*
Học vị Phó bảng xuất hiện thời gian nào?
* Việt Nam có bao nhiêu Phó bảng? * Giai thoại lý thú liên quan Phó bảng. * Một số Phó bảng lừng danh. |
Cuộc
thi đầu tiên của nước ta do triều đình tổ chức là khoa
Tam trường được vua Lý Nhân Tông mở năm Ất Mão 1075, chọn
6 người mà thủ khoa là Lê Văn Thịnh. Vua Trần Thái Tông
cho tổ chức khoa thi Thái học sinh vào năm Nhâm Thìn 1232, sau
đó cứ 7 năm thi 1 lần, đến năm Giáp Dần 1374, vua Trần
Duệ Tông đổi tên thành khoa thi Tiến sĩ. Vua Lê Thái Tông
(1433 - 1442) đặt lệ 5 năm mở 1 kỳ thi Hương, 6 năm mở 1
kỳ thi Hội. Đến đời vua Lê Thánh Tông (1460 - 1497), thi cử
được định lệ theo nhà Minh: cứ 3 năm mở 1 khoa; thi Hương
vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu; thi Hội vào các năm Thìn,
Tuất, Sửu, Mùi.
Sau khi thống nhất
giang sơn, vua Gia Long cho mở khoa thi Hương vào năm Đinh Mão
1807. Khoa thi Hội đến năm Nhâm Ngọ 1822 mới được tổ chức
lúc vua Minh Mạng trị vì. Khi khoa cử khá hoàn bị, triều
Nguyễn mở nhiều kỳ thi, được chia làm 2 loại:
* Thường khoa là khoa thi Tiến sĩ, gồm 3 kỳ thi: Hương, Hội, Đình. Thi Hương ở các trường Hà Nội, Nam Định, Thanh Hoá, Nghệ An, Thừa Thiên, Bình Định, Gia Định, An Giang, chọn Cử nhân để thi Hội. Thi Hội và thi Đình (còn gọi Điện thí / Phúc thí) ở kinh đô Huế. * Chế khoa được tổ chức từ thời vua Tự Đức, có Hoành tài, Nhã sĩ, Cát sĩ. |
Phó bảng là Ất tiến sĩ |
Xem xét lịch sử
khoa cử Việt Nam (VN), thấy ngay rằng đến triều Nguyễn xuất
hiện nét mới đáng lưu ý: khoa thi Hội từ năm Kỷ Sửu 1829,
niên hiệu Minh Mạng thứ X, ngoài việc chọn các Tiến sĩ
進 士 ,
còn lựa thêm các Phó bảng 副
榜 .
Danh sách thí sinh đạt danh hiệu Tiến sĩ được yết ở chánh
bảng. Danh sách thí sinh kém hơn nhưng vẫn đỗ được yết
ở bảng phụ thì gọi là Phó bảng.
Sách Khoa cử
& các nhà khoa bảng triều Nguyễn của nhiều soạn giả
(NXB Thuận Hoá, Huế, 2000) ghi nhận: "Những thí sinh đỗ kỳ
thi Hội (gọi là Trúng cách hoặc Chánh trúng cách) sẽ được
vào thi Đình. Sau khi yết bảng thi Hội, các quan Chủ khảo
và Tri cống cử căn cứ theo điểm các thí sinh ở các trường
thi, lập bảng Giáp và bảng Ất, mỗi thứ hai bảng. Bảng
Giáp ghi danh những người đỗ chính thức, bảng Ất ghi danh
những người lấy đỗ Phó bảng. Những người có tên trong
bảng Giáp sẽ được dự kỳ thi Đình. Đến đời Tự Đức,
có khoa thi vì số người đỗ ở bảng chính quá ít, nên vua
rộng lượng xét cho những người đỗ Phó bảng cũng được
vào thi Đình, như năm Tự Đức thứ XXX Đinh Sửu (1877), năm
Tự Đức thứ XXXIII Canh Thìn (1880)."
Trong bài 90 năm học vị Phó bảng đăng trên tạp chí Huế xưa & nay số 2 (2-1993), Lê Quang Thái viết: "Thông thường, Phó bảng được gọi là Ất khoa tiến sĩ để phân biệt với Tiến sĩ là Giáp khoa tiến sĩ. Người ta còn gọi tắt Phó bảng là Ất tiến sĩ." Bách khoa toàn thư mở Wikipedia cũng ghi rằng Phó bảng là Ất tiến sĩ 乙 進 士 . |
5 vị Phó bảng đầu tiên |
Khoa thi Hội năm
Kỷ Sửu 1829, niên hiệu Tự Đức X, do Thượng thư Bộ Hình
là Hoàng Kim Xán làm Chánh chủ khảo. Sách Khoa cử &
các nhà khoa bảng triều Nguyễn (sđd) cho hay: "Khoa này bắt
đầu dùng điểm số để chấm các bài thi và cũng bắt đầu
chọn Phó bảng.Thứ tự xếp hạng căn cứ vào điểm số
như sau: Hạng Ưu: 9 đến 10 điểm; hạng Ưu thứ: 7 đến 8
điểm; hạng Bình: 5 đến 6 điểm; hạng Bình thứ: 3 đến
4 điểm; hạng Thứ: 1 đến 2 điểm; hạng Liệt là không đủ
1 điểm (bất cập phân). Thí sinh nào qua được 3 kỳ mà đạt
điểm tổng cộng từ 10 trở lên, xếp vào hạng Chánh bảng;
nếu đạt được 3 kỳ mà điểm tổng cộng từ 4 đến 9
hoặc chỉ đạt được 2 kỳ mà cộng điểm 10 trở lên, xếp
vào hạng Phó bảng."
Khoa ấy chọn được
5 vị Phó bảng đầu tiên của nước nhà:
1. Phạm Văn Hợp: sinh năm Ất Mão 1795, người xã Minh Tảo, huyện Từ Liêm, tỉnh Sơn Tây, nay thuộc TP. Hà Nội. 2. Dương Đăng Dụng: sinh năm Giáp Tý 1804, người xã Ỷ La, huyện Từ Liêm, tỉnh Sơn Tây, nay thuộc TP. Hà Nội. 3. Phan Văn Nhã: sinh năm Bính Dần 1806, người xã Yên Đông, huyện La Sơn, tỉnh Nghệ An, nay là huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Phan Văn Nhã là bác của Tiến sĩ Phan Đình Phùng (1847 - 1895). 4. Nguyễn Thường: sinh năm Giáp Tý 1804, người xã Minh Lương (sau đổi thành Trung Lương), huyện Thiên Lộc, tỉnh Nghệ An, nay là huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. 5. Trần Ngọc Dao: sinh năm Kỷ Mùi 1799, người xã Mậu Tài, huyện Phú Vang, phủ Thừa Thiên, nay là xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Trần Ngọc Dao là người Thừa Thiên đầu tiên đỗ đại khoa, từng đảm trách Tuần vũ Định Tường, Phó Đô Ngự sử, Tham tri Bộ Binh, tạ thế năm Ất Tị 1845, niên hiệu Thiệu Trị V, được an táng tại Hội An. Lăng mộ ngài Tham tri Trần Ngọc Dao đã được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa tỉnh Quảng Nam. - Mộ bia 1 trong 5 vị Phó bảng đầu tiên của Việt Nam đã được Nhà nước công nhận di tích lịch sử - văn hoá : ngài Trần Ngọc Dao - Tham tri Bộ Binh - ở phường Cẩm Phô, TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Trần Tuấn |
Phó bảng có gì lạ? |
Tập 3 Từ điển
bách khoa VN (NXB Từ điển bách khoa, Hà Nội, 2003) đề
cập Phó bảng: "học vị các kỳ thi Hội trong chế độ khoa
cử đời Nguyễn. Theo thang bậc, thấp hơn học vị Tiến sĩ,
có thể coi là những Tiến sĩ bảng phụ. Trong một khoa thi
Hội, có thể vừa có học vị Tiến sĩ, vừa có học vị
Phó bảng. Cũng có khi chỉ lấy đỗ Phó bảng, mà không lấy
đỗ Tiến sĩ." Từ điển bách khoa trình bày vậy quá sai lệch.
Thực tế, chẳng khoa thi Hội nào chỉ lấy đỗ Phó bảng
mà không lấy đỗ Tiến sĩ cả.
Tuy được gọi
Ất tiến sĩ, song giữa Phó bảng với Giáp tiến sĩ / Tiến
sĩ tồn tại sự cách biệt khá xa. Chánh bảng, danh sách tân
Tiến sĩ được viết trên giấy đỏ, được đặt trên án
đỏ, che lọng đỏ, do đó mới hình thành từ vựng Châu bảng.
Châu / Chu 朱
mang nghĩa sắc đỏ. Châu bảng được quan quân trịnh trọng
đưa vào Hoàng Thành trình vua, sau đó đem ra Phu Văn Lâu treo
3 ngày. Danh sách tân Phó bảng chỉ treo 1 ngày mà chẳng có
nghi thức gì. Các Phó bảng không được dự lễ Truyền lô,
không được vua ban yến, không được thưởng hoa ở Ngự
uyển rồi cưỡi ngựa dạo quanh Kinh thành, không cờ quạt
ân tứ vinh quy, và không được khắc tên vào bia đá dựng
tại Văn Thánh / Văn Miếu.
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia còn ghi: "Phó bảng không được dự thi Đình để xếp loại Tiến sĩ. Từ năm 1851 vua Tự Đức có cho thêm một số Phó bảng có điểm số thi Hội gần với điểm chuẩn đỗ chánh bảng được tham dự thi Đình để có thêm cơ hội phấn đấu. Nếu đạt điểm chuẩn đỗ Tiến sĩ thì được công nhận là Tiến sĩ, nếu không đạt vẫn được công nhận là Phó bảng." |
Bùi Ân Niên - trường hợp hy hữu |
Bùi Văn Dị / Tự
được vua Tự Đức ban tên Bùi Ân Niên, chào đời năm Nhâm
Thìn 1832 tại xã Châu Cầu, tổng Phù Đạm, huyện Kim Bảng,
phủ Lý Nhân, tỉnh Hà Nội, nay là TP. Phủ Lý, tỉnh Hà Nam.
Năm Canh Tuất 1850 và Nhâm Tý 1852, mới 18 và 20 tuổi, thi đỗ
Tú tài. Năm Ất Mão 1855, 23 tuổi, thi đỗ Cử nhân. Năm Ất
Sửu 1865, niên hiệu Tự Đức XVIIII, thi Hội, đỗ thứ 4 hạng
Trúng cách, nhưng vào thi Đình bị hỏng, đành nhận học vị
Phó bảng.
Bấy giờ, ông đã 59 tuổi, tâu: - Thần nhờ ơn nước như thế này là thịnh lắm rồi, còn dám mong mỏi gì hơn nữa. Duy có một việc, thần vẫn thắc mắc trong dạ từ trước đến nay là khoa thi năm Ất Sửu, thần đã Chánh trúng cách mà lại đỗ xuống Phó bảng, không hiểu tại duyên cớ nào. Vâng mệnh bà Từ Dũ, vua Thành Thái gia ân đặc cách, ban cho Bùi Ân Niên học vị Đệ tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân. Bia đá chỉ khắc độc nhất họ tên 1 Tiến sĩ là di vật vô tiền khoáng hậu lâu nay được bảo lưu tại Văn Thánh / Văn Miếu ở Huế. Năm Ất Tị 1905, Bùi Ân Niên mất. Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến (1835 - 1909) điếu bạn thân bằng đôi câu đối: Ngư ky cựu phố, hoa sơ lạc, Long bảng tân bi, thạch vị đài. Trong sách Giai thoại làng nho (Nam Chi Tùng Thư xuất bản, Sài Gòn, 1966), Lãng Nhân dịch: Bến cá bàn xưa, hoa đã rụng, Bảng rồng bia mới, đá chưa rêu. Mấy chữ thạch vị đài / đá chưa rêu sao mà thâm trầm và hóm hỉnh, không chỉ buồn cười về bước công hầu của một sĩ phu, mà cả quan niệm quý khoa (thi đỗ) hơn quý hoạn (làm quan) đã hằn sâu vào xã hội tự bao đời! |
266 vị Phó bảng |
Tính đến kỳ
thi Hội cuối cùng vào năm Kỷ Mùi 1919, niên hiệu Khải Định
thứ IV, trải 90 năm tuyển chọn đại khoa, đất nước ta
đã có 266 vị Phó bảng.
Do trang báo có hạn,
bài này chỉ nêu 3 Phó bảng lừng danh:
* Nguyễn Văn Siêu (1795 - 1872): nguyên quán làng Kim Lũ, nay thuộc xã Đại Kim, huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội. Đỗ Phó bảng khoa Mậu Tuất 1838, niên hiệu Minh Mạng XIX. Làm Phó sứ sang Thanh năm Kỷ Dậu 1849, đoạn giữ chức Án sát Hà Tĩnh rồi Hưng Yên. Là người thiết kế quần thể đài Nghiên, tháp Bút, cầu Thê Húc, tu sửa đền Ngọc Sơn ở hồ Gươm. Lưu lại các tác phẩm Phương Đình dư địa chí, Phương Đình tuỳ bút lục, Phương Đình vạn lý tập. Về tài năng văn chương, Nguyễn Văn Siêu cùng Cao Bá Quát được người cùng thời tôn sùng "thần Siêu, thánh Quát". * Hoàng Kim Tích tức Hoàng Diệu (1829 - 1882): người xã Xuân Đài, huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam, nay là huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Đỗ Phó bảng khoa Quý Sửu 1853, niên hiệu Tự Đức VI. Làm Tri huyện Tuy Phước rồi Tri phủ Tuy Viễn ở Bình Định, Tri huyện Hương Trà ở Thừa Thiên, Tri phủ Đa Phúc ở Phúc Yên rồi Lạng Giang ở Bắc Giang, Án sát Nam Định, Bố chánh Bắc Ninh, Tham tri Bộ Hình rồi Bộ Lại. Năm 1880, làm Tổng đốc Hà Ninh (Hà Nội & Ninh Bình). Ngày 25-4-1882, giặc Pháp tấn công, thành Hà Nội thất thủ, Hoàng Diệu tuẫn tiết ở Võ Miếu. * Phan Châu Trinh (1872 - 1926): người xã Tây Lộc, huyện Hà Đông, tỉnh Quảng Nam, nay là xã Tiên Kỳ, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Đỗ Phó bảng khoa Tân Sửu 1901, năm sau học trường Hậu Bổ, ra làm Thừa biện Bộ Lễ ít lâu thì từ quan, ngược xuôi Nam Bắc, kết giao với nhiều sĩ phu yêu nước - trong đó có Huỳnh Thúc Kháng và Phan Bội Châu. Ất Tị 1905, sang Nhật Bản rồi sang Pháp. Đinh Mùi 1907, giảng dạy Đông Kinh Nghĩa Thục ở Hà Nội. Mậu Thân 1908, bị Pháp bắt đày ra Côn Đảo. Canh Tuất 1910, bị Pháp quản thúc tại Mỹ Tho. Tân Hợi 1911, cùng con trai là Phan Châu Dật sang Pháp. Ất Sửu 1925, hồi hương, tiếp tục kêu gọi dân quyền, dân sinh, dân khí. Phan Châu Trinh mất ngày 24-3-1926 tại Sài Gòn. Cũng nên kể thêm phương danh các Phó bảng: Nguyễn Bá Nghi, Phạm Thế Húc (em của Tiến sĩ Phạm Thế Hiển), Phan Đình Tuyển (thân phụ của Tiến sĩ Phan Đình Phùng), Trần Doãn Đạt (thân phụ của Tiến sĩ Trần Hy Tăng / Trần Bích San), Phan Đình Vận (con của Phó bảng Phan Đình Tuyển và em của Tiến sĩ Phan Đình Phùng), Đặng Huy Xán (em của Đặng Huy Trứ - bạn đọc có thể tham khảo bài Người trồng mầm nhiếp ảnh Việt Nam của Phanxipăng đã đăng Thế Giới Mới số 453 rồi truyền vào Chim Việt Cành Nam http://chimviet.free.fr/41/phanxipn_danghuytru.htm và Tiền Vệ http://tienve.org/home/literature/viewLiterature.do?action=viewArtwork&artworkId=11628 ), Nguyễn Duy Hiệu, Nguyễn Hoan (con trai của Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến), Cao Xuân Tiếu (con của Cao Xuân Dục và thân phụ của Cao Xuân Huy), Nguyễn Thiện Kế (em của Nguyễn Thiện Thuật), Nguyễn Sinh Huy / Nguyễn Sinh Sắc (thân phụ của Nguyễn Sinh Cung tức Chủ tịch Hồ Chí Minh), v.v.
|
|
- Mộ bia 1 trong 5 vị Phó bảng đầu tiên của Việt Nam đã được Nhà nước công nhận di tích lịch sử - văn hoá: ngài Trần Ngọc Dao - Tham tri Bộ Binh - ở phường Cẩm Phô, TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Trần Tuấn |
- Dấu tích ghi nhận sự kiện có 1 không 2: bia Tiến sĩ đặc cách dành riêng cho Phó bảng Bùi Ân Niên được khắc dựng năm Canh Dần 1890, niên hiệu Thành Thái đệ nhị, tại Văn Thánh, Huế. Ảnh: Phanxipăng |
- Tượng chân dung 1 Phó bảng nổi tiếng do Nguyễn Long Bửu tạc đá: Phan Châu Trinh (1872 - 1926). Ảnh: Phanxipăng |
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét