|
|
(Kính tặng các bà, thân tặng các cô)
Giặc
đến nhà đàn bà phải đánh .
Đó là nói thời loạn lạc, giặc giã.
Còn thời bình thì sao ?
Thời bình, trách nhiệm của các bà lại càng nặng hơn. Mặc dù cụ Khổng chỉ tin tưởng các ông, trao cho các ông cái trách nhiệm to lớn " tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ", nhưng đạo lí nước ta vẫn cứ đường đường đem cái trách nhiệm đội đá vá trời kia ra chia sẻ cho cả các bà. Nhờ vậy mà đàn bà nước ta giỏi tu thân và tề gia, ít ra cũng bằng hoặc hơn các ông. Dạy dỗ con cái và thu xếp công việc trong nhà mà chỉ trông cậy vào các ông thì không biết tương lai sẽ đi về đâu ? Riêng về mục tề gia, nhiều bà xuất chúng, đạt thành tích vượt xa chỉ tiêu! Có bà khoái "đè đầu cưỡi cổ " chồng, có bà lại thích giải phiền bằng thú vui "xỏ chân lỗ mũi "chồng. Tôi yếu bóng vía, cứ mỗi lần nghĩ đến cái lỗ mũi vô tội đang bị một bàn chân thọc vào là lại rùng mình, nổi da gà. Chờ cho cơn sợ nguôi nguôi tôi mới dám tự hỏi: Chẳng lẽ lại có người đùa dai như vậy sao ? Thọc chân vào mũi thì chịu sao cho nổi ? Thì cứ lật sách ra xem cho rõ đầu đuôi. "Xỏ chân lỗ mũi" được từ điển giải thích theo nghĩa bóng là " Lợi dụng tình cảm mà sai khiến người ta phải theo ý mình ". Mặc dầu thành ngữ không nói ai xỏ mũi ai, nhưng trong thực tế thì thành ngữ thường được dùng để ám chỉ các bà xỏ mũi các ông. Các bà đè đầu cưỡi cổ các ông. Các ông ngoan ngoãn kính nể các bà. Lợi dụng tình cảm mà sai khiến người khác được ngôn ngữ bình dân gọi nôm na là bắt nạt, là ăn hiếp. Người bị xỏ mũi được chữ nghĩa gọi là người nhu nhược, bị khinh thường, coi rẻ . Giới bình dân chỉ mặt đặt tên là thằng sợ vợ. Từ điển đưa ra vài thí dụ tao nhã văn chương : "Anh chàng nhu nhược, bị vợ xỏ chân lỗ mũi ", hay là " Cháu bà thế mà cũng hỏng. Chưa chi đã chiều vợ thế. Sau nó cũng lại xỏ chân lỗ mũi " . Chòm xóm thì bộc trực hơn :" Đồ ngu, bị vợ xỏ chân lỗ mũi cho đáng kiếp ", " Cù lần như vậy tao không thèm xỏ chân lỗ mũi, tao đút nắm tay vào, khoắng lên cho tan tành ". Ca dao cũng ghi chép tấn thảm kịch : Thấy chồng đần, xỏ chân lỗ mũi |
Ối
giời
đất ơi ! Con sâu làm rầu nồi canh
chưa đủ sao ? Xét trong tất cả các loài, có loài nào như
loài...đàn ông không ? Đến như trâu bò giỏi chịu đựng
như thế mà cũng chỉ để cho người xỏ
thừng lỗ mũi là cùng. Nữ nhi chân yếu tay mềm
nước ta lại có người nỡ xỏ cả chân vào mũi đức ông
chồng. Thật là coi chồng không bằng trâu bò. Liễu yếu đào
tơ gì mà tàn nhẫn thế ? Nam nhi gì mà râu quặp hơn ghi đông
cuốc vậy? Than ôi cho những số phận hẩm hiu, chỉ mong được
:
mà cũng không xong, thỉnh thoảng lại bị vợ xách cổ lên tra tấn bằng đường võ hiểm "xỏ chân lỗ mũi " . Tôi vừa tức vừa...sợ. Nhiều khi cơn sợ len cả vào giấc ngủ. Sợ đến nỗi... sợ quá hóa liều. Nhân một đêm trằn trọc mất ngủ, tôi đánh bạo thử tưởng tượng...Làm trai rửa bát, quét nhà Ô mê li ! Được ngồi gần một nàng be bé xinh xinh như cô hàng cà phê của Canh Thân. Nhân lúc nàng mơ màng nhìn trời xa xa, tôi liếc trộm đôi bàn chân nho nhỏ. Bỗng giật mình ! Ngữ này thì hai ngón chân cái kia phải to hơn quả nhót, quả táo tàu. Vậy mà xỏ lọt lỗ mũi chàng. Thế thì chàng phải phương phi hơn ông hộ pháp trên chùa. Đáng ngạc nhiên hơn nữa là nàng làm cách nào để thọc được chân vào mũi chàng ? Nhất định chàng và nàng không thể cùng đứng hoặc cùng ngồi. Chỉ còn cách là cùng nằm, mà phải nằm ngược chiều nhau mới gác chân lên mặt nhau được. Thế sự đảo điên như thế đấy. Hành động "Xỏ chân lỗ mũi " nhất định phải gặp khó khăn, dù chỉ xỏ một ngón chân cái. Đứng, ngồi hay nằm đều khó hoặc nói thẳng là không thể thực hiện được. Xem vậy thì nghĩa đen của " Xỏ chân lỗ mũi " có vấn đề. Nghĩa đen đã không xuôi thì nghĩa bóng cũng đương nhiên không thể đứng vững được. Trong đầu tôi nảy ra một thoáng nghi ngờ, đồng thời cũng lóe lên một tia hi vọng. Hay là người ta có thành kiến, kết tội oan các bà ? Bỗng nhiên tôi bớt sợ, nôn nóng muốn tìm hiểu các bà sâu hơn ! |
Tìm trong văn học nước nhà thì
thấy thành ngữ "Xỏ chân lỗ mũi "
đã được Lê Quý Đôn dùng từ thế kỉ 18. Trong bài Kinh
nghĩa Mẹ khuyên con lúc về nhà chồng,
ngoài phần mở đầu và kết luận, có 4 đoạn chính như sau
:
(...)
Lúc ở nhà nhờ mẹ nhờ cha, về nhà chồng, nhờ chồng nhờ con, nhé ! Khôn chẳng qua lẽ, khỏe chẳng qua lời, chớ bắt chước người đời xỏ chân lỗ mũi chi lăng nhăng. Nhủ này con, nhủ này con : đi đến nơi, về đến chốn, việc nhà việc cửa cho siêng năng ; hỏi thì nói, gọi thì thưa, thờ mẹ thờ cha cho phải lễ. Kính lấy đấy ! răn lấy đấy ! Liệu học ăn, học nói, học gói, học mở; khi anh nó hoặc ra xô xát chi lời, cũng tươi, cũng đẹp, cũng vui cười, chớ như ai học thói nhà ma, mà hoặc con cà con kê chi kể lể. Lúc ở nhà là mẹ là con, về nhà chồng là dâu là con, nhé ! Khôn cho người giái, dại cho người thương, chớ bắt chước người thế mặc áo qua đầu chi khủng khỉnh. Nghe chưa con? Nghe chưa con? Ăn có nơi, nằm có chốn, lời ăn nết ở cho ra tuồng; gọi thì dạ, bảo thì vâng, thờ mẹ thờ cha cho phải đạo. Kính vậy thay ! Răn vậy thay! Chớ cậy khôn, cậy khéo, cậy duyên, cậy tài; khi anh nó hoặc nổi bầng bầng chi sắc, thì lạy, thì van, thì lễ phép, đừng học chi những tuồng đĩ thoã mà hoặc dây mơ rễ mái chi lôi thôi. Đời có kẻ xem chồng như đứa ăn, đứa ở, thậm đến điều mày tớ chi khinh. Chẳng biết rằng : ngu si cũng thể chồng ta, dẫu rằng khôn khéo cũng ra chồng người; Chẳng suy chẳng nghĩ, lại ra điều cả vú lấp miệng em, sao chẳng biết xấu chàng hổ ai chi lý ! Mẹ khuyên con giữ đạo cương thường, khôn hèn cũng chịu, hay dở cũng đành, chớ hoặc sinh vênh vểnh chi môi; khi anh nó quá giận sinh xằng, mẹ con ắt phải mắc bèo trôi chi tiếng. Đời có kẻ giận chồng mà đánh con đánh cái, thậm đến điều mày tao chi quá. Chẳng biết rằng : khôn ngoan cũng thể đàn bà, tuy rằng vụng dại cũng là đàn ông. Bạ ăn bạ nói, lại ra điều múa rìu qua mắt thợ, sao chẳng biết già đòn non nhẽ chi cơ ? Mẹ khuyên con giữ nết thảo hiền, vọt roi cũng chịu, yêu đương cũng nhờ, chớ hoặc lộ sầm sầm chi mặt, khi anh nó nói dai thêm chuyện, cha con ắt phải mang vớ cọc chi cười. (...) Hai đoạn trên là lời mẹ khuyên con gái phải học cách ăn nói, cư xử với chồng. Chồng có to tiếng, nổi giận vợ cũng phải tươi cười, lễ phép. Hai đoạn dưới mẹ khuyên con không được khinh thường chồng, hỗn láo với chồng. Khinh chồng, hỗn láo với chồng ở đây cũng chỉ là to tiếng thôi. |
Tranh dân gian có tấm "Xỏ chân lỗ mũi". Theo lời chú của tranh thì đây là một quỷ thuật, nghĩa là một trò ảo thuật. Tranh vẽ một đứa bé đang uốn mình xoay chân, đặt hai bàn chân đụng vào lỗ mũi. Hai ngón chân cái không xỏ vào lỗ mũi. Trò chơi của trẻ con này nhằm mục đích biểu diễn thân mình và chân tay mềm dẻo, uốn vặn khéo léo.
Người lớn không chơi trò "Xỏ chân lỗ mũi". Trò ảo thuật của người lớn là "Xỏ dùi lỗ mũi". Người ta lấy hai cái dùi bằng sắt biểu diễn thọc sâu vào lỗ mũi.
"Xỏ chân lỗ mũi" là trò ảo thuật của trẻ con để trổ tài chân tay mềm dẻo, khéo léo. Nghĩa bóng của "Xỏ chân lỗ mũi" là khoe khoang khéo léo. Bà mẹ khuyên cô con gái "khôn chẳng qua lẽ, khỏe chẳng qua lời, chớ bắt chước người đời xỏ chân lỗ mũi chi lăng nhăng ". Ý bà muốn nói rằng nếu mình có lí, nếu mình đúng thì tất nhiên chồng sẽ biết, sẽ nghe. Còn nếu mình sai thì cứ nhận là sai, đừng bắt chước người đời trổ tài khoe khoang, ăn nói lăng nhăng để lấp liếm! Tóm lại là mẹ khuyên con đừng học thói bẻm mép, cãi càn. Cũng có thể hiểu ngắn gọn là mẹ khuyên con đừng học thói khoe khoang.
Qua tấm tranh thì chúng ta được biết rằng cho đến đầu thế kỉ 20, thành ngữ "Xỏ chân lỗ mũi"còn được hiểu là mình tự xỏ mũi mình chứ không phải mình đi xỏ mũi người khác. Đúng hơn là mình sờ mũi mình. Sờ là chỉ đụng chạm bên ngoài. Đứa bé chỉ có thể uốn chân cho chạm mũi thôi. Không ai có thể tự xỏ chân vào mũi mình được. Tôi cho rằng chữ "xỏ " của tên tranh (được viết bằng bộ thủ và chữ sổ, hay số) nên đọc nôm là "sờ " cho đúng với tranh vẽ. " Sờ chân lỗ mũi " thay cho "Xỏ chân lỗ mũi". Sau này, không biết bắt đầu từ năm nào, thành ngữ "Xỏ chân lỗ mũi" bị hiểu sai thành ra mình đi xỏ mũi người khác. Ý nghĩa bị chuyển từ khoe khoang thành ra đi sai khiến, đi bắt nạt người khác.
Tấm tranh giúp tôi thở phào, nhẹ nhõm.
May quá, các bà không ác đến độ như người ta hiểu lầm. Thỉnh thoảng chanh chua, ăn nói lăng nhăng chút đỉnh, cũng chỉ là để lộ duyên ngầm mà thôi.
Sửa sai một thành kiến là khó, cực kì khó. Trong khi chờ đợi các ông, các bà, các cô và các cậu vui vẻ sánh vai bên nhau, bình đẳng, không ai "xỏ chân lỗ mũi " ai, xin lỗi nói nhầm (thành kiến mà lị), xin sửa lại là không ai bắt nạt ai, tôi xin đánh bạo đọc tặng các bà, các cô :
Nhiều khi sợ quá, quên cả những bài học năm xưa. Nguyễn DưHỡi cô gái Việt Nam tôi kính cẩn
Cúi chào cô người vợ thảo, mẹ hiền
Cô là hiện thân của lòng yêu nước
Của sự dịu dàng, tình âu yếm vô biên.
(Lyon, 5/02)
http://chimviet.free.fr/quehuong/nguyendu/nddg066.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét