Translate

Thứ Tư, 30 tháng 4, 2014

CAO THỦ BÌNH ĐỊNH GIA: LÃO SƯ TRẦN HƯNG QUANG

Khi tài năng đang độ chín muồi, khi Bình Định Gia đang khởi sắc, phát triển võ đường đến hầu hết các tỉnh phía bắc với hàng vạn môn sinh theo học thì một tai nạn giao thông thương tâm, Trần Hưng Hiệp đã không còn nữa. Lão võ sư Trần Hưng Quang bảo, hôm nghe tin con trai mình mất, ông chết điếng và cả mấy tháng sau, cứ thấy mình như đi trên mây khói.  
 
Cha con “ông Ốc” và nghiệp  võ “một thời vang bóng”
 
Ông hệt như Lão Ngoan Đồng Chu Bá Thông, một nhân vật võ công cái thế, tóc bạc như cước nhưng lúc nào cũng hồn nhiên như trẻ nhỏ trong tiểu thuyết nổi tiếng Thần điêu đại hiệp của Kim Dung. Từng nổi danh với vai Ốc trong vở tuồng kinh điển Nghêu- Sò- Ốc- Hến, lại thêm cái vẻ hóm hỉnh ngoài đời nên ít ai có thể ngờ rằng ông lão có vóc người nhỏ bé tuổi ngoại bát tuần ấy lại là chưởng môn của môn phái một thời lừng danh, môn phái Bình Định Gia.
 
 
Lão võ sư Trần Hưng Quang cùng các học trò
Lão võ sư Trần Hưng Quang cùng các học trò
 
 
Ông là võ sư Trần Hưng Quang, giang hồ thường gọi là Quang “Ốc”, hay còn gọi thân mật là “ông Ốc”, trong giới võ lâm bây giờ, ông được suy tôn vào hàng trưởng lão. Những năm 90 của thế kỷ trước, đặc biệt khi người con trai Trần Hưng Hiệp tài năng thiên bẩm của ông còn sống, võ phái Bình Định Gia là mái nhà chung của cả vạn môn sinh đam mê quyền cước…
 
Lão võ sư Trần Hưng Quang là người nghiện thuốc lá. Thuốc Thủ đô ngày ông đốt đến cả bao. Ông bảo, người luyện võ thì phải kiêng tất cả những chất kích thích, ông cũng thế nhưng thuốc lá thì không tài nào bỏ được. Bởi thế, ở võ đường Việt- An, (sân trường Việt Nam- Angiêri, đường Nguyễn Quý Đức, Thanh Xuân, Hà Nội) dù đám môn tối nào cũng rộn rã những tiếng la hét, tiếng dậm chân huỳnh huỵch, tiếng binh khí va vào nhau loảng xoảng thì trên thềm, ông vẫn ngồi đăm chiêu với điếu thuốc trên tay.
 
Tuy ngồi bất động như thiền nhưng ánh mắt quắc thước của ông vẫn dõi theo từng động tác của đám học trò. Hễ ai tập sai, như điện giật, ông bật dậy, hấp tấp chạy tới, lúc la hét, khi ngọt ngào uốn nắn. Xong việc, ông lại thong thả bước lên thềm. Lại thả hồn theo làn khói trắng. 
 
Ông quê gốc ở Bình Định. Theo đồng đạo võ lâm thì ông là người duy nhất đưa võ cổ truyền Bình Định bắc tiến thành công. Nói về võ phái của mình, ông bảo, cách đây trên 200 năm, cụ Trần Đại Chí, sáng tổ của môn phái, vốn là một võ tướng, võ công đệ nhất, thao lược tài danh, bởi mâu thuẫn với nhà Thanh mà chạy dạt sang đất Việt.
 
Theo gia phả của dòng họ thì thủa nhỏ, cụ Chí được gia đình gửi vào Thiếu Lâm học võ. Hơn chục năm trời theo thầy miệt mài với thập bát ban, thành thạo, cụ lai kinh những mong đem chút tài mọn phụng giúp quốc gia, vinh danh dòng họ. Thế nhưng, Mãn Thanh vào buổi suy tàn, bất mãn, mâu thuẫn trong việc triều chính, cụ đã đưa cả gia quyến xuôi về phương Nam.
 
Nơi đầu tiên cụ đặt chân tới là đất Thăng Long, nhưng ngày ấy, kinh kỳ hỗn loạn, chẳng thể náu thân an toàn, cụ dạt vào Bình Định. Tại đây, duyên kỳ ngộ, cụ đã kết bạn với võ tướng Võ Văn Dũng, một trong những tướng tài của vua Quang Trung, từng nhiều phen vào sinh ra tử trong sự nghiệp đại phá quân Thanh.
 
Tri kỷ, hai người suốt ngày trà dư tửu hậu, bàn luận chuyện võ học tinh hoa. Và, những ngày tháng ấy, hai người đã trao đổi cho nhau tất cả những bí kíp võ công mà cả đời mình tầm sư học được. Qua cụ Dũng, cụ Chí đã lĩnh hội được toàn bộ võ công chân truyền của Bình Định, đồng thời, nhờ cụ mà cụ Dũng đã thông tuệ võ học Trung Hoa.
 
Sau khi cụ Võ Văn Dũng qua đời, cụ Trần Đại Chí đã nghiên cứu, chắt lọc, tổng hợp những tinh hoa của hai nền võ thuật Trung Hoa và Việt Nam, sáng lập dòng Bình Định gia truyền theo nguyên tắc kết hợp giữa cương, nhu, trường, đoản, hư, thực.
 
Đường lối của các võ phái thời ấy thường nêu cao tính chất chiến đấu, không nặng về biểu diễn khoa trương. Theo lão võ sư Trần Hưng Quang thì võ phái mà sáng tổ Trần Đại Chí sáng lập suốt mấy trăm năm chỉ truyền thụ cho con cháu trong dòng họ, tuyệt nhiên không phát lộ ra ngoài. Qua mấy đời chưởng môn (Trần Đại Chí, Trần Đại Si, Trần Đại Xy, Trần Đại Y) đến đời ông (chưởng môn thứ 5) thì Bình Định Gia mới thực sự là môn phái được đông đảo quần hùng biết đến.
 
Võ sư Quang bảo, nghiệp võ với ông cũng hệt như… thuốc lá. Đã “dính” vào rồi thì không thể nào dứt ra cho được. Tuổi lên 10, ông được cha mình truyền thụ võ nghệ. Ông kể, ngày ấy, học võ gian nan lắm.
 
Cha ông là người nghiêm khắc, lại thêm quan niệm, học võ là để giữ gìn gia phong nên ông phải khổ luyện tối ngày. Đến năm 13 tuổi, với tư chất lanh lẹ, tinh tuý của phái võ gia truyền đã được ông cơ bản lĩnh hội. Tuy không muốn để lộ khả năng võ thuật của mình nhưng tiếng tăm về cậu bé anh hùng xuất thiếu niên ở Phú Cát là ông vẫn ngày một vang xa.
 
Tiếng lành ấy kinh động đến cả phủ quan, bởi thế, rất nhiều lần, họ triệu tập ông đến chỉ với mục đích được thực mục sở thị ông thi triển quyền cước. Năm 14 tuổi, biết đã hết “vốn” để dạy cho đứa con khiếu võ, cha ông bắt đầu hành trình tìm thầy để mở rộng khả năng cho con mình.
 
Gần chục năm dòng, hễ thầy nào có tiếng ở Bình Định thì cha ông đều dắt ông tới học. Chỉ một vài năm, thậm chí vài tháng thì lại lên đường đi tìm thầy mới. Bây giờ, một trong những giai thoại tầm sư học đạo của ông vẫn được người Bình Định truyền tai nhau.
 
Ngày ấy, thầy Hà Trọng Sơn ở Phước Sơn (Tuy Phước) có môn song kiếm thuộc loại tuyệt kỹ, mỗi khi đường kiếm vung lên thì chẳng khác nào phượng múa rồng bay. Nhu cương hài hoà, mềm mại nhưng sự lợi hại thì kinh hồn bạt vía. Độc chiêu ấy, dù đệ tử rất đông, nhưng không ai lĩnh hội vẹn toàn. Theo cha, ông đến và thật ngạc nhiên, chỉ sau ít bữa “ăn nhờ ở đậu”, ông đã “nuốt gọn” nhẹ nhàng. Thậm chí, trong đường kiếm ông đi, có nét nhàn nhã, thảnh thơi chẳng khác gì diều bay giữa trời quang đãng. 
 
Thanh niên, tuy tạng người nhỏ bé, nhưng cũng như bao người luyện võ khác ở Bình Định, ông mải mê với sở thích đi đánh võ đài. Ông kể, thủa ấy, ở Bình Định, bất cứ làng võ nào cũng có võ đài. Người luyện võ thường đăng đài thi thố tài năng, đấu võ để kết bạn, để trau dồi kiến thức. Lần thượng đài nào ông cũng giành cho mình phần thắng.
 
Đến giờ, người mê võ ở Bình Định hẳn chưa thể nào quên trận thư hùng kinh điển giữa ông và võ sĩ Đào Duy Hạ tại Quy Nhơn.
 
Trận đấu diễn ra dưới sự cổ vũ cuồng nhiệt của cả mấy trăm người. Hai ông giao kèo đánh 3 hiệp, mỗi hiệp là 1 phút rưỡi. Trong 3 hiệp ấy, ai rớt đài trước thì là người thua cuộc. Vào trận, tuy đã mặc khác màu áo nhưng bởi chiêu thức được tung ra quá nhanh nên khán giả vẫn không thể phân biệt được đâu là ông Hạ, đâu là ông Quang. Ba hiệp đấu trôi qua, cả hai võ sĩ đều thở dốc mà vẫn chưa phân thắng phụ. Đó là trận đấu duy nhất ông gặp đối thủ ngang tài ngang sức.
 
Ông theo nghiệp tuồng, cũng là một “tài sản” gia truyền. Và, trong cuộc đời nghệ sĩ của mình, ông đã ghi dấu ấn bởi đã đưa võ vào tuồng. Năm 1980, nghỉ hưu, ông về Hà Nội sinh sống. Suốt mấy chục năm sống xa nhà, vào nam ra bắc, ngay chuyện đi tàu của ông cũng có lắm giai thoại. Một lần, bởi khi ra đến nhà ga thì tàu đã chuyển bánh.
 
Bế hai con nhỏ trên tay, túi khoác trên lưng, ông cắm đầu cắm cổ đuổi theo. Khi vừa theo kịp thì cửa toa tàu đã đóng im ỉm từ lúc nào, gọi mãi mà chẳng thấy ai mở. Quá cấp bách, chẳng còn cách nào khác, ông đành sử dụng luôn món “Thiết đầu công” mà mình đã khổ công rèn luyện. Cú húc như trời giáng ấy đã làm cánh cửa sắt bật tung. Vẫn ôm con trên tay, ông vọt lên tàu một cách nhẹ nhàng.
 
Năm 1982, Bình Định Gia chính thức có mặt ở Hà Nội. Ông kể, hồi ấy, buổi sơ khai, võ phái của ông ít người biết đến. Nhưng chỉ một lần kéo đệ tử lên CLB võ thuật quận Đống Đa biểu diễn, võ phái của ông đã làm những quan chức của Sở Thể dục- Thể thao Hà Nội mê mệt. Và, ngay lập tức họ đã mời ông tham gia Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Hà Nội. 
 
Gặp lão võ sư mấy lần, nhưng đến giờ, trong sâu thẳm những nghĩ suy của ông, nhiều lúc tôi vẫn chưa hiểu được. Trong con người ông, niềm vui, sự hóm hỉnh lúc nào cũng thường trực, nhưng nỗi buồn phiền, thểu não thì cũng ở rất gần.
 
Nhiều môn sinh của ông kể, trong lúc dạy học trò, thăng hoa, một mình giữa trời ông biểu diễn luôn một tiết mục tuồng khiến mọi người cười ngặt nghẽo. Thế nhưng, có lúc, đang nói cười tếu táo, bỗng dưng nhớ tới người con, cũng là người học trò cưng quá cố, võ sư Trần Hưng Hiệp, ông lại nước mắt nghẹn ngào.
 
Mà bây giờ, khi tuổi đã về già, cái sự tiếc thương ấy nó đến thường xuyên lắm. Bất cứ cái gì gợi cho ông nhớ đến con mình, đều khiến ông xúc động. Võ sư Văn Thắng, Chưởng môn phái Thăng Long võ đạo kể, một buổi đi sinh hoạt ở Liên đoàn võ thuật Hà Nội, gặp lão võ sư, vô tình ông khoe, ông vừa tìm thấy một tấm ảnh ông chụp chung với Hiệp.
 
Chỉ nghe đến đó thôi, ngay lập tức lão võ sư lại khóc, lại ngồi thảm thiết nhớ về những kỷ niệm của con mình. Ông có 3 người con, 2 trai một gái. Cố võ sư Trần Hưng Hiệp là thứ hai. Với ông thì dường như Hiệp sinh ra là để học võ. Ông kể, ngay từ tấm bé, ông đã phát hiện ra năng khiếu võ thuật thiên bẩm của cậu con trai mình. Bởi thế, những bài quyền, thế cước ông rèn cặp, Hiệp đã lĩnh hội rất nhanh.
 
Nối nghiệp cha, Hiệp cũng theo học môn Tuồng cổ ở trường Sân khấu- Điện ảnh và dốc toàn bộ thời gian còn lại vào việc luyện rèn võ thuật. Thời gian ấy, hễ nghe tiếng ở đâu có thầy giỏi là ngay lập tức anh tìm đến bái sư theo học. Bởi thế, khi tuổi mới đôi mươi, vốn liếng võ công của anh đã được võ lâm đồng đạo bái phục, kính nể và trở thành vị võ sư trẻ tuổi nhất trong làng võ cổ truyền. Lão võ sư Trần Hưng Quang bảo, nhờ có Hiệp mà Bình Định Gia trở nên nổi tiếng, được đông đảo môn sinh theo học, quần hùng mến mộ. 
 
Tuổi trẻ, võ công cái thế, nhưng tính Hiệp điềm đạm, trầm tĩnh, sống nội tâm. Lão võ sư Trần Hưng Quang kể, có lần, trong khu nội trú trường Sân khấu- Điện ảnh, có nhóm đầu gấu bên ngoài vào trường quậy phá, bắt nạt sinh viên. Không muốn va chạm nhưng cũng chẳng thể ngồi yên, Hiệp đành ra mặt.
 
Chọn tên có vẻ gấu nhất, anh mời vào phòng mình nói chuyện. Thấy cậu sinh viên người nhỏ bé, mặt mũi thư sinh, vị khách mời không những không tiếp thu những lời phải quấy mà còn tỏ thái độ thách thức, chửi bới om xòm. Biết không thể nói suông với kẻ không biết điều ấy, đứng phắt dậy, Hiệp bảo: “Nếu anh thích đánh nhau thì đánh nhau với tôi! Nhưng cho tôi hỏi, chân tay anh liệu có cứng bằng chiếc chân giường này không?”.
 
Hỏi chưa dứt câu, bất thình lình anh tung chân đá quét. “Dính chưởng”, chiếc chân giường vuông thành sắc cạnh gẫy gập làm đôi, văng ra phía cửa. Nhìn thấy cảnh ấy, “kẻ đầu gấu” mặt cắt không ra máu, ú ớ lùi ra rồi hô lũ đàn em chuồn thẳng. Sau này, bởi ấn tượng với võ công thâm hậu và tinh thần thượng võ ấy, gã đầu gấu đã tìm đến anh, bái làm sư phụ, tu chí luyện rèn võ nghệ.
 
Cũng trong thời gian ấy, một chiều đi học về, gặp người quen, anh được mời vào quán uống bia. Bàn bên cạnh, mấy gã đã ngà ngà, nói năng toàn lời tục tĩu. Hết chuyện, thấy bàn bên cạnh có cậu trai cứ ngồi im, chẳng nói chẳng rằng (anh không uống được bia) thì lấy làm… ngứa mắt. Chúng buông lời bóng gió cợt nhả, rồi cười hô hố với nhau.
 
Thấy vậy, anh quay đi, chẳng thèm để ý. Sự phớt lờ của anh khiến chúng càng thêm tức tối, ỉ đông, chúng quay sang gây sự. Mấy “chiến hữu” cùng bàn với anh ai cũng nóng mắt, nhưng thấy “quân ta” yếu thế hơn nên chẳng ai dám động thủ. Trấn an các bạn, anh đứng dậy quay sang bàn bên.
 
Giơ cốc bia đang uống dở lên, hướng về phía đối phương, anh bóp mạnh. Chiếc cốc vỡ vụn, phát ra những âm thanh sởn ga gà. Chưa dừng lại, tay phải anh tung luôn một cú thôi sơn vào bức tường kiên cố ngay bên cạnh. Cú đấm uy lực, thấy đã gặp phải cao thủ, biết có đông cũng đánh không lại, nhóm anh chị bàn bên bỗng im phăng phắc. Phía bên này, sau những cú thị uy ấy, Hiệp lại chậm rãi ngồi xuống uống bia như chẳng có chuyện gì. 
 
Cho đến bây giờ, võ lâm đồng đạo vẫn suy tôn Linh giác công của Trần Hưng Hiệp là thiên hạ đệ nhất, không ai bì kịp. Biểu diễn tuyệt chiêu này đòi hỏi người võ sư phải có công lực thượng thừa và cái tâm luôn tĩnh. Với tuyệt chiêu này, đã nhiều lần Hiệp làm người xem thót tim vì sợ.
 
Lão võ sư Trần Hưng Quang kể, khi biểu diễn Linh giác, Hiệp thường đặt quả cam, táo, hoặc một mẩu thân chuối dài chừng gần chục cm lên đỉnh đầu người đối diện. Sau ấy, bằng mảnh vải đen, anh bịt kín mắt mình, tay cầm kiếm sắc, từ từ tiến tới. Mắt bịt kín, nhưng bằng giác quan, anh vẫn xác định được vị trí của mục tiêu và vung kiếm chém tới.
 
Dù chém ngang, hay dọc thì đường kiếm ngọt ngào ấy cũng chỉ phạt đôi vật thể trên đầu chứ chẳng mảy may làm tổn thương một cọng tóc của người trợ diễn. Ngay cả lão võ sư, đã nhiều lần xem con mình biểu diễn, nhưng lần nào ông cũng… hoảng. Ông cấm con mình tuyệt đối không được dậy chiêu thức nguy hiểm ấy cho ai. Dặn con vậy không phải vì ông muốn giữ độc chiêu cho gia đình mình mà vì sợ. Đám học trò hiếu động, học chưa đến nơi đến chốn, chém phạt đầu nhau thì vô cùng nguy khốn. 
 
Tuy quá nổi danh với Linh giác công nhưng sau này, mọi người đã không được thấy anh biểu diễn tuyệt chiêu này nữa. Nguyên nhân, theo lão võ sư Trần Hưng Quang thì con ông là người cẩn trọng, không bao giờ thích chuyện phiêu lưu hay những trò chơi nguy hiểm. Bởi thế, một lần, diễn Linh giác bị hỏng, anh đã quyết tâm từ bỏ sở trường này.
 
Lần ấy, Bình Định Gia tổ chức biểu diễn ở Nhà văn hoá huyện Từ Liêm. Tiết mục Linh giác trứ danh của Hiệp được toàn thể khán giả đón đợi. Lần thứ nhất, quả táo Tầu nhỏ xíu trên đầu người trợ diễn đã bị anh chém toác đôi. Nhiều người kinh hãi không dám nhìn nhưng cũng nhiều người ưa cảm giác mạnh, muốn anh diễn lại. Không thể chối từ thịnh tình của người mến mộ, anh lại bịt băng đen che mắt, lại tiếp tục diễn trò.
 
Thế nhưng, khi thanh kiếm sáng loáng trong tay vừa vung lên thì anh bỗng khựng người lại, buông kiếm xuống. Tiếp tục một lần nữa cũng vẫn vậy, thanh kiếm trên tay anh chẳng thể lượn một đường ngọt sớt như nó vẫn thường thi triển, vẫn làm người xem kinh hãi. Có lẽ, linh giác đã mách bảo anh rằng, trong một tâm trạng không được thoải mái, anh không nên dụng trò nguy hiểm ấy.
 
Đắn đo, sau cùng, anh đã xin lỗi khán giả và thay bằng việc đặt quả táo lên đầu người trợ diễn thì anh đặt quả táo lên thành ghế. Nhát kiếm chí tử được tung ra. Quả táo bị chém phạt phần dưới, tung lên rồi lăn lông lốc trên sàn nhà. Mọi người vẫn vỗ tay dầm dập. Thế nhưng, trên mặt anh vẫn không thấy nụ cười. Chào khán giả, anh vội vàng lùi vào phía trong.
 
Lão võ sư Trần Hưng Quang kể, về nhà, con trai ông đã kể cho ông “sự kiện lạ lùng” ấy. Và, anh còn tiết lộ, hàng đinh đóng trên thành chiếc ghế đã bị anh chém bay hết mũ. Nếu hôm ấy, nếu là người thật thì không biết hậu quả thế nào. Vậy là, nghe theo lời khuyên của ông, cùng với tính cẩn trọng của mình, anh đã từ bỏ môn võ mà mình đã khổ công rèn luyện.
 
Khi tài năng đang độ chín muồi, khi Bình Định Gia đang khởi sắc, phát triển võ đường đến hầu hết các tỉnh phía bắc với hàng vạn môn sinh theo học thì một tai nạn giao thông thương tâm, Trần Hưng Hiệp đã không còn nữa. Lão võ sư Trần Hưng Quang bảo, hôm nghe tin con trai mình mất, ông chết điếng và cả mấy tháng sau, cứ thấy mình như đi trên mây khói.  
 
Đào Thanh Tuy
http://giaoduc.net.vn/xa-hoi/40-tin-nong/4919-i-tim-thien-h-nht-vo-vit-k-2-.html

Thứ Sáu, 25 tháng 4, 2014

ĐỆ NHẤT ROI HỒ NGẠCH




        Luận về võ công, không thể không nhắc đến đất võ Bình Định, cụ thể hơn là những địa danh như Thuận Truyền, An Vinh, An Thái. Những địa danh trên đã đi vào ca dao, huyền thoại bởi là nơi phát tích, “nuôi nấng” những dòng võ cũng như những võ sư danh trấn thiên hạ.
 
Đến giờ, tại nơi nghĩa quân Tây Sơn dấy binh đánh đuổi quân thù ấy vẫn còn truyền tụng những câu tục ngữ nói về tinh thần thượng võ của những địa danh này. “Roi Thuận Truyền, quyền An Thái” hay “Trai An Thái, gái An Vinh”… Thôn Thuận Truyền nằm ở xã Bình Thuận, thôn An Vinh thuộc xã Bình An (quận Bình Khê), An Thái thuộc xã Nhơn Phúc huyện An Nhơn, giờ vẫn tồn tại rất nhiều những lò võ nức tiếng xa gần. 
 
Roi Thuận Truyền không rõ sáng tổ là ai nhưng từ trước đến nay vẫn tôn vinh tên tuổi của võ sư Hồ Ngạch. Hồ Ngạch tên thật là Hồ Nhu, ông sinh năm 1891, mất năm 1976, nguyên quán thôn Háo Ngãi, xã Bình An, sinh sống tại thôn Thuận Truyền, Bình Thuận. Cha ông là Đốc Năm (Hồ Đức Phổ), một võ quan của triều đình Huế, mẹ ông bà Lê Thị Huỳnh Hà, cũng là một người nức tiếng giỏi võ trong vùng.
 
Bởi thế, ngay từ nhỏ, ông đã được cha mẹ truyền dạy võ công. Lớn lên, ông được gia đình gửi vào lò võ của cao sư Ba Đề, tiếp đến là Đội Sẻ, Hồ Khiêm, toàn những người nổi tiếng. Bởi thế, từ những đường roi của các cao nhân như Ba Đề, Hồ Khiêm kết hợp với nội công học được từ thầy Đội Sẻ đã tạo ra một Hồ Ngạch với những đường công biến hoá, sâu hiểm khôn lường. Theo sự truyền tụng của giới võ lâm khi ấy, đường roi của Hồ Ngạch là tuyệt kĩ vô song. Sau hơn chục năm lăn lộn với côn, quyền tiếng tăm của Hồ Ngạch ngày một vang xa hệt như diều gặp gió.
 
Hồ Ngạch vốn trầm tĩnh, ít nói và đặc biệt, ông không bao giờ để lộ tài năng võ thuật của mình. Tuy thế, trong đời luyện võ của mình, ông đã để lại rất nhiều giai thoại, đó là những trận so tài với các cao thủ võ lâm có một không hai.
 
Có lẽ, hữu xạ tự nhiên hương, bởi danh tiếng lẫy lừng, nên Hồ Ngạch thường được những người học võ tìm đến để thi thố tài nghệ. Dân Bình Định đến giờ vẫn truyền tụng nhiều câu chuyện Hồ Ngạch bị các cao thủ khiêu chiến, thậm chí cả “đánh úp” hết sức lạ lùng. Các cao nhân thử tài với Hồ Ngạch thì nhiều lắm, nhưng nổi tiếng nhất vẫn là những trận thư hùng với lực sĩ Dư Đành.
 
Dư Đành là tướng cướp, về võ công thì đến cả quân lính triều đình khi nghe thấy tên cũng đã hồn xiêu phách tán. Tung hoành khắp vùng không có đối thủ, nghe tiếng Hồ Ngạch, Dư Đành nhiều lần gửi lời khiêu chiến. Chối từ mãi không được, sau cùng Hồ Ngạch cũng phải nhận lời thách đấu. Lần ấy, Dư Đành đem lũ lâu la về tận Thuận Truyền và hống hách đưa ra điều kiện, nếu Hồ Ngạch đấu thua thì phải ra nhập đảng cướp của y.
 
Vậy là, tại bãi vắng ngay sát thôn Thuận Truyền đêm ấy, một mình Hồ Ngạch đã đánh bại cả chục tên đệ tử của Dư Đành, vốn đều là những cao thủ võ lâm. Khi đám tay chân mỗi tên nằm một góc thì Dư Đành xuất hiện. Phải nói thêm rằng, Dư Đành có sức mạnh chẳng ai sánh kịp. Đã có lần, để diễu võ dương oai, một tay y đã cắp cả một con nghé hệt như người ta nhẹ nhàng bồng trên tay đứa trẻ. Với thanh đao sáng loáng trên tay, vừa xuất hiện là Dư Đành tung đòn tới tấp. Thế nhưng, với đường roi thượng thừa của mình, Hồ Ngạch cũng chẳng hề nao núng. Đánh mãi mà vẫn không tìm được kẽ hở để “ăn sống nuốt tươi” đối phương, Dư Đành thấy máu nóng dồn lên mặt.
 
Và khi ấy, Hồ Ngạch đã ra đòn tuyệt kỹ. Tránh đòn truy hồn của đối phương, ông nhẹ nhàng tung người đá văng thanh đao cắm xuống đất, đồng thời xoay người giở đòn đánh nghịch. Biết đã vào thế hiểm, tiến thoái lưỡng nan, Dư Đành đành nhắm mắt chờ đường roi sát thủ. Thế nhưng, sau khi tiếng roi vun vút cất lên, Dư Đành đã thở phào choàng tỉnh bởi đường roi vừa chạm áo thì đối thủ đã thu về không đánh nữa. 
 
Trận thư hùng ấy, dù đã nợ Hồ Ngạch một mạng nhưng Dư Đành vẫn không chịu phục. Y rắp tâm kiếm cơ hội trả thù. Bởi thế, một chiều, đang mải mê với những chiêu thức  võ thuật thì Hồ Ngạch được mọi người báo tin không biết ai đã đến nương sắn nhà mình và nhổ hết sắn đóng vào những giỏ lớn. Điều lạ lùng là tất cả số sắn đó, kẻ trộm không lấy mang đi mà vẫn để nguyên trên rẫy. Hồ Ngạch đâu biết rằng đó là một âm mưu của Dư Đành.
 
Ra rẫy, thấy sắn bị nhổ, chẳng còn cách nào khác, Hồ Ngạch đành phải quẩy những sọt sắn trĩu nặng ấy về. Vừa đi được một đoạn thì từ bụi cây bên đường, Dư Đành vọt ra với chiếc bắp cày trên tay. Chẳng nói chẳng rằng, y tung luôn một đường sát thủ. Nghe tiếng gió, Hồ Ngạch vội thụt xuống, đường cày vụt qua đầu, văng thẳng vào cây bồ lời làm thân cây gẫy gập.
 
Lợi dụng luôn cú đánh hụt ấy, Hồ Ngạch tức tốc áp sát, nhanh như chớp, chụp luôn tay Dư Đành rồi sử dụng thế lạc côn, không những hoá giải mà còn biến sức đối phương thành lực của mình, hất thẳng Dư Đành xuống bụi tre gần đó. Mắc kẹt giữa đám tre gai góc, lúc ấy, Dư Đành mới khẩn khoản xin tha và hứa từ đó không bao giờ dám về làng Thuận Truyền quậy phá nữa.
 
Tỉ thí võ thuật Nam Hàn vinh danh làng quyền cổ
 
Sáng tổ của làng quyền An Vinh là Nguyễn Ngạc, tức Hương Mục Ngạc. Theo nhiều người thì bà tổ cô của Nguyễn Ngạc chính là thầy dạy võ của nữ tướng Bùi Thị Xuân. Bởi thế, Nguyễn Ngạc xuất thân trong một gia đình có truyền thống võ học.
 
Tiếp thu sở học của gia đình cũng như nhiều tiền nhân lúc bấy giờ, chuyên tâm nghiên cứu quyền pháp, Nguyễn Ngạc đã sáng tạo ra nhiều tuyệt kỹ điêu luyện, đặc biệt là ngón song xỉ đã nức danh khắp chốn. Quyền An Vinh thiên về đánh hiểm, đánh móc, đánh không hết tay, phản đòn nhanh, liên tục. Khi đánh, thường phải áp sát đối phương mới tìm được lợi thế cho mình. Nguyễn Ngạc có nhiều học trò, họ đều là những võ sư ưu tú, tiếng tăm lừng lẫy. Trong số ấy phải kể đến Bảy Lụt, Tám Cảng, Chín Giác, Sáu Hà, Tám Tự, Hai Tửu, Hương Kiểm Mỹ…
 
Bảy Lụt tên thật là Nguyễn An là con trai của Nguyễn Ngạc. Ông sáng dạ, sức khoẻ thì phi phàm, lanh lẹ tựa cọp beo. Năm 1935, Bảy Lụt cùng em mình là Chín Giác và Hương Kiểm Mỹ tham dự giải đấu võ đài toàn quốc tại Huế. Thi đấu thắng hàng loạt đối thủ, ông đã đem về cho làng quyền An Vinh huy chương vàng. Từ đây, danh tiếng về làng võ này đã được các môn sinh khắp nơi biết đến.
 
Thừa hưởng các bí kíp quyền pháp của cha, không để thất truyền, Bảy Lụt cũng chiêu mộ nhiều đệ tử. Trong số ấy, nổi danh nhất là võ sư Phan Thọ, người gốc Bình Nghi (Tây Sơn) người đã thừa kế di sản đồ sộ của môn phái quyền An Vinh.
 
Võ sư Phan Thọ sinh năm 1925, bắt đầu học võ từ năm 17 tuổi. Ông bảo, ông là người may mắn bởi được sinh ra ở cái nôi của võ thuật Tây Sơn. Mê võ, thủa thiếu niên, đã nhiều lần ông xin gia đình bán ruộng, bán bò để quyết chí theo đuổi sở thích của mình. Ông được lĩnh hội võ thuật cao siêu của rất nhiều tiền bối. Các bài quyền, roi, kiếm, đao, thương ông học từ thầy Bảy Lụt, Tàu Sáu (Diệp Trường Phát). Các môn kích, gản, phủ, lăn khiên, chuỳ… ông học từ thầy Sáu Hà (Lê Hải). Các môn côn, thước, xích, độc bút, xà mâu, đinh ba… ông lĩnh hội từ thầy Hồ Ngạch.
 
Tuy thế, sở trường của ông vẫn là quyền, thứ mà ông được thầy Bảy Lụt dày công dạy dỗ. Cũng giống như nhiều võ sư nổi tiếng khác, võ sư Phan Thọ cũng đã có nhiều trận thi tài mà đến giờ nhiều người khi nhắc tới đều vẫn ngả mũ thán phục tài năng.
 
Ngày ấy, khu vực Nam bộ, Trung Nam bộ rộ lên phong trào thi đấu võ đài theo kiểu tự do. Dù đã thượng đài rất nhiều lần nhưng Phan Thọ vẫn chưa có đối thủ. Tiếng tăm ông mỗi lúc một vang xa. Năm 1972, một võ sư taekwondo đệ ngũ đẳng huyền đai, vốn là một sĩ quan quân đội Nam Hàn đã tìm đến ông gửi lời khiêu chiến. Bị “áp đáo tại gia”, dù mến khách nhưng không có cách nào khác, ông phải nhận lời.
 
Trận tỉ thí diễn ra ngay trong nhà. Không khách khí, khách tung đòn trước. Đó là một cú đá có sức mạnh kinh hồn. Nhanh như sóc, Phan Thọ cúi người né tránh khiến chiếc cột giữa nhà thành… nạn nhân bất đắc dĩ. Thiết cước ấy làm cả gian nhà rung chuyển. Thủ thế đến chiêu thức thứ ba, khi đối phương vẫn hăng say tung những cú đá nhanh như chảo chớp của mình. Lựa một cú đá quét ngang mặt của đối phương, ông liền giở thế tấn mã tam chiến, một chân quét, một tay đỡ đòn, tay còn lại dương hổ trảo, hạ luôn đối thủ. Chỉ một cú đánh ấy, viên sĩ quan Nam Hàn đã nằm sõng soài ngay góc nhà.
 
Và, đương nhiên, anh ta chắp tay kính phục. Tuổi xưa nay hiếm nhưng lão võ sư Phan Thọ vẫn phải đứng ra nhận lời thách đấu của giới võ lâm. Khi ấy, năm 1998, một đoàn võ sĩ cũng của Hàn Quốc lại tìm đến nhà ông. Họ cho rằng, võ cổ truyền của Việt Nam chỉ là võ vườn, không có đẳng cấp như taekwondo nước họ.
 
Tuy đã có tuổi, chẳng còn máu hơn thua nhưng với khi đã chạm đến lòng tự hào dân tộc, lão võ sư lại sắn áo “thượng đài”. Lợi dụng sức trẻ, võ sinh Hàn Quốc ra đòn vun vút. Có cú sát thủ đến nỗi cả mang vữa tường rơi lả tả. Lão võ sư cứ nhẹ nhàng tránh né, hoá giải, chờ cơ hội. Và cơ hội ấy cũng đã đến khi đối phương tung một cú đòn lỡ chớn. Chỉ chờ có vậy, lão võ sư liền cúi người, quét luôn chân trụ. Chỉ một cú đòn ấy, đám khách không mời đã phải chắp tay: “Kung fu Tây Sơn danh bất hư truyền!”.
 
Long tranh hổ đấu
 
Năm 1924, làng võ Bình Định xuất hiện thêm một dòng võ mới đó là quyền Tàu. Người sáng lập ra dòng võ này là Tàu Sáu, tên thật là Diệp Trường Phát, sinh năm 1896 tại An Thái. Tuy là người Trung Quốc nhưng gia đình Diệp Trường Phát sinh sống ở An Thái đã được mấy đời.
 
Hấp thụ tinh thần thượng võ từ An Thái, 13 tuổi, Diệp Trường Phát được gia đình gửi về Trung Quốc để học võ từ các cao sức của Thiếu lâm Bắc phái. Sau 15 năm thụ giáo tại cố hương, 28 tuổi, Diệp Trường Phát trở lại An Thái mở lò dạy quyền Tàu. Đến giờ, dân làng An Thái vẫn truyền tai nhau chuyện thi tài giữa Sáu Tàu và đệ nhất roi Hồ Ngạch. Bởi đó là cuộc thí võ kết bạn nên hai bên đã giao ước không gây thương tích, chỉ dùng mực ghi dấu trên y phục đối phương.
 
Trước sự chứng kiến của nhiều môn đồ, hai ông giao kèo lấy một tuần nhang là một hiệp đấu. Sau hiệp đấu quyền, khán giả đếm được những vết mực trên áo hai người là như nhau, tuy thế, Hồ Ngạch vẫn chắp tay bái phục Tàu Sáu, thừa nhận mình kém hơn một bậc. Khán giả hết sức ngạc nhiên.
 
Khi ấy, Hồ Ngạch mới giải thích, các vết mực Tàu Sáu lưu trên y phục mình có phần nhạt hơn. Điều đó chứng tỏ rằng, đường quyền thế cước của Tàu Sáu đã ở mức thượng thừa. Bởi vậy nên ông mới có thể vận hành công lực như ý muốn nên đòn ra mới nhẹ nhàng, dấu mực mới nhạt. Nếu cũng những quyền thế ấy, thi triển hết 12 thành công lực thì sức mạnh sẽ rất kinh hoàng, có thể lấy mạng người trong chớp mắt.
 
Về côn, tuyệt kỹ của Hồ Ngạch, hai bên cũng quần thảo kinh hồn. Người xem chỉ thấy tiếng gậy va vào nhau chan chát còn bóng người thì lấp loá, mờ ảo. Sau tuần nhang, Tàu Sáu thấy trên người mình nhiều vết mực hơn. Trước đông đảo mọi người, ông đã chắp tay bái phục: “Đoản côn ở Thuận Truyền chỉ có Hồ Ngạch làm chủ!”.
 
Phiêu bạt tìm thầy
 
Về tinh thần thượng võ, ham học hỏi của người Việt, bây giờ, cụ Hàn Bái (Lê Bái) sáng tổ Hàn Bái đường, Thiếu lâm Hài Bái vẫn được giới võ lâm hết mực tôn thờ. Lê Bái sinh năm 1889, xuất thân từ một gia đình quyền quý.
 
Ngày ấy, người Pháp cho xây dựng tuyến đường sắt nối liền Côn Minh (Vân Nam, Trung Quốc) với Hải Phòng bởi thế giao lưu đi lại đã thêm bề thuận tiện. Biết Trung Hoa là nơi có nhiều kỳ tài võ học nên Lê Bái đã xin làm Sở Hoả xa tại tỉnh Vân Nam để tìm cơ hội trau dồi võ nghệ. Sau một thời gian nghe ngóng, thấy ở Phúc Kiến có bậc cao nhân từng làm giáo đầu trong triều, Lê Bái đã xin nghỉ việc để tìm lên thọ giáo.
 
Vị sư phụ ấy họ Lý, tên Quân ở Trung Hoa đã danh vang tứ hải. Thấy Lê Bái khôi ngô, tinh hoa phát tiết, Lý sư phụ mừng lắm, vui vẻ thu nạp làm đệ tử. Thế nhưng, trước khi bái sư, Lý sư phụ muốn thử tài năng của cậu học trò mình. Trước thịnh tình của vị sư phụ Lê Bái cũng chẳng khách khí, xuất luôn chiêu Hắc hổ xuyên tâm, đánh thẳng vào ngực đối phương với dự tính trong đầu, nếu bị hoá giải sẽ tiếp tục dùng thức Thanh xà nhập động sở trường của mình mà tấn công đối thủ.
 
Thế nhưng, dự tính ấy đã bị vị quyền sư bắt bài. Ông không gạt tay đối thủ mà nhẹ nhàng tóm thẳng cổ tay, giật xuôi theo đà lao của Lê Bái, đồng thời, quét luôn chân trụ của đối phương, hất văng xa ra. Tuy đau đớn nhưng cú đánh ấy làm Lê Bái mừng rơn. Bái biết, đấy đích thị là người thầy mà bấy lâu nay mình tìm kiếm.
 
Ba năm luyện võ tại nhà Lý sư phụ, Lê Bái đã trưởng thành, tên tuổi cũng đã lừng danh khu Phúc Kiến. Khi ấy, Lý sư phụ đưa cho người đệ tử yêu của mình lá thư tay, nói là quay lại Vân Nam tìm thầy Triệu Quang Chảo, một cao nhân của Thiếu lâm. Theo Lý sư phụ thì tuy là bạn nhưng luận về võ công, so với Quang Chảo, ông chỉ là hậu bối.
 
Quay lại Côn Minh, Lê Bái tiếp tục những tháng ngày khổ luyện và đến năm 1918 thì trở về quê nhà. Sau một thời gian kỳ bạt giang hồ, dạy võ ở khắ nơi, thọ bệnh, ông mất năm 1928, khi vừa tròn 40 tuổi. Bây giờ, đệ tử của ông, tiêu biểu là đại sư Vũ Bá Oai vẫn tiếp tục sự nghiệp hiển hách, hoằng dương tinh thần thượng võ của vị sư phụ kỳ tài của mình.
 
Đào Thanh Tuy
http://giaoduc.net.vn/xa-hoi/40-tin-nong/4832-huyn-thoi-nhng-nht-vo-lam-tri-nam-k-1.html

Chủ Nhật, 20 tháng 4, 2014

CAO THỦ VÕ VIỆT: CHƯỞNG MÔN VÕ LÂM PHẬT GIA

 
Ông là võ sư Băng Sơn, (tên thật là Bùi Quốc Sơn), Chưởng môn phái Võ lâm Phật gia, đệ tử chân truyền của Chưởng môn đời thứ 44, môn phái Thiếu Lâm Phật Gia, đại sư người Trung Quốc, Lý Chấn Hòa. Võ lâm giang hồ còn biết đến ông với tư cánh là đệ tử cuối cùng trong nhóm Thập nhị đại đồ đệ (pháp danh Bắc Phong Chân Nhân) của đại sư, Chưởng môn phái Võ lâm Côn Luân, Thanh Hư Chân Nhân Đoàn Tâm Ảnh. 
 
Bởi muốn hoằng dương tinh thần võ đạo, lòng nhân ái và sự bao dung, Bắc Phong Chân Nhân và các môn sinh của mình còn nổi tiếng ở cách hành xử lạ thường khi tỉ thí võ nghệ: Luôn nhường trước đối phương trước 3 đòn rồi mới xuất chiêu đánh trả.
 
Duyên tiền định 
 
Quê ông ở Mao Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Tổng Mao Điền ngày trước nổi tiếng là đất học, với 128 vị tiến sĩ, trong đó nổi tiếng nhất là Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Thời phong kiến, nhà Mạc đã cho lập Văn miếu để tôn vinh sự hiếu học của nhân dân xứ này. Ngoài văn, Mao Điền cũng nổi tiếng về võ, mà bằng chứng là thời giặc Pháp đô hộ, đội du kích Mao Điền đã trở thành nỗi khiếp sợ đối với kẻ thù bằng những chiến công vang dội ở khắp đường 5. 
 
Tại đất ấy, dòng họ Bùi Xuân của võ sư Băng Tâm cũng nổi tiếng bởi tinh thần thượng võ với các bài võ gia truyền như võ gậy, lăn khiên, song đao… Ông nội ông, cụ Bùi Xuân Cật, còn gọi là Trương Cất được võ lâm đương thời ái mộ bởi thông thạo nhiều đòn hay thế hiểm của Long quyền, Hổ quyền, Ngọc trản, Thiết lĩnh… 
 
Lớn lên trong “môi trường” ấy, được mọi người rèn rũa tối ngày nên khiếu võ trong ông đã “có đất” sinh sôi. 
 
Gia đình ông chuyển ra Hà Nội đúng khi nghề võ suy tàn. Bởi thế, ông được mọi người “chuyển hướng”, bắt quay sang “học văn” vì nghĩ đó là đường lập thân tốt nhất. 
Thế nhưng, như cái duyên trời định, dòng máu võ thuật trong ông vẫn không khi nào ngưng chảy. Ngày ấy, nhà ông ở phố Huế, ông hay lang thang cùng đám bạn ra ga Hà Nội chơi. Trẻ con, bởi hiềm khích với đám choai choai ở ga nên nhiều lần hai “băng” đã đánh nhau biêu đầu, sứt trán. 
 
Một bữa, ra đó chơi, bị “phục kích” bất ngờ, chậm chân, ông đã bị đám “đầu gấu” quây vào góc ga, “hứa hẹn” một trận đòn tới số. Đang lúc nguy khốn, như trong chuyện kiếm hiệp, không biết từ đâu, một cô bé xinh xắn chạc tuổi ông bất ngờ xuất hiện. Thân thủ nhanh nhẹn, xuất chiêu biến ảo, chỉ trong giây lát cô bé đã khiến mấy tên ma cà bông ngã xõng xoài, ù té mỗi đứa một nơi.
 
Thấy cậu nhóc bị thương, da thịt bầm dập, cô bé đã khẩn khoản mời cậu về nhà để cho cha mình chữa chạy. Nhà cô bé ở khu Trại Nhãn (La Thành- Hà Nội), nơi ấy khi đó toàn những ngôi nhà lụp xụp của dân tứ xứ. Trên đường về nhà, cô bé ấy bảo, cha cô là người Trung Hoa. 
 
Ông sang Việt Nam sinh sống đã lâu và cũng một cơ duyên tình cờ, cô được nhận làm con nuôi của ông cụ. Nhà cô bé cũng tạm bợ như bao ngôi nhà ở khu vực ấy, chỉ có điều rộng rãi hơn và phía trước, sau đều có khoảng sân rộng được nện bằng lì, chắc nịch. 
 
Khoảng sân ấy chắc chắn là để tập luyện quyền cước - là người đã từng tập võ, cậu bé Sơn thầm đoán. Đón cô con gái nuôi ở cửa, sau khi nghe cô nói chuyện (bằng tiếng Trung Quốc), người đàn ông có khuôn mặt hiền hậu nhưng ánh mắt thì quắc thước, tinh anh đã vội vàng vời cậu bạn mới quen của con mình vào trong. 
 
Võ sư Băng Tâm kể, chỉ bằng một phương thuốc gia truyền bôi ngoài da, như có phép tiên, các vết bầm tím trên người ông đã dịu mát và ít phút sau thì lành hẳn như chưa từng bị va đập bao giờ. Thấy con mình cần có bạn và cậu bé mới quen cũng hiền lành nên khi tiễn ra cổng, ông già người Tầu ấy đã thân thiện mời ông khi rảnh hãy cứ đến nhà chơi.
 
Cao nhân lộ tướng
 
Mấy ngày sau, thấy nhớ bố con ông lão tốt bụng, cậu bé Sơn lại tìm ra Trại Nhãn. Gọi cửa mãi mà không thấy ai ra mở, cậu đành lặng lẽ đẩy cổng bước vào. Trong nhà vẫn vắng hoe nhưng ở sân sau thì có tiếng hò hét, tiếng chân dậm huỳnh huỵch. Tò mò, cậu lại lặng lẽ tiến về nơi có những tiếng động lạ ấy. 
 
Qua khe cửa sổ, cậu đã hết sức bất ngờ bởi trong khoảng sân rộng chừng chục mét vuông đang có cuộc tỉ thí lạ lùng. Mấy người cao to lực lưỡng đang thủ thế nhằm vào ông lão chủ nhà, người đã thoa “thuốc tiên” cho cậu hôm nào. Một tiếng hô vừa đủ nghe nhưng rất dõng dạc vừa cất lên thì cả đám người ấy tung đòn ào về phía góc sân, nơi chủ nhà vẫn điềm nhiên đứng tấn. 
 
Võ sư Băng Tâm kể, trong đời, ông chưa thấy một trận so tài nào mãn nhãn đến vậy. Khi đối phương còn cách vài bước chân, ông lão người Tàu mới thi triển thân pháp. Thế nhưng, chỉ một cái nhún người, ông đã thoăn thoắt vòng đến trước mặt khắp lượt những đối thủ của mình.
 
Và, mỗi lần “xuất hiện bất ngờ” ấy, ông đều nhứ những đòn rất hiểm vào tử huyệt đối phương. Quần thảo một hồi, tất cả dừng tay. Sau động tác chào nghiêm nghị, mấy người lực lưỡng hổn hển bảo: “Thân thủ của sư phụ thiên hạ vô song, chúng con còn phải học hỏi rất nhiều!”. 
 
Truớc lời khen ngợi ấy, ông lão chủ nhà chỉ cười hiền rồi khoát tay mời tất cả vào nhà.
 
Vào đến nhà trong, thấy cậu nhóc loắt choắt đang đứng khép nép sau cánh cửa nhìn mình bằng ánh mắt vừa sợ hãi, vừa nể phục, ông lão người Tàu đã vẫy cậu lại, xoa đầu và hỏi: “Con có thích học võ không?”. 
 
Tim còn đang thình thịch đập, ông đã gật đầu bừa. “Tốt lắm! Ta thấy con cũng có khiếu đấy! Nếu thích học thì cứ đến đây, ta sẽ dạy cho! Đây là những đệ tử của ta, họ đã theo ta được cả chục năm rồi đấy!”. 
 
Chỉ vào những người vừa giao đấu với mình khi nãy, ông lão người Tàu ôn tồn giới thiệu. Vậy là từ dạo đó, cứ tối đến là ông lại trốn gia đình mà chạy bộ từ nhà sang khu Trại Nhãn. 
 
Khi tình cảm của hai người đã nặng sâu, ông lão người Tàu mới tiết lộ cho cậu học trò bé nhỏ của mình biết rõ thân phận thật của mình. Và, điều ấy đã làm cậu vô cùng bất ngờ, kinh ngạc. Có lẽ, dù có nằm chiêm bao cậu cũng không thể ngờ có ngày mình lại được gặp Chưởng môn đời thứ 44 của môn phái nổi tiếng ở đất võ Trung Hoa: Thiếu lâm Phật gia. 
 
Ông tên là Lý Chấn Hoà, pháp danh là Băng Tâm (sinh năm 1889, quê ở tỉnh Hà Bắc), con trai của võ sư nổi tiếng và là Chưởng môn đời thứ 43 của môn phái, Lý Chấn Sinh. Bởi cuộc cách mạng dân quốc năm 1937 mà ông phải ly tán sang đất Việt. 
 
Những ngày đầu, ông kiếm sống nhờ nghề bảo tiêu cho các thương gia chạy hàng đường dài, sau đó thì ổn định cuộc sống nhờ nghề bốc thuốc, chữa bệnh. Như để cậu học trò thơ ngây thực sự tin tưởng vào những lời mình nói, ông lão người Tàu đã lật đật mở tủ lấy cho cậu xem ấn, kiếm- những bảo vật của môn phái mà chỉ người chưởng môn mới được quyền gìn giữ. 
 
Bởi khó khăn nên lễ kết nạp ông vào môn phái được đại sư chưởng môn tổ chức đơn giản nhưng đầy đủ thủ tục, nghi thức. Và, cũng tại buổi đó, Lý sư phụ đã đặt cho ông pháp danh theo pháp danh của người là Băng Sơn và nhận ông làm con nuôi. 
 
Theo Lý sư phụ rèn luyện thành thạo Ngũ hình quyền (Long- Hổ- Báo- Xà- Hạc) và tinh thông thập bát ban cùng các kỹ năng cơ bản của Thiếu lâm Phật gia, võ sư Băng Sơn lên đường nhập ngũ. Những tháng ngày quân trường này, bởi tính ham học hỏi, bởi cơ duyên, ông đã được tiếp xúc với nhiều người luyện võ ở khắp mọi nơi, đặc biệt là tại các bản làng người dân tộc thiểu số sống rải rác khắp vùng cương thổ. Và, cũng từ những mối thâm tình ấy, ông đã được lãnh hội nhiều bí kiếp võ công thuộc kỳ dị, hiếm có ở đời.
 
Xuất ngũ năm 1984, quẳng ba lô về nhà, ông vội vàng tìm đến nơi ở của  Lý sư phụ. Dù đã mấy xuân nữa trôi qua nhưng sư phụ ông vẫn giữ nguyên phong độ ngày nào. Và, để kiểm tra xem sự tiến bộ của cậu học trò yêu sau mấy năm xa cách, Lý sư phụ cùng ông đã có cuộc so tài nảy lửa. 
 
Sau cuộc đấu đó, Lý sư phụ vô cùng mãn nguyện. Vỗ vai ông, đại sư bảo: “Khi đi con được 1 thì giờ về đã khá thêm tới 7- 8 phần!”. 
 
Khi đó, được sự dìu dắt của sư phụ và sư thúc Viễn Trí, cũng một cao nhân trong làng võ khi ấy, giữa năm 1985, ông đứng ra mở võ đường, chiêu nạp môn sinh. Và, cũng được phép của sư phụ chưởng môn, ông lấy tên võ phái là Võ lâm Phật gia, ý chỉ môn võ xuất phát từ cửa thiền, được phóng tác theo lối chiến đấu của các loài mãnh thú. Khi võ phái được thành lập, thêm một trọng trách và vinh dự nữa khi ông được sư phụ mình giao cho nhiệm vụ là đại diện của môn phái, chịu trách nhiệm phát dương quang đại môn phái ở Việt Nam. 
 
Xuôi phương Nam tìm cao thủ
 
Năm 1988, tuổi đã cao (99 tuổi) bởi nỗi nhớ quê hương, Lý sư phụ đã lên đường về nước. Chia tay nhau, nắm tay ông, đại sư nghẹn ngào bảo: “Tất cả những kỹ năng của ta, con đều đã lãnh hội vẹn toàn. Nay ta về cố quốc, chẳng biết có ngày hội ngộ nữa không? Trước khi ta đi, ta muốn dặn con một điều con nhớ mà cố gắng thực hiện. Con hãy tìm gặp cho kỳ được Thiện Tâm Thiền sư Đoàn Tâm Ảnh để học thêm về đấu pháp. Trời Nam này, theo ta thì ông ấy là thiên hạ vô song. Hơn nữa, kinh nghiệm giang hồ là điều con còn thiếu mà ông ấy lại đã có thừa!”.
 
Nghe theo lời Lý sư phụ, ngay sau đó ít lâu, ông khăn gói vào miền Nam tìm Thiện Tâm Thiền sư. Về vị đại sư tiếng nổi như cồn này thì bây giờ, người luyện võ vẫn ước ao trong đời được một lần tham vấn. 
 
Thiện Tâm Thiền sư là Chưởng môn phái Võ Lâm Côn Luân, ông còn được võ lâm biết tới qua pháp danh Thanh Hư Chân Nhân. Ông sinh năm 1900, ở miền Tây với cha là người Triều Châu (Trung Quốc) mẹ là người Rạch Giá. Ngay từ nhỏ ông đã sống đời phiêu bạt. 
 
Năm 12 tuổi, ông được cha mình gửi sang Trung Quốc, trú tại chùa Phi Lai Tự , núi Sơn Đầu, tỉnh Mã Dương Cương. Người được “giao nhiệm vụ” rèn cặp Tâm Ảnh thì ở Trung Hoa đại lục hiếm người nào lại không biết tới. 
 
Ông chính là Mộc Đức Thiền Sư, cố vấn cao cấp của ông Tôn Trung Sơn. Sau gần chục năm luyện tập võ nghệ, khi tuổi ngoài 20, đại sư Đoàn Tâm Ảnh đã được Mộc Đức Thiền Sư cùng đại sư Bắc Phong Hoà Thượng, Chưởng môn phái Thiếu lâm Bắc phái đứng ra tác hợp để cậu học trò yêu được kết tóc se duyên cùng cô nương Hoa Cẩm Tú (môn đồ của Bắc Phong Hoà Thượng). 
 
Sau đó, được sự đồng ý của hai vị đại sư phụ, vợ chồng Tâm Ảnh xuống núi hành hiệp với pháp hiệu là Ta Lô. Từ ngày xuống núi, tiếng tăm về cặp vợ chồng Tâm Ảnh- Cẩm Tú cũng lẫy lừng khắp mọi dẻo đất Trung Hoa. 
 
Người chồng thì khiến đối phương nể sợ bởi đường côn dũng mãnh, biến hoá khó lường. Người vợ thì nức tiếng giang hồ với vuông lụa bạch, mỗi lần xuất chiêu thì lấy mạng người ngay trong chớp mắt. 
 
Chiến tranh Hoa- Nhật bùng nổ, vợ chồng ly tán mỗi người một phương. Sau nhiều năm tìm kiếm nhưng vô vọng, Đoàn Tâm Ảnh đành phải quay trở lại quê nhà. Về đất Quảng Ngãi vào năm 1932, nhưng máu phiêu bạt, ông lại khăn gói sang Lào và Cam pu chia. Năm 1944, Tâm ảnh trở về Việt Nam, trú tại Bạc Liêu. 
 
Lúc này, ông nương nhờ cửa phật, sống ẩn dật ở các chùa chiền với pháp danh Thiện Tâm. Cũng thời kỳ này, bởi nạn cường hào ác bá, bởi sự hung đồ của quân cướp nước, ông đã đứng ra thành lập đảng Sao trắng với sứ mệnh là trừ khử những tên tham quan, ô lại, nhũng nhiễu dân nghèo. 
 
Chuyện đại sư Đoàn Tâm Ảnh hành hiệp trượng nghĩa thì bây giờ, dân các tỉnh miền Tây vẫn truyền tai nhau như một huyền thoại. Cứ khi mọi người yên giấc, bỏ áo thầy tu, khoác lên người bộ y phục kín mít, đại sư băng mình vào màn đêm tĩnh lặng. Và, lần nào đi thì lần chí ít cũng một tên ác ôn phải đền tội ác. 
 
Cứ sau mỗi lần ra tay, hiệp khách ấy luôn để lại trên “hiện trường” ám hiệu riêng của mình. Đó chính là chữ ký của ông. Chữ ký có hình ngôi sao 5 cánh. 
 
Suốt mấy năm trời, tại 6 tỉnh miền tây, uy danh, sự lợi hại của vị đại hiệp có chữ ký lạ lùng ấy đã làm thực dân Pháp và bè lũ tay sai khiếp đảm. Bởi thế, nhiều dinh thự của những tên quan lại nợ máu với nhân dân đã vội vàng “nâng cấp”, che chắn kín cổng cao tường để đề phóng thích khách. 
 
Thế nhưng, như từ dưới đất chui lên, như từ trên trời rơi xuống, tất cả các hệ thống canh phòng ấy đều là vô dụng. Hễ hiệp khách muốn “đòi nợ” ai thì dù có phòng bị nghiêm ngặt đến mấy thì kẻ đó vẫn phải rơi đầu. 
 
Năm 1944, đại sư Đoàn Tâm Ảnh lại tiếp tục cuộc đời phiêu bạt của mình. Ông đã lưu dấu chân mình ở khắp các nước như Mã Lai, Thổ Nhĩ Kỹ, Nhật Bản, Phi Luật Tân… Tại những nơi đó, ông đã truyền bá công phu cho rất nhiều người. Về lại Việt Nam năm 1954, ông bắt đầu thâu nạp môn sinh, mở võ đường dạy võ. Năm 1960 ông đã sáng lập Võ lâm đạo Việt Nam và thành lập Tổng hội Võ lâm Việt Nam tại Cần Thơ.
 
Đào Thanh Tuy
http://giaoduc.net.vn/xa-hoi/40-tin-nong/5965-cao-th-vo-vit-cao-th-pht-gia-va-chuyn-thi-u-nhng-3-on-v.html

Thứ Ba, 15 tháng 4, 2014

CAO THỦ VÕ VIỆT: CÔNG PHU ĐẶC DỊ

 
Ngày ấy, tại Đại hội võ thuật toàn quốc, với tiết mục Khẩu lợi công, ông đã làm cho cả giới võ lâm phải ngả mũ kính phục. Vóc dáng thư sinh, gày còm (nặng 52 kg) nhưng khổ luyện, với hàm răng như thép của mình, ông đã nâng bổng chiếc bàn bao gồm đỉnh đồng, nến, hạc, ảnh thờ… nặng tới gần 80 kg. Hơn 20 năm đã trôi qua, vị võ sư gây chấn động với công phu đặc dị năm xưa vẫn thế, vẫn vóc dáng thư sinh, vẫn kiểu đi lại, nói năng hoạt bát và vẫn phương châm sống: “Thần vượng không ham ngủ, khí vượng không ham ăn, tinh vượng không ham sắc”…
 
Đặc biệt hơn, ông vẫn gây bất ngờ bởi những công phu siêu đẳng của mình.
 
Người luôn thức dạy từ 3 giờ sáng
 
Nội công thâm hậu của võ sư Nguyễn Ngọc Nội (môn phái Vịnh Xuân) đã nức tiếng trong làng võ bấy lâu nay. Ông đã từng đăng đài, để mọi người thẳng tay đấm vào bụng mấy ngàn quả mà mặt chẳng hề biến sắc. Vậy nhưng, khi hỏi ông về những cao thủ trong làng võ, đặc biệt về nội công, ông đã không ngần ngại giới thiệu cái tên Nguyễn Văn Thắng, Chưởng môn phái Thăng Long võ đạo. Theo võ sư Nguyễn Ngọc Nội thì sự nghiệp võ công của người đồng đạo Nguyễn Văn Thắng đang có những bước tiến bất ngờ.
 
 
Võ sư Nguyễn Văn Thắng
Võ sư Nguyễn Văn Thắng
 
 
Tuy có sự chỉ dẫn của võ sư Nội, nhưng vất vả lắm tôi mới gặp được ông bởi ông bận túi bụi tối ngày. Thời gian biểu cho một ngày làm việc của ông, ai thấy cũng đều phát hoảng. Một ngày của ông bắt đầu từ 3 giờ sáng. Khi ấy, tiết trời thanh mát, khí huyết lưu thông, ông lên sân thượng luyện khí công. Luyện khí đến 5 giờ, ông ra công viên Thống Nhất dạy khí công cho môn sinh cao tuổi. Bởi đang làm Chủ nhiệm khoa Giải phẫu bệnh lý (Bệnh viện Thanh Nhàn) nên 7 giờ, ông vội vã đến cơ quan. Làm việc đến 4 giờ chiều, ông về dạy thêm một lớp khí công ngay tại sân thượng nhà mình. Đến 7 giờ tối, lại tiếp tục dạy một lớp võ thuật cũng ngay tại sân thượng ấy. 
 
Hoàng Phi Hồng của... Việt Nam
 
Võ sư Nguyễn Văn Thắng là chưởng môn đời thứ hai của Thăng Long võ đạo. Chưởng môn đời trước, cũng là sáng tổ của môn phái chính là cha đẻ của ông, võ sư nổi tiếng Nguyễn Văn Nhân. Nếu ai đã tận thấy những thế võ cận chiến tuyệt kỹ mà đặc công Việt Nam vẫn sử dụng để hạ gục đối phương trong chớp mắt thì có thể hình dung ra phần nào quyền cước siêu phàm của Thăng Long võ đạo bởi trước đây, lão võ sư Nguyễn Văn Nhân là thầy dạy của rất nhiều đơn vị đặc công.
 
Cho đến tận bây giờ, làng võ vẫn bảo, cố võ sư Nguyễn Văn Nhân là người may mắn, bởi ông được thừa hưởng một “gia tài võ học” khổng lồ mà ông nội, ông ngoại của mình truyền lại. Ông nội cố võ sư là một võ tướng của triều đình nhà Nguyễn, nổi tiếng với Thiếu lâm nội gia, ông ngoại là cụ Cử Tốn, người chỉ nhắc tới tên, cao thủ khắp nơi đều phải chắp tay bái phục. Cụ Cử Tốn là cử nhân võ thuật cuối cùng của triều Nguyễn, khi giặc Pháp tấn công Hà Nội, cụ đã cùng Tổng đốc Hoàng Diệu tử thủ trong thành.
 
Sau này, khi Hà thành thất thủ, Tổng đốc Hoàng Diệu tuẫn tiết, cụ Cử Tốn lui về ở ẩn tại khu làng ngay bên ngoài thành Hà Nội (phố Trần Quý Cáp bây giờ). Đau đáu nỗi nhục mất nước, cụ bí mật mở lò dạy võ, những mong, khi cơ hội đến lại cùng các môn sinh yêu nước của mình vùng lên chống giặc. Lò võ ấy một thời đã thu hút được rất nhiều những môn sinh ưu tú như Mùi Đen, Sáu Tộ (Sáng tổ môn phái Nam Hồng Sơn), Lý Đen, đặc biệt về sau này, người cháu ngoại của cụ, võ sư Nguyễn Văn Nhân, với những tinh hoa võ thuật học được từ cụ đã là rạng danh tiên tổ.
 
Cụ Cử Tốn nhiều giai thoại, hệt như Hoàng Phi Hồng bên Trung Quốc, tinh thần thượng võ luôn song hành với tinh thần ái quốc, thương dân. Bởi là nơi hội tụ những nhân vật kỳ tài, quân Pháp coi lò võ của cụ chẳng khác nào cái gai trong mắt. 
 
Đả hổ kiểu Võ Tòng
 
Có lần chúng bày gian kế hãm hại cụ đến mù hai mắt. Không chịu khuất phục, cụ vẫn bí mật truyền dạy võ công cho những đệ tử yêu nước của mình. Bất lực, giặc Pháp viện đến một âm mưu quỷ quyệt, ấy là dùng giới võ lâm để triệt hạ lão võ sư cứng đầu ấy.
 
Chúng dựng võ đài, loan báo khắp Đông Dương rằng, võ sư nào đánh hạ được thày trò Cử Tốn thì sẽ được trọng thưởng Bắc Đẩu bội tinh và được trọng đãi hậu hĩnh sau này. Âm mưu ấy là vô cùng thâm hiểm, sẽ gây cảnh nồi da nấu thịt, huynh đệ tương tàn, đồng thời, bởi ham mê danh lợi, nhiều người đã “bỏ quên” tinh thần yêu nước, xoay mũi giáo vào chính… người nhà.
 
Hiểu rõ âm mưu ấy, cụ Cử Tốn hết đỗi phân vân. Thượng đài thì khác nào mắc mưu quân cướp nước, không thượng đài thì môn phái ô danh, quần hùng khinh rẻ. Sau cùng, cụ đã nghĩ ra được một kế sách vẹn toàn.
 
Ngày ấy, ở sở thú Hà Nội có con hổ cụt đuôi vô cùng hung dữ. Con hổ to lớn, hễ thấy người là lồng lên, bổ nhào lên chuồng thép như muốn ăn sống nuốt tuơi. Cụ Cử Tốn muốn môn sinh của mình diễn lại tích “Võ Tòng đả hổ” ngay trước mắt quần hùng để tạo thanh thế. Người được cụ chọn sắm vai Võ Tòng là võ sư Mùi Đen, một đệ tử có thân hình vạm vỡ.
 
Đúng hôm đăng đài, quần hùng tụ tập mấy vòng xung quanh cùng đám sĩ quan Pháp và bè lũ sai nha, cụ Cử mới nói rõ lý do tại sao lại thay màn tỉ thí võ công bằng màn đả hổ. Nghe cụ nói, tất thảy đều cúi đầu im lặng, và nín thở chờ xem màn quần thảo mà mới đầu ai cũng cho là chơi dại ấy.
 
Sau một hồi trống rộn rã, hai chuồng cọp đã được mấy chục người khiêng ra, đặt ở hai đầu võ đài. Phía bên trái là chuồng con cọp đực cụt đuôi đang gầm lên những tiếng kinh hồn, bên phải là con cọp cái cũng đang nhe nanh, giương vuốt gầm gừ trông vô cùng dữ tợn. Mùi Đen thượng đài, trông vô cùng hùng dũng.
 
Cứ thế, trước sự kinh hãi của mọi người, ông thủng thẳng vào mở cửa chuồng con cọp đực. Hai bên quần thảo vô cùng ác chiến, sau một giờ, bằng một đòn chí mạng, ông đã bẻ gãy cổ con mãnh thú khát mồi ấy. Chẳng cần nghỉ ngơi lấy sức, túm gáy “kẻ thua cuộc”, ông vác sang chuồng con cọp cái. Lại một màn kịnh chiến kinh hoàng diễn ra.
 
Và, cũng chừng ngần ấy thời gian, con cọp cái đã bị ông bẻ gãy bốn chân, nằm phủ phục, rên những tiếng thảm thiết. Phía dưới, quần hùng không ngớt vỗ tay tán thưởng và nể cái trí, cái dũng của thầy trò cụ Cử, chẳng ai còn dám thượng đài nữa. Thực dân Pháp thì được một phen muối mặt, rẽ đám đông đang hân hoan với những lời tán dương không ngớt chuồn thẳng.
 
Trốn nã bởi đánh võ đài
 
Thụ giáo những tinh hoa võ công từ hai bên nội, ngoại, cố võ sư Nguyễn Văn Nhân đã nhanh chóng bộc lộ, và phát huy năng khiếu võ học thiên bẩm của mình. Võ sư Nguyễn Văn Thắng kể, ngay trước Cách mạng tháng 8, tuổi mới đôi mươi, cha ông đã là một thầy võ nổi tiếng ở Hà Nội.
 
Thanh niên, bởi còn sốc nổi, cha ông cũng hay đi đánh đả lôi đài. Thời ấy, đa phần các võ sĩ thượng đài ra lời thách đấu đều do giặc Pháp giật dây, vậy nên các trận đấu đều vô cùng kinh hãi. Kẻ thua trận nhẹ thì tàn phế, nặng thì bỏ mạng ngay tại võ đài. Bởi thế, hầu hết các võ đài mà giặc Pháp dựng lên thời kỳ ấy bên cạnh người võ sĩ thách đấu là chiếc quan tài được làm từ mây trông rất đẹp.
 
Ai thua, tử trận thì nằm luôn vào chiếc quan tài ấy. Một lần thượng đài, chàng trai trẻ Nguyễn Văn Nhân đã vô tình quá tay, đánh trọng thương một võ sĩ đã đăng đài cả tháng mà chưa ai đánh hạ.
 
Theo lời võ sư Thắng thì ngày ấy, sau cú ra tay hơi mạnh đó, cha ông bị chính quyền thực dân truy nã. Sợ hãi, ông đã bỏ trốn biệt tích. Sau ba tháng, nhớ nhà, ông về, nhưng chẳng dám vào nhà. Ông trèo lên cây bàng cổ thụ ngay gần nhà mà nhìn vào trong, nhìn ngó mọi người. Năm 1944, ông theo cách mạng.
 
Tuần lễ vàng do Cụ Hồ phát động, ông đã đem tài nghệ của mình ra để biểu diễn quyên tiền cứu giúp nhân dân. Đất nước thống nhất, với những tinh tuý võ công mà mình đã được học, tinh luyện những phương pháp luyện tập võ thuật phù hợp với thể trạng người Việt, ông đã sáng lập ra môn phái Thăng Long võ đạo.
 
Võ sư Văn Thắng kể, ông được cha mình truyền thụ võ công từ năm 12 tuổi. Bởi là sĩ quan quân đội nên cha ông dạy võ cho ông theo kiểu… kỷ luật thép. Bây giờ, ông vẫn nhớ như in cái buổi đầu học võ… khổ sai ấy.
 
Trong gian nhà bếp chật hẹp, năm đầu, cha ông chỉ dạy ông duy nhất một môn… đứng tấn. Tháng đầu tiên, cha ông bắt ông mỗi buổi phải đứng tấn khi que hương cháy hết 1/3 mới thôi. Tháng thứ hai tăng lên là 1 nửa, tháng thứ 3 là cả que nhang. Đứng im, không nhúc nhích. Hễ động đậy là ngay lập tức chiếc roi trong tay cha vút lên, đau điếng. Hết đứng tấn dưới đất lại đứng trên cọc nhọn, sau một năm thì chuyển sang Ngoại ngạch công.
 
Cha ông bắt ông treo ngược chân lên xà, rồi cứ thế, ngửa cổ xuống dưới nhấc những xô đá đổ lên xô to phía trên. Xô đá mỗi lúc một đầy, một nặng thêm theo thời gian mà cha ông đã định sẵn. Hai năm, khi thân hình đã dẻo dai, cứng cáp ông mới được cha mình truyền thụ quyền cước. 
 
Đào Thanh Tuy
http://giaoduc.net.vn/xa-hoi/40/5143.html

Thứ Năm, 10 tháng 4, 2014

CAO THỦ VÕ VIỆT: HAI LẦN ĐẠI PHÁ XÃ HỘI ĐEN

Tập ngáp, tập nghiến răng, tập nhai... đá sỏi
 
Mỗi một bài quyền hay những môn công phu đặc dị đều là sự khổ luyện, giờ nghĩ lại, nhiều lúc võ sư Thắng cũng thấy nổi da gà. Thiết xa chưởng là một ví dụ. Cha ông đưa cho ông 12 cây đũa thẳng tắp, được ông tự vót từ thân tre già. Tháng đầu tiên, bằng tay không, một chưởng, ông phải cắm ngập chiếc đũa đó xuống nền đất cứng. 
 
 


 
Võ sư Văn Thắng kể, sợ hãi nhất là tháng đầu tiên. Nếu vận khí không tốt thì chiếc đũa không những không cắm xuống đất mà còn xuyên ngược vào tay mình. Tháng thứ hai, vẫn một chưởng nhưng phải cắm liền lúc 2 chiếc đũa. Tháng thứ ba là 3 chiếc, đến tháng 12 thì cả 12 chiếc phải cắm được ngập thân trong lòng đất.
 
Thiết xa chưởng của võ sư Thắng bây giờ có lẽ chẳng ai bì kịp. Đã rất nhiều lần ông kê bàn tay của mình trên nền nhà để mọi người thẳng tay cầm vồ gỗ mà nện thoả sức chẳng khác nào đưa tay vào cối để giã, trong khi ông vẫn đang tươi cười nói chuyện.
 
Từ trước đến giờ, làng võ vẫn thừa nhận, khẩu lợi công của Thăng Long võ đạo là thiên hạ vô song. Võ sư Thắng bảo, chính bởi luyện môn công phu đặc dị này mà hàm răng trên của ông đã mòn vẹt, thành hình vòng cung trông rất khác người.
 
Theo võ sư Thắng, luyện khẩu lợi công đòi hỏi người tập luyện phải có lòng kiên nhẫn, và một quyết tâm bền bỉ, sắt đá. Ban đầu, người học chỉ tập mỗi động tác... ngáp. Một ngày cứ thế ngồi ngáp đến cả vạn lần. Sau tập ngáp là tập nghiến răng. Tư thế nào thì cũng chỉ chú tâm vào việc... day “bộ gặm nhấm” ấy. 
 
Sau động tác đó, người luyện chuyển sang ngậm sỏi, nhá sỏi. Khi răng, hàm đã cứng, đã có lực thì chuyển sang nâng, nhấc, kéo những vật nặng. Ban đầu thì nhấc những túi cát nặng chừng 10 kg, sau đó tăng dần... thành chiếc cối đá nặng đến nửa tạ. 
 
Có thể nhai vỡ liền lúc hàng trăm cốc thuỷ tinh
 
Trước đây, năm 1989, Liên hoan võ thuật cổ truyền toàn quốc, võ sư Thắng khi đó nặng chỉ 52 kg nhưng đã dùng khẩu lợi công nhấc cả chiếc bàn với đỉnh đồng, nến, hạc, kiếm, ảnh Đạt Ma Sư tổ... nặng đến xấp xỉ 80 kg. Sau mấy chục năm tu luyện, bây giờ, khẩu lợi công của võ sư Thắng đã đạt tới mức thượng thừa. Ông bảo, với hàm răng thép của mình, ông có thể nhai vỡ liền lúc mấy trăm chiếc cốc thuỷ tinh. 
 
Bởi là môn phái có những công phu dị thường nên rất nhiều lần Thăng Long võ đạo được Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Hà Nội mời đi biểu diễn giao lưu với các đơn vị khác. 
 
Võ sư Thắng bảo, đến giờ ông vẫn còn ấn tượng với lần lên Hoà Bình biểu diễn khí công cho các công nhân của Nhà máy Thuỷ điện sông Đà xem. Sở dĩ ông nhớ lần trổ tài kinh hồn ấy là bởi, khi về, ông đã bị họ hàng mắng cho một trận te tua. Ai cũng bảo, ông học lắm rửng mỡ, đùa với chính mạng sống của mình.
 
Ông kể, lần ấy, bởi được báo hơi muộn, chưa kịp chuẩn bị tiết mục gì lạ nên ông đành chọn môn khí công chịu lực. Vật dụng để biểu diễn là khối bê tông nặng gần 3 tạ, ông mượn tạm từ bể nước của khu tập thể gần nhà mình. 
 
Tại công trường, khi các công nhân đã quây quần đông đủ, sau khi phô diễn những bài quyền cước đẹp tựa phượng múa, rồng bay thì tiết mục khí công chịu lực mở màn.
 
Vị võ sư thân thể gầy nhẳng như que củi vận khí nằm im trên nền gạch. Khối bê tông 3 tạ được cần trục đưa tới, từ từ đặt nên người ông. Mọi người nín thở sợ hãi. Khi khối bê tông đã yên vị thì hai lực sĩ hai bên, mím môi mím lợi dùng búa tạ, nhè khối bê tông mà quai thật lực.
 
Quai sã cánh tay mà khối bê tông không chịu vỡ, người võ sĩ nằm dưới vẫn cứ nằm im thin thít, chẳng chút chau mày. Không tin vào mắt mình, hai chuyên gia Liên Xô lực lưỡng nhảy vào, giằng lấy búa, đập tiếp. Lại một thôi một hồi những tiếng búa chan chát vang lên, nhưng khối bê tông vẫn trơ trơ.
 
Người nằm dưới thì vẫn nét mặt thản nhiên như đang nằm ngẫm nghĩ điều gì mông lung lắm. Mỏi tay, hai chuyên gia đành buông búa, trầm trồ thán phục. Khi khối bê tông được nhấc ra, mọi người đã ùa vào sờ sờ nắn nắn khắp người vị võ sư tài giỏi. Họ ngạc nhiên bởi không hiểu thân hình vị võ sư được “kết cấu” bằng gì!?
 
Xuất chiêu vì... chiếc săm xe đạp
 
Trong suốt cả đời luyện võ, có hai lần ông cực chẳng đã phải đại phá... “xã hội đen”. 
 
Lần thứ nhất xảy ra cách đây đã hơn 20 năm. Chiều ấy, bởi vợ đang mang bầu, sắp sinh, ông đạp xe lên bờ hồ Hoàn Kiếm đón. Qua ngã tư Tràng Tiền, chẳng hiểu thế nào xe của vợ chồng ông bị xịt lốp. Thấy thế, toán sửa xe, toàn những tay thanh niên, mặt mày bặm trợn ở gần đó đã lôi xềnh xệch xe của ông vào đòi sửa.
 
Thử săm, một gã bảo, bị thủng 3 lỗ lớn, phải vá thì mới đi được. Vá xong, trả tiền, ông đã giật mình hốt hoảng khi gã đó phát giá bằng đúng nửa tháng lương bác sĩ của mình.
 
Biết đã gặp bọn xấu bắt chẹt khách nhưng ông từ tốn xin chúng giảm giá, nhưng dù trình bày thế nào thì chúng cũng chẳng chịu nghe, thậm chí, còn hùng hổ đe dọa. Cực chẳng đã ông đành bảo vợ ở lại, để mình chạy bộ về nhà lấy tiền.
 
Rửa tay nhờ chậu nước thử săm xe, ông đã tá hoả khi phát hiện, trong chậu nước đục ngầu có một miếng cao su, được cắm những chiếc đinh nhọn hoắt. Thảo nào, khi nãy, xe của ông bị hết hơi rất chậm mà khi thử đã có đến ba nốt thủng. Cầm miếng cao su cắm đinh ấy, ông quyết định vạch mặt quân gian trá. Bị lật mặt, đám thợ sửa xe sửng cồ, chúng đè ngửa xe ông ra, tháo lấy săm và cắt nát tươm. “Xử lý” song cái săm, thằng cầm búa, đứa cầm kéo đòi tính sổ “vợ chồng thằng nhiều chuyện”. Uất ức, ông quyết định dạy cho bọn chúng một bài học nhớ đời. Nói thầm với vợ tạm lánh sang bên kia đường, ông ra tay. 
 
Lúc này, dân đi đường túm lại rất đông, ai cũng lo cho chàng thanh niên mảnh khảnh, nhưng sợ nên chẳng ai dám can ngăn. Thấy vợ đã ra khỏi “vùng nguy hiểm” ông xuất chiêu luôn. Bốn năm tên đồng loạt lao vào nhưng chỉ trong chớp mắt, đứa thì ngã sõng xoài dưới cống, đứa thì lộn lên hè kêu la thảm thiết.
 
Thấy chiến hữu đều bị hạ đo ván một cách khó hiểu, có tên từ phía sau, chực vung búa lên đánh lén. Thấy mọi người chỉ, ông quay phắt lại. Gặp ánh mắt sắc lẹm của ông, tên này chân tay bủn rủn. Buông “vũ khí” trên tay, hắn co cẳng chạy.
 
Thấy ông ra tay ngoạn mục, dân bên đường đồng loạt vỗ tay thán thưởng. Sau này, những người dân quanh đó nói bọn chúng đều là những phần tử “thương tích đầy mình”.
 
3 trận chiến – 1 kẻ thù
 
Lần ra tay thứ hai, ông bảo, đó là cuộc chiến dai dẳng, khó chịu. Mở lớp dạy võ tại nhà (phố Hồng Mai) ông luôn bị đám đầu gấu ở quanh khu vực đó quấy nhiễu. Môn đệ của ông liên tục bị chặn đường xin đểu, lúc thì lại bị mất đồ xe máy. 
 
Một hôm, có môn sinh báo mất cốp xe, bực mình, ông liền đi gặp mấy tên lưu manh ấy để “làm cho ra nhẽ”. Gặp nhau ở quán nước, hỏi thì thằng nào thằng ấy đều chối đây đẩy. Biết có hỏi nữa cũng chẳng được gì, thất vọng, ông đứng dậy ra về. Để răn đe chúng, khi đứng dậy, tiện tay, ông đã vỗ luôn một chưởng vào bức tường rào gần ấy. Cú đòn răn đe ấy đã làm bức tường sụt một mảng lớn. Sau đấy vài hôm, đám lưu manh bị công an bắt.
 
Tại cơ quan công an, chúng đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình, trong đó có cả việc “nhảy đồ” ở lò võ của võ sư Thắng. Bị phạt tù, chúng uất ức, cho rằng chính vị võ sư là người tố giác hành vi phạm tội của mình. Chúng nung nấu ý định trả thù. 
 
Năm 1987, sau khi thụ án 2 năm, mấy tên trong băng nhóm đó mãn hạn. Về nhà, chúng tuyên bố, việc đầu tiên để “làm lại cuộc đời” là tìm “gã” võ sư đáng ghét để rửa hận. Võ sư Thắng kể, sáng ấy, đang ngồi ăn phở ở đầu phố thì thấy chúng chừng 7, 8 tên, lăm lăm trên tay “hàng lạnh”, hùng hổ kéo nhau vào quán. 
 
Biết chúng kiếm mình gây sự, ông chuyển lại tư thế ngồi, quay lưng vào tường và vẫn đủng đỉnh ăn như không có chuyện gì. Liếc thấy có tên lao vào, ông đứng phắt dậy, tay trái gạt chiếc chai hắn đang nện tới, tay phải dùng đũa dứ ngay trước mặt. Có lẽ biết nếu ông xuống tay thì đôi mắt của mình coi như hỏng, tên này sợ hãi đẩy đồng bọn lùi ra. Ông cũng thủ thế từ từ bước ra ngoài. Biết không thể đánh trực diện ông, chúng cũng nháy nhau giải tán.
 
Đêm ấy, kéo thêm cả chục tên lưu manh nữa, chúng đến thẳng cửa nhà ông chửi bới om xòm. Không thể lảng tránh, một mình ông xách kiếm mở cửa bước ra. Thanh kiếm sáng loáng trên tay, ông cứ thế múa vun vút. Nhìn sắc mặt, nghĩ là ông không dọa nên chẳng đứa nào dám xông vào ẩu đả.
 
Công an ập đến, tất thảy được đưa về phường. Tưởng sau lần ấy, chúng thôi giở thói du côn, ỷ đông hiếp yếu, nào ngờ, chúng vẫn tuyên bố, gặp ông ở đâu là đánh chết luôn ở đó. Và, đã vài lần chúng dao búa phục ông ở cổng bệnh viện nhưng được mọi người báo, ông đều lánh mặt an toàn. 
 
Thấy không đánh thì không yên nên một buổi đi làm về, ông quyết định ra đòn. Hôm ấy, biết chúng tụ tập phục mình ở cổng bệnh viện, ông gửi lại xe và chiếc cặp da trên tay, ông thủng thẳng rảo bộ về nhà. Thế nhưng, vừa ra đến cổng, đám lưu manh trên đã ập tới. Chẳng nói thêm gì nữa, ông xuất đòn luôn. Như con thiêu thân, lần lượt cả 4 tên đều bị ông hạ đo ván. Sau trận ấy thì ông đã bình yên vô sự. Sau này, gặp lại ông, chúng vẫn rối rít gọi ông là “đại ca”, còn cảm ơn vì hôm ấy, ông đã nương tay, ra đòn chưa hết sức! 
 
Nội công bí kíp của Thăng Long võ đạo bây giờ đã nổi như cồn. Các võ sinh đến theo học ngày một đông. Võ sư Thắng bảo, bây giờ, môn phái ông đã có trên 2.000 môn sinh. Bởi là một bác sĩ, nên ông muốn dùng chính nội công lừng danh của môn phái vào việc cứu người. Khí công trị liệu, ấy là một sở trường của Thăng Long võ đạo, hiện đang được rất nhiều bệnh nhân ở Hà Nội theo học để tự cứu mình.
 
Kỷ luật nghiêm ngặt
 
Theo võ sư Thắng, khi sáng lập môn phái Thăng Long võ đạo, cụ thân sinh của ông luôn hướng các môn đồ vào kỉ luật nghiêm ngặt, thậm chí có phần hơi khắc nghiệt. Truyền thống ấy vẫn được ông và các môn sinh sau này kế thừa.
 
Lý do của sự nghiêm ngặt ấy phần vì tinh thần võ đạo, học võ là để rèn luyện thân thể, không phải dùng để đánh người. Một lý do nữa là công phu của Thăng Long võ đạo có tính bạo liệt, khi ra đòn là ngay tức thì đả thương đối thủ. 
 
 
 
Đào Thanh Tuy
http://giaoduc.net.vn/xa-hoi/40-tin-nong/5453-cao-th-vo-vit-hai-ln-i-pha-xa-hi-en-k-iv.html