Translate

Thứ Tư, 20 tháng 3, 2013

CUỘC DI CƯ CỦA CHỮ NGHĨA - I




Năm 1954, người ta nói đến cuộc di cư người, thật ra còn có cuộc di cư chữ nghĩa nữa. Người đi, chữ cũng đi theo. Chữ nghĩa miền Bắc cũng lềnh kềnh, lếch thếch nối đuôi nhau lên tầu há mồm. Chuyến đi gian nan của nguời di cư thế nào thì chữ nghĩa cũng vậy. Chữ ở lại, chữ ra đi, chữ nào còn, chữ nào mất. Chẳng ai còn tâm trí đâu để lưu tâm tới điều đó. Chữ được di cư vào miền Nam, chở đi rồi, bao nhiêu chữ đã rơi rụng, vung vãi dọc đường. Bao nhiêu chữ đã sống còn sau khi đã hội nhập với chữ bản địa.
Phải đợi đến sau ngày 30 tháng tư 1975, người ta mới có thể biết được sự còn mất này một phần nhờ so sánh chữ nghĩa giữa hai miền. Hình như cũng ít ai để ý đến cái mất, cái còn của chữ nghĩa, vì có quá nhiều cái mất cái được được lớn hơn. Cái mất lớn hơn đó để người khác lo, người viết lạm bàn về số phận chữ nghĩa người di cư sau 1954 và nếu có dịp về chữ nghĩa của người di tản.



Phần 1.- Chữ mòn theo thời gian.



Cho dù không có cuộc di cư, chữ nghĩa cũng cách này cách khác bị xói mòn. Sự mất còn này trước hết là do sự xói mòn của thời gian . Chữ nghĩa như một vật dùng một lần thì còn ngon, nhưng dùng nhiều lần thì mòn hay cùn đi. Như cái kéo cắt mãi cũng phải cùn. Dao băm mãi cũng lụt đi. Khen đi khen lại đâm nhàm tai. Yêu nhau lắm, cắn nhau đau, hay ít ra cũng chán. Đùa dai hoài đâm nhạt như nước ốc. Hình như chữ nghĩa dị ứng với cái lập đi lập lại. Tất cả những ngữ nghĩa trên chỉ ra một điều: Thời gian và sự đi lập lại có thể làm xói mòn, hoen rỉ chữ nghĩa. Tâm lý con người lại ưa chuộng cái mới, cái lạ. Như trong tình yêu, dùng chữ đó với nhau lần đầu, trọng lượng của chữ nặng lắm, thấm thía lắm, cảm động lắm. Dùng lần thứ hai thấy nhẹ đi rồi. Phải tăng cường độ nghĩa bằng những chữ lắm, nhất, số một. Có khi cả bằng tay chân vẫn chưa đủ. Tăng lời thề.. Hình như vẫn hụt.
Trong văn chương, ta cũng gặp cảnh ngộ tương tự. Nhất là trong lãnh vực thơ . Thơ là khơi nguồn cho sáng tạo chữ mới, văn ảnh mới, biểu tượng mới. Còn nhớ, hồi thơ Nguyên Sa xuất hiện đúng lúc khi mà cuộc di cư đã hoàn tất. Chữ nghĩa thơ của ông còn nóng hổi, thơm phức như bánh mì mới ra lò. Nhiều cô cậu, ghi ghi chép chép để dùng lại :

Áo nàng vàng, tôi về yêu hoa cúc. Áo nàng xanh, tôi mến lá sân trường.

Chữ nghĩa đó được truyền tay, đến người cuối cùng có thể chỉ là chiếc bánh mì nguội. Cứng như đá. Thật ra, thơ đó có một vài văn ảnh mới. Mới với người đọc thôi. Nguyên Sa đã gợi nguồn cảm hứng từ người tình là cô Nga ( sau này là bà Trần Bích Lan) . Có thể lúc mà thơ đó mới ra lò, đối với ông, thơ văn đó chả có ấn tượng gì nữa. Nhưng mới người cũ ta. Có lẽ vì vậy mà nhà thơ suốt đời mang cái nghiệp phải sáng tạo cái mới. Sáng tạo không ngừng.
Số mệnh chữ nghĩa mỏng manh như số phận con người. Thời gian như thước đo chiều dài ngắn của chữ nghĩa, đồng thời cành báo về cái hữu hạn của nó. Sự sợ hãi của Nguyễn Du phải chăng cũng từ đấy mà ra.
Chữ có thế vắn số nên có nhiều chữ đã trở thành chữ cổ ít ai nhắc tới. Còn nhớ, hồi mới di cư vô Nam, người Bắc sửng sốt nhất, nghe lạ tai nhất là chữ Mã Tà. Mã tà thời tây là gọi là Hiến Binh, sau này trong Nam gọi là Cảnh sát, ngoài Bắc gọi là Công An. Không biết vì lý do gì, chữ Mã tà sau khoảng hai năm gì đó, không còn nghe ai nói nữa. Cũng vậy, theo sách vở (1), chữ manh nghĩa là nhỏ mọn. Người đời chỉ còn nhớ váng vất khi nó đi với chữ khác như mong manh, tan manh, chiếu manh, manh áo, manh mún. Một chữ khác như chữ Khem, nghĩa là kiêng cữ. Nếu nó không cặp bạn với chữ Kiêng thì người ta không còn nhận ra nó như Kiêng khem ra nắng, ra gió. Chữ khác như chữ Lụn, nghĩa là hết, người ta cũng chỉ dùng trong một số trường hợp hiếm hoi : Tim lụn có nghĩa tim đèn cháy hết, lụn năm, lụn ngày, mềm lụn, lụn xuống, lụn mạt. Mấy ai còn nhớ, còn biết, còn sử dụng những chữ cổ trên. Nhưng có chết đi mới có sống lại, cái chết đi ung mầm ra cái mới. Nhờ vậy mà chữ nghĩa thay đổi và tiến bộ, mỗi ngày một đa dạng, một phong phú và chuẩn xác hơn. Thời gian đã là một nhẽ, cộng thêm dụng ý của người sử dụng chữ làm chữ nghĩa sống dở, chết dở. Từ nay, chữ có thêm nghĩa. Chữ và nghĩa. Chữ dùng giống nhau, nhưng nghĩa thì mỗi người hiểu một nghĩa. Rầy rà từ đấy mà ra.
Huyền thọai về việc xây tháp cổ Babel phải chăng là một bằng cớ báo trước về sự sa đà của ngôn ngữ, chữ nghĩa và đến cả số phận của nó nữa.(2)

-----------------------------------------------------------------------------

Trong từ điển Từ Việt cổ, nhà xuất bản Văn hóa thông tin, Hà nội 2001 các tác gia Nguyễn ngọc San, Đinh văn Thiện cũng đã thu tập được gần một ngàn chữ cổ như các chữ vừa nêu trên..
Theo Thánh kinh, các con của ông Nô-ê (Noé, Noah) muốn xây một cái tháp ở Babel (Thành Babylone ) để tới được trời cao.. Chúa thấy sự cao ngạo đó nên muốn dẹp tan ý định ngông cuồng đó bằng cách tạo ra sự lẫn lộn và phức hợp của các ngôn ngữ. Quả nhiên ý định xây tháp không thành, vì mỗi người nói và hiểu khác nhau.


----------------------------------------------------------------------------

Số phận chữ nghĩa, cái sống, cái chết của nó là sống mòn, chết mòn, chết từ từ. Mỗi ngày của nó là một bước ngắn lại. Cả làng, cả nước đang dùng, vậy mà không đâu biến đi đằng nào.. Từ mòn đến là hay, nó gợi lên văn ảnh của một đồ vật mới đầu bóng loáng , sáng choang, mầu sắc rực rỡ, hấp dẫn người ta. Ai ai cũng mê, cũng nói, cũng dùng. Chữ trở thành thời thượng. Càng được dùng, càng nhiều người nhắc đi nhắc lại, càng phổ biến thì cái nguy cơ mất lúc nào không hay. Chữ vẫn đó, mà nghĩa đã mất dần . Cái xe chở chữ, lúc chở chữ này, lúc khác chở chữ khác, hoặc dán nhãn hiệu khác. Nó đã chở như thế bao nhiêu chuyến, đã thay hình đổi dạng bao nhiêu lần.
Nói như thế thì chữ mòn hay nghĩa mòn. Cái nào mòn trước, cái nào mòn sau. Chữ là cái chuyên chở nghĩa và một chữ có thể có nhiều nghĩa, tùy theo vị trí của nó trong câu nên nghĩa dễ bị mòn hơn chữ. Chẳng hạn , chữ cái và con. Chữ chỉ có hai, nhưng nghĩa thì nhiều lắm nên nghĩa lúc thế này, lúc thế khác. Cũng là con , nhưng con dao, con với cái, nhỏ con, con dại cái mang, con đĩ, cỏn con. Nhưng cũng không thiếu trường hợp cả hai đều mệnh yểu.
Chữ càng mòn nhanh nếu nó chuyên chở nhiều nội dung, ý hướng của người dùng.Tất cả tuỳ thuộc vào ý hướng người sử dụng.. Nhưng làm sao nắm bắt được ý hướng đó. Dĩ nhiên khó lắm. Vấn đề nay đã lây lan sang một chủ đề triết lý là : sự ngộ nhận, sự thông cảm hay sự bất lực trong việc tìm hiểu tha nhân mà các triết gia hiện sinh thường đề cập tới. Vì có dụng ý chữ nghĩa đôi lúc trở thành gian dối, lừa phỉnh và trong chính trị trở thành tuyên truyền. Một thứ bạo lực ngôn ngữ, một thứ vũ khí như con dao, khẩu súng. Chẳng hạn chữ Việt gian thời Việt Minh, hay chữ tay sai Cộng Sản thời bây giờ.
Với cái nhìn nhân bản thì chữ nghĩa có một cuộc sống , có dòng sinh mệnh, có thể mất, có thể còn, trôi nổi như đời sống một người. Nhiều chữ nay đã chết, nằm chôn vùi trong nghĩa địa của các Bảo tàng hay sách cổ. Nói ra cũng ngậm ngùi.
Xin trích dẫn một số chữ nghĩa làm bằng chứng về sự mất còn này. Trong lời mở đầu báo Nam Kỳ địa phận, số đầu tiên, năm 1907 có những câu như sau :
" Bổn báo kỉnh cáo, tòa báo đã ước ao cho con nhà Annam, đua nhau tấn tài, tấn đức, thông phần đạo, ngoan việc đời… Tờ báo có ý khai đàng văn minh cho nhân dân đặng tấn phát cho mọi bề, việc đạo việc đời đều thông thuộc."

Xin trích dẫn một đọan khác :

"Lời rao cần kíp. Bổn báo gửi cho mỗi người hai số nhựt trình đầu hết mà xem thử, như ai bằng lòng mua thì đem ba đồng bạc đến mượn cha Sở mua dùm.."

Trong một trả lời bạn đọc, chúng ta nghe thử lời rao sau đây :

" Bổn báo có nhận được một mandat của một ông nào đó không đề tên, không đề địa chỉ, nhưng yêu cầu gửi báo "
Tức cười thật. Nhưng 25 năm sau, trong tờ L'Impartial viết vào ngày 20-11-1929, ta thấy lối viết đã nhẹ nhàng thông thoát hơn :

" Sự giải phóng người Annam về phương diện thương mại và kỹ thuật chỉ là một huyền thoại."

Bạn đọc thấy có nhiều chữ được sử dụng cách nay một thế kỷ đã không còn được dùng nữa như bổn báo kỉnh cáo, nhựt trình, con nhà Annam, tấn tài tấn đức, khia đằng văn minh. Nhưng có nhiều chữ vẫn được dùng cho đến ngày nay như Chữ Cha Sở và nhất là những chữ khá chuyên môn cách nay 70 năm như giải phóng, phương diện thương mại và kỹ thuật, huyền thoại vẫn còn được dùng. Nhất là chữ Huyền thoại mà người viết có cảm tưởng là nó chỉ được dùng sau này trong Triết học Tây Phương mà thôi. Hóa ra nó đã có một nguồn gốc lâu đời đến thế.
Trong những chữ bị mòn, mất đi..ở trên. Vấn đề là tìm hiểu xem, tại sao chúng không còn được dùng nữa. Sự mất còn của một chữ trước hết là thói quen, rồi sự xói mòn, sự được dùng ít hay dùng nhiều, tính địa phương, sự sáng tạo của các nhà văn, nhà báo, dụng ý chính trị và cuối cùng là các cuộc di dân. Và đặc biệt nhất là cuộc di cư năm 1954 cũng là mục tiêu của bài viết này.



Phần 2. Cuộc di cư của chữ nghĩa.



Cuộc di cư năm 1954 không phải chỉ là vấn đề chính trị của một tập thể người chọn lựa một thể chế chính trị. Điều đó đúng nhưng không đủ. Một triệu người di cư chuyên chở theo cả một nếp sống văn hóa, phong tục, tôn giáo, cách làm ăn, cách suy nghĩ sinh sống, tính nết và cuối cùng cách ăn cách nói. Chữ nghĩa đã làm một cuộc di cư không tiền khoáng hậu trong lịch sử của người Việt từ Bắc vào Nam.
Khi lần đầu tiên tiếp xúc lại với chữ nghĩa miền Bắc sau 20 năm xa cách. Người viết có cái cảm giác sung sướng đến ngạc nhiên, đến bỡ ngỡ vì nhớ lại những chữ nghĩa tưởng chừng đã quên nay nhớ lại. Sau bao năm xa cách, hình như bắt lại được mình, nối lại được dĩ vãng thân thuộc, gần gũi. Chẳng hạn, lúc đọc nhà văn miền Bắc Vũ thư Hiên trong cuốn Miền Thơ ấu và nhất là cuốn Chuyện ở tỉnh lỵ, hay Tô Hoài trong O chuột (1942), Nhà nghèo (1944) và nhất là Cát bụi chân ai (1992), Nguyên Hồng, trong Cửa Biển, Nguyễn Tuân Người Lái đò trên sông Đà, Nam Cao với Chí Phèo, Đôi mắt. Nguyễn Khải với Mùa lạc. Lê Lựu với Một thời xa vắng. Và gần đây thôi Nguyễn khắc Trường với Mảnh đất lắm người nhiều ma. Họ, những nhà văn, đã làm sống lại từ trong mồ nhiều chữ mà người viết đã nghe, hoặc chính mình đã dùng và nay đã quên, đã không dùng nữa. Người viết cảm động như một khám phá, như một sưởi ấm lại ký vãng đã quên. Chẳng hạn thay vì nói, ông ấy bệnh nặng, sắp chết, hay ông ấy đang hấp hối, đã cấm khẩu, tay bắt chuồn chuồn. Nhưng hạ một câu : Ông ấy sinh thì rồi thì đã quá. Và cứ như thế dàn trải ra khắp các cuốn sách quê hương cũ tìm về, dấu chân kỷ niệm và niềm thơ ấu sống lại.
Chữ nghĩa như có hồn được vực dậy, thổi thêm sinh khí. Phần lớn những thứ chữ này có vào thời tiền chiến và gần như bị * đoạn tuyệt * vơi TLVĐ. TLVĐ chẳng những đoạn tuyệt với phong tục, nếp sống cũ mà cả với chữ nghĩa cũ nữa. Như vậy, song song với nhóm TLVĐ, vẫn còn sót lại một dòng văn học ngược chiều với nhóm Văn Hoá Ngày nay và cứ thế nó kéo dài đến bây giờ. Và một lần nữa, nó lại phải đương đầu với những nhà văn trẻ, thế hệ sau 1975, thế hệ sau cởi trói hay sau nữa Hậu Hiện đại.
Cũng một cách thức tương tự, người ta tìm thấy ở miền Nam với Nhóm Sáng Tạo đổi mới nội dung, giải phóng chữ nghĩa bằng cách sử dụng những từ có vóc dáng triết lý thời thượng. Bên cạnh đó có một dòng chảy văn học chữ nghĩa như khe suối nguồn, lau lách, rỉ giỏ giữ lại cội nguồn, giữ lại bản sắc của mình với Sơn Nam, Bình nguyên Lộc và đặc biệt nhất là nhà văn Lê Xuyên. Đây là một hiện tượng văn học có vóc dáng và đáng nể.
Nhưng chuyện phải đến đã đến. Càng đọc các nhà văn miền Bắc, càng thấy chữ nghĩa mất nhiều lắm. Đếm không hết, nói mấy cũng không đủ.


Luật của đa số
 


Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài. Coi vậy mà đúng lắm. Người mới đến phải vào khuôn, phải thích ứng, phải hội nhập. Sức ép của đa số buộc người mới tới vứt lại hành lý mang theo. Ngôn ngữ, tiếng nói phải vứt dầu tiên vì nó khác người ta quá. Tiếng nói là cái phải điều chỉnh đầu tiên. Phải vặn lại đinh ốc hàm dưới, điều chỉnh lưỡi, điều chỉnh tần số âm thanh ở tai, nhất là một thảo trình mới cho bộ óc. Càng ít, càng thiểu số, càng vào nhanh, càng giống khuôn đúc (4). . Cái mà còn giữ lại cuối cùng là giọng nói.
Thoạt đầu là các chữ chửi của dân miền Bắc vốn là sắc thái văn hoá bản địa. Đặc thù và cá biệt. Ai chửi hay và chửi có bài bản, có nghệ thuật, có vần điệu, ví von, có tay nghề bằng miền Bắc. Chửi hay như thế nên có kẻ làm nghề chửi thuê kiếm ăn. Chẳng hạn, trong chuyện Chí Phèo của Nam Cao, Chí Phèo chửi để lấy tiền uống rượu đến tay sừng sỏ trong làng như lão Bá cũng chào thua. Có những chữ nghĩa thuộc loại anh chị, chửi có tay nghề ở miền quê nghênh ngang lên tầu há mồm, coi ai chẳng ra gì. Vậy mà vào đến miền Nam gặp anh Hai ở cầu Ba Cẳng hay bến Tầu Sàigòn, chị Ba Cầu Muối, Chị Năm chợ cá Trần quốc Toản đành tắt tiếng. Các chị chữ nghĩa miền Bắc vẫn có thói quen đứng dạng háng, tốc váy, hoặc vỗ đồ bồm bộp đứng xo ro một góc khi nhìn thấy những thằng cha bự tổ trảng, cởi trần, cười thì mồm vàng choé những răng vàng. Không im tiếng sao được. . Tiếng chửi thề của tay anh chị miền Nam không có lời đáp trả. Tiếng chửi tục (5) biết thân, biết phận tan hàng.
Tất cả những tiếng chửi tục đủ loại đã có một thời khét tiếng tỉ như Tiên sư bố, tiên sư cha, tổ sư cha. Không bao giờ được nghe nữa. Chả bù với ở miền Bắc, nhớ lại các anh chị chữ nghĩa này chửi ra rả cả ngày, cả đêm không ai dám đụng đến.
Trong suốt 20 năm sống ở miền Nam, sống chung đụng với dân miền Bắc, người viết chưa nghe. Cùng lắm, nghe chửi trên Tivi vào những dịp tết.(6)

------------------------------------------------------------

Người viết đã sống một thời gian ở các vùng Dầu Tiếng, nơi mà dân Bắc vào làm phu cạo mủ. Nơi đây, không có một dấu tích dù là nhỏ cho biết họ là gốc Bắc nữa. Tiếng nói, giọng nói, cách ăn mặc, tập tục tan hòa loãng vào cái bản chất miền nam. Cũng không có tháp chuông nhà thờ, mái chùa, không có đình đám, không hội hè. Giải trí duy nhất của họ là lâu lâu một gánh hát vọng cổ ghé qua. Họ biến chất hoàn toàn.
Chửi là một phong tục, hay thói quen của người miền Bắc. Chửi trở thành một nghề như chửi thuê, khóc mướn. Vì thế chửi cần có tay nghề, chửi có bài bản, lớp lang, bới móc chuyện xưa cũ, nguyền rủa đến tam tứ đại. Đàn ông thường chỉ là văng tục, còn đàn bà chửi tục như một nghề. Một trong những người viết về phong tục người miền Bắc là ông Toan Ánh qua nhiều tác phẩm như Phong tục Việt Nam, Nếp xưa, Bó hoa Bắc Việt vv Rất tiếc, ông né tránh vấn đề chửi tục.
Giữa chửi thề trong Nam và chửi tục miền Bắc, theo tôi, có sự khác biệt. Người Nam chửi thề vô tội vạ, chửi bất cứ lúc nào, nhất là trong lúc nhậu nhẹt, lúc vui, chửi mà không nhằm đối tượng nào, nhất là không có dụng ý bôi nhọ. Người Bắc chửi thường nhắm đích danh người nào và thường trong lúc giận dữ, có dụng ý. Vì thế, tiếng chửi miền Bắc coi ra nặng nề hơn tiếng chửi thề. Lại nữa, chửi tục ở miền Bắc, sản phẩm của chế độ phong kiến


------------------------------------------------------------

Thứ đến các chữ liên quan đến bộ phận sinh dục, các hành vi liên quan đến chuyện sinh lý, bài tiết, đến chuyện ăn nằm giữa hai vợ chồng. Người Bắc có văn hoá cao, tránh cái thô tục không cần thiết nên đã có trăm cách, trăm lối diễn tả xa xôi, bóng gió được coi là tao nhã. Vào trong Nam dẹp hết tất tần tật. Cái nào ra cái nấy phân minh, đơn giản và vắn gọn. Đi cầu là đi cầu. Không bầy đặt hoa hòe, hoa sói. Cái đơn giản, cái thực tiễn không hàm ngụ, không gợi ý đôi khi lại thanh tao gấp mấy lần cái thanh tao thứ thiệt.

Tính chơn chớt , thật thà, có sao nói dậy đánh văng chữ nghĩa miền Bắc.

Bên cạnh chửi tục, người Bắc còn có lối nói mát, nói mỉa, nói xéo, chê bai cũng độc địa lắm. Chửi cha không bằng pha tiếng là vì vậy. Những lối nói này sử dụng trong những liên hệ, tương quan gần như người quen thuộc, người làng, người hàng xóm, bạn bè. Nó có nhiều cấp độ từ chê bai, khinh bỉ, trách móc, coi thường giận hờn, bực bội.. Nó chứa chất chút gì độc ác, bơi móc từ tính nết chi li từng cử chỉ, gia cảnh, cái nghèo, cái đói, cái bần tiện, rạch ròi từng cái dốt nát, cái ngu xuẩn, cái kém cỏi, cái độc ác của mỗi người.


- Tỉ dụ nói mỉa mai :


Cái mặt nó vác lên, trông nó đú đởn, ăn cơm hớt ấy, cho chó ăn. Thường sự mỉa mai nhắm vào sự nghèo khổ, sự ăn uống, vào tính nết, về phái tính và sự đe dọa.


- Về nghèo khổ :


Dân miền Bắc túng quẫn nên lấy cái ăn, cái uống làm đầu. Lúc giận rủa nhau cũng mang cái ăn uống ra mà nhiếc móc nhau kể cũng không lấy làm lạ. Tỉ dụ diếc móc người ta như : nghèo rớt mồng tơi, nghèo lõ đít, thí cho nó tý tiền, cứ gọi là đói vàng mặt, đói rã họng. Nghe những chữ diếc móc trên đôi khi đau lòng còn quá chửi. Vì thế, người đời mới sợ tiếng diếc móc đến cầm bát cơm lên ăn không nổi..Vì thế có tâm trạng khác nhau : Khi nghe chửi, ta thấy tức giận, khi bị diếc móc, ta cảm thấy nhục. Từ tâm trạng đó kéo ra hai lối phản ứng. Khi bị chửi, ta chửi lại hoặc muốn đánh trả lại, ăn miếng trả miếng trong tương quan bình đẳng và rất có thể tương quan bất bình đẳng, kẻ yếu chửi kẻ mạnh. Nhưng khi bị diếc móc, bị sỉ nhục thì tương quan lệch, kẻ trên-kẻ dưới, nên nạn nhân hầu như

------------------------------------------------------------

của một xã hội bất công, bị chà đạp, không có công lý. Không dễ dầu gì kiện tụng. Chửi là một bù trừ cho pháp luật, trả lại lẽ công bằng cho kẻ thua, kẻ mất, kẻ thiệt thòi. Dĩ nhiên, không thiếu trường hợp cha chửi con. Nhưng cứ lý ra, lý giải trên vẫn có cơ sở.
 ------------------------------------------------------------

không có đòn để đỡ, vì yếu thế không dám đáp trả, cam chịu ẩn nhẫn và cùng lắm nuôi hận trả thù. Cho nên, về mặt tâm lý, bị diếc móc vẫn đau hơn bị chửi. Thông thường những người có văn hoá, những người có địa vị, ở trên người khác có giáo dục thường ít chửi mà nói diếc, nói móc, nhẹ hơn là nói bóng , nói gió..(7)


Về tính nết :


Phải quen biết, phải qua lại mới biết nhau, biết từ chân tơ kẽ tóc, đến lúc giận hờn thì mang tính xấu người khác ra rủa. Chẳng hạn rủa : mắt ông viền cải tây rồi, đồ thông manh, trông vậy mà đáo để ra phết, đồ ông mãnh, cứ giãy .. lên như đĩa phải vôi, nhanh nhẩu đoảng, lanh cha lanh chanh. Tất cả những lối nói trên đều dựa vào một sự vật, vào một biểu tượng cụ thể có thật để gợi lên một ý tưởng xấu. Biến cái cụ thể thành một ý niệm trừu tượng(8)
Cả một nếp sống văn hóa, truyền thừa, kinh qua kinh nghiệm mới nhận ra cái tế vi, cái dị biệt mà biên giới nghĩa chỉ cần xảy chân một cái là dùng sai, hiểu sai. Xử lý đúng chỗ, đúng trường hợp hẳn không phải là dễ. Đồ thông manh thì nặng hơn mắt ông viền cải tây. Đồ cám hấp thì nặng hơn đồ dở hơi. Đồ láu cá láu tôm thì nặng hơn đồ ông mãnh. Nói không đâu vào đâu thì khác nói chua như giấm. Cân nhắc vụ việc, đánh giá từng trường hợp, xử lý người – việc – rồi dùng từ.. thích đáng.

------------------------------------------------------------

(7) Tùy theo trường hợp, còn những chữ diếc móc tuỳ thuộc cấp độ nặng nhẹ tùy thuộc rất nhiều vào tình huống, vào giọng nói, và nhất là vào người nói. Có những điều rơi vào miệng người này nó nặng trở thành chết người, nặng như búa bổ. Nhưng ở người khác thì lại chấp nhận được. Chắc là nhiều người đã có kinh nghiệm mấy bà mệnh phụ gốc Bắc, chỉ cần bà khen chê, kéo lê cái giọng thưỡn thẹo mà người viết ở đây đành chịu không cách chi mô tả cho đúng được. Cứ thử rồi biết. Chẳng hạn : ăn phải đũa nhà người ta, đồ ăn bám, thứ đó được mấy nả, theo voi ăn bã mía, có khối nó chịu nhả cho đấy, đồ đi bòn của, đồ tha phương cầu thực. Cho ăn uống ở nhờ đến lúc canh không lành cơm không ngọt thì rủa : ăn mòn đũa mòn bát nhà người ta, ăn chậm như sên, bà ấy nói như móc họng đến gần phải mửa cơm ra mà trả lại, thôi thì cũng phải vắt mũi đút miệng, được bữa hôm lo bữa mai. Tất cả những lối diếc móc, nói bóng nói gió chẳng hiểu bằng cách nào chúng biến mất. Người viết cũng không hiểu tại sao nữa.

(8) . Con đĩa giẫy trở thành ý niệm cứ quýnh cả lên. Và cứ như thế có những chữ khác cũng theo quy trình đồ vật – ý niệm như : đồ nỡm, thằng nỡm, đồ giở quẻ, nó cứ trêu ngươi, dấu như mèo dấu cứt, cứ ngồi chầu hẩu ra đó, tưởng kín bưng kỳ tình ai cũng biết, nói chua như giấm, chua lòm lòm, nói không đâu vào đâu, không có đầu cua tai nheo gì, thằng đó ba lăng nhăng, chẳng đâu vào mới đâu, làm gì cũng lau cha lau chau, đồ láu cá láu tôm, cứ lững tha lững thững, đứa nhãi ranh, vênh vênh váo váo.
Chữ theo voi ăn bã mía gợi lên một văn ảnh rõ rệt : theo đuôi chỉ ăn đồ thừa, đuôi thẹo. Các chữ như : chỉ đâm ba chầy củ, đồ láu cá láu tôm, vênh vênh ngậu xị lên, đồ cám hấp, ngu như lợn, đồ miệng năm miệng mười, đồ dở hơi, quá thể lắm, đồ phải gió ở đâu, chuyên môn nói kháy, nói leo, cái giống nhà mày, thứ đó được mấy nả, trốn như trạch, đồ thông manh, đồ ông mãnh, đồ đi bòn của. Mỗi chữ đều gợi lên một văn ảnh và không chữ nào giống nghĩa chữ nào .

------------------------------------------------------------

Tất cả đòi hỏi sự khôn ngoan, tính toán và trải đời. Đó là thứ văn hoá chửi mà không ăn mòn bát mòn đĩa ở miền Bắc không hiểu thấu đáo được. Vào đến miền Nam sau này, người dân miền Nam với nếp sống giản dị đã trấn áp người miền Bắc, quy kết là khôn ranh. Bỏ đi Tám. Đù má, nói gì thì nói mẹ nó đi cho rồi, vòng vo tam quốc hoài, mệt quá. Vậy là phải dẹp cái thói xỏ xiên, văn hoa chữ nghĩa. Người miền Bắc di cư chỉ có mỗi một con đường trong lối sống và cư xử mới là dẹp bỏ tất cả những từ chửi bới, diếc móc ở trên. Vì thế, mấy ai còn nhớ đến những lối diếc móc trên.

- Về phái tính :

 Người phụ nữ miền Bắc vốn là nạn nhân của nhiều thứ, của đủ thứ đến cái gì xấu đích thị là của phụ nữ. Đến cái gì khen thì thật sự cái đó có lợi cho đàn ông. Khen tứ đức tam tòng là lời khen chết người, buộc chặt, trói chân người phụ nữ thành tên nô lệ không công. Khen tiết hạnh khả phong là lời khen trớ chêu nửa khóc, nửa cười. Khen trinh tiết làm đầu là một lối khen họan, khen thiến không hơn không kém, chẳng khác gì hoạn quan. Nói tách bạch ra, con C… là chúa, là vua.

Nhưng những lời nguyền rủa quả không thiếu mà có thừa. (9)

------------------------------------------------------------

(9) Những lời nguyền rủa cũng lấy nữ giới làm đối tượng, mà đặc biệt do chính đàn bà rủa đàn bà. Quan niệm trọng Nam, khinh nữ của thời phong kiến tồn tích lại đẩy xô thân phận phụ nữ thành một phụ phẩm thấp kém, hèn hạ dựa trên những thói đời bất công, dựa trên nền đức lý hủ lậu giả hình, man trá đẩy họ xuống đất bùn. Chẳng hạn có những câu diếc móc nhẹ nặng đủ thứ, đủ kiểu xuất phát từ tâm địa độc ác, hận oán : người đâu có thứ người..sáng bảnh mắt còn nằm trương xác ra. Đàn ông nằm đến bảnh mắt thì không sao cả. Dậy muộn cũng là một tội lỗi. Hoặc nặng hơn nữa : đồ thối thây, nó bơi tro trát trấu vào mặt, con gái con đứa,  cô ấy cong cớn, những cô này mới nứt mắt nảy nòi mà sao giống những mụ nạ dòng già đời, da dẻ nó hon hỏn thế này. Tất cả đều nhắm vào phái tính hay đĩ tính : õn à õn ẹo, đanh đá lắm cơ, một cô gái giăng hoa, một lũ lĩ con gái, chửa buộm ( chửa với người khác không phải với chồng), chó dữ mất láng giềng, dâu dữ mất họ, mẹ cái hĩm, con bé tình ra phết, mà phải biết là đỏng đảnh
.
 Chưa chồng có cái khổ riêng lại thêm cái khổ của miệng lưỡi thế gian : Già kén kẹn hom . Ăn mặc lơ đễnh một chút cũng khổ : cái yếm xẹo xọ để trật ra cái sườn nây nẩy, cái người đàn bà dại dột đã nằm ềnh ệch ra đấy, nói dại nếu mày chửa thì ăn nói làm sao, cái yếm cổ xây thật trắng, cái quần lụa buông chùng xuống tận gót, ăn bận sang đến cô đầu cũng không ăn đứt, nó nhân tình đến trăm thằng, bọn lý dịch chẳng anh nào không thậm thọt ra vào nhà nó, nó mặc áo cánh xát xí, nào yếm vải phin, nó tơ tuốt ghê lắm (diện). Diện cũng chết mà không diện cũng chết : chết nỗi không tơ tuốt, chồng nó chê, con đó phải lòng thằng khác, nó chỉ nhong nhóng suốt ngày, cơm bưng nước rót đến tận mồm, nó lẳng lơ và nhẹ dạ, hai con rồi mà vẫn còn trẻ mau máu, trai làng hay chớt nhả và bẻm mép, cô gái mỏng mày ngày xưa bây giờ là đàn bà sồ sề, cô ấy chúa đời là khỏe.Thiệt là khổ. Khổ đầu, khổ đuôi, khổ trên , khổ dưới, càng dưới càng khổ.

Sưu tầm từ
© http://vietsciences.net   và  http://vietsciences.free.fr Nguyễn Văn Lục

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét