Translate

Thứ Năm, 18 tháng 7, 2019

THỜI GIAN CHIẾT XUẤT ESPRESSO

THỜI GIAN CHIẾT XUẤT ESPRESSO
Thời gian là biến ít được tác động đến nhất kỹ thuật Espresso. Yếu tố này được đo bằng giây, từ khi máy bơm chạy và kết thúc lúc máy bơm dừng lại. Mặc dù trong lịch sử, Espresso có nghĩa là “phô bày”, nhưng làm nên danh tiếng loại cà phê này lại là khả năng “nhanh chóng”. Khi lần đầu tiên cà phê được pha bằng máy chưa tới một phút ra đời vào thế kỷ 19. Ngày nay, các máy Espresso cần khoảng 30 giây để trích xuất mọi hương vị từ cà phê, vậy đã bao giờ bạn tự hỏi tại sao lại là 22, 30, hay 40 giây?
1. TỔNG QUAN VỀ THỜI GIAN CHIẾT XUẤT
Trong phạm vi thời gian, có hai vấn đề khác nhau mà chúng ta cần cân nhắc một cách tách biệt. Việc đầu tiên liên quan đến là những thành phần trong cà phê mà nước có thể hòa tan. Vì mỗi thành phần khách nhau (các loại đường, axit, phenol, chất béo…) tốn những khoảng thời gian khác nhau để hòa tan trong nước.
Vấn đề thứ hai liên quan đến việc nước thực hiện quá trình trên như thế nào, hay chính xác hơn là quá trình mà nước đi qua, tiếp xúc với khối cà phê dễ dàng hay bị cản trở. Đây là nội dung mà chúng ta sẽ đi sâu hơn.
↔️Trong hầu hết các trường hợp, thời gian chiết xuất là yếu tố quyết định hương vị Espresso, song yếu tố này lại trực tiếp chịu hưởng bởi nhiều yếu tố khác trong quá trình pha chế. Và việc thay đổi thời gian trực tiếp trên máy, lại không hẳn là một phương pháp được khuyến khích thực hiện.
🎗️Các lưu ý về thời gian chiết xuất Espresso
Dưới áp suất và nhiệt độ “khắc nghiệt” được tạo ra bởi máy Espresso, nước sẽ liên tục rữa trôi cho đến khi không còn gì trong cà phê có thể hòa tan được nữa. Đa phần Espresso trong các quán cà phê ngày nay sẽ được chiết xuất trong khoảng thời gian từ 22 đến 40 giây. Và hầu hết các máy hiện đại được lập trình ở đâu đó trong khoảng từ 25 đến 32 giây (baristahustle.com)
✔️Nếu được chiết xuất quá nhanh, Espresso có xu hướng nhẹ hơn (lighter body) và độ chua cao hơn với hương vị hoa quả tươi mới hơn (nếu cà phê tốt). Espresso được chiết xuất chậm hơn sẽ mang xu hướng đậm vị hơn (heavier) có thể đắng chát, mang mùi khói (smoke). Đây không phải là một quy tắc cứng nhắc, nhưng chắc chắn sẽ áp dụng cho hầu hết các loại cà phê.
✔️Bạn cũng cần lưu ý rằng, thời gian chiết xuất càng dài thì tỷ lệ chiết (Extraction yield) cũng không thể cao hơn và ngược lại. Tỷ lệ chiết xuất không tuyến tính với thời gian mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như độ xay, nhiệt độ,…
2. NHỮNG YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN THỜI GIAN CHIẾT XUẤT.
Nếu quy chất lượng Espresso thành một hàm số chất lượng ta sẽ có F(chất lượng) = ax*by*cz*… trong đó các biến đo lường (x,y,z..) phải kể đến bao gồm nhiệt độ pha chế, áp xuất, độ nhuyễn… và nhiều yếu tố khó đo lường khác như chất lượng máy pha, phẩm chất cà phê, các thao tác kỹ thuật của barista,…
Tất cả các biến trên đều tác động tương hỗ lẫn nhau, bạn không thể tách rời ảnh hưởng của biến nào so với các biến còn lại trong hàm số chất lượng trên. Vì vậy nếu phải điều chỉnh một trong số chúng, Thời gian có thể là yếu tố bạn nên làm sau cùng – sau khi đã tinh chỉnh mọi yếu tố có thể tinh chỉnh khác. Vì suy cho cùng, dù bạn sử dụng thiết bị, công thức pha chế, hay kỹ thuật gì thì “nhất quán” luôn là tiêu chí hàng đầu. Hãy chắc rằng bạn làm ra 100 cốc cà phê đều tệ, hoặc tốt như nhau.
Và sau khi cân nhắc về tính nhất quán, bạn cần xem xét, tối ưu các yếu tố sau đây trước khi trực tiếp thay đổi thời gian của mỗi lần chiết xuất:
🥇Kích thước xay
Hãy tưởng tượng bạn có hai ống thủy tinh. Một là đầy đá, cái còn lại đầy cát. Bạn bơm nước qua các đường ống, ống chứa đá rõ ràng sẽ cho phép nước chảy nhanh hơn nhiều so với cát.
Hiệu ứng này tương tự với kích thước xay của cà phê Espresso. Kích thước xay càng nhỏ (nhuyễn) luồng sẽ càng chậm. Kích thước nghiền lớn (thô) luồng sẽ càng nhanh. Vì vậy bạn nên điều chỉnh tốt kích cỡ hạt xay trước khi bắt đầu pha để đạt được thời gian chiết xuất mong muốn.
🥈Bơm áp lực và lưu lượng của máy Espresso
Hầu hết các máy Espresso hiện đại được đặt ở áp suất 9 bar. Tuy nhiên nếu bạn sử dụng các dòng máy khó tính như Single Boiler (áp xuất và nhiệt độ dễ dao động), trong trường hợp áp suất bị hạ, Espresso của bạn sẽ chảy càng chậm. Xét về lưu lượng, đa phần các máy Espresso có lưu lượng nước dao động trong khoảng từ 250 đến 500ml / 30 giây. Với máy có lưu lượng thấp hơn chuẩn trên, bạn có thể cần nhiều thời gian để chiết xuất hơn, và càng khó định tính được biến đổi về hương vị.
↔️Tóm lại, trong trường hợp này bạn nên giữ áp suất và lưu lượng ổn định để tránh ảnh hưởng đến thời gian chiết xuất “chuẩn”, vì các biến đổi hương vị khi sớm hơn hoặc chậm hơn 10 giây rất khó lường trước.
🥉Phễu lọc (Baskets)
Các phễu lọc là bộ phận giữ lại cà phê và cho dòng nước được nén xuống bởi máy bơm đi qua. Giống một cái rổ, phễu lọc có một hệ thống lỗ rất nhỏ, và tổng diện tích lỗ lọc TOA (Total Open Area) càng lớn thì chiết xuất sẽ chảy nhanh hơn. Các bộ phễu lọc hoàn toàn có thể thay thế và dễ mua trên thị trường, nên dựa vào phụ kiện này bạn sẽ tác động đáng kể vào thời gian chiết xuất Espresso.
Qua đó, các bạn có thể thấy mấu chốt để làm chủ thời gian chiết xuất hoàn toàn không phức tạp như áp suất máy bơm hay phễu lọc, ngược lại – Cỡ xay của hạt cà phê mới thực sự quan trọng.
3. GIÁN TIẾP TÁC ĐỘNG VÀO THỜI GIAN CHIẾT XUẤT
Quay lại với cỡ xay cà phê như đã đề cập, chúng ta hãy xem xét ví dụ này. Bạn có một tay pha định lượng 20g cà phê và trong 25 giây thần thánh bạn đã kéo ra một shot 40ml. kết quả trong cốc là một hỗn hợp loãng, nhạt và chua gắt. Loại cà phê Espresso này rõ ràng quá yếu với nồng độ chiết xuất thấp. Để khắc phục tình trạng này ta sẽ có hai kịch bản (giả định bạn thao tác tốt với mọi trường hợp):
🥇Trường hợp 1, Thay đổi tỷ lệ pha chế để kéo dài thời gian chiết
Nếu bạn nghĩ có thể khắc phục điều này qua việc thay đổi thể tích chiết xuất thì hết sức nguy hiểm, nó nghiêm trọng như “động chạm” đến “mã nguồn” của Espresso. Nếu bạn chiết nhiều hơn hoặc ít hơn 10 – 20ml thì thành phần và tỷ lệ chất hòa tan trong cà phê sẽ thay đổi, kéo theo tỷ lệ chiết xuất thay đổi. v.v. Điều này thực sự rắc rối, nhưng khả thi với các máy Espresso có thể tùy biến lưu lượng nước cộng với bạn bạn có khả năng làm chủ tốt tỷ lệ pha Espresso – nhưng đấy là thay đổi tỷ lệ pha chế, chứ không chỉ là thay đổi thời gian chiết.
🥈Trường hợp 2, Thay đổi cỡ xay của cà phê
Tuy nhiên, khi áp dụng chế độ xay mịn hơn, cà phê trong basket sẽ được nén “chặt” hơn, khi nước len lõi qua lớp bột dày đặc sẽ kéo theo nhiều thành phần hào tan vào cốc, vì vậy một cách gián tiếp bạn đã kéo giãn thời gian chiết xuất ra vài giây đồng thời giúp tăng nồng độ chiết xuất. Cuối cùng, bạn có một cốc Espresso với hương vị có xu hướng cân bằng và độ chua sẽ được cải thiện đáng kể.
Đó là lý do vì sao bên cạnh việc đầu tư vào máy Espresso hiện đại, tập trung làm chuẩn thao tác dose, goming, tamping, các barista cũng cân nhắc lựa chọn và không nao núng dành một chi phí lớn cho máy xay cà phê đồng thời làm quen với việc tinh chỉnh độ nhuyễn ở mức 1/10 milimet, duy trì tính nhất quán… Tất cả chỉ để không còn bất kỳ sai sót nào trên lớp cà phê khi đã đưa Portafilter vào Grouhead, và chiết xuất.
↔️Chốt lại nội dung bài với hàng sa số ví dụ này, ta nên ghi nhớ, ghi nhớ và ghi nhớ: Luôn hạn chế thay đổi thời gian chiết xuất và các tỷ lệ cà phê / thể tích được thiết đặt sẵn. Nếu cần, chỉ tác động vào độ nhuyễn của cà phê, nhiệt độ, áp xuất và chuẩn chỉnh các thao tác.
P/s: Dù bài viết có dài, và nặng tính lý thuyết. Song, đây là 1 kiến thức nền tảng cho các bạn mới bước vào nghề Barista, cũng như các bạn Farmer, Roaster tham khảo. Rất mong được sự đóng góp ý kiến, cũng như chia sẻ kiến thức này từ các bạn.
Nguồn:
www.baristahustle.com/ Espresso Recipes: Time
Prime Coffee

Thứ Năm, 11 tháng 7, 2019

YÊU CẦU KỸ THUẬT KHI XAY CÀ PHÊ CHO ESPRESSO

YÊU CẦU KỸ THUẬT KHI XAY CÀ PHÊ CHO ESPRESSO
Mỗi hạt cà phê sẽ đi qua máy xay trước khi bắt đầu với bất kỳ phương pháp pha chế nào, và nếu công đoạn xay cà phê không tốt, nhiệt độ do ma sát cao sẽ làm cà phê bị cháy, tạo ra nhiều hạt mịn (fine) hay cỡ hạt không đồng đều thì loại cà phê của bạn dù tốt đến đâu đi nữa thì cũng đã bị phá hỏng từ giai đoạn này, đặc biệt là đối với Espresso dù có đầu tư vào máy pha chế hay dựa vào tay nghề Barista thì cùng không thể cải thiện chất lượng vì cà phê được xay quá kém – đây là lúc cần nhìn lại tầm quan trọng thực sự của việc xay cà phê.
↔️"Nhắc đến xay cà phê, ta phải tập trung vào hai yếu tố chính là: Tính nhất quán và khả năng điều chỉnh độ nhuyễn".
XAY CÀ PHÊ CHO ESPRESSO NHƯ THẾ NÀO?
Mọi thứ khởi đầu khi bạn có một loại cà phê tốt và đã thuần thục các thao tác cần thiết để làm ra một cốc Espresso, cũng như khả năng kiểm soát đầy đủ các khía cạnh cạnh kỹ thuật từ nhiệt độ pha chế đến áp suất.. nhưng sau cùng, có vẻ chất lượng Espresso vẫn chưa như kì vọng. Đây lúc bạn nên kiểm tra chất lượng của cà phê được xay đã đáp ứng cho quá trình chiết xuất hay chưa? Trong đó sẽ có hai vấn đề bạn cần xem xét:
🥇Hạn chế làm nóng bột cà phê khi xay
Xay cà phê là quá trình hạt bị phá vỡ, và nghiền nhỏ bởi tác động của rất nhiều lực, trong đó có tác dụng rất lớn của lực ma sát, quá trình này làm cho cả lưỡi dao và cà phê bị nóng lên. Nếu nhiệt độ quá cao, cà phê sẽ bị khét dẫn đến sự biến đổi và khuếch tán các phần hương vị sẵn có. Thêm vào đó, còn làm cho dầu từ hạt cà phê tiết ra nhiều gây vón cục, nên khi đưa vào chiết xuất, sẽ có những khu vực cà phê bị khô (Do những phần bị vón cục không thấm được nước sôi) làm cho chiết xuất không đều.
🥈Kích thước hạt đồng nhất (Particle Size Distribution – PSD)
Đây là yếu tố thể hiện chất lượng của máy xay. Máy càng tốt hạt xay càng đồng đều. Ngược lại máy càng kém, chênh lệch kích cỡ hạt càng lớn, hơn nữa tỉ lệ hạt bụi (Fine) và hạt lớn (Boulder) sẽ cao hơn. Cả hai trường hợp quá nhiều hạt bụi hoặc quá nhiều hạt to đều làm chiết xuất có xu hướng hoặc đậm vị hoặc quá nhạt và mất cân bằng trong hương vị.
Nếu kích thước cà phê sau khi xay chênh lệch quá lớn, khi đưa vào chiết xuất dòng nước dưới áp suất lớn luôn len qua những nơi ít bị cản trở nhất (nơi tập trung hạt lớn) so với phần phê còn lại và gây ra hiện tượng chiết xuất không đều. Hiện tượng dòng nước len qua những “kênh lưu dẫn” này gọi là Channeling và có thể hạn chế bằng một số thao tác kỹ thật khi làm Espresso (ở bài trước).
ẢNH HƯỞNG CỦA HẠT MỊN ĐẾN CHIẾT XUẤT ESPRESSO
Esperesso sử dụng một cỡ hạt khá mịn, và chỉ lớn hơn cỡ hạt cho phương pháp pha chế truyền thống của Thổ Nhĩ Kỳ (Ibrik, cà phê được xay mịn đến mức nấu chung với nước mà không cần lọc). Vì vậy trong hầu hết các trường hợp chất lượng chiết xuất Espresso thường chịu tác động bởi các hạt quá mịn (fine) hơn là các hạt to.
Fines là những hạt siêu nhỏ sinh ra khi ta xay cà phê (Đường kính nhỏ hơn 50 micromet). Fines có vai quan trọng trong chiết xuất Espresso. Với một lượng fine hợp lý trong quá trình chiết xuất, dưới tác dụng của áp xuất lớn, các hạt này sẽ theo nước duy chuyển xuống đáy basket tạo thành một lớp phủ tự nhiên, ngăn cản các dòng chảy không đều (Channeling) giúp cho chiết xuất ổn định, hương vị cân bằng hơn. Trong khi đó, Nếu tỷ lệ hạt mịn quá nhiều, dòng chảy sẽ bị gián đoạn hoàn toàn dẫn đến tắc nghẽn (Compact layer).
Hiện tượng các hạt Fine duy chuyển xuống dưới trong quá trình chiết xuất gọi là “Fines migration”. Vậy có cách nào hạn chế Fines migration? – Tất nhiên là có, bằng việc tăng áp một cách từ từ (Preinfusion) ở giai đoạn đầu của quá trình chiết chuất. Điều này được giải thích kỹ hơn trong bài Áp suất khi pha chế Espresso (sẽ được đề cập chi tiết trong bài kế tiếp). Ngoài ra ta có thể dùng lưỡi dao bén và lớn hơn, xay với tốc độ chậm hơn để hạn chế tối đa các hạt fine.
LỰA CHỌN MÁY XAY CÀ PHÊ CHO ESPRESSO
Một máy Xay Espresso tốt có giá trị hơn bất kỳ máy pha cà phê espresso nào. Vậy, làm sao để chọn máy xay cà phê tốt nhất cho chiết xuất Espresso?
Đây thực sự là một điểm cần lưu ý, nếu nhấn mạnh một cách khiêm tốn việc chọn máy xay cà phê cũng quan trọng như chính việc chọn máy pha Espresso. Khi chọn một máy xay kém chất lượng bạn sẽ không thể cứu vãn được chất lượng cà phê bằng máy pha hay tay nghề điêu luyện.
Song việc chọn máy xay cũng không quá phức tạp, hầu hết các máy xay cà phê thương mại trên thị trường đều thuộc một trong máy xay lưỡi dao (Blade grinders) hoặc máy xay dạng đĩa (Burr grinders).
🥇Dòng máy xay lưỡi dao (Blade grinders)
Nguyên lý hoạt động đơn giản như cái tên, với cấu tạo tương đối giống với các máy xay sinh tố tại nhà nên mình không mô tả thêm. Với thiết kế đơn giản dòng máy dạng này thường có giá cả phải chăng và dễ vận hành. Tuy nhiên chúng không cho phép người dùng kiểm soát được kích cỡ hạt cà phê khi xay và dễ dàng làm cháy cà phê nếu nghiền liên tục trong thời gian dài.
🥈Dòng máy bánh răng (Burr grinders)
Để cà phê xay tốt hơn, dòng máy Burr grinders là lựa chọn chuyên dụng. Cà phê sẽ bị nghiền vỡ giữa hai bánh răng, và dựa vào hình dạng bộ bánh răng ta sẽ có máy nghiền dạng nón (Conical) hoặc dạng đĩa (Flat), bạn có thể điều chỉnh vị trí của hai bánh răng để tăng hoặc giảm kích thước hạt nghiền, tỷ lệ đồng nhất cũng cao hơn. Vì vậy Burr grinders là dòng máy thích hợp cho Espresso hơn, song bạn phải chi trả nhiều hơn.
🥉Một số cân nhắc khi chọn máy xay cà phê
Như đã đề cập, Espresso đòi hỏi việc xay cà phê tốt hơn bất kỳ phương pháp pha chế nào, có nghĩa là máy xay cà phê của bạn phải làm việc rất nhiều và để đảm bảo chất lượng nhất quán đối với các loại cà phê có phẩm chất tốt, bạn cần cân nhắc thêm một số yếu tố:
✔️Đĩa xay lớn và sắc, để hạn chế tối đa hạt Fine khi xay và giúp cỡ hạt đồng nhất hơn (PSD tốt hơn?)
✔️Máy có vòng quay chậm (đề xuất RPM = 900 – 1100 vòng/phút ), để giảm thiểu ma sát làm tăng nhiệt độ, nếu có sử dụng quạt tản nhiệt thì càng tốt.
✔️Chất liệu của bánh răng, nếu làm bằng hợp kim titan thì siêu tốt, tiếp đến là thép, một số khác bằng Ceramic có tỷ lệ vỡ, “mẻ” cao hơn.
✔️Khả năng điều chỉnh độ nhuyễn: một số dòng máy cơ cho phép bạn điều chỉnh vô hạn, trong khi đó các máy điện tử được điều chỉnh theo các cấp bậc cài sẵn.
Hãy chia sẻ thông tin bài viết này đến cộng đồng!
Nguồn:
- Blog Baristaweapons
- Clive Coffee
- Rao Scoot (2013)
- Rao Scoot (2008)
- The Professional Barista’s Handbook

Thứ Năm, 4 tháng 7, 2019

THAO TÁC KỸ THUẬT KHI LÀM ESPRESSO

THAO TÁC KỸ THUẬT KHI LÀM ESPRESSO
Một trong những kỹ thuật cơ bản và đòi hỏi nhiều nỗ lực nhất khi làm Espresso là ở việc phân phối đồng đều lớp cà phê trong tay pha trước khi đưa vào chiết xuất. Nếu các thao tác cơ bản như san bằng (grooming), nén (tamping) hay gõ (tapping) không "chuẩn" sẽ dẫn đến khả năng hình thành các kênh lưu dẫn (channeling) làm chiết xuất mất cân bằng, hoặc tệ hơn là không có gì giống Espresso.
CHẤT LƯỢNG ESPRESSO PHỤ THUỘC VÀO THAO TÁC
Hầu hết chúng ta đều biết, Espresso là kết quả của việc nén nước nóng với áp xuất 9 bar qua một lớp bột cà phê. Nước nóng sẽ rửa trôi những thành phần có thể hòa tan và dầu trên bề mặt cà phê vào ly.
Đó là lý thuyết cơ bản về chiết xuất Espresso. Tuy nhiên, nếu bề mặt cà phê không cân bằng sẽ hình thành những đường rãnh (Channel) và dưới áp suất lớn sẽ làm cho dòng nước len qua những rãnh này nhiều hơn phần phê còn lại và gây ra hiện tượng chiết xuất không đều – gọi là Channeling (kênh lưu dẫn). Những khu vực nước len lỏi qua nhiều sẽ bị chiết rút đến vị đắng, trong khi đó các khu vực quá dày đặc nước không thể hòa tan hết hương vị, dẫn đến hương vị bị nhạt và nồng độ chiết xuất thấp.
↔️Nguyên nhân dẫn đến Channeling
Có thể tóm tắt các trình trạng tạo nên các kênh lưu dẫn như sau:
✔️Cà phê phân bố không đồng đều, có khu vực mật độ dày đặc, khu vực thì thưa thớt (giải quyết bằng thao tác Grooming)
✔️Bề mặt sau khi nén bị nghiêng – giống như máy nhà, nước sẽ tập trung chảy về khu vực thấp (thao tác Tamping)
✔️Giữa cà phê và thành basket có khoảng trống, nước dễ dàng len qua khe hở ấy (thao tác Tapping)
CÁC THAO TÁC KỸ THUẬT KHI LÀM ESPRESSO
Như vấn đề mình đã trình bày, chúng ta cần thực hành một số thao tác trước khi kéo một 1 shot Espresso như san bằng, nén, gõ. Nghe qua rất đơn giản và ai cũng có thể làm, nhưng cần phải làm đúng thì chưa đủ còn phải nhanh, sạch sẽ và nhất quán thì mới hiệu quả, nên ở đây ta sẽ gọi là "thao tác kỹ thuật".
1. Thứ nhất. San phẳng bề mặt – Grooming
Khi cà phê trút xuống tay pha từ máy xay, nó sẽ không tự nằm gọn gàng trong basket, vì vậy ta cần gạt đi lớp bột cà phê dư, đồng thời phân phối (dàn trải) khối bột cà phê cho phẳng và đồng đều. Rất nhiều Barista dùng chính ngón tay của mình để "gạt"cà phê thừa (Stockfleth) theo quy tắc 4 hướng vì nó nhanh, trông rất điệu nghệ, tuy nhiên...
✔️Thứ nhất. Không có ngón nào trong 10 ngón tay của bạn đủ “phẳng” cả, đồng thời ngón tay thì không đủ nhạy để cảm nhận mật độ cà phê nên kỹ thuật này rất thiếu nhất quán.
✔️Thứ hai. Tay bạn chỉ lướt trên bề mặt lớp cà phê chứ không thể ổn định cấu trúc phía dưới, có thể bằng kinh nghiệm bạn có thể dàn phẳng, nhưng nó ở lớp bề mặt. Và đồng thời, nếu làm không chuyên nghiệp sẽ trông không vệ sinh cho lắm.
Song, nếu cảm thấy chưa đủ điêu luyện và mất thời gian khi grooming bằng tay, bạn có thể tiết kiệm thời gian nhiều hơn với công cụ Grooming tool (OCD) được phát minh bởi Sasa Sestic (Barista Úc vô địch WBC) để thay cho việc Grooming bằng tay. Hay tự nghiên cứu một số dụng cụ có sẵn từ quầy pha chế của mình như clip sau:
2. Thứ hai. Nén – Tamping
Nhiệm vụ chính của thao tác Tamping là loại bỏ những khoảng không gian thừa và cho bột cà phê trong basket chặt hơn, tạo ra 1 lực cản đồng đều trên toàn khối cà phê bột trước áp suất rất lớn từ máy pha giúp chiết xuất đều hơn.
"Lưu ý: Nếu từ công đoạn Grooming bề mặt cà phê bị hở, hoặc mật độ không đồng đều thì khi nén chặt vẫn tạo ra channeling".
Trước tiên cần biết rằng lực nén khi Tamping phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau bao gồm chất lượng hạt, độ mịn của cà phê xay và độ tươi của cà phê được sử dụng… Tuy nhiên, vấn đề về lực nén khi Tamping vẫn nhận được nhiều tranh luận, giữa việc nên nén thật chặt hay chỉ nén vừa phải? Thực sự vấn đề này không hề đáng cân nhắc, vì ở áp suất 9 bar của máy Espresso chúng ta đã có lực nén đến 9,1kg/1cm2.
Điểm cần lưu ý là phải cân bằng lực nén và thao tác để làm sao hạn chế trình trạng bất cân, nghiêng bề mặt hay tạo các khe hỡ dẫn đến channeling. Và quan trọng không kém là phải đạt được sự đồng nhất khi bạn phải làm liên tục hàng chục cốc Espresso (hoặc nhiều hơn).
"Lực nén 9 -13kg (20 – 30 lbs) là vừa đủ, khi nén phải giữ cổ tay và cù chỏ trên một đường thẳng để tránh chênh, nghiêng
Theo Rao, Scoot (2008), The Professional Barista's Handbook".
3. Thứ ba. Gõ – Tapping
Khi nén, nhiều Barista có thao tác gõ tay pha xuống bàn hoặc gõ cục nén vào thành tay pha để làm rơi bột cà phê dính quanh thành xuống. Điều này không sai, nhưng nếu gõ/thổ quá mạnh sẽ làm hở cà phê sát thành (Break the seal) và gây ra Channeling. Trên thực tế, một chút bột cà phê dính trên thành chỉ là vấn đề nhỏ và không ảnh hưởng nhiều đến chiết xuất, nhưng nếu gây ra channel lại là 1 vấn đề lớn vì nó ảnh hưởng đến Brew Strength và Extraction yield. Do đó, nếu có gõ tay pha thì làm nhẹ nhàng thôi.
Cuối cùng với các thao tác ngắn vừa được trình bày chỉ cần dành chút thời gian thực hành, các bạn hoàn toàn có thể thuần thục và "kéo một shot" Espresso hoàn hảo thật chính xác và chuyên nghiệp.
HÃY CHIA SẺ BÀI VIẾT NÀY ĐẾN VỚI CỘNG ĐỒNG!
Nguồn:
Prime Coffee
Blog Barista Weapons