nam tào".

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Phan Ngọc Khuê nhận xét, giá trị của tranh dân gian Hàng Trống được thể hiện trong nhiều tác phẩm, khó có thể bình luận được. “Chúng ta nên hiểu được ý nghĩa tượng trưng, huyền thoại, giáo lý giấu sau những hình hài cụ thể, phải tìm được cơ sở con người trong triết học, tôn giáo và tâm lý qua dòng tranh này”, ông nói.
Phạm Đức Sĩ sinh năm 1967, là chủ xưởng mộc đóng khung tranh có tiếng gần Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Khoảng từ năm 1999, anh bắt đầu sưu tập đồ gốm cổ, đến năm 2001, bắt đầu chuyển sang sưu tập tranh. Đến nay, anh đã có một số bộ sưu tập giá trị, bao gồm gốm Đông Sơn, gốm Hán; tranh cổ động trong thời kỳ chiến tranh; tranh thờ cúng Đạo giáo - Phật giáo của một số dân tộc Việt Nam, tranh Hàng Trống.
Triển lãm mở cửa đến ngày 13/9.







Ảnh: Phạm Đức Sĩ
Hòa Ca

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét