Translate

Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2013

ĐÌNH TRUNG KÍNH HẠ

Hỡi cô thắt cái bao xanh
Có về Trung Kính với anh thì về
Trung Kính có quán có quê
Có sông Tô Lịch có nghề làm hương...
Câu ca dao thấm đượm chất trữ tình đưa ta đến với một vùng đất nằm bên bờ sông Tô - trôi chảy của một làng, đình Trung Kính nổi lên như một ngọn đèn dẫn dắt mọi người dân về đến quê hương. Ở nơi ấy, đã gặp dòng văn hoá vật thể và phi vật thể hoà quyện với nhau một cách nhuần nhuyễn mà hun đúc nên một tinh thần thiện tâm, một ý chí quật cường của cả vùng đất danh tiếng này.
Trung Kính vốn là vùng đất cổ có lịch sử tạo dựng lâu đời. Trung Kính trước kia là một xã riêng gồm hai thôn Trung Kính Thượng và Trung Kính Hạ. Cùng những lớp cư dân đầu tiên của phường Trung Hoà hôm nay đã có mặt ở đây từ buổi bình minh dựng nước. Nằm bên bờ hữu ngạn sông Tô, là vùng đồng bằng phì nhiêu, xưa kia có các ao hồ làm cho lượng nước điều hoà, vì vậy mà có câu ca rằng: "Sông Tô nước chảy lững lờ, anh trông đầu nọ, em chờ đầu kia". Qua nhiều thế kỷ, người dân nơi đây luôn đoàn kết khai phá và cải tạo để vùng đất này trở nên màu mỡ. Nhân dân Trung Kính lấy nông nghiệp đa canh làm nguồn sống. Ngoài ra nhân dân thôn Thượng, thôn Hạ còn có nghề cổ truyền làm tăm tre, đũa tre, hương đen, hương trầm, xạ, hương vòng ... Đã đóng góp vào nền văn hoá dân tộc, Trung Kính còn được gọi là Kính Chủ trang, một vị đứng đầu là "Thành hoàng hương chân oai linh Nộn triết danh thần", có thuần phong mỹ tục, lễ giáo uy nghiêm cùng chung nền văn hoá vùng ven sông Tô. Trung Hoà có nhiều di tích lịch sử văn hoá, hầu như thôn nào cũng có những di tích hoặc cả một quần thể di tích bao gồm đình, đền, chùa, nghè, miếu ... Trung Kính Thượng và Hạ thờ chung một thần hoàng (Nộn Công thời Hùng Vương). Bên cạnh các ngôi đình, còn có chùa làng cổ kính trang nghiêm và đình Trung Kính Hạ là một trong những di tích hiện còn bảo lưu được nhiều giá trị về lịch sử, văn hoá, kiến trúc nghệ thuật khẳng định lịch sử tạo dựng và những nét đẹp văn hoá, truyền thống của mảnh đất này. Di tích đình Trung Kính Hạ hiện thuộc tổ 8, phố Trần Duy Hưng, phường Trung Hoà. Các bản thần phả của Hộ nhi hương (xã Trung Hoà) cho biết đời Hùng Vương thứ 18, các tướng của vua Hùng như Hùng Nộn Công và Phan Tây Nhạc đã đến đóng quân ở khu vực này.
Cũng giống như các làng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ, làng Trung Kính từ xưa đã có chùa để thờ phật và có đình để thờ thành hoàng làng thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của người dân nơi đây đối với những anh hùng đã có công trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Theo cuốn ngọc phả hiện còn lưu lại tại đình do Hàn lâm viện Đông các Đại học sỹ Nguyễn Bính phụng soạn vào năm Hồng Phúc nguyên niên và được sao lại dưới triều vua Lê Hy Tông năm thứ 5, niên hiệu Long Đức thì đình Trung Kính Hạ thờ vị thành hoàng là Hùng Công Nộn - một nhân vật sống vào thời Hùng Vương thứ 18. Hùng Công Nộn đã cùng Tản Viên sơn thần ra trận chống giặc Phán giành thắng lợi, được vua Hùng Duệ vương phong cho Hùng Công chức Bảo Tước Hầu và phong cho ở xã Kính Chủ là Hộ nhi hương tức tức là làng được thờ thần, ban thưởng vàng bạc, châu báu. Khi Hùng Công Nộn qua đời vua phong ông là Quốc Vương Đại Thần, cho giúp dân Trung Kính Chủ lập miếu phụng thờ.
Thời vua Lê Đại Hành, mà đem quân đi đánh giặc, qua đền Kính Chủ làm lễ cầu đảo, thắng trận trở về vua liền phong mỹ tự cho thần là Vạn cổ phúc thần, dữ quốc đồng hưu, lại gia phong Uy Dũng đại thần. Đến thời Cao Thái Tổ hoàng đế khởi nghĩa Lam Sơn khi tiến quân đến đền Kính Chủ, mật đảo ứng nghiệm, thắng trận trở về lên ngôi hoàng đế vua gia phong thần là Linh ứng Hùng Lược. Các đời vua Thái Tông, Nhân Tông, Thánh Tông, Hiển Tông, Tuế Tông, Chiêu Tông, vua Trang Tông triều Hậu Lê đều sắc phong thờ ngài.
Hiện nay chưa tìm thấy tài liệu nào ghi chép lại một cách chính xác niên đại khởi dựng của di tích. Song căn cứ vào khối kiến trúc vật chất hiện còn và hệ thống di vật, đặc biệt là đạo sắc mang niên hiệu Cảnh Hưng thứ 28 (1767) có thể đoán định ngôi đình được khởi dựng vào khoảng thời Lê và được trùng tu nhiều lần vào thời Nguyễn.
Người Trung Kính thờ thần Hùng Công Nộn và Lê Đại Hành ở đình, coi như một trung tâm hội tụ đoàn kết cộng đồng để bảo vệ xây dựng xóm làng. Hiện nay, đình được xây theo hướng Tây trong một khuôn viên rộng thoáng. Đình có quy mô kiến trúc khang trang toạ lạc ở giữa khu trung tâm cư trú của làng. Các hạng mục kiến trúc của đình được bố cục hài hoà, đăng đối, thống nhất với nhau trong một không gian văn hoá tĩnh lặng của làng quê Việt Nam. Trước đình có ao hình bán nguyệt theo thế phong thuỷ. Tổng thể các công trình kiến trúc: Cổng đình, sân đình, nhà tả - hữu mạc, nhà tiền trung tế và hậu cung.
Nhà tiền tế ba gian hai chái, bốn hàng chân cột, mái phân thượng tam hạ tứ, đặt trên nền đất thấp. kiểu bốn mái với các đầu đao cong tạo thành hình rồng lá cách điệu, phía trước trổ ba cửa bức bàn, cửa chính kiểu thượng song hạ bản, hai cửa bên kiểu ván bưng không trang trí. Mái đình lợp ngói di, bờ nóc bờ dải đắp kiểu bờ đinh không trang trí. Chính giữa bờ nóc đắp nổi hình lưỡng long chầu nhật, bốn góc mái đắp các đầu đao cong, phía trước xây các bậc tam cấp bằng gạch, nền nhà lát gạch Bát Tràng. Bộ khung gỗ gồm 4 thức vì kết cấu kiểu "Chồng rường giá chiêng, hạ kẻ", các cột gỗ tròn làm theo kiểu “thượng thu hạ thách”. Hai gian trái tiền tế làm hệ thống kẻ có đầu mộng ăn sâu vào thân trụ trốn để đỡ mái hồi. Thân kẻ có đầu mộng ăn sâu vào thân trụ trốn, đầu kia đỡ hoành và được liên kết chặt chẽ bằng hệ thống xà thượng, xà hạ. Các gian toà tiền tế đều treo các bức cửa võng, cuốn thư, hoành phi và câu đối sơn son thếp vàng lộng lẫy. Các bức cửa võng, cuốn thư ở đây đều được chạm bong, chạm nổi, chạm thủng rất cầu kỳ, tinh xảo mang giá trị nghệ thuật cao với các đề tài như rồng chầu mặt trời, rồng lá, rồng cuốn thuỷ và các đao mác, hoa sen, vân dấu hỏi, mặt hổ phù, bầu rượu, túi thơ, tứ quý và các mô típ hoa văn truyền thống mà ta vẫn thường gặp trong các kiến trúc cổ của người Việt. Phía dưới các bức cửa võng, đều treo các đôi câu đối ca ngợi công đức của vị thành hoàng làng.
Trung tế: gồm 5 gian chia nhỏ, phía trước trổ 3 cửa kiểu bức bàn “thượng song hạ bản”, mái lợp ngói ta, bờ nóc đắp kiểu bờ đinh. Bộ khung gồm 6 thức vì kết cấu kiểu vì kèo quá giang trốn cột. Các gian tại nhà trung đình cũng treo các bức hoành phi, câu đối, cửa võng ... chạm thủng, chạm bong kênh đề tài cúc mãn khai, rồng chầu, rồng lá, văn hình học...
Hậu cung gồm 3 gian dọc, xây kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta, bộ khung gồm 4 thức vì kiểu vì kèo quá giang trụ trốn bào trơn không trang trí. Hậu cung đình đặt ngai thờ và các đồ tế lễ là nơi thâm nghiêm nhất của di tích. Nhà tả, hữu mạc: mỗi dãy 3 gian, xây theo kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta, bộ khung được làm bằng gỗ có kết cấu đơn giản kiểu vì kèo quá giang trốn cột. Các đầu bẩy được trang trí nhiều đề tài vân mây, lá lật...
Trải qua những biến động của lịch sử, tồn tại đến ngày nay, di tích đình Trung Kính Hạ đã có những đóng góp nhất định với lịch sử của quê hương Trung Kính, lịch sử của thủ đô ngàn năm tuổi và cuộc sống tinh thần của nhân dân địa phương. Hiện nay, di tích còn bảo lưu được hệ thống các di vật phong phú về thể loại và chất liệu: sắc phong thời Lê trung hưng, 17 đôi câu đối, 3 hương án, kiệu long đình, kiệu bát cống, đỉnh đồng, 5 tấm bia đá, một bia niên hiệu Vĩnh Trị (1676 - 1680), ba bia niên hiệu Bảo Đại 5 (1930) và một bia dựng năm niên hiệu ThànhThái 19 (1907) một chuông đồng đúc vào thời Nguyễn... Ngôi đình là nơi trung tâm sinh hoạt văn hoá của cộng đồng dân cư làng xã, nơi đoàn kết thôn xóm và là nơi bảo lưu những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của địa phương, giáo dục cho các thế hệ trẻ lòng yêu quê hưng đất nước, tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm của nhân dân đối với những di sản văn hoá dân tộc mà ông cha ta đã dày công xây dựng, gìn giữ cho đến hôm nay. Ngôi đình mang trên mình đầy đủ những giá trị về lịch sử, văn hoá, khoa học và kiến trúc nghệ thuật góp phần khẳng định vùng đất này có lịch sử tạo dựng lâu đời với những tên đất, tên làng đã ăn sâu vào tiềm thức của cư dân nơi đây. Cùng với các di tích: đình Trong - đình Ngoài - đền Dục Anh, đình - chùa Trung Kính Thượng, đình Hạ Yên Quyết, chùa Ngọc Quán, đình An Hoà, chùa Báo Ân ... tạo nên tuyến thăm quan các di tích lịch sử văn hoá vùng đất phía Tây kinh thành Thăng Long.
http://www.caugiay.hanoi.gov.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=446:inh-trung-kinh-h&catid=131:danh-sach-di-tich&Itemid=551

Thứ Hai, 25 tháng 3, 2013

CUỘC DI CƯ CỦA CHỮ NGHĨA - II

Tôi muốn đứng ra, nghểnh cao cổ, hò hét bênh đàn bà cũng không được. Vì tìm đến nửa ngày cũng không kiếm đâu ra chữ để chửi bọn đàn ông. Thử xem nào : đồ đàn ông đĩ ngựa. Nghe không ổn . Đồ lẳng lơ. Cũng không nghe ra tai. Cuối cùng tìm ra được vài chữ đáng đời : Đồ súc sinh và một chữ dấm da dấm dớ : Đồ cha căng chú kiết. Thật đến là tức, tự nhiên xổ ra được một lô chữ cho hạ hoả : đồ du côn du kề, đồ ăn mày ăn xin, đồ gì nữa nào.. đồ lính tráng. Cái may của phụ nữ miền Bắc là vào đến trong Nam, họ đã không bao giờ còn bị ai diếc móc như thế nữa.


Than vãn hay dọa nạt :


Đã nói thì phải nói hết. Bên cạnh đó, ở mức độ chừng mực vừa phải dễ dung nhận được là các lối nói than vãn, hăm đe. Trong lối nói này, người ta tỏ ra một oai quyền, một sự khôn ngoan già dặn, một sự từng trải, sự hiểu đời, cái hơn người. Chẳng hạn : Các người đừng có vội tí ta tí toét, cứ ỉm đi, cứ im thin thít, thời buổi nhiễu nhương, trắng đen lẫn lộn, hơi đâu mà, có dỗi hơi, kêu giời kêu đất, tôi vội vàng mát mẻ nói, đừng có bắt bí nhau, liệu cái thần hồn, bà truyền đời cho mà biết, cứ tẩn cho nó một trận đến lòi tù và ra, vả vào miệng cho tôi, cái giống nhà mày, không có tao thì cả họ mày ăn bùn, nó bôi tro trát trấu vào mặt, mấy đứa kia thì đáng vật một nhát cho chết, nó lo xanh mắt và thức suốt đêm, hừ ngỡ là gì, hóa ra hắn nằm vạ, (10) giận cá chém thớt, bà truyền đời báo danh cho mày biết, tôi biết tỏng tòng tong trong bụng ông nghĩ gì, chớ nói gở nó vận vào mình, e xúi quẩy đấy.


Người miền Nam nghe những câu trên là sùng rồi :


rắc rối tổ mẹ, cái gì mà ví von qua không hiểu. Qua nói thiệt, qua có sao nói dzậy. Còn mấy cha nội, nói dzậy mà không phải dzậy. Có ngon ra đây, kiểu gì qua cũng chơi ráo trọi. Kiểu gì nó cũng chơi thì né đi cho được việc, giở sách thánh hiền ra đã có câu thánh dậy : tránh voi chẳng xấu mặt nào.

Phong kiến qua lối xưng hô bị dẹp bỏ.
Có lẽ không ở đâu, không ở nước nào cách xưng hô lại phức tạp lầy nhầy như miền Bắc. Mới đây, trong một chương trình Vidéo, người viết thấy một cô ca sĩ trẻ được người điều khiển chương trình phỏng vấn.. Lúc phải trả lời, cô lúng ba, lúng búng, vì không biết phải xưng bằng anh, chú, bác hay nhà văn với người điều khiển chương trình. Bác có vẻ già quá, anh thì có vẻ hơi sỗ sàng. Ông thì xa lạ. Cậu tớ thì xấc quá. Trong cái cách học ăn, học nói của người Bắc thì bài học vỡ lòng là học cách xưng hô. Trẻ con nào mà không được bố mẹ dạy phải xưng hô tùy theo tuổi đã đành, theo quan hệ họ hàng, theo chức vụ và theo xã giao nữa.

------------------------------------------------------------

(10) Tục nằm vạ là một tục lệ đặc biệt của miền Bắc. Bùi Hiển đã viết một cuốn chuyện về vấn đề Nằm vạ này. Chí Phèo của Nam Cao cũng đã ăn vạ để bắt bí nhà giầu.

------------------------------------------------------------

Những tiếng thầy bu, thầy u, thầy đẻ, thầy me, cậu mợ, đằng ấy, cậu tớ, người nhớn, con nọ, con kia, huynh, đệ, quan bác, thằng cu, con đĩ, mẹ đĩ nhà tôi, nhà con, ông mãnh, thằng trời đánh thánh vật, thằng chết băm chết bằm tùy trường hợp mà dùng. Nhưng bắt chước người Tầu, ta còn có chữ Gia phụ, Gia Mẫu, Gia Huynh, chỉ bực bề trên hay xá đệ, xá muội chỉ bực dưới. Bấy nhiêu lối xưng hô vào đến miền đất mới như lạc lõng , thi nhau bị "cáp duồn" hết. Không ai nói nữa. Do sức ép hay do tự mình cảm thấy lỗi thời, thấy dởm, thấy cầu kỳ, thấy rắc rối, thấy "không giống ai" thấy cần phải bỏ. Có lẽ thấy cái không giống ai là lý do của sự ra đi không trở lại của các cách xưng hô trên.
Các chữ dùng để gọi, xưng danh quan tước chức sắc cũng nhiều lắm. Cũng phiền lắm. Nhiêu khê lắm. Không xưng đúng danh phận, có thể bị trách, bị giận, bị trù ếm nữa(11). Nhiều không đếm xuể. Hầu hết, việc hài chức vụ có dụng ý, tâng bốc nịnh nọt. Nó đã dần biến mất khi vào đến trong Nam. Nó biểu tỏ một xã hội phong kiến, đẳng cấp, trên dưới không thích hợp ở miền Nam. Người dân miền Nam cũng là di dân, có cái may mắn không thừa hưởng di sản của một xã hội phong kiến, hủ lậu. Xã hội đó lo kiếm miếng ăn, làm giầu, không nghĩ đến chữ nghĩa thánh hiền, cũng chẳng bận tâm đến kẻ trên người dưới.. Xã hội vừa ổn định, chưa mọc ra những mầm mống của thứ ổn định kiểu trên đè dưới, quan lại, thứ dân, giai cấp thống trị. Làng xã mở toang, không hàng rào vây kín.. Xã hội cũng mở toang mọi phía mà dân là chính, dân là chủ. Sự xưng hô vì thế giản tiện và tuỳ tiện, đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Ba má thì là ba má. Khi cần gọi chung là ông già bà già. Nội việc xưng hô cũng thấy miền Nam đuợc cởi trói nhiều theo tinh thần tự do, dân chủ. Người Bắc từ xa tới, lẽ nào không thấy cái hay đó. Lẽ nào không theo, tự ý theo. Để gọi một người ở, người trong Nam chỉ gọi chung chung là người làm, vừa giản dị, vừa không có khinh miệt, rẻ rúng. Vì thế, nếu còn ai gọi cụ đốc thì thay vì là một trân trọng, nó đã biến thành trò cười, mai mỉa. Hóa cho nên, chữ nghĩa có cái thời của nó, thời để sống và thời để chết.(12)

------------------------------------------------------------

(11) . Người Hànội có một thói quen khá kiêu sa (Theo Vũ ngọc Phan trong Nhà văn hiện đại) là thay vì gọi tên một người, họ lại hài chức vị người đó ra mà gọi. Gọi như thế vừa là cách vinh danh người được gọi. Phần người gọi cảm thấy hãnh tiến vì có quan hệ quen biết với người được gọi. Chẳng hạn : ấy quan đốc nhà tôi, hay ngon hơn nữa : ấy anh Huyện X. Chữ nhà tôi, tự bầy tỏ cái huyênh hoang , hãnh tiến, thấy sang bắt quàng làm họ. Thật đáng ghét.. (12) Đã là đốc học, đốc tở mà còn kèm theo chữ cụ hoặc chữ quan nữa thì rõ ràng là xu nịnh : quan đốc tờ, quan đốc học, cụ Nghị, cụ Hàn, cụ cử, cụ ký, cụ Thượng, cụ Tú, thầy đội xếp, thầy cai, cụ lang ta, cụ bang tá, thầy quản, anh Khóa, anh cung văn ( thư ký riêng của các gia đình giầu có), thầy đồ, sinh đồ hay cống sĩ, quan hiệu, quan châu, quan phủ doãn, hiến ty, dề điệu, quan thừa sứ, ông Hiến binh, ông Trùm, ông Chánh trương, ông hậu, ông Hàn, ông cửu, cụ Thượng, ông Lý, cụ Chánh.

------------------------------------------------------------



Cách làm ăn có khác, chữ nghĩa cũng đổi khác


Cũng là xứ nông nghiệp, nhưng cách làm ruộng, cách sinh sống cũng khác miền Bắc nhiều lắm. Chữ nghĩa cũng vì thế cũng đổi theo. Rất nhiều chữ, từ miền Bắc , vào Nam không ai dùng nữa, vì đời sống kinh tế, xã hội đã thay đổi. Nghề hàng xáo ( xay giã gạo. Trong Nam không có nghề này ), Ruộng chân nhất đẳng, nhị đẳng, ruộng mật điền (Ruộng tốt nhất ) gian buồng, khóa dãy, rau muống lợn, đi đong gạo, dậm lại mái nhà, hòm gian ( Hòm to để đựng đồ trong nhà ), nhà pha (nhà tù), nhà giây thép, xe hòm ( Xe hơi sang trọng ) ngày con nước, đi lưới, cái niêu, nồi đất, chỉnh dầu, rổ rá, dao quay, dao nhựa, một bồ, vuông thóc, giây lạt, dùi đục, cái cũi, đóng cũi, cái cưa xẻ, cái gáo, cái chum, cái lọ độc bình, cái phên nứa, bát chiết yêu, đi bể ( biển), tậu 3 mẫu ruộng, vác thúng, đèn măng xông, cái lồng ấp, cái hỏa lò than. Chữ sau đây cũng xưa lắm rồi, nhưng đến là hay : nhà xí. Nay thi nguời ta văn minh hơn gọi là nhà vệ sinh, trong Nam gọi là nhà cầu, siêu đun nước, cái áo quan, cái nhị tẩu ( tẩu hút thuốc phiện), khay đèn, quạt lông, tràng biên (thân thế một người), đèn ló, cái sập, cái phản, quần nái (quần dệt bằng một thứ hàng tơ tầm sợi thô, nhuộm đen), cái bình phong, con thò lò, đỉa phải vôi, giọng kẻ bể, cái trõng che, cót lúa, một bồ, vuông thóc, gạch bát tràng, gạch lát bổ cau (Lát xiên và dựng nghiêng viên gạch ) gạch vồ, cái mả , rồi có cải mả, đề lao, cái lọ. Tỉ dụ : xách hai cái lọ đi kín nước. Chữ kín nước nghe thật hay, nhưng cũng ít được ai dùng tới nữa. Cái màn (mùng). Rồi từ đó thay vì nói đi ngủ, người ta còn nói vào màn . Thợ ngõa.

------------------------------------------------------------

Những chữ dùng để chỉ kẻ hầu người hạ đã tùy hoàn cảnh mà thay đổi. Trong nhà đạo, khi dùng chữ Kẻ tôi tớ chỉ là lối nói khiêm tốn của kẻ bậc dưới với kẻ bậc trên như cuối lá thư thường viết *kẻ tôi tớ hèn mọn *. Chữ con nhài, nàng hầu tương đối lâu đời nhất được dùng trong các nhà quan. Sang đến thời Pháp thuộc có chữ con sen, chị vú, anh phu xe, rồi anh tài xế.. Những chữ để chỉ việc gái chời bời như : đi nhà thổ (me dông de te ), nhà chứa, me tây, làm đĩ..Trong Nam giản dị gọi chung là Gái điếm. Những chữ chỉ nhà nó ( chỉ vợ hoặc chồng). Chữ người (chê bai). Nguời khó tính lắm ạ đòi phải mua rau lấy Người mới xơi được ( trích trong Chiểu Chiểu của Tô Hoài ). Quan anh ( ý nịnh bợ) có tắm không, mở bôn chục trai nước suối Viten đổ vào thùng rồi pha nửa chai cô lôn để cụ giội lại, dọn cái buồng Thổ Nhĩ Kỳ để chớp bóng đấy nhé (Trích Giông Tố của Vũ trọng Phụng ). Thêm một chữ cô ả cũng mất tiêu không ai dùng nữa. Một số chữ của nhà đạo cũng không được dùng nữa : Thầy cả, cụ, cố, thầy kẻ giảng, ông bõ. Nam Cao đã viết riêng một chuyện nhan đề : tư cách mõ. Nhà văn cho biết tại sao gọi là mõ, rồi lềnh, rồi Sãi. Chữ ông Trùm, ông Chánh Trương cũng không ai dùng nữa. Một số chữ bên Phật giáo như ông Bụt, ông sư, ông vãi, bà vãi, chú tiểu cũng ít ai dùng nữa. Có nhiều người muốn phục hoạt lại chữ Bụt, ông Sư như chủ trương của thầy Nhất Hạnh.

------------------------------------------------------------

Người miền Bắc chân lấm tay bùn, làm ăn vất vả. Miền Nam, ruộng thẳng cánh cò bay, làm chơi ăn thật. Đi mút mùa lệ thủy không thấy nhà thấy cửa, nhất là không thấy tháp chuông nhà thờ, không thấy đình, thấy chùa. Cái nhìn về con người, về đời sống, về cách sinh hoạt làm ăn của người Bắc đã đổi khác. Chẳng mấy chốc cái ngậm ngùi lúc ra đi nay quên hết. Cứ gì chữ nghĩa bỏ quên, đất lề quê thói, phong tục, tập quán, đạo nghĩa cứ thế mà rơi rụng dần dần. Thay vì so đo, khép kín, bảo thủ, giữ lời ăn tiếng nói, giữ phép nhà bắt đầu buông thả. Thay vì chiếu trên , chiếu dưới, có phép có tắc.. nay ăn nói thả giàn, chả kiêng nể gì nữa. Con gái, con đứa nay tụm năm tụm ba đàn đúm, hát xướng, thích thì ra rặng trâm bầu tán tỉnh, mọi chuyện hạ hồi phân giải.

Thành trì cuối cùng :
văn minh miệt vườn đối đấu với văn hóa miền Bắc.

Người miền Nam,
chữ nghĩa chỉ vừa đủ dùng, nếu không nói là còn sơ sài lắm so với miền Bắc. Nó là thứ văn minh miệt vườn không đủ để ba hoa trên trường văn trận bút. Cái điều đó đã được nhà học giả Phạm Quỳnh nhận xét một cách khá bất công trong cuốn Một Tháng ở Nam Kỳ :

"Chữ Quốc ngữ thì đã thông dụng lắm rồi, đàn bà con trẻ thường biết đọc, biết viết cả.. Nhưng đến văn Quốc Ngữ thì xem ra cái trình độ Quốc Văn đại để hãy còn kém"

Nhận xét đó, có lẽ người trong Nam chả bao giờ quên và thành kiến đó người Bắc cũng chả bao giờ thay đổi. Cho đến giờ phút này, cái văn minh miệt vườn đó, cộng với 20 năm văn học miền Nam đến sau 75 vẫn chưa được nhìn nhận.(13) Thành ngữ hay lối nói miền Bắc là vốn liếng ngôn ngữ của một dân tộc. Nó tích lũy, thải loại kết tinh những đặc thù, những sắc cạnh của ngôn ngữ, của vốn liếng hiểu biết truyền thừa. Nó không thừa, không thiếu, nó vừa đủ. Nó được sử dụng trong đời sống hằng ngày như kim chỉ Nam, nó đưa ra những tiêu chỉ đời sống, phán xét, nhận định phải trái tốt xấu. Nó là thứ ngôn ngữ đã được đãi lọc, được truyền thừa của sự khôn ngoan, thu gọn lại. Phải là người địa phương, nhuần nhuyễn sắc thái văn hóa bản địa mới có thể sử dụng đúng cách, đúng trường hợp. Người ngoại cuộc, nhất là người ngoại quốc, dù có ở lâu năm tại đất nước đó,

------------------------------------------------------------

(13)Trong cuốn Chân dung và tác phẩm của Trần đăng Khoa, cuốn sách phê bình Văn học . Không một chữ đả động đến các nhà văn miền Nam. Mới đây nhất, qua giới thiệu của T.S Lê văn hảo, có bộ Tổng tập Văn học VN, dày cả vài chục ngàn trang. Đã có phần dành 4000 trang cho VH Cách Mạng rồi, chỗ đâu cho những mảnh VH khác.. Bao giờ cái mảng VH miền Nam mới được nhìn nhận trong cái khung của một thời kỳ đi khai phá, có những nét đặc thù, bất chấp những tiêu chuẩn khách quan của Văn học. Vấn đề là nó có mặt, ở một thời kỳ nhất định, có những sắc thái cá biệt. Vậy đủ rồi

------------------------------------------------------------

chưa dễ giầu gì nắm bắt được tình ý, nội dung hàm ẩn của những thành ngữ đó. Miền Bắc, cái nôi văn hóa lâu đời cả nước giầu dân tộc tính nhờ những lối nói, lối viết đó. Nó chuyên chở cả thời kỳ 1000 năm thủ đô Hànội, văn hoá Thăng Long, văn hóa cho cả nước với không biết bao tên tuổi lẫy lừng. Nó không phải tự cao rao, quảng cáo vô bằng. Người và chứng tích văn học còn đầy ra đấy. Viết ngàn trang giấy cũng chưa đủ.
Vậy mà lên khỏi tầu há mồm, cập bến Nhà rồng.. Tất cả những thứ đó đổ xuống sông hết. Bài chiếu Lý công Uẩn dời đô không lẽ mang ra dọa .. Lý Thường Kiệt, bà huyện Thanh Quan cất đi cho rồi vì chóa mắt với xe cộ chạy hà rầm.. đường phố rộng thênh thang, tấp nập người qua lại, xe gắn máy ba bánh nổ bành bạch điếc con ráy. Xe thổ mộ lách cách vui tai thong thả dời chợ Bến Thành đi Ngã Ba ông Tạ, hay đi chợ Bà Chiểu. Chú lái xe thổ mộ ngồi nghiêng bên thành cán xe ngựa thò chân xuống đất, mồm kêu toóc toóc như dục chú ngựa ráng tý nữa, ráng tý nữa đi cưng. Hoa trái bầy la liệt mua một chục ê hề đủ loại. Bà bán hàng ra giá mua một chục có đầu., nghĩa là chục có thể 11, 12 đến 13, 14 trái tùy theo thỏa thuận. Nội thế thôi, mua bán kiểu kỳ cục Nam Kỳ cũng thấy đủ sướng rồi.
Thật đến là kỳ lạ cái xứ Nam Kỳ. Chẳng ai bảo ai, ngay cả đám sĩ phu Bắc Hà, đám trí thức thành thị cũng rứa. Quên hết chơn, hết chọi.. Câu chuyện văn hóa ngàn năm chẳng chống đỡ nổi một ngày.
Người Hà nội, người di cư có văn hóa cao, hoặc các nhà văn thường sử dụng chúng một cách nhuẩn nhuyễn trong lúc giao tiếp, viết lách. Nói văn hay chữ tốt, nói có văn hóa đương nhiên phải biết sử dụng thành ngữ đó, lối viết đó như một thuật ngử, nói ít hiểu nhiều. Miền Bắc có những nhà văn tiêu biểu sử dụng vốn liếng các thuật ngữ này như Trần Tiêu, Vũ trọng Phụng, Tô Hoài, Vũ Thư Hiên, Nguyễn khắc Trường. Đọc họ cũng lý thú lắm.
Vậy mà chữ nghĩa đó vào đến trong Nam đã bị gạt , thải loại không chừa một chữ nào. Không muốn nghe, nghe thì gạt đi, muốn nói cũng không được.. Nói ra thì nó đớ đờ đờ. Có duyên, được kính nể ở ngoài Bắc, trong Nam trở thành vô duyên, không ngửi được. Đã thế, chữ nghĩa để có cơ tồn tại, nếu nó được các nhà văn dùng..thì đỡ biết mấy. Chính các nhà văn di cư vào Nam như nhóm Sáng Tạo cũng quăng thùng rác không thương tiếc. Chúng bơ vơ , lạc lõng , đầu đường , góc nhà, góc phố, nơi từng nhóm người rồi biến dạng. Không có đám ma. Không kèn không trống. Cái này không phải hoàn toàn lỗi người bản địa mà chính tại người dân du nhập không muốn giữ. Hình như có một thói quen xấu, có mới nới cũ.. Ít ai muốn nhắc nhở, bàn , viết về những chói sáng văn học miền Bắc.
Có lẽ cái mất lớn nhất của dân di cư là mất lối nói, lối viết, nếp sống văn hoá thành ngữ đã bị biến dạng. Nếu còn một thứ văn hoá gì là thứ "Văn hóa chảy" Chảy tuốt luốt. Với cái độ nóng trung bình 35 độ, cái gì cũng có thể chảy được. Bù vào chỗ đó, họ phải đi tìm một hướng viết mới, mới có nghĩa là khác với tiền chiến, khác với Tự lực Văn đoàn. Mới thực sự thì chưa biết là thế nào, chưa biết hình thù nó ra sao, nhưng điều rõ rệt là dứt bỏ truyền thống, cái cũ, trong đó có các thuật ngữ cũ của miền Bắc.. Họ không thích ngồi lau đồ đồng, đánh bóng chữ cũ mà đùa cợt mầu mè, son phấn với chữ nghĩa cho là mới, kêu rổn rảng, lặp đi lặp lại đến lập dịõ. Chữ nghĩa đó mà phần đông họ nói để họ nghe hoặc dành cho một thiểu số trí thức thành thị vốn chẳng đại diện cho cái gì, ngay cả cho chính họ. Chữ nghĩa đó gặp lần đầu thấy lạ thì muốn làm quen. Quen rồi thì chán ngấy muốn lỉnh , vì chẳng nói được điều gì. Chính ở chỗ đó, chữ nghĩa văn minh miệt vườn trở thành nhu cầu tinh thần của đa số dân miền Nam. Cả cái văn hoá miền Bắc đưa vào bị cháy rụi chỉ còn trơ lại ít cột kèo đen thui. Không ai đếm xỉa đến nữa.
Phần người viết, bắt gặp lại nó thấy gần gũi như người bạn cố tri lâu ngày gặp lại. Tự nhiên chẳng khác gì thấy người bạn đầy những tính tốt mà trước đây đã không lưu ý tới. Phải nói nó hay lắm, đượm mầu sắc dân tộc, quê hương, xứ sở

------------------------------------------------------------

(14).
Chẳng hạn : Nó tẽn tò, sợ vãi đái, nhịn như nhịn cơm sống. Mấy từ này lâu lâu gặp một bà Bắc kỳ đặc dùng lại nghe cũng sướng cái lỗ tai. Ăn uống vốn là lẽ sinh tồn của nguời dân Bắc nên được sử dụng tràn lan như : ăn phải đũa, ăn cơm khoán, ăm cơm tứ chiếng, ăn chực, ăn ba vực như trong câu : ăn chẳng bao nhiêu, ăn vạ hay nằm vạ. Tuyền là thứ đặc sản cả. Quý lắm đấy. Thứ thiệt, thứ ròng chính hiệu con nai. Nào là bữa lưng bữa vực, rồi bà thổ ra, chả mấy khi, thế mà cấm khinh người, ông ta chúa pha trò, ông bỏ lỗi cho tôi, tôi nói khí không phải, khắc xong. Mấy từ này dùng đến là đắc ý. Nó đứng một mình thì chả có gì đáng nói, nhưng nó đứng trong toàn cảnh một câu nói thì thật hay. Khí không phải vừa có vẻ nhún nhường, nhưng đầy thách đố và sẵn sàng đối đầu không thương nhượng. Này, lại tiếp một lô chữ nữa ghi lại kẻo quên : Con đàn cháu đống, ốm thập tử nhất sinh, cứ chõ mồm vào, le te chạy vào, bà đã mà cả mà cập, rõ mồn một, việc lớn ta tính theo việc lớn, còn việc thỏn mỏn trong nhà tôi thu xếp khắc xong ( trích trong Những đứa con trong gia đình, Nguyễn Thi ) Về muộn mấy, vào chơi cái đã nào, người chết như ngả rạ, quái nhỉ, quái nó đi đâu, tối bức như lò than, người con gái trắng lôm lốp, ra sự rằng mình dỗi, giãy lên như đỉa phải vôi, ngã lộn tùng phèo, lớn phổng phao, con đi đằng này, đằng này là đằng nào, trả lời mà như không trả lời ( Không cho biết là đi đâu, có ý dấu, có thể là nói dỗi) u hỏi làm gì những việc ấy, mặc con, không đủ mặc thây, cái đám ma cũng đường trường lắm, con đẻ rứt ruột ra còn thế, lời chửi rủa thì bao giờ cũng thừa bứa tứa tát, thở rít lên như tiếng bễ, gà gà mắt lên như người say thuốc lào, nhà cũng hoàn cảnh lắm ( Chữ này có thể là chỉ được dùng sau 54), khối anh, ông đã diện oách, một tay bốc trời, nói khe khẽ, cô suýt bật cười, nào bác cả ra đây, đàn ông đàn ang có biết gì đâu, giặt giũ cơm nước chợ búa, trêu ngươi ai, cài toang xong ( đóng cửa truồng trâu ), ngã xiểng liểng, nó khó bảo, đi đong chịu, khi cần tiền vẫn giựt nóng, cái ngữ đó, cái cơ ngơi, Nói đến hơi hướng cái danh ông Dề, tao úp được con chó rồi, đi húi tóc, ra sự rằng mình dỗi, đi ở trọ, mẹ hờ con ( ru con, chữ cũng hay lắm đấy chứ ) suốt đêm, giã đám (), tuổi mụ, cầm bằng ông ta mà giận không che chở cho nhà ta để nhà binh Nhật xung công tất cả thì cứ xung công ( trích trong Cửa Biển của Nguyên Hồng ), nhưng nay mới tường mặt ( rõ mặt ), hàng bồ chuyện, bồ chữ, kíp thợ, đi đóng đáng, ( Trích những đứa con trong gia đình, Nguyễn Thi ), xách ná thun đi bắn nó, làng vào đám, thổi mòi rơm, trâu làng tôi mót đâu ỉa đó, chú Lựu quẩy hai gánh đi mót cứt trâu trên đường. Hai chữ mót dùng trong một câu mang hai nghĩa khác nhau. ( Chuyện ở tỉnh lỵ của Vũ thư Hiên). Châm đóm, thông điếu, xe đíếu, nõ điếu, quán đỏ đèn suốt sáng, bắt rận, bắt chấy, cứ bỏ rẻ, ra ao tắm, ta nhắm vài miếng, mâm cỗ, bà ấy hay ốm lửng ( Giả vờ ốm ), chẳng biết đâu mà lần, bật hồng là gì nào, đốt đuốc đấy, tôi chạy ù xuống bếp, chú nghiêng đầu dòm ông , có như vậy, nhược bằng không, gì chứ cái ấy không được, cô Gái là người vắt mảnh sành ra nước, nhưng cái khoản rượu bao giờ cũng biện đủ, tháng chạp còn gọi là tháng củ mật ( tháng trộm cướp như rươi ), phóng * bút chì *. Không phải cái bút chì để viết đâu ( ùng cái mai buộc vào một sợi thừng dài dùng để phóng vào đối thủ), có ăn phải có trả, sợ cô quở, đi biệt tăm tích, mời ông xơi, con mắt cùi nhãn, chơi đánh chắt, những chùm quả lúc lỉu trên cành, chơi đố lá, đời thủa nhà ai, nhựa sung được dùng vào vô khối việc, sạch như ly như lau, mời ông đưa cay, những ngày rau lụi ( hiếm rau), tôm he giã lấy nước đánh lòng đỏ trứng gà giả làm yến ( Trích Thời xa vắng, Lê Lựu ), lại gắp vài miếng , từng rủa không thiếu một lời, giỗ sống rồi, nói không ngoa, được mấy nả, không có cái chân đảng trong làng, ông đứng chân chủ họ, ông Phúc đã đánh trúng huyệt, trong việc làng, phần đầu gà má lợn , hôn nhân điền thổ, vạn cố chi thù, đã có người lân la hỏi chuyện gia cảnh, thế là cạch không ai dám hỏi, cạch đến già, có những tiếng thật hay như : có tiếng ai hờ khóc ngoài xóm lọt ra, thế mới biết sông có khúc, người có lúc, trống đánh đến hỏng dùi, đã trót phải trét, tôi đã trót đẻ ra ông, chữ trót đi liền với đẻ ra ông mới diễn tả được nỗi thất vọng như thế nào của ông bố ( Tả trong một trận đấu tố), rửa qua quít, rán cá, thịt nạc kho rim, ăn uống húp háp xì xoạp, chửa xong, đánh chén, cơm đèn, cơm đóm, cơm sáng trăng, có khi ăn cơm khan chỉ chan nước mưa, nước vối, động thớt, hễ bên đó đụng đũa, động bát là biết ngay, muốn ăn thì lăn vào bếp, lên ăn boóng được nhiều bữa nhờn môi . Thật hay. Ăn giả miệng, không dè, cái đói giáp hạt, nấu cháo độn rau tập tàng, không dư dật, mấy ông uống nước cả cặn, ăn tợm lắm, con tì con vị được đánh thức, cứ nhao nhao lên như chào mào ăn dom, con nào cũng lành chanh, lành chói, mồm năm miệng mười, Biện là tên cúng cơm , chỉ có hai bữa cơm đèn, làm ăn giật gấu vá vai, nó vác rá đến xin ăn trước cũng túng, bóc ngắn cắn dài, rách như tổ đĩa, người từ dưới xuôi, người trên mạn ngược, ăn hại đái nát, họ lùa ra sân, lùa bát cơm vào mồm. Hai chữ lùa đều có nghĩa khác nhau. Khóc như mưa như gió, sắc như tiếng dao cạo vào tinh nứa, nghe đến ghê cả mình. Có chữ nghe đến lạ : dù có mùa đông rét chết chim, hay * máu gái đẻ * nó bất thường lắm hay vợ dậy lau lưỡi ( lần đầu tiên người viết thấy dùng như vậy ) và xi con đái ( cũng đắt lắm ) phải lai ( đèo sau xe ) vợ đến sở, anh của Tuyên đã đánh xe đi đón, những cái hắn sợ là hão cả, thế nào là mềm nắn rắn buông, ngồi chắp chân bằng tròn, chỉ nhớ ang áng, người đã thất cơ lỡ vận, thì ra già néo đứt giây, những thằng tứ cố vô thân giết đi thì dễ, anh bứa lắm, mỡ gầu lực xực, không chanh cốm, một thời đã xa lắc xa lơ, con có nói gian thì trời tru đất diệt, chúng cháu không dám chắc lép, nhưng quả là ít vốn, Bá Tứ ngồi rười rượi nhảy xuống trẫm mình, anh với Châu cọc cạch ( độc thân, ám chỉ như ế vợ ) quá, bà bón cơm cho cháu, bà ăn cả thể nhá, sao im ắp đến thế, cái máy ảnh cà khổ, xin dành cho chị tất, cái ô tô phanh đến két một cái, bộ rui mè, có gì không nên không phải bảo nhau, sợ thọt dái lên cổ, thôi ta ăn khan một cái, thế hệ chém to kho nhừ ( lấy ăn no làm vui rồi ), có ông chồng hâm, chị vẫn gọn gàng như người son rỗi, gạo vừa đỏ vừa dớn, dáng chừng chị cả mấy lần nhấp nhỏm định nói, cái cạp sổ ruột, quanh năm hết dật tạm lại vay nóng, làm lắm thì chầy vẩy ra chứ ăn thua gì, những thứ ấy chẳng kiếm được mấy nả tiền, bác Tú Mỡ ngày ngày chăm chút lau xe đạp rồi buộc thừng treo lên, ngồi xuống chiếu, xếp bằng tròn, không để bánh xe chịn đất, quay đi quay lại, làm chân điếu đóm điếu

------------------------------------------------------------


Thay lời kết luận :

Nhà văn trước hết là người sử dụng ngôn ngữ như một người đầu bếp dùng rau cỏ, thịt thà, gia vị nấu món ăn. Làm văn không nhất thiết là sáng tạo từ mới, chữ mới. Chùi đồ đồng, đồ cổ không nhất thiết là nhai lại. Bởi vì, cùng một từ, một chữ được dùng đúng trong từng cảnh huống, nó vẫn có chỗ đắc địa. Rất tiếc là trong tất cả các nhà văn miền Bắc di cư vào Nam đã tự mình cắt cái đuôi quá khứ mở ra một lối viết mới. Hay cũng có, mà dở cũng không thiếu. Tuy không vay mượn vốn cũ, vay mượn cái cũ của người làm cái mới của mình thì tự nó vẫn là vay mượn, vẫn là cái cũ, vẫn là đi chùi đồ cũ. Cho đến nay, những suy tư, những trăn trở hiện sinh về sự tồn tại, về ý nghĩa đời sống của các nhà văn ấy, sau 54, xét ra cũng chẳng có đất sống nữa. Chẳng nói đâu xa, lối viết, lối suy nghĩ của trí thức thành thị, trưởng giả vay mượn, đượm không khí phòng trà với cà phê, thuốc lá, ánh đèn mầu, tiếng nhạc xập xình tự nó đã không có đất đứng nữa sau biến cố Phật giáo 63. Từ đó, chiến cuộc leo thang, lối viết hưởng thụ, suy tư trưởng giả về ý nghĩa đời người, về cái đáng sống hay dư thừa nhường chỗ cho lối viết nhập cuộc, dấn thân. Các nhà văn thời buổi 54-55 một lần nữa trượt dốc, bơ vơ, lạc lõng trong cuộc đu dây chữ nghĩa. Cuộc di cư năm 1954 đáng nhẽ là một cuộc hành trình chữ nghĩa, tiếp nối cái sợi giây văn hoá nối dài hai miền, tự nó đánh mất đi khúc ruột liền sản sinh ra một thứ văn chương không gốc. Lẽ dĩ nhiên, cạnh đó, nhiều trào lưu tư tưởng, văn học cũng góp vào các dòng chảy chung đó. Người viết gợi lại những chữ nghĩa của thời xa xưa miền bắc, có những chữ tự nó cũng không còn được dùng nữa ở miền Bắc. Điều đó thật tự nhiên và dễ hiểu. Nhưng phần đông, chúng vẫn là cái vốn liếng văn hóa của đất nước, của dân tộc nói chung vượt lên trên những đối lực chính trị vốn lúc nào cũng là kẻ thù của văn hóa. Nghĩ như thế mới thấy vai trò và sứ mệnh nhà văn quan trọng đến bực nào. Bài viết này, đã hẳn chưa đầy đủ, vì còn rất nhiều chữ bị bỏ quên chưa được nhắc tới, lại chưa hệ thống hóa đúng mực, nhưng trong chừng mực của một bài báo, thiết tưởng cũng là một hoài niệm của những người di cư nay di tản ra xứ người để có dịp nhâm nhi, dịp nhớ lại và hồi tưởng về một dĩ vãng đã qua. Và có lẽ đó là mục đích chính của bài nầy theo cái nghĩa : Vang bóng một thời của chữ nghĩa.
 
© http://vietsciences.net   và  http://vietsciences.free.fr Nguyễn Văn Lục

Thứ Tư, 20 tháng 3, 2013

CUỘC DI CƯ CỦA CHỮ NGHĨA - I




Năm 1954, người ta nói đến cuộc di cư người, thật ra còn có cuộc di cư chữ nghĩa nữa. Người đi, chữ cũng đi theo. Chữ nghĩa miền Bắc cũng lềnh kềnh, lếch thếch nối đuôi nhau lên tầu há mồm. Chuyến đi gian nan của nguời di cư thế nào thì chữ nghĩa cũng vậy. Chữ ở lại, chữ ra đi, chữ nào còn, chữ nào mất. Chẳng ai còn tâm trí đâu để lưu tâm tới điều đó. Chữ được di cư vào miền Nam, chở đi rồi, bao nhiêu chữ đã rơi rụng, vung vãi dọc đường. Bao nhiêu chữ đã sống còn sau khi đã hội nhập với chữ bản địa.
Phải đợi đến sau ngày 30 tháng tư 1975, người ta mới có thể biết được sự còn mất này một phần nhờ so sánh chữ nghĩa giữa hai miền. Hình như cũng ít ai để ý đến cái mất, cái còn của chữ nghĩa, vì có quá nhiều cái mất cái được được lớn hơn. Cái mất lớn hơn đó để người khác lo, người viết lạm bàn về số phận chữ nghĩa người di cư sau 1954 và nếu có dịp về chữ nghĩa của người di tản.



Phần 1.- Chữ mòn theo thời gian.



Cho dù không có cuộc di cư, chữ nghĩa cũng cách này cách khác bị xói mòn. Sự mất còn này trước hết là do sự xói mòn của thời gian . Chữ nghĩa như một vật dùng một lần thì còn ngon, nhưng dùng nhiều lần thì mòn hay cùn đi. Như cái kéo cắt mãi cũng phải cùn. Dao băm mãi cũng lụt đi. Khen đi khen lại đâm nhàm tai. Yêu nhau lắm, cắn nhau đau, hay ít ra cũng chán. Đùa dai hoài đâm nhạt như nước ốc. Hình như chữ nghĩa dị ứng với cái lập đi lập lại. Tất cả những ngữ nghĩa trên chỉ ra một điều: Thời gian và sự đi lập lại có thể làm xói mòn, hoen rỉ chữ nghĩa. Tâm lý con người lại ưa chuộng cái mới, cái lạ. Như trong tình yêu, dùng chữ đó với nhau lần đầu, trọng lượng của chữ nặng lắm, thấm thía lắm, cảm động lắm. Dùng lần thứ hai thấy nhẹ đi rồi. Phải tăng cường độ nghĩa bằng những chữ lắm, nhất, số một. Có khi cả bằng tay chân vẫn chưa đủ. Tăng lời thề.. Hình như vẫn hụt.
Trong văn chương, ta cũng gặp cảnh ngộ tương tự. Nhất là trong lãnh vực thơ . Thơ là khơi nguồn cho sáng tạo chữ mới, văn ảnh mới, biểu tượng mới. Còn nhớ, hồi thơ Nguyên Sa xuất hiện đúng lúc khi mà cuộc di cư đã hoàn tất. Chữ nghĩa thơ của ông còn nóng hổi, thơm phức như bánh mì mới ra lò. Nhiều cô cậu, ghi ghi chép chép để dùng lại :

Áo nàng vàng, tôi về yêu hoa cúc. Áo nàng xanh, tôi mến lá sân trường.

Chữ nghĩa đó được truyền tay, đến người cuối cùng có thể chỉ là chiếc bánh mì nguội. Cứng như đá. Thật ra, thơ đó có một vài văn ảnh mới. Mới với người đọc thôi. Nguyên Sa đã gợi nguồn cảm hứng từ người tình là cô Nga ( sau này là bà Trần Bích Lan) . Có thể lúc mà thơ đó mới ra lò, đối với ông, thơ văn đó chả có ấn tượng gì nữa. Nhưng mới người cũ ta. Có lẽ vì vậy mà nhà thơ suốt đời mang cái nghiệp phải sáng tạo cái mới. Sáng tạo không ngừng.
Số mệnh chữ nghĩa mỏng manh như số phận con người. Thời gian như thước đo chiều dài ngắn của chữ nghĩa, đồng thời cành báo về cái hữu hạn của nó. Sự sợ hãi của Nguyễn Du phải chăng cũng từ đấy mà ra.
Chữ có thế vắn số nên có nhiều chữ đã trở thành chữ cổ ít ai nhắc tới. Còn nhớ, hồi mới di cư vô Nam, người Bắc sửng sốt nhất, nghe lạ tai nhất là chữ Mã Tà. Mã tà thời tây là gọi là Hiến Binh, sau này trong Nam gọi là Cảnh sát, ngoài Bắc gọi là Công An. Không biết vì lý do gì, chữ Mã tà sau khoảng hai năm gì đó, không còn nghe ai nói nữa. Cũng vậy, theo sách vở (1), chữ manh nghĩa là nhỏ mọn. Người đời chỉ còn nhớ váng vất khi nó đi với chữ khác như mong manh, tan manh, chiếu manh, manh áo, manh mún. Một chữ khác như chữ Khem, nghĩa là kiêng cữ. Nếu nó không cặp bạn với chữ Kiêng thì người ta không còn nhận ra nó như Kiêng khem ra nắng, ra gió. Chữ khác như chữ Lụn, nghĩa là hết, người ta cũng chỉ dùng trong một số trường hợp hiếm hoi : Tim lụn có nghĩa tim đèn cháy hết, lụn năm, lụn ngày, mềm lụn, lụn xuống, lụn mạt. Mấy ai còn nhớ, còn biết, còn sử dụng những chữ cổ trên. Nhưng có chết đi mới có sống lại, cái chết đi ung mầm ra cái mới. Nhờ vậy mà chữ nghĩa thay đổi và tiến bộ, mỗi ngày một đa dạng, một phong phú và chuẩn xác hơn. Thời gian đã là một nhẽ, cộng thêm dụng ý của người sử dụng chữ làm chữ nghĩa sống dở, chết dở. Từ nay, chữ có thêm nghĩa. Chữ và nghĩa. Chữ dùng giống nhau, nhưng nghĩa thì mỗi người hiểu một nghĩa. Rầy rà từ đấy mà ra.
Huyền thọai về việc xây tháp cổ Babel phải chăng là một bằng cớ báo trước về sự sa đà của ngôn ngữ, chữ nghĩa và đến cả số phận của nó nữa.(2)

-----------------------------------------------------------------------------

Trong từ điển Từ Việt cổ, nhà xuất bản Văn hóa thông tin, Hà nội 2001 các tác gia Nguyễn ngọc San, Đinh văn Thiện cũng đã thu tập được gần một ngàn chữ cổ như các chữ vừa nêu trên..
Theo Thánh kinh, các con của ông Nô-ê (Noé, Noah) muốn xây một cái tháp ở Babel (Thành Babylone ) để tới được trời cao.. Chúa thấy sự cao ngạo đó nên muốn dẹp tan ý định ngông cuồng đó bằng cách tạo ra sự lẫn lộn và phức hợp của các ngôn ngữ. Quả nhiên ý định xây tháp không thành, vì mỗi người nói và hiểu khác nhau.


----------------------------------------------------------------------------

Số phận chữ nghĩa, cái sống, cái chết của nó là sống mòn, chết mòn, chết từ từ. Mỗi ngày của nó là một bước ngắn lại. Cả làng, cả nước đang dùng, vậy mà không đâu biến đi đằng nào.. Từ mòn đến là hay, nó gợi lên văn ảnh của một đồ vật mới đầu bóng loáng , sáng choang, mầu sắc rực rỡ, hấp dẫn người ta. Ai ai cũng mê, cũng nói, cũng dùng. Chữ trở thành thời thượng. Càng được dùng, càng nhiều người nhắc đi nhắc lại, càng phổ biến thì cái nguy cơ mất lúc nào không hay. Chữ vẫn đó, mà nghĩa đã mất dần . Cái xe chở chữ, lúc chở chữ này, lúc khác chở chữ khác, hoặc dán nhãn hiệu khác. Nó đã chở như thế bao nhiêu chuyến, đã thay hình đổi dạng bao nhiêu lần.
Nói như thế thì chữ mòn hay nghĩa mòn. Cái nào mòn trước, cái nào mòn sau. Chữ là cái chuyên chở nghĩa và một chữ có thể có nhiều nghĩa, tùy theo vị trí của nó trong câu nên nghĩa dễ bị mòn hơn chữ. Chẳng hạn , chữ cái và con. Chữ chỉ có hai, nhưng nghĩa thì nhiều lắm nên nghĩa lúc thế này, lúc thế khác. Cũng là con , nhưng con dao, con với cái, nhỏ con, con dại cái mang, con đĩ, cỏn con. Nhưng cũng không thiếu trường hợp cả hai đều mệnh yểu.
Chữ càng mòn nhanh nếu nó chuyên chở nhiều nội dung, ý hướng của người dùng.Tất cả tuỳ thuộc vào ý hướng người sử dụng.. Nhưng làm sao nắm bắt được ý hướng đó. Dĩ nhiên khó lắm. Vấn đề nay đã lây lan sang một chủ đề triết lý là : sự ngộ nhận, sự thông cảm hay sự bất lực trong việc tìm hiểu tha nhân mà các triết gia hiện sinh thường đề cập tới. Vì có dụng ý chữ nghĩa đôi lúc trở thành gian dối, lừa phỉnh và trong chính trị trở thành tuyên truyền. Một thứ bạo lực ngôn ngữ, một thứ vũ khí như con dao, khẩu súng. Chẳng hạn chữ Việt gian thời Việt Minh, hay chữ tay sai Cộng Sản thời bây giờ.
Với cái nhìn nhân bản thì chữ nghĩa có một cuộc sống , có dòng sinh mệnh, có thể mất, có thể còn, trôi nổi như đời sống một người. Nhiều chữ nay đã chết, nằm chôn vùi trong nghĩa địa của các Bảo tàng hay sách cổ. Nói ra cũng ngậm ngùi.
Xin trích dẫn một số chữ nghĩa làm bằng chứng về sự mất còn này. Trong lời mở đầu báo Nam Kỳ địa phận, số đầu tiên, năm 1907 có những câu như sau :
" Bổn báo kỉnh cáo, tòa báo đã ước ao cho con nhà Annam, đua nhau tấn tài, tấn đức, thông phần đạo, ngoan việc đời… Tờ báo có ý khai đàng văn minh cho nhân dân đặng tấn phát cho mọi bề, việc đạo việc đời đều thông thuộc."

Xin trích dẫn một đọan khác :

"Lời rao cần kíp. Bổn báo gửi cho mỗi người hai số nhựt trình đầu hết mà xem thử, như ai bằng lòng mua thì đem ba đồng bạc đến mượn cha Sở mua dùm.."

Trong một trả lời bạn đọc, chúng ta nghe thử lời rao sau đây :

" Bổn báo có nhận được một mandat của một ông nào đó không đề tên, không đề địa chỉ, nhưng yêu cầu gửi báo "
Tức cười thật. Nhưng 25 năm sau, trong tờ L'Impartial viết vào ngày 20-11-1929, ta thấy lối viết đã nhẹ nhàng thông thoát hơn :

" Sự giải phóng người Annam về phương diện thương mại và kỹ thuật chỉ là một huyền thoại."

Bạn đọc thấy có nhiều chữ được sử dụng cách nay một thế kỷ đã không còn được dùng nữa như bổn báo kỉnh cáo, nhựt trình, con nhà Annam, tấn tài tấn đức, khia đằng văn minh. Nhưng có nhiều chữ vẫn được dùng cho đến ngày nay như Chữ Cha Sở và nhất là những chữ khá chuyên môn cách nay 70 năm như giải phóng, phương diện thương mại và kỹ thuật, huyền thoại vẫn còn được dùng. Nhất là chữ Huyền thoại mà người viết có cảm tưởng là nó chỉ được dùng sau này trong Triết học Tây Phương mà thôi. Hóa ra nó đã có một nguồn gốc lâu đời đến thế.
Trong những chữ bị mòn, mất đi..ở trên. Vấn đề là tìm hiểu xem, tại sao chúng không còn được dùng nữa. Sự mất còn của một chữ trước hết là thói quen, rồi sự xói mòn, sự được dùng ít hay dùng nhiều, tính địa phương, sự sáng tạo của các nhà văn, nhà báo, dụng ý chính trị và cuối cùng là các cuộc di dân. Và đặc biệt nhất là cuộc di cư năm 1954 cũng là mục tiêu của bài viết này.



Phần 2. Cuộc di cư của chữ nghĩa.



Cuộc di cư năm 1954 không phải chỉ là vấn đề chính trị của một tập thể người chọn lựa một thể chế chính trị. Điều đó đúng nhưng không đủ. Một triệu người di cư chuyên chở theo cả một nếp sống văn hóa, phong tục, tôn giáo, cách làm ăn, cách suy nghĩ sinh sống, tính nết và cuối cùng cách ăn cách nói. Chữ nghĩa đã làm một cuộc di cư không tiền khoáng hậu trong lịch sử của người Việt từ Bắc vào Nam.
Khi lần đầu tiên tiếp xúc lại với chữ nghĩa miền Bắc sau 20 năm xa cách. Người viết có cái cảm giác sung sướng đến ngạc nhiên, đến bỡ ngỡ vì nhớ lại những chữ nghĩa tưởng chừng đã quên nay nhớ lại. Sau bao năm xa cách, hình như bắt lại được mình, nối lại được dĩ vãng thân thuộc, gần gũi. Chẳng hạn, lúc đọc nhà văn miền Bắc Vũ thư Hiên trong cuốn Miền Thơ ấu và nhất là cuốn Chuyện ở tỉnh lỵ, hay Tô Hoài trong O chuột (1942), Nhà nghèo (1944) và nhất là Cát bụi chân ai (1992), Nguyên Hồng, trong Cửa Biển, Nguyễn Tuân Người Lái đò trên sông Đà, Nam Cao với Chí Phèo, Đôi mắt. Nguyễn Khải với Mùa lạc. Lê Lựu với Một thời xa vắng. Và gần đây thôi Nguyễn khắc Trường với Mảnh đất lắm người nhiều ma. Họ, những nhà văn, đã làm sống lại từ trong mồ nhiều chữ mà người viết đã nghe, hoặc chính mình đã dùng và nay đã quên, đã không dùng nữa. Người viết cảm động như một khám phá, như một sưởi ấm lại ký vãng đã quên. Chẳng hạn thay vì nói, ông ấy bệnh nặng, sắp chết, hay ông ấy đang hấp hối, đã cấm khẩu, tay bắt chuồn chuồn. Nhưng hạ một câu : Ông ấy sinh thì rồi thì đã quá. Và cứ như thế dàn trải ra khắp các cuốn sách quê hương cũ tìm về, dấu chân kỷ niệm và niềm thơ ấu sống lại.
Chữ nghĩa như có hồn được vực dậy, thổi thêm sinh khí. Phần lớn những thứ chữ này có vào thời tiền chiến và gần như bị * đoạn tuyệt * vơi TLVĐ. TLVĐ chẳng những đoạn tuyệt với phong tục, nếp sống cũ mà cả với chữ nghĩa cũ nữa. Như vậy, song song với nhóm TLVĐ, vẫn còn sót lại một dòng văn học ngược chiều với nhóm Văn Hoá Ngày nay và cứ thế nó kéo dài đến bây giờ. Và một lần nữa, nó lại phải đương đầu với những nhà văn trẻ, thế hệ sau 1975, thế hệ sau cởi trói hay sau nữa Hậu Hiện đại.
Cũng một cách thức tương tự, người ta tìm thấy ở miền Nam với Nhóm Sáng Tạo đổi mới nội dung, giải phóng chữ nghĩa bằng cách sử dụng những từ có vóc dáng triết lý thời thượng. Bên cạnh đó có một dòng chảy văn học chữ nghĩa như khe suối nguồn, lau lách, rỉ giỏ giữ lại cội nguồn, giữ lại bản sắc của mình với Sơn Nam, Bình nguyên Lộc và đặc biệt nhất là nhà văn Lê Xuyên. Đây là một hiện tượng văn học có vóc dáng và đáng nể.
Nhưng chuyện phải đến đã đến. Càng đọc các nhà văn miền Bắc, càng thấy chữ nghĩa mất nhiều lắm. Đếm không hết, nói mấy cũng không đủ.


Luật của đa số
 


Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài. Coi vậy mà đúng lắm. Người mới đến phải vào khuôn, phải thích ứng, phải hội nhập. Sức ép của đa số buộc người mới tới vứt lại hành lý mang theo. Ngôn ngữ, tiếng nói phải vứt dầu tiên vì nó khác người ta quá. Tiếng nói là cái phải điều chỉnh đầu tiên. Phải vặn lại đinh ốc hàm dưới, điều chỉnh lưỡi, điều chỉnh tần số âm thanh ở tai, nhất là một thảo trình mới cho bộ óc. Càng ít, càng thiểu số, càng vào nhanh, càng giống khuôn đúc (4). . Cái mà còn giữ lại cuối cùng là giọng nói.
Thoạt đầu là các chữ chửi của dân miền Bắc vốn là sắc thái văn hoá bản địa. Đặc thù và cá biệt. Ai chửi hay và chửi có bài bản, có nghệ thuật, có vần điệu, ví von, có tay nghề bằng miền Bắc. Chửi hay như thế nên có kẻ làm nghề chửi thuê kiếm ăn. Chẳng hạn, trong chuyện Chí Phèo của Nam Cao, Chí Phèo chửi để lấy tiền uống rượu đến tay sừng sỏ trong làng như lão Bá cũng chào thua. Có những chữ nghĩa thuộc loại anh chị, chửi có tay nghề ở miền quê nghênh ngang lên tầu há mồm, coi ai chẳng ra gì. Vậy mà vào đến miền Nam gặp anh Hai ở cầu Ba Cẳng hay bến Tầu Sàigòn, chị Ba Cầu Muối, Chị Năm chợ cá Trần quốc Toản đành tắt tiếng. Các chị chữ nghĩa miền Bắc vẫn có thói quen đứng dạng háng, tốc váy, hoặc vỗ đồ bồm bộp đứng xo ro một góc khi nhìn thấy những thằng cha bự tổ trảng, cởi trần, cười thì mồm vàng choé những răng vàng. Không im tiếng sao được. . Tiếng chửi thề của tay anh chị miền Nam không có lời đáp trả. Tiếng chửi tục (5) biết thân, biết phận tan hàng.
Tất cả những tiếng chửi tục đủ loại đã có một thời khét tiếng tỉ như Tiên sư bố, tiên sư cha, tổ sư cha. Không bao giờ được nghe nữa. Chả bù với ở miền Bắc, nhớ lại các anh chị chữ nghĩa này chửi ra rả cả ngày, cả đêm không ai dám đụng đến.
Trong suốt 20 năm sống ở miền Nam, sống chung đụng với dân miền Bắc, người viết chưa nghe. Cùng lắm, nghe chửi trên Tivi vào những dịp tết.(6)

------------------------------------------------------------

Người viết đã sống một thời gian ở các vùng Dầu Tiếng, nơi mà dân Bắc vào làm phu cạo mủ. Nơi đây, không có một dấu tích dù là nhỏ cho biết họ là gốc Bắc nữa. Tiếng nói, giọng nói, cách ăn mặc, tập tục tan hòa loãng vào cái bản chất miền nam. Cũng không có tháp chuông nhà thờ, mái chùa, không có đình đám, không hội hè. Giải trí duy nhất của họ là lâu lâu một gánh hát vọng cổ ghé qua. Họ biến chất hoàn toàn.
Chửi là một phong tục, hay thói quen của người miền Bắc. Chửi trở thành một nghề như chửi thuê, khóc mướn. Vì thế chửi cần có tay nghề, chửi có bài bản, lớp lang, bới móc chuyện xưa cũ, nguyền rủa đến tam tứ đại. Đàn ông thường chỉ là văng tục, còn đàn bà chửi tục như một nghề. Một trong những người viết về phong tục người miền Bắc là ông Toan Ánh qua nhiều tác phẩm như Phong tục Việt Nam, Nếp xưa, Bó hoa Bắc Việt vv Rất tiếc, ông né tránh vấn đề chửi tục.
Giữa chửi thề trong Nam và chửi tục miền Bắc, theo tôi, có sự khác biệt. Người Nam chửi thề vô tội vạ, chửi bất cứ lúc nào, nhất là trong lúc nhậu nhẹt, lúc vui, chửi mà không nhằm đối tượng nào, nhất là không có dụng ý bôi nhọ. Người Bắc chửi thường nhắm đích danh người nào và thường trong lúc giận dữ, có dụng ý. Vì thế, tiếng chửi miền Bắc coi ra nặng nề hơn tiếng chửi thề. Lại nữa, chửi tục ở miền Bắc, sản phẩm của chế độ phong kiến


------------------------------------------------------------

Thứ đến các chữ liên quan đến bộ phận sinh dục, các hành vi liên quan đến chuyện sinh lý, bài tiết, đến chuyện ăn nằm giữa hai vợ chồng. Người Bắc có văn hoá cao, tránh cái thô tục không cần thiết nên đã có trăm cách, trăm lối diễn tả xa xôi, bóng gió được coi là tao nhã. Vào trong Nam dẹp hết tất tần tật. Cái nào ra cái nấy phân minh, đơn giản và vắn gọn. Đi cầu là đi cầu. Không bầy đặt hoa hòe, hoa sói. Cái đơn giản, cái thực tiễn không hàm ngụ, không gợi ý đôi khi lại thanh tao gấp mấy lần cái thanh tao thứ thiệt.

Tính chơn chớt , thật thà, có sao nói dậy đánh văng chữ nghĩa miền Bắc.

Bên cạnh chửi tục, người Bắc còn có lối nói mát, nói mỉa, nói xéo, chê bai cũng độc địa lắm. Chửi cha không bằng pha tiếng là vì vậy. Những lối nói này sử dụng trong những liên hệ, tương quan gần như người quen thuộc, người làng, người hàng xóm, bạn bè. Nó có nhiều cấp độ từ chê bai, khinh bỉ, trách móc, coi thường giận hờn, bực bội.. Nó chứa chất chút gì độc ác, bơi móc từ tính nết chi li từng cử chỉ, gia cảnh, cái nghèo, cái đói, cái bần tiện, rạch ròi từng cái dốt nát, cái ngu xuẩn, cái kém cỏi, cái độc ác của mỗi người.


- Tỉ dụ nói mỉa mai :


Cái mặt nó vác lên, trông nó đú đởn, ăn cơm hớt ấy, cho chó ăn. Thường sự mỉa mai nhắm vào sự nghèo khổ, sự ăn uống, vào tính nết, về phái tính và sự đe dọa.


- Về nghèo khổ :


Dân miền Bắc túng quẫn nên lấy cái ăn, cái uống làm đầu. Lúc giận rủa nhau cũng mang cái ăn uống ra mà nhiếc móc nhau kể cũng không lấy làm lạ. Tỉ dụ diếc móc người ta như : nghèo rớt mồng tơi, nghèo lõ đít, thí cho nó tý tiền, cứ gọi là đói vàng mặt, đói rã họng. Nghe những chữ diếc móc trên đôi khi đau lòng còn quá chửi. Vì thế, người đời mới sợ tiếng diếc móc đến cầm bát cơm lên ăn không nổi..Vì thế có tâm trạng khác nhau : Khi nghe chửi, ta thấy tức giận, khi bị diếc móc, ta cảm thấy nhục. Từ tâm trạng đó kéo ra hai lối phản ứng. Khi bị chửi, ta chửi lại hoặc muốn đánh trả lại, ăn miếng trả miếng trong tương quan bình đẳng và rất có thể tương quan bất bình đẳng, kẻ yếu chửi kẻ mạnh. Nhưng khi bị diếc móc, bị sỉ nhục thì tương quan lệch, kẻ trên-kẻ dưới, nên nạn nhân hầu như

------------------------------------------------------------

của một xã hội bất công, bị chà đạp, không có công lý. Không dễ dầu gì kiện tụng. Chửi là một bù trừ cho pháp luật, trả lại lẽ công bằng cho kẻ thua, kẻ mất, kẻ thiệt thòi. Dĩ nhiên, không thiếu trường hợp cha chửi con. Nhưng cứ lý ra, lý giải trên vẫn có cơ sở.
 ------------------------------------------------------------

không có đòn để đỡ, vì yếu thế không dám đáp trả, cam chịu ẩn nhẫn và cùng lắm nuôi hận trả thù. Cho nên, về mặt tâm lý, bị diếc móc vẫn đau hơn bị chửi. Thông thường những người có văn hoá, những người có địa vị, ở trên người khác có giáo dục thường ít chửi mà nói diếc, nói móc, nhẹ hơn là nói bóng , nói gió..(7)


Về tính nết :


Phải quen biết, phải qua lại mới biết nhau, biết từ chân tơ kẽ tóc, đến lúc giận hờn thì mang tính xấu người khác ra rủa. Chẳng hạn rủa : mắt ông viền cải tây rồi, đồ thông manh, trông vậy mà đáo để ra phết, đồ ông mãnh, cứ giãy .. lên như đĩa phải vôi, nhanh nhẩu đoảng, lanh cha lanh chanh. Tất cả những lối nói trên đều dựa vào một sự vật, vào một biểu tượng cụ thể có thật để gợi lên một ý tưởng xấu. Biến cái cụ thể thành một ý niệm trừu tượng(8)
Cả một nếp sống văn hóa, truyền thừa, kinh qua kinh nghiệm mới nhận ra cái tế vi, cái dị biệt mà biên giới nghĩa chỉ cần xảy chân một cái là dùng sai, hiểu sai. Xử lý đúng chỗ, đúng trường hợp hẳn không phải là dễ. Đồ thông manh thì nặng hơn mắt ông viền cải tây. Đồ cám hấp thì nặng hơn đồ dở hơi. Đồ láu cá láu tôm thì nặng hơn đồ ông mãnh. Nói không đâu vào đâu thì khác nói chua như giấm. Cân nhắc vụ việc, đánh giá từng trường hợp, xử lý người – việc – rồi dùng từ.. thích đáng.

------------------------------------------------------------

(7) Tùy theo trường hợp, còn những chữ diếc móc tuỳ thuộc cấp độ nặng nhẹ tùy thuộc rất nhiều vào tình huống, vào giọng nói, và nhất là vào người nói. Có những điều rơi vào miệng người này nó nặng trở thành chết người, nặng như búa bổ. Nhưng ở người khác thì lại chấp nhận được. Chắc là nhiều người đã có kinh nghiệm mấy bà mệnh phụ gốc Bắc, chỉ cần bà khen chê, kéo lê cái giọng thưỡn thẹo mà người viết ở đây đành chịu không cách chi mô tả cho đúng được. Cứ thử rồi biết. Chẳng hạn : ăn phải đũa nhà người ta, đồ ăn bám, thứ đó được mấy nả, theo voi ăn bã mía, có khối nó chịu nhả cho đấy, đồ đi bòn của, đồ tha phương cầu thực. Cho ăn uống ở nhờ đến lúc canh không lành cơm không ngọt thì rủa : ăn mòn đũa mòn bát nhà người ta, ăn chậm như sên, bà ấy nói như móc họng đến gần phải mửa cơm ra mà trả lại, thôi thì cũng phải vắt mũi đút miệng, được bữa hôm lo bữa mai. Tất cả những lối diếc móc, nói bóng nói gió chẳng hiểu bằng cách nào chúng biến mất. Người viết cũng không hiểu tại sao nữa.

(8) . Con đĩa giẫy trở thành ý niệm cứ quýnh cả lên. Và cứ như thế có những chữ khác cũng theo quy trình đồ vật – ý niệm như : đồ nỡm, thằng nỡm, đồ giở quẻ, nó cứ trêu ngươi, dấu như mèo dấu cứt, cứ ngồi chầu hẩu ra đó, tưởng kín bưng kỳ tình ai cũng biết, nói chua như giấm, chua lòm lòm, nói không đâu vào đâu, không có đầu cua tai nheo gì, thằng đó ba lăng nhăng, chẳng đâu vào mới đâu, làm gì cũng lau cha lau chau, đồ láu cá láu tôm, cứ lững tha lững thững, đứa nhãi ranh, vênh vênh váo váo.
Chữ theo voi ăn bã mía gợi lên một văn ảnh rõ rệt : theo đuôi chỉ ăn đồ thừa, đuôi thẹo. Các chữ như : chỉ đâm ba chầy củ, đồ láu cá láu tôm, vênh vênh ngậu xị lên, đồ cám hấp, ngu như lợn, đồ miệng năm miệng mười, đồ dở hơi, quá thể lắm, đồ phải gió ở đâu, chuyên môn nói kháy, nói leo, cái giống nhà mày, thứ đó được mấy nả, trốn như trạch, đồ thông manh, đồ ông mãnh, đồ đi bòn của. Mỗi chữ đều gợi lên một văn ảnh và không chữ nào giống nghĩa chữ nào .

------------------------------------------------------------

Tất cả đòi hỏi sự khôn ngoan, tính toán và trải đời. Đó là thứ văn hoá chửi mà không ăn mòn bát mòn đĩa ở miền Bắc không hiểu thấu đáo được. Vào đến miền Nam sau này, người dân miền Nam với nếp sống giản dị đã trấn áp người miền Bắc, quy kết là khôn ranh. Bỏ đi Tám. Đù má, nói gì thì nói mẹ nó đi cho rồi, vòng vo tam quốc hoài, mệt quá. Vậy là phải dẹp cái thói xỏ xiên, văn hoa chữ nghĩa. Người miền Bắc di cư chỉ có mỗi một con đường trong lối sống và cư xử mới là dẹp bỏ tất cả những từ chửi bới, diếc móc ở trên. Vì thế, mấy ai còn nhớ đến những lối diếc móc trên.

- Về phái tính :

 Người phụ nữ miền Bắc vốn là nạn nhân của nhiều thứ, của đủ thứ đến cái gì xấu đích thị là của phụ nữ. Đến cái gì khen thì thật sự cái đó có lợi cho đàn ông. Khen tứ đức tam tòng là lời khen chết người, buộc chặt, trói chân người phụ nữ thành tên nô lệ không công. Khen tiết hạnh khả phong là lời khen trớ chêu nửa khóc, nửa cười. Khen trinh tiết làm đầu là một lối khen họan, khen thiến không hơn không kém, chẳng khác gì hoạn quan. Nói tách bạch ra, con C… là chúa, là vua.

Nhưng những lời nguyền rủa quả không thiếu mà có thừa. (9)

------------------------------------------------------------

(9) Những lời nguyền rủa cũng lấy nữ giới làm đối tượng, mà đặc biệt do chính đàn bà rủa đàn bà. Quan niệm trọng Nam, khinh nữ của thời phong kiến tồn tích lại đẩy xô thân phận phụ nữ thành một phụ phẩm thấp kém, hèn hạ dựa trên những thói đời bất công, dựa trên nền đức lý hủ lậu giả hình, man trá đẩy họ xuống đất bùn. Chẳng hạn có những câu diếc móc nhẹ nặng đủ thứ, đủ kiểu xuất phát từ tâm địa độc ác, hận oán : người đâu có thứ người..sáng bảnh mắt còn nằm trương xác ra. Đàn ông nằm đến bảnh mắt thì không sao cả. Dậy muộn cũng là một tội lỗi. Hoặc nặng hơn nữa : đồ thối thây, nó bơi tro trát trấu vào mặt, con gái con đứa,  cô ấy cong cớn, những cô này mới nứt mắt nảy nòi mà sao giống những mụ nạ dòng già đời, da dẻ nó hon hỏn thế này. Tất cả đều nhắm vào phái tính hay đĩ tính : õn à õn ẹo, đanh đá lắm cơ, một cô gái giăng hoa, một lũ lĩ con gái, chửa buộm ( chửa với người khác không phải với chồng), chó dữ mất láng giềng, dâu dữ mất họ, mẹ cái hĩm, con bé tình ra phết, mà phải biết là đỏng đảnh
.
 Chưa chồng có cái khổ riêng lại thêm cái khổ của miệng lưỡi thế gian : Già kén kẹn hom . Ăn mặc lơ đễnh một chút cũng khổ : cái yếm xẹo xọ để trật ra cái sườn nây nẩy, cái người đàn bà dại dột đã nằm ềnh ệch ra đấy, nói dại nếu mày chửa thì ăn nói làm sao, cái yếm cổ xây thật trắng, cái quần lụa buông chùng xuống tận gót, ăn bận sang đến cô đầu cũng không ăn đứt, nó nhân tình đến trăm thằng, bọn lý dịch chẳng anh nào không thậm thọt ra vào nhà nó, nó mặc áo cánh xát xí, nào yếm vải phin, nó tơ tuốt ghê lắm (diện). Diện cũng chết mà không diện cũng chết : chết nỗi không tơ tuốt, chồng nó chê, con đó phải lòng thằng khác, nó chỉ nhong nhóng suốt ngày, cơm bưng nước rót đến tận mồm, nó lẳng lơ và nhẹ dạ, hai con rồi mà vẫn còn trẻ mau máu, trai làng hay chớt nhả và bẻm mép, cô gái mỏng mày ngày xưa bây giờ là đàn bà sồ sề, cô ấy chúa đời là khỏe.Thiệt là khổ. Khổ đầu, khổ đuôi, khổ trên , khổ dưới, càng dưới càng khổ.

Sưu tầm từ
© http://vietsciences.net   và  http://vietsciences.free.fr Nguyễn Văn Lục

Thứ Sáu, 15 tháng 3, 2013

THẾ NÀO LÀ RƯỢU COGNAC II

Không có chữ A đầu tiên, chữ A là để cho dân nhậu xỉn gần quắt cần câu rồi, nên lò rượu Pháp kỵ chữ A xếp đầu.

[*] BISQUIT DUBOUCHE:



Tại Janac vào thời kỳ vua Napoleon thua trận . Lập năm 1819 , nó là một trong Tứ Đại Thiên Vương làng rượu. Số lượng sản xuất khá nhiều và ngon. Có 3 hầm rượu chứa đến 20 triệu gallons rượu này. Năm 1966 chủ lò đành phải chịu thua với số tiền chất đầy sân của nhà Ricard (nhà chuyên rượu ngọt danh tiếng), nên giao lò cho đại công ty này. Có 3 hạng trong kho được ghi như sau: 3 Stars, V.S, rồi V.S.O.P kế đó là Napoleon, rồi Fine Champagne, sau đó là Extra Vieille. Nhưng trần thế ít khi gặp loại Extra Vieille, chỉ thường thấy loại Napoleon mà thôi. Nhưng mua loại Napoleon thì uống hết chai mình cũng buồn y như Đại Đế Napoleon, người buồn vì mất nước, người buồn vì hết tiền mua chai nữa!



[*] CAMUS:


Trước đó là do nhóm hùn hạp với nhau tên là "La Grande Marque" lập từ năm 1863 cho đến 1930 thì đổi tên là Camus. Bán mạnh qua những xứ Đông Âu như Anh quốc và Nga. Cầm đầu tổ hợp này là dòng họ Jean Batiste Camus. Họ có nhiều lâu đài đẹp như chuyện thần tiên vậy, có rừng thông xanh mát, và nhiều hồ rộng lớn để hàng năm ngỗng trời về đây nghỉ mát chơi nghe thử tên là biết: Château du Plessis, Château d’Uffaut. Lịch treo tường phong cảnh thường chụp lâu đài này hoài.

 



Lò này mỗi năm tung ra trần gian trên 8 triệu chai Cognac mang tên Camus. Cũng đánh hạng rượu như trên là: 3 Stars, V.S., V.S.O.P rồi Napoleon. Nhưng vào năm 1963 họ tung ra một loại rượu quý đánh giá 100 năm lập quốc của triều đình Camus tên là Celebration. Đắt tiền nhất hạng tên là Hors d’Age hay Reserve Extra Vieille, chỉ xuất hiện quanh vùng Cognac, Paris chưa thấy bóng dáng nó huống chi Los Angeles hay New York. Đây xứng đáng danh hiệu là Liệt Lão Anh Hùng còn tụi Nhóc Con đừng rớ tới nghen? Còn một loại mà ta gọi là: Đại Lão Cái Thế Anh Hùng mang phù hiệu cái thế quần hùng là: Chateau D Uffaut Grande Fine Cognac. Hàng năm chủ lò Camus chỉ tung ra trần gian hạ giới độ 2000 chai mà thôi, mà trong khi đó đã có trên 10 ngàn người xếp hàng rồi, thì làm sao tới bạn. Đặc biệt chủ lò không nhận bán qua điện thoại và không bán nguyên thùng, chỉ bán lẻ từng chai mà thôi, như vậy trọc phú ngân hàng Mỹ Quốc hay chúa trùm Mafia cũng chịu thua luôn, còn muốn thì cho đệ tử đứng xếp hàng cả ngày như bên Xã Hội Chũ Nghĩa bên Nga dạo nào thì cứ việc.

Nhưng chủ lò vẫn dấu tuyệt chiêu trấn sơn ngự thủy mang tên là: Chateau Plessis Extra Fine cần cổ màu vàng chói. Chủ lò dùng để biếu tặng những vị nguyên thủ quốc gia lên núi thăm lò Camus. Chai này được đánh số thứ tự khi ra khỏi trấn sơn ngự thủy lâu đài Camus. Họ đã cho 1 chai cho Hitler vì nếu không cho bị ăn bom là cái chắc, họ cho Tổng thống Charles de Gaulle khi Paris được giải phóng, còn anh hùng Thế Chiến Tướng 4 sao Eiseinhower được họ tặng chai Chateau d’Uffaut Extra Fine mà thôi, Tây già mũi lỏ khôn thiệt.

[*] COURVOISIER:


Đặc biệt hãng này không có ruộng nho và cũng không có hầm riêng chứa rượu nho của mình, nhưng công ty này hàng năm lại bán đến 25 triệu chai courvoisier. Lập ra năm 1899 họ nổi tiếng nhờ mua trữ những hầm rượu mới khui hầm ra, rồi mua thêm những hầm rượu ngon khác mà đem về pha chế theo cách riêng của họ. Đúng ra là năm 1790, Mr. Courvoirsier là lái buôn rượu, ông mua từ những hầm rượu rồi bán lẻ ra thị trường từng chai một. Nhưng đến lúc nào đó thị trường quá nhiều rượu nên hãng ông bị chậm lại, rượu ngon thì quá đắt bình dân mua không nổi, còn rượu dở thì quá nhiều bán không lời, cho nên Mr. Courvoirsier nghĩ ra cách riêng của mình. Ông mua những hầm rượu đắt tiền, rồi pha trộn với những rượu rẻ tiền thành ra một loại rượu của ông đứng vào hạng B gần hạng A, nhưng bán rất nhiều, ngon hơn rượu dở, lời quá mong ước. Làm giàu rồi thì khoái quen lớn, lúc đó Mr. Courvoisier cứ nằng nặc mình là bạn thân của Vua Napoleon lúc còn trẻ khi Napoleon làm Trung Úy Pháo Binh. Không hiểu lúc đó Napoleon có biết uống rượu hay không đây? Chẳng lẽ ra đảo St Helene mà hỏi đại đế Napoleon? Dân Pháp rất thích quen những tay to mặt lớn cho oai, đình đám rượu chè liên miên mới khoái.

Công ty Courvoirsier đến năm 1900 bán cho gia đình cự phú Simon bên Anh (chuyên môn rượu nặng), rồi đến năm 1960 thì lọt vào dòng họ Canada chuyên về rượu mạnh là họ Hiram Walker, trứ danh Johnny Walker nhãn đỏ hay nhãn đen (mà dân Saigon thường gọi là thằng Johnny đi bộ. Đi xe hơi mà uống rượu thì tù là cái chắc, đi bộ chắc ăn hơn). Courvoirsier đánh thứ hạng là: 3 Stars, V.S.O.P, rồi đến Napoleon, cao cấp nhất là Extra Vieille.

[*] DELAMAIN :


Do gia đình De la Main, người Anh gốc Pháp. Sir William Delamain được phong tước là Marshall of Dublin (bên Anh), đất đai rộng vô cùng. Ngày kia đời cháu giàu có về Pháp vinh quy bái tổ, năm 1759 lập ra hãng rượu để hưởng nhàn và phong lưu tột bực. Năm 1824 đổi thành tên là Roullet & Dalamain. Năm 1935 cháu chắt là Robert Delamain lập ra một từ điển nói về Cognac, cách phân loại ... mà những bợm nhậu biết đọc biết viết nên có để khỏi mua lầm rượu Chợ Lớn. Delamain xếp hạng rượu của mình: 3 Stars, Liquid Gold, V.S.O.P, Long Drink Filano (dân nhậu nghe chữ Long Drink là khoái rồi vì nhậu tới sáng bò càng về nhà mới sướng), cao cấp nữa là Pale and Dry Grande Delamain (30 tuổi), cao nữa là Vesper Tres Vieille, rồi tột cùng là Tres Vieux Cognac de Grande Delamain (không hiểu bao nhiêu tuổi đời đây?).





[*] DENIS-MOUNIE :

Dân Anh thích uống nhiều hơn dân Mỹ, vì Anh mua gần hết rồi làm sao đến New York hay Los Angeles được? Năm 1838 dòng họ lập ra công ty xuất nhập rượu rồi lập lò rượu luôn. Hàng năm họ bán trên 2 triệu chai. Danh hạng gồm: 3 Stars, Gold Leaf, VSOP, Vieille Cognac, cao cấp là Grande Reserve Edouard VII để tưỡng niệm vua Anh King Edward VII lên ngôi từ năm 1901 - 1910, đẳng cấp cao nhất là: Grande Champagne Extra, chua thấy tung ra ngoài trần gian từ hơn 25 năm nay (1972).


[*] HENNESSY:


Cánh tay sắt cầm búa rìu tung hoành thiên hạ, chưa gặp đối thủ vừa ý. Một trong Tứ Đại Thiên Vương trong thiên triều hảo từu. Gốc người Anh, Sir Corkman Richard Hennessy, năm 1865, rời Anh đem một gia sàn kết sù lập lò rượu cho bạn bè mình uống cho phỉ chí bình sanh. Ngày nay hãng rượu hạng trung MOET và CHANDON xin gia nhập đại bang Hennessy. Tích sản công ty tự phụ là có đến 200 ngàn thùng tônnô (toneaux) (tương đương 60 triệu chai). Dân Mỹ lại khoái hiệu này, nên hơn 4/5 được xuất cảng sang Hoa Kỳ. Nhưng đặc biệt hãng này lại có nơi chuyên làm thùng tônô bằng gỗ limousine oak cho những lò cognac nổi danh tại Cognac xứ Pháp.

Danh hạng như sau: Bras Arme (Cánh tay Bạc = tương đương 3 Stars), loại VSOP, loại Bras d’Or (cánh tay Vàng = tương đương VS) Mỹ rất thích loại này. Loại X.O có mùi thơm nhẹ như bông trái plum (đào tím) (tương đương VSOP). Còn loại Extra ít khi thấy tại thị trường lưu linh bên Mỹ, bên Pháp còn ít nói chi Mỹ. Hennessy thu lợi nhiều nhờ bán ra Hoa Kỳ, nhưng họ không xem trọng Hoa Kỳ, họ cho là dân thuộc loại ngưu ẩm



[*] HINE:


Do Thomas Hine làm chủ gốc người Anh, trước đó anh làm nhân công cho lò rượu Ranson & Delamain (năm 1792). Nhờ cần cù và đẹp trai như Ăng Lê nên con gái độc nhất chủ lò rượu Delamain phải lòng. Cha vợ chia một phần lò rượu cho con rể, năm 1817 lò này mang tên Thomas Hine. Anh phò mã này thêm một mớ công thức riêng nên chất rượu khác lò chánh và ngon hơn. Năm 1971 thì công ty Anh mua mất theo stock thị trường. Lò Hine này không có vườn nho riêng, nhưng họ mua về trữ những lò khác bán tống bán tháo, rồi pha trộn và thêm công thức riêng. Hàng năm lò náy bán đến trên 2 triệu chai. Mỹ bợ về nhà hết 90 %.

Danh hạng gồm: 3 Stars (bán tại Pháp và Anh, nhưng sang Hoa Kỳ thì đôi tên ra Sceptre, không có VS, còn VSOP không bán tại Hoa Kỳ bao giờ. Tại sao? Bù lại họ bán riêng cho Mỹ loại VSOP Fine Champagne không bán tại Âu Châu, loại Antique Vieille Fine Cognac bán tại Pháp không tại Anh Quốc, còn qua bên Mỹ họ cho thêm Triomphe Grande Cognac. Loại cực hiếm bán tại tỉnh Cognac là loại Tres Vieille Grande Cognac không bán trên Paris. Dân ghiền muốn có phải thường xuyên đọc báo tỉnh Cognac, rồi sớm hôm sớm mai âm thầm khăn gói về quê Cognac đừng nói cho bạn bè biết, nhưng cũng lỡ chuyến đò vì dân quê Cognac xếp hàng từ hôm trước rồi, trễ thì đợi năm sau vậy.

[*] MARTELL:


Đây là dân Việt nam khoái nhất, vì Pháp đô hộ đem qua, tàu bè chuyên chở cả tháng nên phải mua rượu rẻ bán cho An Nam mới có lời, trước đó thì uống rượu đế hay rượu Tàu Mai Quế Lộ là mừng rồi. Lập năm 1715 vẫn cha truyền con nối, không được bán hãng cho tụi Anh và tụi Mỹ nghen. Di chúc vẫn còn ghi rõ ràng vậy. Đến nay là đời thứ 9 rồi, phẩm chất ngon hơn Hennessy. Dòng họ này chăm sóc cẩn thận từng gốc cây nho của đồi nho trùng điệp miền Nam nước Pháp, làm chủ một phần rừng núi cây sồi limousine oak để đóng thùng, họ rất kỵ thuốc sát trùng phun lên cây nho. Vài năm trước nghe lời xúi dại của Hoa Kỳ mà phun loại thuốc trừ sâu mới chế thay thế DDT, làm họ đổ xuống sông gần 2 triệu lít. Lúc đó... Hà Bá say gần chết. Nho có mùi thuốc sát trùng, dân nhậu đâu có ngu họ có lỗ mũi thính nhất trần gian.

Lúc đồng minh HoaKỳ còn ở VN, nhiều PX của Mỹ mua loại này bán cho GI Mỹ rất nhiều, GI mua ra và bán lại cho dân nhậu Saigon. Mấy anh Ba Tàu ChợLớn cũng sản xuất được rượu Martell, nhưng chất nước thì nghe câu chuyện sau đây: Anh lính Mỹ được vợ Việt giới thiệu có 5 thùng Martell mới thảy xuống từ kho 5 bến tàu, trời ơi, giá sao mà rẻ quá. Đồ ăn cắp mà. Xĩa đô la đỏ ra không cần thối lại. Đãi khách thì đông phải biết. Khách khứa tới rần rần, cười nói như bắp rang, uống vào một hớp rượu Martell, khách phun ra pheò phèo. Móc súng đòi bắn chủ nhà, rượu gì mà khai quá, hình như tụi nó lấy nước đ... ngựa đổ vào cho cùng màu, cho đỡ pha thuốc màu. Võ trái cây măng cục cũng màu vàng tương tự như vậy nhưng rất khai, khách không giận sao được?

Danh hạng rượu: Dry Pale (bán tại Anh), VS tương đương 3 Stars, cao hơn là Medaillon VSOP bán cho nhà hàng loại cao cấp Paris, loại Cordon Blue, loại này nếu mua về thì cất riêng trong tủ hay che lại, vì mấy thằng bạn quen nó thường uống rượu như uống nước lạnh vậy, rất uổng, cho nó uống thứ VS đủ rồi, còn mình uống Cordon Blue một mình khi trăng lên thì sướng biết mấy. Còn Cordon d’Argent chỉ xuất hiện quanh thủ đô Paris mà thôi (tuổi trên 35). Còn Extra Vieille Martell thì chỉ có thượng lưu quý tộc được phép mua từ lò Martell mà thôi (tuổi không dưới 45). Còn muốn có loại trên 50 năm thì vô làm rể lò Martell đi.


[*] MONNET:

Do công ty hỗn hợp bởi nhóm ruộng nho và 3 lò rượu hạng trung, vì năm đó nho trúng mùa nhưng không ai chịu mua nho làm rượu, vì quá nhiều, nên 3 chủ lò rượu thấy thế hợp nhau mà ký hợp dồng tương trợ với nhau, nếu lúc nho hiếm thì 3 lò này phải được ưu tiên có nho trước thiên hạ. Năm đó là năm 1838. Bán rất mạnh tại Thụy Điển, đôi khi thấy rải rác một vài tiệm rượu ở New York. Nhưng thùng đựng rượu thay vì dùng cây sồi tại rừng limousine, họ dùng cây sồi tại rừng Troncais.

Xếp hạng: 3 Stars (qua Mỹ đổi tên là Regal). Kế đó là VSOP (khá ngon). Loại Anniversaire Fine Cognac thì kể như quỷ kiến sầu, quỷ uống vô cũng sầu bi lập tức. Còn loại này mà nếu Hoàng đế Napoleon còn sống cũng mặt rồng hoan hĩ vô cùng tận, tên là Josephine Tres Vieille Fine Cognac, tên nào cũng thấy ngon hết, nào là Josephine, nào là Tres Vieille, nào là Fine, uống một ngụm nhỏ rồi mai lên pháp trường vĩnh biệt cũng OK.



[*] OTARD:

Không hãng làm rượu nào lâu đời bằng công ty này. Lập năm 1494 trước đó chỉ dành cho nhà thờ và giáo sĩ cao cấp trong Giáo Hội Thiên Chúa. Mấy vị Giáo Hoàng rất thích loại rượu nho của hãng này, vì những ruộng nho năm nào cũng được mấy giám mục thành Balê đến ban phép lành, uống vào lên thiên đàng là cái chắc. Năm 1795 thì bá tước Baron Otard hậu duệ với vua Stuart King James II bên Anh quốc, nên nhớ lúc đó ảnh hưởng quyền lực triều đình Anh quốc rất mạnh lên nước Pháp. Họ có nhiều hạm đội hùng mạnh nhất thế giới, còn Pháp có nhiều ruộng nho nhất thế giới. Vua King James II bị truất phế bởi vua William of Orange vào năm 1690. Đại gia đình quý tộc Ramford có cổ phần trong lò rượu này. Thật sự Otard bán rất mạnh tại Ấn Độ rồi lan qua Viễn Đông (Anh chiếm Ấn Độ trước rồi Pháp sau). Xếp hạng: Stars, VS bán mạnh tại Mỹ, loại Baron Otard VSOP Fine Cognac dành cho đơn đặt hàng 5 năm trước đó, trả tiền trước tính sau. Loại Prince de Cognac tuổi trên 25 năm, dân mua thường lái xe Roll-Royce xếp hàng chờ đầy núi đồi của lâu đài này. Loại Charles X chỉ thấy trình bày tại hội chợ triễn lãm rượu quốc tế, không ghi giá bán thì đừng thắc mắc ai biết trả lời. Lính canh gác chai này rất kỷ trong lúc chợ phiên, sợ tay ma men nào làm ẩu thì sao?


[*] POLIGNAC-UNIOOP:

Nội nghe tên cũng thấy nực rồi hai chữ oop oop y chang như mấy tay bợm nhậu ợ ợ vì hơi rượu quá nhiều trong bụng. Đọc âm thanh đúng dân nhậu là: Poli ợ ợ nhắc ợ ợ uni ợ ợï ... oop ... oop mới đúng. Lúc đó xỉn quá trời sầu đất thảm rồi, nhướng mắt hết lên rồi, đọc cà lăm là cái chắc. Thật sự tên nó oai lắm: The Union Cooperative de Viticulteurs Charentais (UNIOOP) lập năm 1929. Nó rất mạnh, không ngon lắm nhưng rất rẻ ngang rượu đế Bà Quẹo vậy, nên dân nhậu nghèo tiền nghèo bạc cũng ủng hộ lắm, tương tự như tôm hùm rất ngon nhưng không có tiền ăn tép cũng được rồi. Năm 1949 hoàng tử không ngai Prince Hubert de Polognac, thuộc họ gia đình vương giả Le Puy (bên Pháp). Còn nhớ giặc cờ đen giết ai không? một trong những hoàng tử họ Le Puy đó, ai biểu không ở Pháp mà uống ruợu mà lặn lội qua Hà Nội làm gì? Lúc đó Hà Nội đâu có 36 phố phường? Giặc cờ đen xơi tái là phải rồi, tại Ô Cầu Giấy đấy. Nhờ "dân ngu khu đen" nghèo mà ham uống rượu nên hãng này chiếm gần 10% thị trường Pháp. Năm 1969 bán lên đến 2 triệu chai hơn. Danh hạng: 3 Stars bán khắp hang cùng ngõ hẽm, loại VS tầm thường nhưng mang tên là Courone, loại VSOP Fine Cognac uống cũng tàm tạm, loại cao cấp nhất là Dynaste Grande Fine Cognac bán rất hạn chế tại Pháp, bùa hộ mạng của họ mà.


[*] REMY MARTIN:


Đây là thứ dữ trong làng rượu, thuộc một trong Tứ Đại Thiên Vương không thua gì Martell quốc hồn quốc túy rặt giống dòng Gaulois Pháp . Lập năm 1724, hiện nay do 2 đại gia kiểm soát: Max Cointreaux (hãng làm rượu mùi có tiếng nhất của Pháp) và Martin Remy G. Remy Martin không có nhãn 3 Stars, nhưng ra liền VSOP (đúng trên 5 năm). Hàng năm bán trên 8 triệu chai, dân Giao Chỉ và mấy công chức đời Pháp tại Saigon rất thích nhậu với tôm càng xanh nhảy lói xói nướng trên than hồng rồi chết luôn cũng không ân hận gì trần thế đầy giả dối ô trược. Hạng Lancet d’Or (Mỹ mua nhiều), loại Grande Reserve bán tại siêu thị phi trường quốc tế miễn thuế nhập nội, mỗi người được l chai thôi, loại Vieille Reserve bán tại bar rượu hạng sang, loại Âge Inconnu (đừng hỏi tuổi mà chi, không biết đâu) không bán mà tặng cho những chiến sĩ có công cho đất Pháp? Chắc công uống rượu quá? Napoleon và Fine Cognac nếu được uống một ly là bệnh gì cũng khỏi chỉ trừ bệnh "ghiền" không trị được mà thôi loại Lancet d’Or Grande Cognac nghe như huyền thoại của dân Gaulois? Loại chót Louis XII Grande Cognac (tuổi không dưới 25) được đãi trong những yến tiệc quốc khách. Vua Á Rập, tuy kinh Koran cấm uống rượu, nhưng thích mua tặng cho đại sứ quen của Á Rập, còn dư cất trong tủ sắt chung với hột xoàn lớn nhất nhì thế giới.

Còn lại những lò nhỏ sau đây : A.E d’Or, M. Rangeau, Augier, Brillet, Comandon, Exshaw, Gaston de Lagrande, Marnier Lapostelle, P . Frapin. Những lò này nếu bạn thiếu một vài chai rượu cũng không đáng lo lắm .
Là một vùng núi cao, cách Charete độ 80 miles (trên 100 cây số). Nơi dây cũng làm Brandy nhưng gọi là Armagnac (rượu mạnh ngang Cognac). Vì những đàn anh giàu có, văn minh dành hết những lò rượu ngon rồi, nên xứ Phù Tang Nhật Bản đành chạy qua tỉnh kế bên Cognac mà Armagnac vậy. Dân Nhật uống rượu đế sake hoài đâm chán nên phải bắt chước văn minh thiên hạ chớ, mua rất nhiều những chất lỏng màu vàng, uống vào là hồn du địa phủ còn hơn nước trăng trắng hôi mùi gạo rượu sake.

Vì tỉnh này chuyên dùng loại cây sồi chất gỗ màu đen black oak, nên chất rượu chứa trong thùng chuyển màu vàng sẫm hơn Cognac, mùi cay nồng hơn cognac vì chất tannin của gỗ cây sồi đen chừng 8 năm thì màu đậm như 25 năm của Martell rồi. Khó phân biệt lắm, muốn phân biệt thì phải tu luyện trong làng lưu linh khoảng trên 20 năm, và có lẽ tại Mỹ thì bằng lái xe của bạn bị treo ít nhất chục lần, có khi bị cúp luôn cho đi xe buýt thì mới phân biệt được.

Hảo tửu của Armagnac: Marquic de Montesqiuo, Lafontan, Malliac, J. Gauvin, Iles des Ducs, Larressingle, Kressmann, Domains Boingneres, San Gil, Condom, Pacherene.



Nấu rượu:


Phòng chưng cất rượu

Thường thường đến tháng 11 là những lò nấu rượu rất bận rộn vì mùa nho chín rộ. Lò nấu liên tiếp không được tắt củi lửa ròng rã đến 8 tháng, ngày đêm lửa củi phải đúng lửa vì nếu yếu lửa thì rượu sẽ không ngon y như người ta làm đồ gốm vậy, lò cừ phải đun ngày đêm lửa huyền diệu mới biến hóa chất được. Những người nấu lò ăn và ngủ kế lò nấu rượu luôn. Mùi rượu nồng nặc hầm nấu nóng hừng hực không uống cũng xỉn từ lâu, lúc này chủ lò đừng chọc thợ nấu rượu, ông Trời họ cũng không sợ huống chi chủ mập mà giàu. Canh không kỹ lưỡng, nồi xúp de quá ép mạnh lò rượu nổ là thường, chủ và thợ lên gặp thần ma men ở thượng giới dễ dàng.

Chánh phủ thường cử nhân viên đến kiểm soát lò rượu thường xuyên, và những đợt rượu vào thùng tô nô thường có chữ ký của kiểm soát viên. Chữ ký này rất quan trọng khi trình làng cho công chúng xem. Đâu phải dân nhậu nào cũng biết chất rượu? Có dân chỉ biết nhậu rồi lũi dưới gầm giường cho tới ngày mai có biết gì ngon dở đâu?

Rượu nấu xong, để nguội 3 tuần, rồi vào thùng rồi lăn xuống hầm đá của những lâu đài cổ xưa đợi ít nhất 3 năm mới lăn lên mặt đất, rồi vô chai, rồi lên xe ngựa hay xe bò hay xe lửa. Có loại rượu mà chủ lò biết là mùa nho năm nay quá ngon họ đóng dấu để trên 10 năm rồi vào chai rồi cất dưới hầm sâu thêm 20 năm nữa như vậy là trên dưới 30 năm rồi.

Có lần họ nhớ một chuyện một nhà thờ vùng Chateaubernard có nhiều hầm rượu ngon, ngày kia bị bom sập thời đệ nhị thế chiến người ta quên lãng vì quá lâu đời, khi thợ khui hầm rượu ra thì thấy quá nhiều chai rượu ngon nhưng không có giấy tờ chứng minh tuổi tác. Họ mời những chuyên gia nếm rượu danh tiếng trên thế giới đến nếm được ghi là tuyệt diệu. Và nhãn hiệu được dán ghi chữ là Âge Inconnu (không biết tuổi). Lúc đó mỗi chai bán đấu giá cả chục ngàn dollars là thường. Dân nghèo đừng hỏi kẻo đau khổ thêm. Có lần vào năm nào đó, hàng trăm ngàn gốc nho của Pháp bị bệnh dịch chết rụi lá hết, đó là vi khuẩn tên là Phylloxera Vastatrix, không có thuốc trị, chỉ còn cách đào gốc lên rồi đốt. Nhiều chủ ruộng nho thấy cây nho mình chết héo lá rồi đốt lửa phừng phừng, ông buồn rơi lệ. Tuy ghét Mỹ thậm tệ, cái gì nó cũng không biết nhưng nó có quá nhiều dollars nên ghét nó chơi cho hả tức. Vụ này Pháp đành phải xuống nước mua hàng trăm ngàn gốc nho giống từ California mà đem về Pháp trồng, chứ nếu không có gốc giống của Mỹ thì bây giờ "nhà nho" (xin lỗi lầm chữ làm ruộng thì gọi là nhà nông làm nho thì gọi là nhà gì bây giờ?) trồng khoai mì hay sao?

Vì rượu Cognac đặc biệt như vậy nên mỗi mùa Giáng Sinh, Tết Lễ đến là thiên hạ sốt vó đi tìm rượu về gói lại trịnh trọng dâng sếp như vậy sếp mới vui lòng. Chẳng lẽ biếu sếp bằng một chai sữa bò và cười khè khè và nói thêm sữa bổ dưỡng hơn rượu?! Chỉ có nước cho Sếp nguyên 3 lon sữa bò hiệu hai Trái Núi thấy ngon mắt hơn sữa ông Già. Nhìn hai trái Núi thì cơn giận của Sếp hạ hỏa liền. Trái núi này khó nói lắm. Ngó hoài coi chừng bà xã cho ăn bạt tai rồi la lớn đồ cha già dê không nên nết, ngó gì dữ vậy?
Hơn 380 triệu đồng cho 1 chai whisky thượng hạng ! ( Tương đương 24 .000 USD )


Vừa rồi chai rượu whiskey được bán với giá 24 nghìn USD một chai . Dân Hongkong thật sự có tiền , biết xài sang . HÌnh như đây là nhóm Shaw Brothers , đại công ty chuyên đóng phim mà Châu nhuận Phát , Lưu đức Hoà ....từng là nhân viên dưới quyển của họ . Chủ tịch công ty nầy là một ông lão già gân ...có đến 4 xe Rolls Royce loại Special Edition .

Đại gia sản xuất và phân phối rượu nổi tiếng của Anh là Diageo đang mở chiến dịch bán những chai rượu whisky thượng hạng Johnnie Walker với giá 24.000 USD/chai nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh người đã sáng lập ra nhãn hiệu này.
Trong số những người đầu tiên mua được sản phẩm sành điệu này, thật bất ngờ lại là một người Trung Quốc nhân dịp tổ chức lễ hội Johnnie Walker tại Thượng Hải. Một chai khác cũng đã được mua với giá tương tự do chính một chuyên gia pha chế rượu của Diageo và bật nắp trong buổi giới thiệu hôm 17/11 tại London.
Tất cả các chai Johnnie Walker Scotland được chọn lần này đều có tuổi đời từ 30 tới 70 năm. Dự kiến có khoảng 200 chai như vậy được mua trong dịp kỷ niệm này, kéo dài cho tới lễ Giáng sinh. Diageo cũng chính là chủ sở hữu những thương hiệu nổi tiếng như rượu vodka Smirnoff hay bia Guinness.

Đây là lần đầu tiên rượu Johnnie Walker được bán với giá cao tới như vậy (tương đương 381.780.000 đồng Việt Nam). Đó là chưa kể để uống nó, rất có thể người thưởng thức còn phải trả thêm chút tiền boa cho người phục vụ mình. Trước đây, một chai vang thượng hạng của Italia đã được bán với giá 16.000USD vào năm 2000.
Từ tối 14/11 vừa qua, lễ hội whisky thượng hạng Johnnie Walker cũng đã được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội của Việt Nam.


Nhật Vy (Theo AFP)



© http://vietsciences.free.fr  http://vietsciences.net  Sagant Phan