Translate

Thứ Tư, 30 tháng 7, 2014

XỎ CHÂN LỖ MŨI

Xỏ chân lỗ mũi
Nguyễn Dư
(Kính tặng các bà, thân tặng các cô)
Giặc đến nhà đàn bà phải đánh . Đó là nói thời loạn lạc, giặc giã.  Còn thời bình thì sao ? 
Thời bình, trách nhiệm của các bà lại càng nặng hơn. Mặc dù cụ Khổng chỉ tin tưởng các ông, trao cho các ông cái trách nhiệm to lớn " tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ", nhưng đạo lí nước ta vẫn cứ đường đường đem cái trách nhiệm đội đá vá trời kia ra chia sẻ cho cả các bà. Nhờ vậy mà đàn bà nước ta giỏi tu thân và tề gia, ít ra cũng bằng hoặc hơn các ông. Dạy dỗ con cái và thu xếp công việc trong nhà mà chỉ trông cậy vào các ông thì không biết tương lai sẽ đi về đâu ? 
Riêng về mục tề gia, nhiều bà xuất chúng, đạt thành tích vượt xa chỉ tiêu!
Có bà khoái "đè đầu cưỡi cổ " chồng, có bà lại thích giải phiền bằng thú vui "xỏ chân lỗ mũi "chồng. 
Tôi yếu bóng vía, cứ mỗi lần nghĩ đến cái lỗ mũi vô tội đang bị một bàn chân thọc vào là lại rùng mình, nổi da gà. 
Chờ cho cơn sợ nguôi nguôi tôi mới dám tự hỏi: Chẳng lẽ lại có người đùa dai như vậy sao ? Thọc chân vào mũi thì chịu sao cho nổi ?
Thì cứ lật sách ra xem cho rõ đầu đuôi. 
"Xỏ chân lỗ mũi" được từ điển giải thích theo nghĩa bóng là " Lợi dụng tình cảm mà sai khiến người ta phải theo ý mình ". Mặc dầu thành ngữ không nói ai xỏ mũi ai, nhưng trong thực tế thì thành ngữ thường được dùng để ám chỉ các bà xỏ mũi các ông. Các bà đè đầu cưỡi cổ các ông. Các ông ngoan ngoãn kính nể các bà. Lợi dụng tình cảm mà sai khiến người khác được ngôn ngữ bình dân gọi nôm na là bắt nạt, là ăn hiếp. Người bị xỏ mũi được chữ nghĩa gọi là người nhu nhược, bị khinh thường, coi rẻ . Giới bình dân chỉ mặt đặt tên là thằng sợ vợ.
Từ điển đưa ra vài thí dụ tao nhã văn chương : "Anh chàng nhu nhược, bị vợ xỏ chân lỗ mũi ", hay là " Cháu bà thế mà cũng hỏng. Chưa chi đã chiều vợ thế. Sau nó cũng lại xỏ chân lỗ mũi " . Chòm xóm thì bộc trực hơn :" Đồ ngu, bị vợ xỏ chân lỗ mũi cho đáng kiếp ", " Cù lần như vậy tao không thèm xỏ chân lỗ mũi, tao đút nắm tay vào, khoắng lên cho tan tành ".
Ca dao cũng ghi chép tấn thảm kịch :
Thấy chồng đần, xỏ chân lỗ mũi
Thấy chồng yêu, vén váy đái niêu canh cần !
Ối giời đất ơi ! Con sâu làm rầu nồi canh chưa đủ sao ? Xét trong tất cả các loài, có loài nào như loài...đàn ông không ? Đến như trâu bò giỏi chịu đựng như thế mà cũng chỉ để cho người xỏ thừng lỗ mũi là cùng. Nữ nhi chân yếu tay mềm nước ta lại có người nỡ xỏ cả chân vào mũi đức ông chồng. Thật là coi chồng không bằng trâu bò. Liễu yếu đào tơ gì mà tàn nhẫn thế ? Nam nhi gì mà râu quặp hơn ghi đông cuốc vậy? Than ôi cho những số phận hẩm hiu, chỉ mong được : 
Làm trai rửa bát, quét nhà
Vợ gọi thì dạ, bẩm bà tôi đây
mà cũng không xong, thỉnh thoảng lại bị vợ xách cổ lên tra tấn bằng đường võ hiểm "xỏ chân lỗ mũi " . Tôi vừa tức vừa...sợ. Nhiều khi cơn sợ len cả vào giấc ngủ. Sợ đến nỗi... sợ quá hóa liều.  Nhân một đêm trằn trọc mất ngủ, tôi đánh bạo thử tưởng tượng...
Ô mê li ! Được ngồi gần một nàng be bé xinh xinh như cô hàng cà phê của Canh Thân. Nhân lúc nàng mơ màng nhìn trời xa xa, tôi liếc trộm đôi bàn chân nho nhỏ. Bỗng giật mình ! Ngữ này thì hai ngón chân cái kia phải to hơn quả nhót, quả táo tàu. Vậy mà xỏ lọt lỗ mũi chàng. Thế thì chàng phải phương phi hơn ông hộ pháp trên chùa. Đáng ngạc nhiên hơn nữa là nàng làm cách nào để thọc được chân vào mũi chàng ? Nhất định chàng và nàng không thể cùng đứng hoặc cùng ngồi. Chỉ còn cách là cùng nằm, mà phải nằm ngược chiều nhau mới gác chân lên mặt nhau được. Thế sự đảo điên như thế đấy. 
Hành động "Xỏ chân lỗ mũi " nhất định phải gặp khó khăn, dù chỉ xỏ một ngón chân cái. Đứng, ngồi hay nằm đều khó hoặc nói thẳng là không thể thực hiện được. Xem vậy thì nghĩa đen của " Xỏ chân lỗ mũi " có vấn đề. Nghĩa đen đã không xuôi thì nghĩa bóng cũng đương nhiên không thể đứng vững được.
Trong đầu tôi nảy ra một thoáng nghi ngờ, đồng thời cũng lóe lên một tia hi vọng. Hay là người ta có thành kiến, kết tội oan các bà ? Bỗng nhiên tôi bớt sợ, nôn nóng muốn tìm hiểu các bà sâu hơn !
Tìm trong văn học nước nhà thì thấy thành ngữ "Xỏ chân lỗ mũi " đã được Lê Quý Đôn dùng từ thế kỉ 18. Trong bài Kinh nghĩa Mẹ khuyên con lúc về nhà chồng, ngoài phần mở đầu và kết luận, có 4 đoạn chính như sau : (...)
Lúc ở nhà nhờ mẹ nhờ cha, về nhà chồng, nhờ chồng nhờ con, nhé ! Khôn chẳng qua lẽ, khỏe chẳng qua lời, chớ bắt chước người đời xỏ chân lỗ mũi chi lăng nhăng. Nhủ này con, nhủ này con : đi đến nơi, về đến chốn, việc nhà việc cửa cho siêng năng ; hỏi thì nói, gọi thì thưa, thờ mẹ thờ cha cho phải lễ. Kính lấy đấy ! răn lấy đấy ! Liệu học ăn, học nói, học gói, học mở; khi anh nó hoặc ra xô xát chi lời, cũng tươi, cũng đẹp, cũng vui cười, chớ như ai học thói nhà ma, mà hoặc con cà con kê chi kể lể.
Lúc ở nhà là mẹ là con, về nhà chồng là dâu là con, nhé ! Khôn cho người giái, dại cho người thương, chớ bắt chước người thế mặc áo qua đầu chi khủng khỉnh. Nghe chưa con? Nghe chưa con? Ăn có nơi, nằm có chốn, lời ăn nết ở cho ra tuồng; gọi thì dạ, bảo thì vâng, thờ mẹ thờ cha cho phải đạo. Kính vậy thay ! Răn vậy thay! Chớ cậy khôn, cậy khéo, cậy duyên, cậy tài; khi anh nó hoặc nổi bầng bầng chi sắc, thì lạy, thì van, thì lễ phép, đừng học chi những tuồng đĩ thoã mà hoặc dây mơ rễ mái chi lôi thôi.
Đời có kẻ xem chồng như đứa ăn, đứa ở, thậm đến điều mày tớ chi khinh. Chẳng biết rằng : ngu si cũng thể chồng ta, dẫu rằng khôn khéo cũng ra chồng người; Chẳng suy chẳng nghĩ, lại ra điều cả vú lấp miệng em, sao chẳng biết xấu chàng hổ ai chi lý ! Mẹ khuyên con giữ đạo cương thường, khôn hèn cũng chịu, hay dở cũng đành, chớ hoặc sinh vênh vểnh chi môi; khi anh nó quá giận sinh xằng, mẹ con ắt phải mắc bèo trôi chi tiếng.
Đời có kẻ giận chồng mà đánh con đánh cái, thậm đến điều mày tao chi quá. Chẳng biết rằng : khôn ngoan cũng thể đàn bà, tuy rằng vụng dại cũng là đàn ông. Bạ ăn bạ nói, lại ra điều múa rìu qua mắt thợ, sao chẳng biết già đòn non nhẽ chi cơ ? Mẹ khuyên con giữ nết thảo hiền, vọt roi cũng chịu, yêu đương cũng nhờ, chớ hoặc lộ sầm sầm chi mặt, khi anh nó nói dai thêm chuyện, cha con ắt phải mang vớ cọc chi cười.
(...)
(theo Dương Quảng Hàm, Việt Nam thi văn hợp tuyển, 1960).
Hai đoạn trên là lời mẹ khuyên con gái phải học cách ăn nói, cư xử với chồng. Chồng có to tiếng, nổi giận vợ cũng phải tươi cười, lễ phép. Hai đoạn dưới mẹ khuyên con không được khinh thường chồng, hỗn láo với chồng. Khinh chồng, hỗn láo với chồng ở đây cũng chỉ là to tiếng thôi.
 
Thành ngữ "Xỏ chân lỗ mũi " được dùng trong câu "khôn chẳng qua lẽ, khỏe chẳng qua lời, chớ bắt chước người đời xỏ chân lỗ mũi chi lăng nhăng ". "Xỏ chân lỗ mũi " ở đây không có nghĩa là bắt nạt người khác vì bắt nạt thì phải nạt nộ, ra oai chứ không ai lại đi bắt nạt lăng nhăng. Câu văn phải được hiểu là ăn nói lăng nhăng, hay làm điệu bộ lăng nhăng.  Nếu vậy thì đâu là liên hệ giữa ăn nói hay làm điệu bộ với "Xỏ chân lỗ mũi " ?
Tranh dân gian có tấm "Xỏ chân lỗ mũi". Theo lời chú của tranh thì đây là một quỷ thuật, nghĩa là một trò ảo thuật. Tranh vẽ một đứa bé đang uốn mình xoay chân, đặt hai bàn chân đụng vào lỗ mũi. Hai ngón chân cái không xỏ vào lỗ mũi. Trò chơi của trẻ con này nhằm mục đích biểu diễn thân mình và chân tay mềm dẻo, uốn vặn khéo léo.
Người lớn không chơi trò "Xỏ chân lỗ mũi". Trò ảo thuật của người lớn là "Xỏ dùi lỗ mũi". Người ta lấy hai cái dùi bằng sắt biểu diễn thọc sâu vào lỗ mũi.
"Xỏ chân lỗ mũi" là trò ảo thuật của trẻ con để trổ tài chân tay mềm dẻo, khéo léo. Nghĩa bóng của "Xỏ chân lỗ mũi" là khoe khoang khéo léo. Bà mẹ khuyên cô con gái "khôn chẳng qua lẽ, khỏe chẳng qua lời, chớ bắt chước người đời xỏ chân lỗ mũi chi lăng nhăng ". Ý bà muốn nói rằng nếu mình có lí, nếu mình đúng thì tất nhiên chồng sẽ biết, sẽ nghe. Còn nếu mình sai thì cứ nhận là sai, đừng bắt chước người đời trổ tài khoe khoang, ăn nói lăng nhăng để lấp liếm! Tóm lại là mẹ khuyên con đừng học thói bẻm mép, cãi càn. Cũng có thể hiểu ngắn gọn là mẹ khuyên con đừng học thói khoe khoang.
Qua tấm tranh thì chúng ta được biết rằng cho đến đầu thế kỉ 20, thành ngữ "Xỏ chân lỗ mũi"còn được hiểu là mình tự xỏ mũi mình chứ không phải mình đi xỏ mũi người khác. Đúng hơn là mình sờ mũi mình. Sờ là chỉ đụng chạm bên ngoài. Đứa bé chỉ có thể uốn chân cho chạm mũi thôi. Không ai có thể tự xỏ chân vào mũi mình được. Tôi cho rằng chữ "xỏ " của tên tranh (được viết bằng bộ thủ và chữ sổ, hay số) nên đọc nôm là "sờ " cho đúng với tranh vẽ. " Sờ chân lỗ mũi " thay cho "Xỏ chân lỗ mũi". Sau này, không biết bắt đầu từ năm nào, thành ngữ "Xỏ chân lỗ mũi" bị hiểu sai thành ra mình đi xỏ mũi người khác. Ý nghĩa bị chuyển từ khoe khoang thành ra đi sai khiến, đi bắt nạt người khác. 
Tấm tranh giúp tôi thở phào, nhẹ nhõm.
May quá, các bà không ác đến độ như người ta hiểu lầm. Thỉnh thoảng chanh chua, ăn nói lăng nhăng chút đỉnh, cũng chỉ là để lộ duyên ngầm mà thôi.
Sửa sai một thành kiến là khó, cực kì khó. Trong khi chờ đợi các ông, các bà, các cô và các cậu vui vẻ sánh vai bên nhau, bình đẳng, không ai "xỏ chân lỗ mũi " ai, xin lỗi nói nhầm (thành kiến mà lị), xin sửa lại là không ai bắt nạt ai, tôi xin đánh bạo đọc tặng các bà, các cô :
Hỡi cô gái Việt Nam tôi kính cẩn
Cúi chào cô người vợ thảo, mẹ hiền
Cô là hiện thân của lòng yêu nước
Của sự dịu dàng, tình âu yếm vô biên.
Nhiều khi sợ quá, quên cả những bài học năm xưa. Nguyễn Dư 
(Lyon, 5/02)
http://chimviet.free.fr/quehuong/nguyendu/nddg066.htm

Chủ Nhật, 20 tháng 7, 2014

QUAN LỚN ĐỆ TAM THOẢI QUỐC BƠ PHỦ VƯƠNG QUAN LẢNH GIANG XÍCH ĐẰNG





  Theo thần phả ở đền Lảnh: Ngày xưa,(vào khoảng đời Vua Hùng thứ 18) ở trang An Cố huyện Thuỵ Anh - phủ Thái Ninh - trấn Sơn Nam, có vợ chồng ông Phạm Túc ăn ở phúc đức, chỉ hiềm một nỗi ông bà đã cao tuổi mà vẫn chưa sinh được mụn con nối dõi.

  Một đêm trăng thanh, gió mát, vợ ông (bà Trần Thị Ngoạn) đang dạo chơi, bỗng gặp một người con gái nhà nghèo, cha mẹ mất sớm, không có anh em thân thích, đi tha phương cầu thực. Động lòng trắc ẩn, bà Ngoạn liền đón cô gái về làm con và đặt tên là Quý. Ông bà coi nàng Quý như con ruột của mình. Vài năm sau, trong lúc gia đình đang vui vầy, đột nhiên ông Túc mắc bệnh rồi qua đời. Hai mẹ con đã tìm nơi đất tốt để an táng cho ông.

Sau ba năm để tang cha, một hôm nàng Quý ra bờ sông tắm gội, đang lúc ngâm mình dưới nước, bỗng mặt nước nổi sóng, từ phía xa một con thuồng luồng khổng lồ bơi tới quấn ba vòng quanh mình nàng, khiến nàng kinh hoàng mà ngất lịm, lúc sau thuồng luồng bỏ đi. Từ hôm đó, nàng thấy trong lòng chuyển động và mang thai. Không chịu được những lời dèm pha, khinh thị, nàng đành phải trốn khỏi làng đến xin ngụ cư ở trang Hoa Giám (nay thuộc thôn Yên Lạc). Thời gian thấm thoát thoi đưa, ngày mùng 10 tháng giêng năm Tân Tỵ, nàng chuyển dạ, sinh ra một cái bọc. Cho là điềm chẳng lành, nàng đem cái bọc quẳng xuống dòng sông. Chiếc bọc trôi theo dòng nước tới trang Đào Động (xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ tỉnh Thái Bình), mắc phải lưới của ông Nguyễn Minh. Sau nhiều lần gỡ bỏ, nhưng bọc vẫn cứ mắc vào lưới. Ông Minh thấy lạ bèn khấn: “Nếu bọc này quả là linh thiêng thì cho tôi lấy dao rạch thử xem sao”. Khấn xong, ông Minh rạch ra bỗng thấy ba con rắn từ trong chiếc bọc trườn xuống dòng sông. Con thứ nhất theo hướng cửa sông Đào Động, con thứ hai về Thanh Do, con thứ ba về trang Hoa Giám (nơi nàng Quý đang sống). Nhân dân các trang ấp ở đay thấy đều sợ hãi, cùng nhau ra bờ sông tế tụng, xin được lập sinh từ để thờ.

Lạ thay, vào một đêm trăng sáng, trời bỗng nổi giông, ngoài cửa sông sấm sét nổi lên dữ dội. Đến gần sáng, gió mưa ngớt dần, mọi người đều nghe thấy dưới dòng sông có người ngâm vịnh:

"Sinh là tướng, hoá là thần,
Tiếng thơm còn ở lòng dân muôn đời.
Khi nào giặc dã khắp nơi,
Bọn ta mới trở thành người thế gian."

Bấy giờ Thục Phán thuộc dòng dõi tôn thất vua Hùng thấy Duệ Vương tuổi đã cao mà không có con trai, nên có ý định cướp ngôi. Thục Phán cầu viện binh phương Bắc, chia quân làm 5 đường thủy bộ cùng một lúc đánh vào kinh đô. Duệ Vương cho gọi tướng sĩ lập đàn cầu đảo giữa trời đất. Đêm ấy, nhà vua chiêm bao thấy có người sứ giả mặc áo xanh từ trên trời bước xuống sân rồng, truyền rằng: “Nhà vua nên triệu ba vị thủy thần sinhở đạo Sơn Nam, hiện còn là hình con rắn thì tất sẽ dẹp xong được giặc”. Tỉng dậy, Duệ Vương liền sai sứ giả theo đường chỉ dẫn trong giấc mộng tìm về đạo Sơn Nam. Sứ giả vừa đến trang ĐÀo Động, bỗng nhiên trời đổ mưa to, sấm sét nổi lên dữ dội ở cửa sông. Một người mặt rồng, hình cá chép, cao tám thước đứng trước sứ giả xưng tên là Vĩnh, xin được đi dẹp giặc. Sau đó ông Vĩnh gọi hai em đến bái biệt thân mẫu rồi cùng nhau đến yết kiến vua Duệ Vương. Vua Hùng Liền phong cho ông là Trấn Tây, giữ các vùng Sơn Nam, Ái Châu, Hoan Châu. Hai em và các tướng hợp lại dưới sự chỉ huy của ông, năm đạo quân Thục đều bị tiêu diệt.

Nghe tin thắng trận, Duệ Vương liền truyền lệnh giết trâu, mổ bò khao thưởng quân sĩ. Vì có công lớn, nhà vua phong ông là Nhạc Phủ Ngư Thượng Đẳng Thần, nhưng ông không nhận, chỉ xin cho dân Đào Động hàng năm không phải chịu sưu dịch. Được vua đồng ý, ông Vĩnh cùng hai em về quê bái yết thân mẫu và khao thưởng gia thần, dân chúng. Thấy ở bên sông có khu đất tốt, ông Vĩnh cho lập đồn dinh cư trú, khuyến khích nông trang, khuyên mọi người làm việc thiện lương. Nhờ công đức của ông mà nhân dân khắp vùng được sống yên vui.

Ngày 25 tháng 8 năm Bính Dần, trong lúc ông đang ngự tại cung thất của mình, bỗng dưng giữa ban ngày trời đất tối sầm, mưa gió ầm ào đổ xuống. Khi trời quang mây tạnh, dân làng không còn nhìn thấy ông đâu nữa. Cho là điều kỳ lạ, nhân dân trang Đào Động làm biểu tâu với triều đình. Được tin ông Phạm Vĩnh về trời, nhà vua liền gia phong cho ông là Trấn Tây An Tam Kỳ Linh Ứng Thái Thượng Đẳng Thần, đồng thời đặt lệ, ban sắc chỉ cùng tiền cho dân Đào Động rước thần hiệu, tu sửa đền miếu phụng thờ.

Các triều đại sau đó đều có sắc phong cho ông, tất cả 12 sắc. Sắc sớm nhất là đời Lê Cảnh Hưng, sắc muộn nhất vào triều Nguyễn, niên hiệu Duy Tân thứ 7 (1913).

Cùng trên mảnh đất thiêng này có câu chuyện về mối tình Tiên Dung, Chử Đồng Tử từ ngàn xưa còn vọng đến hôm nay. Thủa ấy, ở thôn Đằng Châu có một nhà nghèo gặp cơn hỏa hoạn. Hai cha con chỉ còn một manh khố ngắn dùng chung để khi có việc ra ngoài. Lúc người cha qua đời, Chử Đồng Tử đã dành chiếc khố cuối cùng khâm liệm cha. Từ đó ngày ngày chàng thường phải ngâm mình dưới nước.

Một hôm, Tiên Dung con gái vua Hùng đi du ngoạn, cảm nhận cảnh sông nước nên thơ, công chúa cho dừng thuyền lại bên bãi cát. Chử Đồng Tử đang mò cá dưới sông, nhìn thấy thuyền rồng, cờ rong lọng tía mà kinh sợ, vội vàng vùi mình dưới cát. Ngay lúc đó Tiên Dung sai các thị nữ quây màn để tắm đúng vào nơi mà Chử Đồng Tử ẩn nấp. Nước xối từ trên người nàng, trôi dần cát ở dưới chân, lộ Chử Đồng Tử trong màn quây. Sau giây phút ngỡ ngàng, cả hai người cho là duyên trời đã định, cùng nhau về triều xin phép vua cha cho kết duyên thành vợ chồng. Chử Đồng Tử, Tiên Dung đã về trời nhưng tình yêu, lòng hiếu thảo còn ở lại mãi với trần gian.

   Văn ca ngợi Ngài:                                         

Trịnh giang biên giành ngân lai láng
Đôi vầng hồng soi rạng nam minh
Con vua thủy quốc Động Đình
Đệ tam thái tử giáng sinh đền Rồng

Dọc:

Đức gồm vẹn thung dung hòa mặc
Bẩm sinh thành tư chất long nhan
Thỉnh mời thái tử thái tử vương quan
Phi phương diện mạo dung nhan khác thường

Hằng tấu đối thiên đường thủy phủ
Trấn nam minh quy đủ bốn phương
Ra uy chấp chính kỉ cương
Cầm cân nảy mực sửa sang cõi đời

Chốn long giai cầm quyền thay chúa
Phép màu quan tối tú tối linh
Lệnh truyền thủy bộ chư dinh
Sửa sang đai giáp chơi miền trần gian

Dâng một triền nhang lòng thành dâng một triền nhang
Tấu về thủy phủ các ban các tòa thiên đình cho tới diêm la

Thiên đình cho tới diêm la tấu vè thoải phủ vua cha động đình
Chốn ấy là chốn thủy cung

Phú:

Nhanh dâng một chuyện tâu thỉnh đức vương quan
Đệ tử con tiến văn đàn
Dâng sự tích đệ tam hoàng thái tử

Sơn xuyên dục tú “hà hải chung linh”(2)
Người con vua thoải quốc động đình
Sắc phong tặng vương quan hoàng thái tử

Văn thần cẩm tú võ tổng lược thao
Bẩm dung y diện mạo hồng hào
Ngôn trung chính tài cao quán cổ

Thơ:

Giáp bạc bao phen nhuộm đỏ hồng
Xông pha trăm trận dạ như không
Ra tay cứu nước trừ nguy biến
Tiếng để ngàn thu với núi sông

Xá lửng:

Chiếc thuyền lam nổi dòng Xích Bích
Đưa quân chèo du lịch bốn phương
Có phen tuần thú sông Thương
Trở ra tỉnh Bắc , Quế Dương, Lục Đầu

Có phen ngự sông Dâu sông Hát
Khi lên ghềnh xuống thác vui chơi
Có phen vào lạch ra khơi
Sai quân lấy gỗ xoan đào chò hoa

Có phen chơi ngã ba Bạch Hạc
Bạn tiên ngồi đàn hát vui chơi
Dạo xem phong cảnh mọi nơi
Qua hang Anh Vũ sang chơi nước người

Có phen chơi cửa đài cửa bích
Khi ra khơi vào lạch thảnh thơi
Thuyền rồng trăm chiếc chèo bơi
Dọc ngang Tuần Lảnh là nơi đi về

Trải giang khê lên ngàn xuống bể
Lảnh Giang từ quý địa danh lam
Đền thờ quan tam tía kiệu vàng
Long môn hổ bàn thạch bàn uy nghi

Hóa tức thì lâu đài điện các
Dâng nước về thủy quốc một khi
Có phen lấy ngọc lưu ly
Đùng đùng dâng nước phép thì ai đang

Khắp sông Thương , sông Thao , sông Cả
Kéo quân về đóng ngã ba Tranh
Xướng ca đàn hát tập tành
Thi ngâm phú đọc đàn tranh chơi bời

Có phen lại về nơi thủy phủ
Đóng cân đai áo mũ vào tâu
Dăm ba đồng tử theo hầu
Vào tâu Vương phụ ra chầu Mẫu vương

Cũng có khi phi thường biến hóa
Qua Nghệ An thượng hạ đại giang
Thuyền rồng chèo quế buồm lan
Khi chơi Tô Lịch khi sang sông Cầu

Có phen ngự Nam lâu Bắc điện
Trở ra về đến huyện Thiên Tôn
Dạo miền thác cái thác con
Khi chơi sông Hát khi sang sông Bờ

Dạo thẩn thơ Tản Viên Tam Đảo
Truyền chư quân đôi đạo tiên phong
Chuông kêu cờ phất trống dong
Bè sau thuyền trước giữa dòng lênh đênh

Trống cầm canh chiêng vang anh ỏi
Lốt xanh vàng chìm nổi dư muôn
Triều thần văn vũ bách quan
Sai lên đón rước vương quan về chầu

Trên các lầu thơ ngâm phú đọc
Ngoài sân rồng ca chúc chén tiên
Vua cha giá ngự ngai vàng
Phán đòi thái tử vương quan vào chầu

Ngự giờ lâu phán lời nhân thứ
Sai ông lên cứu trợ trần gian
Một tay thái tử vương quan
Cứu sinh cũng lắm đọ oan cũng nhiều

Nay ông đã về chầu nhân đức
Độ nhân gian vạn ức siêu sinh
Nay ông về chốn thủy đình
Khuông phù đệ tử khang ninh thọ trường

Thứ Ba, 15 tháng 7, 2014

HUYỀN THOẠI THIẾU LÂM TỰ - DỊCH CÂN KINH

Từ sức hút của huyền thoại…
Trong Tiếu ngạo giang hồ, Dịch cân kinh được nhà văn Kim Dung mô tả là thần công do thiền sư Thiên Trúc là Bồ Đề Đạt Ma sáng tạo ra, uy lực vô cùng lớn, “hàng trăm năm qua không phải bậc kì nhân thì không truyền thụ, mà dẫu kì nhân nhưng không gặp kì duyên thì cũng không truyền thụ; dù có là đệ tử xuất chúng của chính Thiếu Lâm mà không có phúc duyên thì cũng không được truyền”.
Thiếu Lâm tự và sự thật bí kíp tuyệt học Dịch cân kinh, Thể thao, Thiếu lâm, thiếu lâm tự, dịch cân kinh, tẩy tủy kinh, Bồ Đề Đạt Ma
Một bản dịch cân kinh lưu truyền
Trong tiểu thuyết này, Lệnh Hồ Xung đại đệ tử phái Hoa Sơn bị nhiều luồng chân khí hỗn chiến trong cơ thể, tình trạng vô cùng nguy kịch, chỉ có Dịch cân kinh mới hóa giải được. Nhưng muốn học, điều kiện đầu tiên là phải gia nhập Thiếu Lâm, mà chàng thà chết không phản bội Hoa Sơn, do đó kiên quyết không chịu học. Cuối cùng, cảm kích trước nghĩa khí và công lao của vị thiếu hiệp, Phương Chính đại sư của Thiếu Lâm đã phá luật, mượn lời Phong Thanh Dương để truyền lại bí kíp này cho Lệnh Hồ Xung.
Còn trong Thiên long bát bộ, Trang Tụ Hiền nhờ luyện Dịch cân kinh mà đẩy được kịch độc băng hàn ra khỏi cơ thể, tự chữa vết thương, rồi trở thành cao thủ hàng đầu trên giang hồ. Ở một cuốn tiểu thuyết Kim Dung khác, Anh hùng xạ điêu, Quách Tĩnh cũng nhờ vào bộ bí kíp này để giải thoát cho mình và Hoàng Dung, vạch mặt Dương Khang trong đại hội Cái Bang.
Sức hấp dẫn của bí kíp võ công này qua nghệ thuật mô tả của Kim Dung lớn đến nỗi, trước năm 1975, ở Sài Gòn xuất hiện những bản Dịch cân kinh giả khác với bản lưu truyền tại Trung Quốc; trong điều kiện khó khăn về thông tin, sách vở bấy giờ, rất nhiều người đã tin và học theo, nhẹ thì vô ích, nặng dẫn tới mất mạng.
Trên thực tế, trước khi đi vào tiểu thuyết, ở Trung Quốc, Dịch cân kinh và Tẩy tủy kinh đã là những huyền thoại. Tương truyền sau khi Đạt Ma viên tịch, đệ tử Thiếu Lâm tìm thấy trong động một hộp sắt không khóa, nhưng không thể mở ra. Sau đó, có tăng nhân nghĩ ra cách nung nóng hộp, mới mở được, thì ra hộp được hàn kín bằng sáp để tránh hơi nước tràn vào làm hỏng. Trong hộp có hai cuốn sách, một cuốn là Dịch cân kinh, cuốn kia là Tẩy tủy kinh, đều viết bằng chữ Phạn.
Một thuyết cho rằng, bấy giờ ở Thiếu Lâm, người thực sự thông hiểu tiếng Phạn chỉ có Nhị tổ Huệ Khả. Huệ Khả để Dịch cân kinh lại Thiếu Lâm, mang theo cuốn Tẩy tủy kinh đi vân du thiên hạ. Các tăng nhân khác trong chùa cũng có mấy người biết chút tiếng Phạn, cùng nhau dịch ra rồi theo đó tu luyện, dẫn đến công phu Thiếu Lâm sau này chia nhiều nhánh, có sự sai khác.
Sau đó, có vị tăng nhân mang Dịch cân kinh lên núi Nga Mi gặp nhà sư người Thiên Trúc Bát Lạt Mật Đề, tạo ra bản Dịch cân kinh chữ Hán đầu tiên. Vân du quay về, Huệ Khả mang theo bản dịch Tẩy tủy kinh của mình, lúc đó mọi người mới phát hiện ra Dịch cân kinh với Tẩy tủy kinh là một.
Một thuyết khác phổ biến hơn, và được hưởng ứng hơn, đó là Tẩy tủy kinh đã bị thất truyền. Sự ủng hộ đối với giả thuyết này có lẽ phát sinh từ tâm lí kì vọng, bởi Tẩy tủy kinh vốn được coi là phương pháp tu luyện giúp cải lão hoàn đồng – điều luôn có sức hấp dẫn với bất cứ ai; và việc có đến 2 bộ chân kinh chắc chắn hấp dẫn hơn việc hai bí kíp đó chỉ là một. Đồng thời, khi một bộ võ công bị thất truyền, cũng không loại trừ khả năng nó đang được giữ kín ở đâu đó và sẽ tái xuất giang hồ vào một ngày không hẹn trước, khi đó giang hồ sẽ lại nổi sóng, bước vào một cuộc tranh giành mới để độc chiếm thứ tuyệt đỉnh công phu.
Thiếu Lâm tự và sự thật bí kíp tuyệt học Dịch cân kinh, Thể thao, Thiếu lâm, thiếu lâm tự, dịch cân kinh, tẩy tủy kinh, Bồ Đề Đạt Ma
Đại Hùng bảo điện của Thiếu Lâm luôn được cho là ẩn giấu những bí kíp võ công.
Quan niệm truyền thống cũng cho rằng, kể từ khi Dịch cân kinh ra đời, đối với tăng nhân Thiếu Lâm, ngồi thiền và luyện công mới bắt đầu trở thành hai mặt không thể tách rời, tạo ra nguyên lí “thiền võ hợp nhất” của công phu Thiếu Lâm Tự.
…Đến thực tế
Tuy nhiên, sử liệu có vẻ lại cho thấy điều gần như hoàn toàn ngược lại, điều có thể làm thất vọng những “anh hùng xạ điêu” thời hiện đại đang ôm mộng chạm vào bí kíp ngàn năm.
Lần theo dòng lịch sử, từ đời Đường trở về trước, chưa có tài liệu chính thức nào đủ chứng minh chuyện Đạt Ma truyền dạy võ công cho đệ tử. Thời Tống Chân Tông, Trương Quân Phòng soạn một bộ Vân kíp thất bá, thuộc loại sách về Đạo giáo, trong đó có một thiên “Đạt Ma đại sư trú thế lưu hình nội chân diệu dụng quyết”.
Theo ghi chép trong Tống sử, có một cuốn Tồn tưởng pháp, một cuốn Thai tức quyết của Đạt Ma, một cuốn Đạt Ma huyết mạch luận của Huệ Khả, đều là những sách dạy về luyện khí, dưỡng thần. Nhưng theo các nhà nghiên cứu, có khả năng những sách này là do người đời Tống tạo ra rồi gán tên cho Đạt Ma.
Đến năm Thiên Khải thứ 4 đời Minh (1624), Tử Ngưng đạo nhân ở núi Thiên Thai tên là Tông Hành có đưa ra một bộ Dịch cân kinh, nói là của Bồ Đề Đạt Ma. Trong cuốn sách này có hai lời tựa, một của danh tướng Lí Tĩnh đời Đường, viết năm Trinh Quán thứ 2 (628), một của danh tướng đời Tống là Ngưu Cao, viết năm Thiệu Hưng thứ 12 (1142).
Phần tựa của Lí Tĩnh viết: “Sau khi Đạt Ma qua đời, để lại một hòm sắt, tăng đồ mở ra thấy có một bộ Dịch cân kinh và một bộ Tẩy tủy kinh, đều viết bằng tiếng Phạn. Tẩy tủy kinh bị Huệ Khả đem đi, đã thất truyền; Dịch cân kinh tuy còn ở Thiếu Lâm Tự, nhưng chỉ có thể đọc hiểu được một phần nhỏ, các tăng đồ diễn giải theo ý mình, rồi theo đó mà tập, vì vậy trở thành bàng môn, mất đi yếu chỉ thực sự của việc chân tu. Sau đó, có cao tăng người Thiên Trúc là Bát Lạt Mật Đề dịch ra, rồi chuyển đến tay Cầu Nhiêm Khách, người này giao lại cho Lí Tĩnh và gọi đó là “tiên thánh chân truyền”.
Phần tựa của Ngưu Cao thậm chí còn li kì hơn, và gắn với một nhân vật được người Trung Quốc nói chung và giới võ lâm nói riêng hết sức sùng bái: Nhạc Phi.
Bài tựa viết: Trên đường hành quân, Ngưu Cao gặp một nhà sư tự xưng là sư phụ của Nhạc Phi. Vị cao tăng than rằng Nhạc Phi danh tuy thành mà chí chưa đạt, rồi nhờ Ngưu Cao chuyển cho vị danh tướng này một cái hộp, trong có hai quyển Dịch cân kinh; sau đó vị hòa thượng nói phải sang Tây phương gặp sư phụ Đạt Ma, và theo cơn gió mà biến mất. Không lâu sau đó, Nhạc Phi bị gian thần hãm hại, nên bộ sách này vẫn do Ngưu Cao giữ và truyền lại.
Thiếu Lâm tự và sự thật bí kíp tuyệt học Dịch cân kinh, Thể thao, Thiếu lâm, thiếu lâm tự, dịch cân kinh, tẩy tủy kinh, Bồ Đề Đạt Ma
Người hùng Nhạc Phi
Tuy nhiên, dựa trên nhiều cứ liệu như văn phong, cú pháp, nhiều nhà nghiên cứu hiện đại nhận định: chính Tông Hành đã ngụy tạo ra hai phần lời tựa kể trên, nhằm tăng tính chất cao siêu thần bí cho cuốn sách của mình.
Lúc đầu, Dịch cân kinh chỉ lưu truyền một bản sao, đến giữa đời Thanh bắt đầu xuất hiện bản khắc. Năm Hàm Phong thứ 8 (1858), thêm một bản từ Thiếu Lâm truyền ra, gọi là Vệ sinh yếu thuật. Vương Tổ Nguyên ở lại Thiếu Lâm 3 tháng, tìm được một bản Nội công đồ, một bản Thương bổng phả, nội dung giống như Vệ sinh yếu thuật, liền san cải, bỏ bớt những phần tạp lẫn vào và đặt tên là Nội công đồ thuyết. Những bản khắc đời Thanh này đều dựa trên cơ sở Dịch cân kinh, nhưng bổ sung rất nhiều nội dung, trong đó một phần lấy từ sách Thọ thế truyền chân của Từ Minh Phong đời Càn Long.
Năm 1938, Ngô Đồ Nam xuất bản cuốn Quốc thuật khái luận, trong đó những phần nói về Thiếu Lâm đều dựa theo thuyết cũ, cho Đạt Ma là thủy tổ, và cho Bạt Đà – Huệ Quang – Đạt Đàm – Đạt Ma – Huệ Khả là các thế hệ truyền thừa.
Thiếu Lâm tự và sự thật bí kíp tuyệt học Dịch cân kinh, Thể thao, Thiếu lâm, thiếu lâm tự, dịch cân kinh, tẩy tủy kinh, Bồ Đề Đạt Ma
Vài thế tập Dịch cân kinh trong các bản hiện tồn
Năm 1984, trong bài nghiên cứu “Võ thuật Thiếu Lâm thực chất không có liên quan gì đến Đạt Ma”, giáo sư Trương Truyền Tỉ của đại học Bắc Kinh đã bác bỏ một cách tương đối thuyết phục thuyết Dịch cân kinh do Đạt Ma sáng tạo ra. Dịch cân kinh, tác phẩm được coi là cội nguồn công phu Thiếu Lâm, thực chất là một cuốn sách rèn luyện công phu giúp lưu thông kinh mạch, cường gân tráng cốt của các chân nhân Đạo giáo. Quan điểm này gần đây (2007) đã được chính Thiếu Lâm Tung Sơn xác nhận trên website chính thức của mình.
Đây là một tuyên bố gây thất vọng với rất nhiều người, đặc biệt là những fan của Kim Dung, Cổ Long vốn sùng bái những Dịch cân kinh, Tẩy tủy kinh, Cửu âm chân kinh… những bí kíp thượng thừa mang màu sắc huyền thoại.
Tuy nhiên, một luồng ý kiến khác cho rằng, ngay cả khi Dịch cân kinh không phải do Đạt Ma sáng tạo ra, thì cũng không phải vô tình mà nó được gán cho Thiếu Lâm; việc nói rằng Tông Hành mượn tên tuổi Đạt Ma cũng khá khiên cưỡng, bởi lẽ các môn phái đều ưu tiên tôn vinh tổ sư của mình, mà bản thân các tông sư của Đạo giáo như Thái thượng lão quân có tầm ảnh hưởng không kém gì Đạt Ma.
Mặt khác, Thiếu Lâm Tự ngày nay đã không còn giữ được nguyên vẹn những kì thư trong Tàng Kinh Các sau nhiều lần binh hỏa, nhiều tuyệt kĩ cũng đã thất truyền, cho nên những gì còn lại ở Thiếu Lâm hiện nay không đủ chứng minh diện mạo Thiếu Lâm trong quá khứ, và những gì các hòa thượng Tung Sơn ngày nay biết đến cũng không phải là toàn bộ sự thật về Thiếu Lâm.
Thiếu Lâm tự và sự thật bí kíp tuyệt học Dịch cân kinh, Thể thao, Thiếu lâm, thiếu lâm tự, dịch cân kinh, tẩy tủy kinh, Bồ Đề Đạt Ma
Dịch cân kinh được coi là một bài tập dưỡng sinh hiệu quả
Mặt khác, ngay cả khi phải thừa nhận rằng Dịch cân kinh không bắt nguồn từ Đạt Ma, Thiếu Lâm Tự vẫn coi đây là một pho võ công quý. Bản thân cuốn sách này cũng được đưa vào các sách dạy y học cổ truyền của Trung Quốc như một tông thư hàng đầu.
Gần đây, dư luận lại xôn xao khi tìm thấy ở Tứ Xuyên một cuốn Dịch cân tẩy tủy kinh bản khắc in, trên có chữ “Nam Tống Thiếu bảo Nhạc Bằng phụng giám định bản nha tàng”. Việc cuốn sách được khắc in cho thấy tính chính thống và tin cậy của tư liệu trên sách, khiến dư luận hết sức hứng khởi. Nếu được xác minh là đúng, thì thuyết Dịch cân kinh đã có từ đời Tống và gán với tên tuổi Nhạc Phi là hoàn toàn có cơ sở, cũng có nghĩa rằng, bí kíp Dịch cân kinh có thể không chỉ là huyền thoại!
Thiếu Lâm tự và sự thật bí kíp tuyệt học Dịch cân kinh, Thể thao, Thiếu lâm, thiếu lâm tự, dịch cân kinh, tẩy tủy kinh, Bồ Đề Đạt Ma
Hình ảnh bản Dịch cân tẩy tủy kinh mới công bố
Cũng nên nhớ rằng, không cần đến khi Dịch cân kinh ra đời, Thiếu Lâm mới trở thành Thái Sơn Bắc đẩu của võ lâm Trung nguyên. Và kungfu Thiếu Lâm vang danh thiên hạ, truyền lại đến ngày nay không chỉ nhờ vào những huyền thoại, mà còn nhờ những tuyệt kĩ và chiêu thức võ công có thật, không chỉ vô cùng hiệu quả, mang tính thực chiến cao, mà còn vô cùng tinh diệu và đẹp mắt.

Sưu tầm

Thứ Năm, 10 tháng 7, 2014

NGUYÊN PHI Ỷ LAN



Có thuyết cho rằng tên thật của bà là Lê Thị Yến Loan - là một cô gái hái dâu, chăn tằm ở ngoại thành Thăng Long thời Lý. Ỷ Lan ra đời ở làng Thổ Lỗi (làng Sủi sau đổi là Siêu Loại, nay là xã Dương Xá, huyện Gia Lâm - Hà Nội) - năm nào không rõ, sử sách chỉ ghi lờ mờ: bà mất ở kinh thành Thăng Long vào năm 1117 - trên dưới 70 tuổi - thời Lý Nhân Tông. Sách Mộng khê bút đàm của Thẩm Hoạt có chép "Nhật Tôn (tức Lý Thánh Tông) mất, Càn Đức (Lý Nhân Tông) lên, dùng quan là Lý Thượng Cát (Lý Thường Kiệt) và mẹ là thái phi Lê Thị Yến Loan cùng coi việc nước".

Câu chuyện Yến Loan vào cung vua Lý, đó là một giai thoại người người đều nghe, đều biết.

Thuở ấy vào năm Quý Mão (1063) Lý Thánh Tông đã đến bốn mươi tuổi. Vua chưa có con trai để truyền ngôi báu, đêm ngày triều thần lo ngại. Vua bèn thân hành đi cầu tự khắp các chùa chiền, miếu mạo nhưng không hiệu nghiệm, Lý Thánh Tông lo lắng cho triều đình nhà Lý và xã tắc Đại Việt. Một sớm mùa xuân, vua về viếng thăm chùa Dâu (tổng Dương Quang, phủ Thuận Thành) dân làng mở hội nghênh giá. Thánh Tông hoàng đế cùng hòa vào dân chúng trong hội làng đông vui. Trai gái, già trẻ các làng đều ra rước vua. Đoàn xa giá của vua đi đến đâu, các làng lân cận nô nức, đổ xô về phía ấy. Duy chỉ cô thôn nữ xinh đẹp của làng Sủi vẫn điềm nhiên hái dâu, xem việc ngự giá của vua không có quan hệ gì đến mình. Cô gái vẫn miệt mài bên bãi dâu, mặc cho đoàn ngự diễu qua. Lý Thánh Tông lấy làm lạ, bèn cho đòi người con gái đang đứng bên nương dâu kề gốc lan ấy đến trước kiệu rồng để hỏi. Cô gái ung dung nhẹ nhàng tới quỳ tâu: Thiếp là con nhà nghèo hèn, phải làm lụng đầu tắt mặt tối, phụng dưỡng cha mẹ có đâu dám mong đi xem rước và nhìn mặt rồng".

Vua thấy cô gái ăn mặc theo lối dân dã quê mùa, nhưng cử chỉ đoan trang dịu dàng, lời lời phong nhã, đối đáp phân minh, lễ nghĩa khác hẳn những người con gái mà vua đã từng gặp. Vua yêu vì sắc, trọng vì nết, nên cho cô gái theo long giá về kinh đô. Cô gái làng quê được đón về cung vua ấy là Yến Cô Nương xinh đẹp, nết na của làng Siêu Loại (Sủi). Nhưng Lý Thánh Tông là ông vua chăm việc nước, luôn luôn thân chinh dẹp giặc. Vua ít nhàn rỗi để ngự tới cung Ỷ Lan. Đương lúc cung Ỷ Lan vắng tiếng đàn, tiếng sáo, thì bỗng một hôm sau khi Thánh Tông đi trảy hội chùa Thổ Lỗi, cung Ỷ Lan lại nhộn nhịp hơn xưa. Yến Cô Nương nhờ "thông minh vốn sẵn tư trời" được học tập, trau dồi đã trở thành một cung phi "nổi danh tài sắc một thời" kinh sử làu thông, văn chương uyên bác. Lý Thánh Tông đem lòng yêu mến, phong làm Ỷ Lan phu nhân, lấy tên cung Ỷ Lan và cũng có ý kỷ niệm cô gái đứng tựa bên gốc lan, khi tuân lệnh đến bệ kiến buổi đầu ở làng Sủi (Siêu Loại).

Sau đó (1066), Ỷ Lan sinh hạ được một hoàng tử lấy tên là Kiền Đức. Kiền Đức trán cao, tay dài quá gối, thông minh, tuấn tú, vua càng yêu dấu hơn, Yến Loan được tôn là Ỷ Lan nguyên phi - đứng đầu các cung phi, sau làm thái hậu; con trai được lập làm thái tử.

Năm Kỷ Dậu (1069), Lý Thánh Tông thân chinh đi đánh giặc ngoại xâm. Trong khi vua cùng Lý Thường Kiệt ở ngoài biên cương, Ỷ Lan nguyên phi đảm đang, chăm lo quốc sự, trị nước điều khiển có kỷ cương khiến thần dân thán phục, cõi nước được yên vui. Lý Thánh Tông từ ngoài biên ải đánh trận lâu ngày không thắng, chán nản rút quân quay về. Về chưa đến nơi, nghe dân chúng Châu Cư Liên (Tiên Lữ, Hải Hưng) ca ngợi nguyên phi Ỷ Lan ở nhà trị nước rất giỏi, lòng dân cảm hóa, được suy tôn là bà Quan Âm, vua Thánh Tông tự trách mình: "Nguyên phi là đàn bà còn làm được như thế, ta là đàn ông há thua sao! Vua lại tiếp tục trở ra đánh giặc, lần này thắng trận. Năm đó, mùa hạ vua đem quân về ca khúc khải hoàn, đại xá cho thiên hạ, giảm thuế khóa, phát tiền lụa, thóc cho dân nghèo. Ỷ Lan rất nhân từ dạy con ngoan, đào tạo con trở thành một nhà vua anh minh sau này; lại lo cho dân giàu nước mạnh, yêu thương nhân dân được mọi người kính phục.

Năm Nhâm Tý (1072) tháng giêng mùa xuân, Lý Thánh Tông mất ở điện Hội Tiên. Hoàng thái tử Kiền Đức lên ngôi vua, tức vua Lý Nhân Tông. Khi ấy vua mới lên bảy, tôn mẹ là Ỷ Lan nguyên phi lên làm Linh Nhân hoàng thái hậu. Ỷ Lan vừa giúp coi triều chính, vừa làm nhiệm vụ bà mẹ dạy dỗ con. Trong khi vua còn thơ ấu, Ỷ Lan điều khiển cả quốc gia, cùng tể tướng Lý Thường Kiệt chủ trương đánh quân Tống xâm lược. Hai lần quân Tống đến (1075, 1077) vua Lý Nhân Tông chưa quá 10 tuổi, Ỷ Lan đã cùng Thái sư Lý Đạo Thành lo việc binh lương chuyển ra tiền tuyến. Trong lúc Tổ quốc lâm nguy, Ỷ Lan đã cùng thái úy Lý Thường Kiệt giữ vững giang sơn, xã tắc; công ấy đời sau còn nhắc mãi.

Ỷ Lan xuất thân là một thôn nữ, nên hiểu thấu những khổ đau của người phụ nữ nông dân vì nghèo khổ phải đem thân gán nợ cho nhà giàu, bà cho xuất của trong kho chuộc về, và xây dựng chồng con hạnh phúc cho họ. Về việc này Ngô Sĩ Liên đã có lời bàn: "Con gái nghèo đến nỗi phải đợ mình làm mướn, con trai nghèo đến nỗi không vợ đó là cùng dân của thiên hạ. Thái hậu (tức Ỷ Lan) đổi mệnh cho họ cũng là việc nhân chính vậy!"

Ỷ Lan không những sửa sang việc quốc chính, tăng cường quân đội, bố phòng, chăm lo việc mở mang dân trí, việc thi cử học hành và còn ban hành nhiều điều ích quốc lợi dân. Ỷ Lan còn khuyên vua làm điều thiện, trị điều ác. Bà hiểu những gian nan của nông dân khi việc nông trang cày bừa không có trâu cày. Ỷ Lan nhắc vua phạt tội nặng những kẻ trộm trâu và giết trâu bừa bãi; có lần bà đã nói với vua: "Gần đây người kinh thành và làng ấp đã có kẻ trốn đi chuyên nghề trộm trâu. Nông dân cùng quẫn. Mấy nhà phải cày chung một trâu. Trước đây, ta đã từng mách việc ấy, và nhà nước đã ra lệnh cấm. Nhưng nay việc giết trâu lại có nhiều hơn trước". Nhân Tông bèn ra lệnh phạt rất nặng những người trộm và giết trâu, phạt cả vợ con và hàng xóm vì tội không tố giác.

Sống trong lầu son, gác tía mà lúc nào Ỷ Lan cũng không quên đến người nghèo, Ỷ Lan vẫn chăm sóc đến đời sống cùng cực của nông dân lao động. Cũng như Lý Thánh Tông, Ỷ Lan thường phát chẩn thóc lúa cho kẻ nghèo. Bà sùng đạo Phật, ưa làm việc từ thiện lập nhiều đình chùa. Thường lui tới các đình chùa, trao đổi với các tăng ni thuyết giáo đạo Phật. Năm 1096, bà bày cỗ chay ở chùa Khai Quốc (tức sau là chùa Trấn Quốc ở Thăng Long) thết các sư. Tiệc xong, bà ngồi kê cứu đạo Phật với các vị sư già học rộng. Bà hỏi về nguồn gốc đạo Phật ở các nước và ở ta. Bà có óc phán đoán đòi hỏi các sư "nói có sách mách có chứng". Chính nhờ câu chuyện giữa bà và các vị sư thời Lý (sách Thiên uyển tập anh ngữ lục đời Trần còn ghi lại tường tận chuyện này), mà đến nay ta còn biết gốc tích sự truyền bá đạo Phật vào nước ta. Có lần bà đến chùa Phổ Minh (Từ Liêm) tranh luận với sư Thông Biến về những điều của Phật giáo. Bà cũng có làm những bài kinh, có câu kệ còn truyền lại đến ngày nay:


Sắc là không, không tức sắc
Không là sắc, sắc tức không
Sắc? Không? thôi mặc cả,
Mới thấu được chân tông

Là một nữ nông dân nghèo, được hưởng phú quý vinh hoa, bà vẫn cho là điều "sắc sắc, không không", đó là phù vân... Bà là một người phụ nữ vương giả, ngọc ngà vàng son không làm vẩn đục tâm hồn bà, cũng là một phụ nữ hiếm có trong lịch sử nghìn năm trước.

Ngày 25 tháng 7 năm Đinh Dậu, Hội tường đại khánh năm thứ 8 (1117) đời Lý Nhân Tông, bà mất, được hỏa táng, dâng thụy là Phù Thánh Linh Nhân Hoàng thái hậu, mai táng ở Thọ Lăng phủ Thiên Đức. Hiện nay còn miếu thờ bà ở hai xã Cẩm Đới và Cẩm Cầu huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương.


Sưu tầm