Translate

Thứ Ba, 5 tháng 11, 2013

Thiền sư TỪ ĐẠO HẠNH và văn khắc chuông chùa Thiên Phúc

Nguyễn Hữu Vinh dịch và giới thiệu, Thích Thiện Niệm đính chính.

Thiền sư Đạo Hạnh là một danh sư đời Lý, có công lớn đối với triều đình. Công đức của ngài được ghi lại nhiều trong Thiền Uyển Tập Anh (3), Lĩnh Nam Chích Quái (4), Đại Việt Sử Lược (6), Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư (7), An Nam Chí Lược (12)...

Theo An Nam Chí Lược, một cuốn sử xưa, quyển thứ 15 viết rằng: "Thiền sư Từ Đạo Hạnh là một nho sinh, thích thổi sáo, ngày cùng bạn đi chơi khắp nơi, đêm đọc sách suốt sáng. Một hôm vào chơi núi Phật Tích, thấy một hòn đá có dấu chân bên phải, ấn chân vào so thử, in như hệt. Về nhà từ biệt cha mẹ vào núi cất am tu hành. Vua Lý chưa có con nối dõi, khiến các thầy chùa danh tiếng cầu đảo. Có một ông sư, không đến làm lễ cầu tự cho vua mà còn dùng phép trám yểm. Vua nghe được bèn hạ ngục tất cả các thầy chùa trong vùng. Nhờ có một hoàng tử, hết lòng cứu giúp mới khỏi. Hoàng tử nói với sư rằng: "Ta cũng không có con, xin sư vì ta mà cầu đảo". Sư nói với hoàng tử bảo với phu nhân vào phòng tắm rửa, sư đi ngang cửa phòng, phu nhân liền có thai. Đến ngày hạ sinh, hoàng tử cho mời sư đến, thì sư đã mất trong núi. Phu nhân sinh được một trai, mặt mũi khôi ngô. Vua Lý lập làm Thái tử…". Chuyện này khá trùng hợp với chính sử ghi trong sách Đại Việt Sử Lược, thì vị hoàng tử này là Sùng Hiền Hầu, em vua Lý Nhân Tông. Sau vua Lý Nhân Tông vì không có con, nên nhường ngôi cho con của Hầu,, tên là Dương Hoán, sau này là Lý Thần Tông.

Theo Thiền Uyển Tập Anh, thì "Thiền sư Đạo Hạnh (? - 1117) ở chùa Thiên Phúc 天福寺, núi Phật Tích 佛跡, họ Từ, tên Lộ. Cha là Vinh, làm quan tới chức Tăng quan Đô Án, thường đi học tại làng An lãng. Lấy một người con gái họ Tăng rồi theo quê vợ…". Cuộc đời của sư thần bí, thường ngao du cầu sư học đạo, tu và mất ở chùa Thiên Phúc. Theo Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí (10) của Phan Huy Chú thì “chùa Phật Tích ở xã Thuỵ Khê, huyện Yên sơn, một tên khác là núi Sài. Phong cảnh đẹp đẽ trông ngang xuống mặt hồ, trên núi có hang sâu là chỗ Từ Ðạo Hạnh mất. Vách hang còn có dấu đầu và dấu chân. Trên đó có am Hương Hải và viện Bồ Ðà đều do Thiền sư dựng nên, nay là chùa Thiên Phúc...”. Chùa Thiên Phúc, theo Đại Việt Sử Lược, phần Lý kỷ thì chùa do vua Lý Thánh Tôn xây vào năm Đinh Dậu Long Thuỵ Thái Bình thứ 4 (1057). Theo Kiến Văn Tiểu Lục (1) của Lê Quý Ðôn, phần Phong Vực (bờ cõi) thì “chùa toạ lạc ở núi Sài (Sài sơn) thuộc huyện Yên sơn, núi này đời Lý gọi là Bồ Ðà Lạc, đời Trần gọi là núi Phật Tích. Trên núi có động tiên và chùa, trong núi có tám chỗ lõm, như dấu chân người va chạm vào, lại có dấu chân như của người khổng lồ. Dưới núi có chùa Thiên Phúc, trước có hồ nước lớn, sau có lầu chuông, có chuông do Thiền sư Ðạo Hạnh đúc thành vào năm Long Phù Nguyên Hoá thứ 9 (1109) đời Lý Nhân Tông, do đệ tử Huệ Hưng soạn ra văn khắc trên chuông...Ðấy là vật xưa 700 năm đến nay. Dưới văn khắc có khắc sắc chỉ của vua Trần Anh Tông cấp ruộng thờ vào năm Hưng Long thứ 12 (1304)... Theo Ðại Nam Nhất Thống Chí, phần Bắc Kỳ, tỉnh Sơn Tây, mục Tự quán thì “Chùa Thiên Phúc toạ lạc tại xã Sài tây, huyện Yên Sơn, xưa gọi là am Hương Hải, còn gọi là viện Bồ Ðà. Bên trái chùa thờ Thiền sư, bên phải có tượng thờ vua Lý Thần Tông, ở giữa thờ Phật...”. Chùa, nay tục gọi là chùa Thầy, còn gọi là Tử Trầm sơn, toạ lạc tại chân núi Sài, tức núi Phật Tích, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây.

Văn khắc trên chuông chùa Thiên Phúc dưới đây là một tư liệu xưa, rất quý nói về công đức hoằng pháp Phật giáo của ngài Từ Ðạo Hạnh. Nhiều điều trong bài văn khắc này rất phù hợp với An Nam Chí Nguyên (9) trang 209 viết về Từ Ðạo Hạnh như sau: “Thiền sư Ðạo Hạnh là vị sư ở huyện Thạch Thất, thường đi khắp nơi trong núi non tầm sư học đạo. Sư đắc đạo, có thể gọi kêu chim rừng thú nội cùng nhau đến nghe lệnh sai bảo. Sư cầu mưa trị bệnh, không có gì là không ứng nghiệm...”. Cũng như rất phù hợp với những điều mà Lê Quý Đôn đã đề cập tới trong cuốn Kiến Văn Tiểu Lục. Có lẽ đây chính là chuông này. Tư liệu nguyên viết bằng chữ Hán lối cổ, được công bố trong sách Văn khắc Hán Nôm Việt Nam- từ Bắc thuộc đến thời Lý” (1). Sách này là công trình nghiên cứu về văn khắc xưa của Việt Nam, do sự hợp tác của Viện Nghiên Cứu Hán Nôm ở Hà Nội, École Francais d’Extrême Orient ở Paris và trường đại học Chung Cheng ở Taiwan.

Nhận thấy đây là tài liệu quý về vị thiền sư nổi danh này bằng chữ Hán, dịch giả xin dịch ra tiếng Việt giới thiệu và để tiện bề tham khảo.

[山西處國威府安山縣瑞圭杜佛蹟山]

天福寺洪鐘銘文

維龍符元化九年己丑正月、道行禪師緣化巨越國、朱門白屋、人人喜供、獲赤銅貳千餘斤、鑄洪鐘一口、懸於蒲陀落山香海院內、扣擊六時行道、上報四恩、下濟三塗者。

夫妙理雖一、妄境寔繁、稟雖一而萬化生成、隨萬化而惟一圓點、無形可測、無語可諳、無形而形遍大千、無語而語周億剎、窄不為礙、雜不為緇、在纖塵而花藏莊 嚴、居濁劫而圓珠瑩徹、是眾生之幸意、非諸佛之別心、覺也者、一路涅槃,迷也者、六趣生滅、由是自相悲憫、假相殊倫、聖賢服如蟻慕羶、神力化如風偃草、亟 職芒昧、邪病纏綿、演古教而導矣、定未齊知,俾信器而警焉、方能漸進、其教也、依根立說、以一乘而括囊,其器也、取象成名、以洪鐘為鈐轄。

鐘者、外示圓寔、內表含虛、其圓也、常用而靡覺,其寔也、取難壞之名,其含也、諸入而勿礙,其虛也、揚無盡之意、不如是、何佛命一叩、天雷吞聲、地籟收 響、即三界返悟;幸智乃三塗纘諸苦真、豈越列不以事濟天下耶、洎後欣光結席、承撻而淨眾駢羅,慶喜登猊、依擊而說法嚴備、自茲、孰能繼者、是真可矣。

而今即有道行禪師、幼而秀骨、長乃奇姿、誦習蓮經、玉戛喉而嘹喨,出家運度、佛生意而慈悲、建八種而海寓盡嚴,究三篋而禪經共貫、覯時大旱、燃一指而雨霈 然、斅古休糧、坐多年而容無饑色、萬民起厲、持水洒而幸絕病源,諸事未萌、預言知而的如符契、經曰:「佛有八辨」、非師而不繼圓音、佛制尸羅、非師而不能 堅固、帝釋福田、非師而不播雄馨、藥王燒臂、非師而不奈苦誠、觀音救難、非師而不紹功名、高僧顯異、非師而不踵神靈」。

然濟機云畢、擇處栖遲、出城西而耳斷喧、歷禍路而心自淨、越一江水、見一山青、掉石而步落俗塵、捫蘿而身登上界、其山也、聳稜(楞)伽之繞、生寶月之秋、 有奇尺梯、八圓龕、石龕也、五色雲成就、七珠寶纍垂、蛛網相聯、銖衣間綵、下存佛跡、中壯倪臺、其跡也、白玉在底、青龍盤外,其臺也、犀角鎮傍、燈釭連 次、豈模仗室、即模鷲峰、昔隱者功德所成、豈神靈造化所異、師居未逾旬、事還感應、野虎來伏、山虯自馴、寂寞夜而誦蓮經、穹崇天而送花鼓、處周六載、惠普 積千、諸王子之車馬響風、傾國人之香花頂禮、御書赍詔、法席降臨、賜寶衣而等上朋、陟佛車而牟四果、齋罷之日、金錫迴立於山腳、弟子各伸其言意、雷同曰: 「岩巔峭直、雲路歌(敧)危、師神足之易登、客凡蹤之難步、唯占下土、亦合勝方、巒屈曲而豈異蒲陀、水澄徹而何殊香海」、命其良匠、揆彼中央、構玉宇而晃 四維、坐金容而光有截、眾馳斯語、樹即揚聲、片時而士女親來、不日而境界便現、採梓杞木、陶碧瓦爐、繩墨縱橫、斤斧雜遝、峨峨新院、業業巍樓、裁(栽)松 而徑引清涼、藝化而景延馥郁。

師乃曰:「斯堂秩秩、就眾森森、不免說法之筵、必掛洪鐘之警、法雖自我、鐘必從他」、故築(策)仗(杖)下化、高於阡陌、如麟遊獸舞、逐鳳翔凰、競隨行未 兩旬、施堆一阜、詣於興福寺、章飛雲陛、天錫金宮、鍊土成模、揚火精鍛、鑄之日、師雖緘默、人競稱揚、感太后之同風、遣中使之赍室、次乃輪蹄奔而空朱戶、 少艾走而閴(闃)閭閻、擅入香階、紛若東市、頃、火工肆力、金匠嚴令、鼓橐籥而聲振海隅、迸煙爐而光騰銀漢、完器有異、嘉瑞相生、未幾者、更邀庶類、抗縻 巨扛、纔礱而色奪雪花、乍擊而聲逾雷吼、天下聆之、人咸慶仰、師將歸蒲陀岩畔大悲雲樓、懸以金索、撞以鯨槌、旦夕行道、先報今上永化、寶祚長新、感國器而 世蕃昌、字黎元而邦彌泰、然願崇高慕道、洞達純真、以福蔭於蒼生、用匡扶於洪業、後冀施修巨細等、順風遷善、頂戴香花、今景祿來茨、後悟符本覺。

師見余曰:「新成犍稚一口、則眾緣同修、我罔績可紀、留芳施者名、聊記傳後」、惠興淺學、不辭搦管為銘。

銘曰:

佛以洪鐘警物兮、悟本心
師成法器化世兮、發信音
天宮既著欲色兮、還自覺
地府當要刑戮兮、放若深

龍符元化九年己丑、八月、初九日立記、天福寺賜紫大沙門釋惠興撰。

[…]

[陳英宗興隆十二年、給祀田聖旨]。

Văn khắc chuông chùa Thiên Phúc

Bản dịch của Nguyễn Hữu Vinh

Văn khắc trên chuông chùa Thiên Phúc, ở núi Phật Tích, xã Thuỵ Khê, huyện An Sơn, Phủ Quốc Oai, xứ Sơn Tây.

Tháng giêng năm Kỷ Sửu nhằm vào năm thứ chín niên hiệu Long Phù Nguyên Hoá [1] Thiền sư Đạo Hạnh đi lạc quyên trong nước Đại Việt [2]. Mọi người từ giàu đến nghèo, ai ai cũng vui vẻ cúng dường. Quyên được đồng đỏ tất cả hơn hai ngàn cân. Đúc được một cái chuông lớn, treo trong viện Hương Hải [3] ở núi Bồ Đà Lạc [4], sáu thời [5] đánh chuông hành đạo, trước báo bốn ơn [6], sau cứu tam đồ [7].

Diệu lý tuy chỉ có một mà vọng cảnh [8] thì thật nhiều. Tuy là một nhưng do thiên biến vạn hoá tạo thành. Dù thiên biến vạn hoá tạo thành cũng chỉ là duy nhất mà thôi, không hình tượng mà có thể lường được, không lời nói mà có thể cảm được, không hình tượng mà hiện khắp cõi đại thiên [9], không lời nói mà nghe vang khắp cõi Phật [10]. Nhỏ bé mà không cùng, hổn độn mà không hoá thành đen, ở đời trần bụi mà trang nghiêm như Hoa Tạng thế giới [11], ở kiếp ô trược mà long lanh như ngọc thạch. Đó là sự may mắn của chúng sinh, chứ chẳng phải ý riêng gì của chư Phật. Kẻ giác ngộ thì thẳng đường lên Niết Bàn, còn kẻ mê lầm thì sinh diệt theo Sáu con đường [12]. Rồi thì cứ lo lắng, giả tướng thì nhiều. Việc thánh hiền sánh như kiến tìm mùi tanh. Chuyện thần lực cũng như gió đè cỏ mọc. Cứu mê tăm tối, bận rộn lăn lóc với những công việc cấp bách, lại phải vươn mang vào tà ma, bệnh tật. Đem lời cổ nhân ra dạy bảo cũng khó làm được. Nay dùng chuông làm vật cảnh tỉnh, mới có thể có hiệu quả dần dần. Việc giáo hoá thì phải tuỳ căn cơ mà tìm phương cách. Thấy giáo lý "Nhất Thừa" [13] là hơn cả, mà chuông là vật quan hệ nhất.

Chuông, ngoài Tròn [14], Chắc [15] trong Rỗng [16], Không [17]. Thường sử dụng, quá quen nên hay quên nên gọi là Tròn. Khó bị hư nên gọi là Chắc. Đem vật thọc vào, đổ chứa vào mà không trở ngại gì nên gọi là Rỗng. Ngân nga vang vọng nên gọi là Không. Nếu không phải thì sao Phật cho gõ một tiếng mà sấm trời im bặt, mọi âm vang trên mặt đất đều lặng câm. Đó là lúc trong Tam Giới [18] tỏ ngộ. May mắn biết rằng chúng sinh trong Tam Đồ mãi chịu Khổ. Biết như vậy mà không đem sức mình ra để cứu thiên hạ hay sao? Từ đó về sau, mỗi khi gặp lễ, đèn treo, chỗ sắp, nghe tiếng chuông Phật tử sắp thành hàng. Bước lên bệ gióng chuông thuyết pháp bội phần trang nghiêm. Làm được như vậy, có ai hơn được!

Nay có thầy Đạo Hạnh, từ bé cho đến lớn, cốt cách lạ thường, Tụng học kinh Liên [19] sang sảng. Xuất gia hành đạo, thấm nhuần ý Phật từ bi. Xây tháp [20] trang nghiêm. Học kinh kệ thấm nhuần đạo lý. Gặp lúc trời hạn, vung tay một cái trời mưa xuống dầm dề. Học thói người xưa nhịn ăn, ngồi nhiều năm mà vẻ mặt không thấy đói. Dân gặp lúc bịnh dịch, phẩy nước lạnh thì bịnh lành ngay. Việc chưa xảy ra mà đoán biết trước như có phù phép. Kinh dạy rằng Phật có "Tám Lời" [21], nếu không có thầy thì làm sao Tám Lời âm vang tiếp tục. Phật đặt ra "Thi La" [22], nếu không có thầy thì làm sao "Thi La" bền vững. Nếu không có thầy thì làm sao thắp được hương trong vườn phúc của Đế Thích [23]. Dược Vương [24] đốt thịt chữa bệnh, nếu không có thầy thì ai chịu đựng nỗi. Quan Âm cứu nạn, nếu không có thầy thì ai biết đến công đức của ngài. Cao tăng tỏ việc linh dị, nếu không có thầy ai nối gót thần linh?

Nay chuyện hành đạo đã xong, muốn tìm nơi ẩn náu. Ra phía tây kinh thành, nơi tĩnh mịch xa, chốn ồn ào huyên náo, đi qua đường lối hiểm nghèo nhưng lòng thanh tịnh. Qua khỏi con sông, gặp núi xanh, leo đường dốc đi lên, đất đá rơi xuống lăn lóc, nắm dây trèo lên nơi cao. Núi này cao ngút bao bọc như núi Lăng Già [25], có trăng thu tròn đẹp, có dốc đá kỳ vĩ, có vòm đá, động đá thờ Phật, có mây ngũ sắc kết tủa như châu ngọc buông rèm, rực rỡ tơ vương đan hình vào nhau như màng nhện. Dưới có vết tích của Phật, giữa có đài nghê tráng lệ. Dấu Phật có ngọc trắng dưới đáy, có rồng xanh bao bọc bên ngoài. Ðài nghê có tê giác đứng trấn bên cạnh. Có đèn treo kết chuỗi thành hàng. Ðây đâu phải chỉ giống phòng phương trượng, mà chính là ngọn Thứu Phong [26]. Ngày xưa các bậc ẩn sĩ góp sức, góp của làm nên, đâu có khác gì thần linh tạo thành? Thầy đến ở chưa tới mười ngày mà đã có điều linh ứng. Cọp tới chầu hầu, rồng kia thuần tính. Ðêm vắng tụng kinh Liên, trời cao vòi vọi vang nghe tiếng trống. Thầy ở suốt sáu năm, ân huệ vun đầy. Các hoàng tử xe ngựa tới lui tấp nập. Mọi người trong nước đến dâng hoa đảnh lễ. Vua cho người lại ban chiếu chỉ, làm tiệc chay cúng dường. Ban cho áo mão cà sa, cung nghinh như bậc thượng khách. Lên xe Phật để cầu Tứ quả [27]. Lễ chay xong rồi, thầy chống gậy đi trở xuống chân núi. Tất cả các đệ tử mọi người cùng nói rằng: “Vách đá dựng đứng, đường đi nguy hiểm. Bước chân như thần của thầy thì đi dễ, chứ khách phàm thì làm sao bước đi được. Xem chỗ đất này cũng là nơi thắng cảnh. Ðồi núi chập chùng đâu khác gì núi Bồ Ðà. Nước trong vắt thua gì biển Hương Hải. Gọi thợ giỏi, chọn nơi chính giữa, xây lầu ngọc sáng chói bốn phương. Giữa đặt tượng Phật hào quang sáng rạng. Mọi người cùng tỏ lời nói này. Cây cỏ rì rào cùng loan tin đi. Trong chốc lát, thiện nam tín nữ tề tựu đông đúc. Chỉ trong một ngày mà quang cảnh trở nên khác lạ. Người đốn cây quý, kẻ xây lò gạch. Thước mực giăng đầy. Búa rìu chan chát. Chốc lát, sân mới nguy nga, gác lầu sừng sững. Trồng tùng xanh cho mát mẻ lối đi. Gầy hoa cảnh cho vườn thêm ngát.

Thầy nói rằng: "Chùa thì trang nghiêm, Phật tử thì đông đúc. Gặp lúc lễ lượt thuyết pháp thì phải treo chuông cảnh tỉnh. Phật pháp là chuyện của ta, nhưng chuông thì phải nhờ người". Nói rồi, chống pháp trượng ra đi, thoăn thoắt trên khắp nẻo đường, như lân vờn thú nhảy, như phượng múa rồng bay. Người ta tranh nhau đi theo, chưa tới hai mươi ngày đã quyên được (đồng đỏ) đem về chất một đống cao. Rồi đem đến chùa Hưng Phúc. Gửi thư về tâu cho vua rõ, ngài đã cho phép dựng chùa. Nhào đất làm khuông, đốt lửa luyện đồng Ngày đúc, thầy dù chẳng nói gì, nhưng người người vui vẻ huyên náo. Cám ơn Thái Hậu [28] nhiệt tình cho người đem tặng lễ vật. Rồi thì hết cả nhà giàu đều kéo xe tới, trai trẻ cũng lũ lượt tới giúp đến nối buôn làng vắng vẻ. Người đến đông như đi phiên chợ đông vậy. Chẳng mấy chốc, thợ rèn gắng sức, thợ đúc lo lắng chuẩn bị, thổi ống bệ tiếng nghe vang dội, lửa đỏ cháy rực, chiếu sáng lên tới dãy ngân hà. Chuông đúc xong thấy rõ lạ thường, có nhiều điểm tốt lành. Không lâu sau đó, mời mọi người buộc thừng khiêng lên. Mới chùi mà sáng bóng tợ hoa tuyết. Vừa gõ thì tiếng ngân vang như sấm, vang dậy khắp nơi. Mọi người đều mừng rỡ thích thú. Thầy sắp trở về lầu Đại Bi trên núi Bồ Đà. Dùng dây vàng buộc treo, dùng chày kình đánh chuông, ngày đêm hành đạo. Trước, báo ân dày của Vua [29], cầu mong ngai vàng bền vững. Nhờ pháp khí (chuông) mà dân gian thanh bình, đất nước bình yên, con dân no ấm. Nguyện rằng đem đạo nhiệm mầu, thấu triệt thuần chân làm phúc lớn che chở cho mọi người, để khuông phò nghiệp lớn. Sau, mong cho mọi. người lớn bé cùng nương theo mà hướng đến cõi thiện, cùng theo Phật pháp. Hôm nay có được phúc lành để sau chứng ngộ.

Thầy nói với tôi rằng: "Chuông đã đúc xong, vì mọi người có duyên tu tập, còn ta chẳng có công đức gì. Hãy ghi lại tên tuổi của những người đã cúng dường để lưu truyền lại mai sau". Huệ Hưng ít học, cầm bút viết bài minh này.

Viết rằng:

Chừ Phật dùng chuông [30] cảnh tỉnh để ngộ bản tâm
Nay thầy dùng chuông phát tín âm để răn dạy đời
Cung trời đã mang dục sắc, hãy trở về bổn giác
Âm phủ đã bắt đầu hình phạt, hãy nghĩ cho sâu xa

Sa Môn áo tía [31] Thích Huệ Hưng phụng soạn vào ngày mồng chín, tháng tám, năm Kỷ Sửu niên hiệu Long Phù Nguyên Hoá thứ chín.

[…]

Đời Trần Anh Tông thứ 12 niên hiệu Hưng Long có chiếu cấp cho ruộng thờ [32]. Do câu cuối trong văn khắc trên chuông, chúng ta biết chuông đã được người đời Trần khắc thêm hàng chữ này.

Chú thích

[1] Long Phù nguyên Hoá cửu niên Kỷ Sửu: Tức là năm Kỷ Sửu niên hiệu Long Phù Nguyên Hoá thứ chín (1109), đời vua Lý Nhân Tôn.
[2] Đại Việt: Nguyên chữ Cự Việt quốc 巨越國, Cự nghĩa là Lớn, Đại
[3] Viện Hương Hải: tên xưa của chùa Thiên Phúc
[4] Bồ Ðà Lạc sơn: tức là núi Phật Tích, nơi chùa toạ lạc
[5] Sáu thời 六時 Nguyên chữ “Lục thời” chỉ: Sáng, Trưa, Chiều, Tối, Khuya và Sáng sớm
[6] ) Bốn Ơn 四恩 Tứ Ân, có nhiều thuyết. 1. Theo Kinh Tâm Ðịa Quán Bốn ơn gồm: , Ơn mẹ cha, Ơn chúng sanh, Ơn quốc vương và Ơn Tam bảo. Theo Thích Thị Yếu Lãm thì bốn Ơn gồm: Ơn cha mẹ, Ơn sư trưởng, Ơn quốc vương và Ơn thí chủ.
[7] ) Tam đồ 三塗 Chỉ ba con đường ác là Ðịa ngục, Ngạ quỷ và Súc sinh. Ba đường còn là: 1. Hỏa đồ (đường lửa): Chỉ cho Ðịa ngục là chổ nổi lửa mạnh để thiêu đốt tội nhân; 2. Huyết đồ (đường máu): Chỉ cho nẻo Súc sanh là chổ ăn thịt lẫn nhau; 3. Ðao đồ (đường dao): Chỉ cho nẻo Ngạ quỷ là chổ bị gươm đao, gậy gộc bức bách.
[8] Vọng cảnh 妄境 Cảnh giả, không thật
[9] ) Đại thiên 大千. Tức là Tam thiên Ðại thiên thế giới, Kinh nói: Thế giới chia ra làm Tiểu thiên, Trung thiên và Ðại thiên, ba loại khác nhau. Gộp 4 đại châu, mặt trăng, mặt trời, chư thiên lại thì thành một thế giới. Một ngàn thế giới thì gọi là Tiểu thiên thế giới. Một ngàn Tiểu thiên thì gọi là Trung thiên thế giới. Một ngàn Trung thiên thì gọi là Ðại thiên thế giới.
[10] Cõi Phật: Nguyên chữ "Sát 剎" , nghĩa là: Ruộng, nước, xứ. Thông thường dùng để chỉ "đất Phật"
[11] Hoa Tạng thế giới: Padma-garbha-loka-dhàtu, còn gọi là Liên Hoa quốc. Thế giới hàm chứa công đức vô lượng trang nghiêm từ trong hoa sen hiện ra, được mô tả trong kinh Hoa Nghiêm và kinh Phạm Võng. Theo kinh Hoa Nghiêm, Liên Hoa Tạng thế giới còn gọi: Liên Hoa Tạng Trang Nghiêm Thế Giới Hải, Hoa Tạng Thế Giới Hải, Hoa Tạng Thế Giới, Hoa Tạng Giới....Theo kinh Phạm Võng, Liên Hoa Tạng Thế Giới còn gọi: Liên Hoa Hải Tạng Thế Giới, Liên Hoa Ðài Tạng Thế Giới. Tất cả đều chỉ cho thế giới Trang Nghiêm Thanh Tịnh của Ðức Phật Tỳ Lô Giá Na. (Theo Từ Ðiển Phật Học Huệ Quang, tập 5, trang 3710-11).
[12] Sáu con đường: Nguyên chữ Lục thú: 六趣 Còn gọi là Lục đạo, sáu đường ở chốn luân hồi. Theo Phật học, chúng sanh tùy theo nghiệp quả của mình mà chuyển sanh vào lục đạo: Thiên (Trời), A Tu La (Thần), Nhân (Người), Ðịa Ngục, Ngạ Quỷ (Quỷ đói), Súc Sinh (Thú vật).
[13] Nhất Thừa: 一乘 Cỗ xe duy nhất, để chỉ Phật thừa, là pháp môn duy nhất viên mãn. Cỗ xe mà Phật dùng đi đường, tức cỗ xe độc nhất tối sơ tối hậu mà mỗi chúng sanh vốn mang Phật tính dùng để đi trên con đường Ðạo nhất như chân thật. Danh từ này còn dùng để chỉ Bồ tát thừa trong Tam thừa.
[14] Tròn: Nguyên chữ Viên 圓
[15] Chắc: Nguyên chữ Thực 寔
[16] Rỗng: Nguyên chữ Hàm 含
[17] Không:.Nguyên chữ Hư 虛
[18] ) Tam Giới 三界 Chỉ nơi sinh sống của chúng sinh gồm Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới
[19] Kinh Liên: Nguyên chữ Liên kinh 蓮經 chỉ kinh Pháp Hoa
[20] Xây tháp: Nguyên chữ Bát Chủng 八種, chỉ Bát Chủng tháp 八種塔 như : tháp Như Lai 如來塔, tháp Bồ Tát 菩薩塔, tháp Duyên Giác 緣覺塔, tháp A La Hán 阿羅漢塔, tháp A Na Hàm 阿那含塔, tháp Tư Ðà Hàm 斯陀含塔, tháp Tu Ðà Hoàn 須陀洹塔 và tháp Chuyển Luân Vương 轉輪王塔. Tám vị: Như Lai, Bồ Tát, Duyên Giác, A La Hán, A Na Hàm, Tư Ðà Hàm, Tu Ðà Hoàn và Chuyển Luân Vương sau khi nhập diệt (chết) phải xây tháp thờ.
[21] Tám Lời: Văn khắc viết 辨(辯), nguyên chữ Bát Biện 八辯 Tám biện tài. Chỉ tám tài khéo biện luận của Như Lai: 1. Bất Tư Hát biện 不嘶喝辯 (Biện luận chẳng cần hò hét, gào thét) ; 2. Bất Mê Loạn biện 不迷亂辯 (Biện luận chẳng mê loạn, lú lẫn) ; 3. Bất Bố Úy biện 不怖畏辯 (Biện luận mạnh dạn, không sợ hãi gì) ; 4. Bất Kiêu Mạn biện 不憍慢辯 (Biện luận không tỏ vẻ kiêu mạn) ; 5. Nghĩa Cụ Túc biện 義具足辯 (Biện luận nghĩa lý đầy đủ) ; 6. Vị Cụ Túc biện 味具足辯 (Biện luận ý vị đầy đủ) ; 7. Bất chuyết sáp biện 不拙澀辯 (Biện luận lưu loát, chẳng vụng về ngắt ngứ) ; 8. Ứng Thời Phân biện 應時分辯 (Biện luận đúng lúc).
[22] Thi La 尸羅 Dịch âm tiếng Phạn Sila, có nghĩa là phòng ngừa, ngăn cấm sự sai trái của thân và tâm. Phật đặt ra để đệ tử thi hành ngăn ngừa điều dữ.
[23] Vườn phúc của Đế Thích: Nguyên chữ Đế Thích phúc điền 帝釋福田. Do chữ Đế Thích tứ uyển 帝釋四苑 là nơi Đế Thích Thiên cư ngụ, có hồ Như Ý đầy ắp nước tám Công Đức 帝釋天居於須彌山頂之善見城,城外之四面各有一苑,形皆正方,於各苑之中央皆有一如意池,池中八功德水盈滿,為帝釋諸天遊戲之處
[24] Dược Vương 藥王 vị Bồ Tát chuyên ban phát thuốc lành cứu chữa bệnh tật cho chúng sinh.
[25] Lăng Già sơn 楞伽山 núi Lăng Già, còn gọi là Già Sơn. Tương truyền nơi đây Phật truyền giảng kinh Lăng Già. Núi chất đầy bảo vật, hào quang sáng lạng, chiếu khắp mười phương, có đầy hoa thơm cỏ lạ, nhiều chùa, nhiều bảo vật cúng dường Phật pháp.
[26] Thứu phong 鷲峰 Còn gọi là Linh Thứu phong, Thứu Ðầu sơn, Thứu Ðài. Tương truyền đây là nơi Phật truyền giảng kinh Pháp Hoa.
[27] Tứ quả: 四果 Chỉ bốn loại thánh quả khác nhau của Thanh Văn thừa: Các nhà phiên dịch cũ dùng tên Phạn gọi bốn quả đó là: Quả Tu-đà-hoàn, quả Tư-đà-hàm, quả A-na-hàm và quả A-la-hán. Các nhà phiên dịch mới dịch là: Dự Lưu quả, Nhất Lai quả, Bất Hoàn quả và A La Hán quả.
[28] Thái hậu: Tức Ỷ Lan nguyên phi của vua Lý Thánh Tông, mẹ vua Lý Nhân Tông.
[29] Vua: Chỉ vua Lý Nhân Tông
[30] Chuông: Trong truyện Cảm Thông kể rằng ngày xưa Phật Tỳ Lô Giá Na ở nước Tu Ða La xứ Càn-Trúc tạo một cái chuông bằng đá xanh, mỗi lần đánh lên thì có vô số Hoá Phật hiện thân trong hư không tuyên thuyết diệu pháp, người nghe ngộ đạo đến vô số. Chuông ở đây là chuông chuông lớn, còn gọi là Ðại Hồng chung hay chuông U Minh, đánh vào mỗi buổi sáng và khi hoàng hôn. Ðánh lúc hoàng hôn để nhắc nhở cảnh vô thường, đánh vào buổi sáng sớm thức tỉnh lòng người bỏ tà quy chánh, dứt bỏ trần duyên để thoát ly sanh tử luân hồi.
[31] Áo tía: Vua ban Cà Sa màu tía cho các vị thường là Quốc sư. Tục này bắt đầu tới Võ Tắc Thiên (684-774) ở Trung Quốc. Ở nước ta, được biết Thông Biện là người đầu tiên được vua ban áo tía.
[32] Hưng Long: niên hiệu của vua Trần Anh Tông

Tham khảo

1. “Văn khắc Hán Nôm Việt Nam-từ Bắc thuộc đến thời Lý”, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Hà Nội, 1999
2. “Phật Quang đại từ điển”, Fo kuang xuất bản xã, Taipei
3. “Thiền Uyển Tập Anh”, Lê Mạnh Thát, nhà xuất bản T.P Hồ Chí Minh, 1999
4. “Lĩnh Nam Chích Quái”, Chen Ching Hao, Học Sinh thư cục xuất bản, Taipei, Taiwan, 1987
5. “300 ngôi chùa nổi tiếng Việt Nam”, Võ Văn Tường, CD, Tin Việt, T.P Hồ Chí Minh, 1996
6. “Việt Sử Lược”, bản Tứ Khố Toàn Thư, Library of Academia Sinica, Taipei, Taiwan
7. “Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư” bản Chính Hoà, 1696, nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1999
8. “Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư”, Hiệu hợp bản của Chen Ching Ho, Soka university, Tokyo
9. "An Nam Chí Nguyên", École Francais d’Extrême Orient, Hà Nội, 1931
10. "Lịch triều hiến chương loại chí", Library of Academia Sinica, Taipei, Taiwan
11. "Kiến Văn Tiểu Lục", Lê Quý Đôn, nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1977
12. "An Nam Chí Lược", "Lê Trắc (Tắc)", Trung Hoa thư cục xuất bản, Peking, 1995.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét